Người Chỉ đường Ở Lyon

2
Lyon. Hình: Allan Baxter/ The Image Bank Getty Images

Tôi còn bảy ngày rảnh rang trong cái lúc năm hết Tết đến. Còn chưa biết dùng nó vào việc gì thì bỗng một anh bạn gọi điện:
– Ði Lyon chơi đi. Thành phố quan trọng thứ nhì nước Pháp. Tính về độ lớn thì thứ ba. Thế mà tớ lại chưa tới đó lần nào. Cậu có thể tưởng tượng được không ?

– Tưởng tượng được. Chính tớ cũng chưa đến đó.

– Ta cùng đi chơi, hả? Tớ có thằng bạn cố tri ở đấy. Tớ sẽ gửi e-mail báo trước cho nó biết. Thằng này cũng độc thân như tụi mình. Nó sẽ đón tụi mình, sẽ dẫn tụi mình đi thăm thành phố. Không có hướng dẫn viên du lịch nào bằng nó đâu.

Tôi OK. Ngồi lên TGV phóng ào ào rồi mới biết ông bạn cố tri của anh bạn tôi không trả lời. Ông ta hoặc không mở máy PC, hoặc máy của ông hỏng bất tử, đã thế lại lười không ra cybercafe gõ phím để nhận thư. Thời hiện đại không có nghĩa mọi người phải hiện đại theo. Anh bạn tôi giận bạn ông bạn cố tri của mình lắm. Tôi thì cười. Tôi có những ông bạn còn không biết e-mail là cái chi nữa kìa.

Anh bạn tôi rồi cũng phải dàn hòa với tình thế bất khả kháng. Hỏi ra mới biết anh thậm chí không có cả địa chỉ lẫn số phone để lùng cho ra ông bạn vàng. Tra cứu trong Minitel thì lười. Mà chắc gì tìm thấy? Trong trường hợp này mẹ tôi ắt mắng “nhanh nhẩu đoảng, thật thà hư.” Không có bạn dẫn đi thì phải tự đi vậy, biết làm sao bây giờ? Với một tấm bản đồ chằng chịt phố xá và linh tinh ký hiệu, chắc chắn là thế rồi. Thêm vào đấy, phải tìm cho ra một nhà trọ vừa túi tiền khi đã quá tuổi ngủ đêm trong nhà trọ dành cho sinh viên.

Lyon to kềnh càng. Và kiều diễm đáo để. Từ thế kỷ thứ 12 nó đã có những công trình kiến trúc đẹp kinh khủng. Tôi hoàn toàn bị ngợp trước cái vĩ đại của đại giáo đường Ðức Bà trên đồi Fourvière và từng họa tiết con con ở mọi bức tường, mọi cây cột, và cả trên cái vòm cao 27m của nó. Ban đêm tôi thường dừng lại nhiều lần bên cái đài cao vòi vọi ở quảng trường Bellecourt để ngước mắt lên chiêm ngưỡng Saint Exupéry bé tí tẹo và cô đơn. Ông nhà văn tài hoa của tôi chắc đang mê mải với một chuyến bay đêm lần thứ n của đời nghệ sĩ. Tôi thích cả những biển hiệu giật gân của Lyon. Tỷ như cái cửa hàng Những Nụ Hôn Man Rợ (Les Baisers Sauvages) ở gần Nhà hát Ca kịch.

Chúng tôi giải tán, mỗi người mỗi ngả, theo sở thích. Anh bạn tôi là dân nhậu theo phong thủy, nghĩa là tại hướng đình làng chẳng hạn. Anh nói cả làng Ước Lễ quê anh làm nghề giò chả chỉ vì thích ăn. Anh khoái khu Lyon Cổ với những quán nhậu san sát, anh lượn lờ ở đó để rồi luôn miệng chê những thực đơn đẹp mắt, nhưng giá các món ăn lại chẳng bình dân tí nào. Tôi thì suốt buổi cứ quanh quất bên những quán sách tựa lưng vào bờ sông Saône, rất giống những quán sách cũ nổi tiếng ở sông Seine của Paris, nhưng kém phong phú nhiều. Sông Saône nhỏ hơn sông Rhône chảy bên cạnh nó, Nhưng Saône làm tôi nhớ nó rất lâu. Bởi cuộc gặp gỡ khó quên với me-xừ Jean Pierre.

Chiều hôm ấy, vừa rời cây cầu treo trước Palais-de-Justice, tôi thấy thiên hạ đang đi bỗng tốp lại một đống bên đường. Họ ồn ào cười nói, hoa chân múa tay. Thì ra giữa dòng xe đang chạy nườm nượp kia có một ông già đang say sưa vung vẩy đôi tay chỉ đường, cho xe này đi, bắt xe kia dừng lại. Như một nhạc trưởng lên cơn trước dàn nhạc nhập đồng, hai cánh tay gày guộc bay lượn trong tiếng những động cơ gầm gừ. Mái tóc rậm bạc phơ bồng bềnh trước gió. Tôi nhìn thấy chủ nhân những chiếc xe cũng cười nghiêng ngả trước tay lái. Họ cười, nhưng nhất nhất tuân lệnh ông già chỉ đường. Chẳng ai tỏ vẻ bực dọc về chuyện ông ta bỗng dưng tự đâu nhảy ra làm phiền họ. Nhất là lại trong cái ngày thành phố bắt đầu treo đèn kết hoa chào đón lễ Giáng Sinh. Thì ra bộ mặt rất mực nghiêm trang của ông già làm cho cái trò đùa, bất ngờ đối với mọi người, lại trở nên rất thú vị, bởi nó xua tan mọi thứ stress.

Một lát sau mới thấy một anh công an giao thông trẻ măng miệng cười tươi đủng đỉnh tiến đến bên ông già. Anh ta chỉ vào đồng hồ tay, đoạn ghé vào tai ông già, nói với ông một câu gì đó. Ông già trợn mắt lên, tuồng như ngạc nhiên. Rồi hiểu ra, ông chầm chậm gật gù cái đầu rậm bù xù, bắt tay anh công an, lắc một chập. Rời chỗ, ông già vênh váo bước lên hè như người vừa hoàn thành một công việc rất đáng tự hào. Ở đó ông hồ hởi gật đầu chào đám đông bộ hành vừa nhập cuộc. Họ hể hả cười vang với ông, những cánh tay chen nhau vươn tới bắt tay ông.

Tôi vẫn đứng đó, bỡ ngỡ trước cảnh tượng được chứng kiến cho tới khi đám đông giải tán. Ông già lại tưởng tôi đứng chờ để được bắt tay ông, liền chìa tay cho tôi.

– Hân hạnh. ố tôi nắm tay ông ố Rất hân hạnh!

Cái bắt tay trả lại mạnh hơn tôi nghĩ, với số tuổi của ông. Ông cười hà hà:
– Vất vả. Nhưng mà vui. Không có tôi ấy à, ố là là, mọi sự cứ là lộn tùng phèo. Ông bạn có thuốc lá đấy không?

– Có đây!

Tôi rút bao thuốc. Ông dùng ngón trỏ và ngón giữa gắp một điếu nhanh như một nghệ sĩ xiếc.

Tôi bật lửa cho ông. Ông cúi xuống, rít một hơi ngon lành.

– Jean Pierre deà

Và nói tiếp một cái họ dài dặc mà tôi lập tức quên ngay cùng với quyết định không cần nhớ. Tôi ấp úng một cái họ Việt khó phát âm và cũng khó nhớ không kém.

Ông ngoắc tay ra hiệu tôi đi theo ông vào chỗ bức tường thấp, nơi dựa lưng của những quán sách, ở đó khuất gió. Và ông ngồi ngay xuống đấy cái ịch, tự nhiên như ngồi xuống sofa nhà mình.

Cử chỉ đó tố cáo ông là một clochard. Từ điển Larousse định nghĩa: “clochard là người vô gia cư, sống cuộc đời lang bạt và nghèo túng.” Không sai, mà chưa đủ. Khi không có gió thổi, một mùi hôi từ người Jean Pierre bốc lên nồng nặc ố mùi clochard. Mùi clochard là một đặc trưng cần phải đưa vào từ điển để không thiếu.

– Ông bạn người Indochine?

Tôi gật đầu.

– Tôi đã ở đó, hừm, năm nào nhỉ? 1947. Hoặc 1948. Ố là là, Kinh lắm. Những đồng lúa ngập nước, đầy đỉa. Du kích Việt Minh với những chùm lá cây phủ kín người. Những hầm chông. Bọn bắn tỉa… Ố là là!
Lúc đó tôi chưa ra đời.

Tôi ngồi xuống bên cạnh ông. Mùi khăn khẳn đặc biệt của các clochard thường gặp trong các ga Métro của Paris tiếp tục xộc vào mũi tôi.

– Ông đã đánh nhau ở Việt Nam?

– Tất nhiên. Một điếu nữa, hả?

Tôi dúi bao thuốc vào tay ông. Nó biến mất ngay lập tức trong một cái túi nào đó trong rất nhiều cái túi của Jean Pierre.

– Tôi còn đánh nhau ở Algérie nữa kìa. Ố là là, ở đó nóng lắm, nóng vô cùng. Và rất nhiều bụi. Tôi đã ở Batna, Biskra, Sid Ben Abbès, Mostaganem, I-n-Salahà – ông nói một tràng những tên thành phố ông đã qua, trong khi nhấm nháp cái âm sắc lạ tai của chúng mắt ông nhoè nước. Có thể, tôi có những đứa con ở đó nữa.

– Ông có bao giờ định tìm chúng không?

– Không. – Jean Pierre lắc đầu quầy quậy ố Tìm mà làm gì? Nhưng ông đã quan tâm tới chúng thì, hừm, ông là một người dễ mến.

Tôi thản nhiên nhận lời khen. Dân clochard là thế. Jean Pierre không phải là clochard đầu tiên mà tôi gặp. Những clochard ở Paris rất hay gợi chuyện. Họ tha những chai rượu vang rẻ tiền xuống Métro, uống tới say khướt, rồi ngầy ngà bắt một khách bộ hành nào đó vô tình ngồi gần nghe chuyện mình. Tôi thường ậm ừ mấy câu vô nghĩa rồi nhảy bổ vào toa xe khi tàu vừa tới. Nhưng đây là Lyon, thành phố không quen biết, nơi tôi không gặp được ông bạn cố tri của một ông bạn tầm phào để đi chơi cùng, cũng chẳng biết nên rời khỏi nó hôm nay hay ngày mai?

– Ông cũng dễ mến. Ðược gặp ông là một thú vị đối với tôi. Ông người thành phố này?

Jean Pierre gật đầu một cách không khẳng định.

– Cái đó có ý nghĩa gì trong thời đại của chúng ta? – Jean Pierre triết lý – Vào cái thời tôi còn trẻ những cuộc gặp gỡ giữa Âu và Á như thế này là hiếm hoi lắm.

Một đôi trai gái Nhật Bản đi ngang. Người con trai kín đáo quay lỗ ống kính bằng hạt đậu nhọn trên cái máy ảnh digtal bằng bao diêm về phía chúng tôi. Tôi nghe thấy một tiếng tít khe khẽ. Anh chàng đã kịp chụp một pô có hai clochard một Âu một Á.

Jean Pierre bảo:
– Tôi thấy hơi đói bụng. Ông bạn thế nào?

Tôi thực thà:
– Tôi cũng thấy đói.

– Vậy thì tại sao chúng ta không đi ăn? Tôi biết một quán cous-cous gần đây, được lắm. Từ ngày ở Algérie tôi khoái món đó vô cùng. Ông đã ăn cous-cous lần nào chưa? Ngon lắm. Ði với tôi. Tôi mời ông bạn mà. Ông đi chứ?

Một bữa tối được mời trong một thành phố xa lạ, lại do một clochard chính hiệu, vui thật. Nó có vẻ là đoạn đầu một câu chuyện hay ho. Như chuyện một tay nhà giàu phát khùng, bỏ vợ bỏ con, bỏ biệt thự sang trọng trong khu ở của triệu phú, bỏ cả giới thượng lưu, để lang thang làm một clochard dưới đáy Paris. Không phải mọi clochard đều nghèo. Có người nói với tôi như thế.

– Thế nào, ông bạn, đi chứ?

– Tại sao không? ố tôi nói.

Chúng tôi đứng lên. Jean Pierre định khoác vai tôi, nhưng cánh tay ông già đã đưa lên lại thõng xuống. Chắc ông chợt nhớ ra, rằng ông có một cái mùi không vừa mũi những người bình thường.

Chúng tôi đi dọc theo ke Tilsitt. Từ đây có thể ngắm cảnh bờ sông bên kia ố những ngôi nhà trung cổ nhô ra thụt vào lẫn lộn với những ngôi nhà tiền hiện đại, một nhà thờ Thiên chúa giáo thấp tè, Hôpital Antiquaille đồ sộ, và xa hơn nữa – những tháp nhọn có riềm của Basilique Notre-Dame de Fourvière.

Jean Pierre kéo tôi vào một tiệm ăn nghèo nàn và xập xệ theo chuẩn mực châu Âu. Chủ quán, một người đàn ông Ả Rập, lông mày rậm và mũi khoằm, nhăn mặt khi nhìn thấy Jean Pierre. Nhưng khách là khách, không thể có sự phân biệt đối xử, ông ta đành nở một nụ cười gượng gạo:
– Bon soir, Jean Pierre!

Jean Pierre gật đầu chào lại, đi đến cái bàn trong góc. Chắc hẳn đó là cái bàn quen thuộc của ông. Tôi ngoan ngoãn theo sau. Ngả người trên ghế, Jean Pierre gọi cous-cous, kèm theo một chai vang đỏ.

Không biết tại tôi đói bụng hay là món cous-cous ở đây do một đầu bếp tài ba nấu, nhưng nó ngon tuyệt. Nó ngon đến thế nào có thể căn cứ ở những thán từ “ố là là” của Jean Pierre. Vang Algérie ngọt lợ và kém chát rất nhiều so với vang Pháp.

Món ăn ngon làm cho Jean Pierre trở nên bốc. Qua câu chuyện trong bữa ăn, tôi mới biết Jean Pierre từng là một quân du kích trong Ðại chiến thế giới thứ hai, lúc còn là một thiếu niên.

– Tôi là một người cứu nhân loại khỏi thảm hoạ phát-xít. ố Jean Pierre đấm xuống bàn – Một anh hùng.
Người cứu nhân loại ăn như rồng cuốn và uống như hũ chìm. Chúng tôi đánh ngã chai vang thứ hai. Nó được mở sẵn từ trong bếp và theo tôi, nhạt hơn và có phần chua hơn chai trước. Jean Pierre không nhận thấy có điều gì khác lạ. Ông cạn hết ly này tới ly khác.

– Sau đó, tôi đi sang Ðông Dương đánh bọn phiến loạn.

Tôi nóng mặt, cãi lại. Tôi cũng đã hơi say say. Vang nhạt cũng là vang, vang Pháp hay vang Algérie thì cũng thế. Không phải nước lã.- Không phải bọn phiến loạn, mà là quân khởi nghĩa. Một cuộc chiến đấu giành độc lập của những người nô lệ.

– Thì cũng như nhau. Có gì khác? Nước Pháp là nước Pháp. Thuộc địa là thuộc địa. Thuộc địa nổi loạn. Nước Pháp dẹp loạn. Ở Algérie cũng vậy.

Tôi cương quyết phản bác:
– Không thể như nhau được. Một đàng là những người chiến đấu cho tự do. Một đàng là quân xâm lược.

Jean Pierre trợn mắt. Tôi nhìn thấy những tia đỏ trong con ngươi mắt ông khi ông nhào cả bộ mặt râu ria lởm chởm qua bàn về phía tôi. Tôi tưởng ông ta sẽ xông vào tôi lúc đó. May, ông chỉ tiếp tục xông vào đĩa cous-cous bỏ dở của tôi mà ông đã kéo tuột về phía mình trong chớp mắt.

Ăn xong, Jean Pierre ợ mấy cái liền với vẻ mặt hết sức khoan khoái. Ông đặt bánh đét xe, tiện miệng gọi chai thứ ba.

Chai này còn nhạt hơn nữa. Hoặc là một thứ rượu khác hai chai trước.

– Thì có gì khác? Chúng tôi cũng từng chống bọn bosh khi chúng xâm lược nước Pháp của chúng tôi. Như bọn Việt Minh ở Ðông Dương của ông bạn. Này, bọn Việt Minh ấy, ố là là, chúng nó đánh khá lắm. Với tư cách người lính, tôi xác nhận điều đó. Sự thật là sự thật. Như một franc là một franc.

Mi mắt tôi bắt đầu nặng. Tôi bắt đầu không hiểu những câu nói tiếp theo của Jean Pierre. Ông ta nói những điều không có lý. Nhưng chẳng lẽ thế giới này có lý?

– Sau tất cả những cuộc chiến tranh chết tiệt đó, tôi làm cảnh sát giao thông. ố tôi nghe thoảng bên tai giọng lè nhè của Jean Pierre – Ðó mới là một nghề ra nghề. Ông bạn hãy tưởng tượng một ngày nào đó tất cả các đèn đường đều tắt ngóm và ở các ngã ba ngã tư ngã năm ngã bảy không có một viên cảnh sát giao thông nào… Ố là là!

Jean Pierre ngước mắt nhìn lên trần, hai tay ôm lấy đầu, hình dung ra cái ngày khủng khiếp đó.

Tôi gật gù, chỉ để chứng tỏ tôi đang chăm chú nghe.

– Rồi tôi về hưu. Nhưng thỉnh thoảng tôi vẫn ra đường hỗ trợ các bạn đồng nghiệp. Ố là là, họ cần tôi lắm. Nhân loại cũng cần tôi. Như ông bây giờ. Ông cũng cần tôi trong cái thành phố này đấy rồi ông thấy. Ông bảo ông mới tới lần đầu?

– Tôi mới tới lần đầu.

– Tối nay tôi sẽ dẫn ông tận nơi ông cần tới. Ông hơi say rồi. Ông sẽ không tìm nổi đường trong tình trạng này.

– Không, tôi không say.

– Ðừng cãi. Ông sẽ không tìm nổi đâu khi xe cộ càng về khuya càng thưa thớt. Tôi là người chỉ đường mà. Không phải cho một mình ông. Mà cho cả nhân loại.

Khuya thật rồi. Những người khách cuối cùng đã lần lượt đứng lên trả tiền và ra về. Tôi kiên nhẫn chờ người chỉ đường cho cả nhân loại trả tiền cho bữa ăn tối. Ông ta mời tôi mà. Nhưng Jean Pierre hình như quên bẵng chuyện đó trong sự vướng bận với những ý nghĩ trọng đại về sứ mệnh cao cả. Phép lịch sự không cho phép tôi giục ông.

Ông chủ quán mũi khoằm đứng bên trong quầy thỉnh thoảng lại ném cho tôi một cái nhìn nghi ngại. Rõ ràng ông ta sốt ruột chờ tôi ra một cử chỉ gọi ông tới tính tiền.

Jean Pierre tiếp tục uống nốt ly rượu còn lại với vẻ suy nghĩ lung. Tôi thất vọng. Tôi chờ thêm một lát nữa. Jean Pierre có dáng kẻ ra gan, không thèm để ý đến tôi.

Khi đã không còn có thể kéo dài thời gian hơn nữa, tôi thò tay vào túi áo, rút ví.

Chủ quán lập tức xuất hiện bên cạnh tôi với cái đĩa cáu bẩn, trên đó nằm chềnh ềnh mảnh giấy tính tiền.
Món cous-cous tuyệt vời được tính với giá rất rẻ. Nhưng khoản trả cho ba chai vang dở ẹt thì được phóng đại tới mức Andersen vĩ đại cũng phải sửng sốt. Ở nước Pháp văn minh không có lệ kì kèo khi trả tiền cho bữa ăn. Tôi không quên bỏ thêm vào một euro tiền boa, cũng theo tục lệ của nước Pháp văn minh.

Những ý nghĩ trọng đại lập tức rời bỏ Jean Pierre, hoặc là chính Jean Pierre rời bỏ chúng, và chúng tôi đứng lên.

Jean Pierre nhìn tôi âu yếm. Cái nhìn của ông chan chứa tình yêu. Ông khoác áo ngoài cho tôi, cẩn thận cài từng cúc áo:
– Tiết trời bây giờ tệ hại lắm. Lại có dịch cúm nữa. Phải ăn vận cho ấm vào. Nước Pháp đẹp thật, nhưng đầy rẫy nguy hiểm. Phải quàng khăn chặt thế này này mới bảo vệ được cái họng.

Ông nhẹ nhàng đưa tay lên khoác vai tôi, dìu tôi đi qua những phố sáng và những phố tối. Mỗi khi qua đường, ông giơ tay ra hiệu ngăn những chiếc xe đi tới bằng một dáng điệu trịnh trọng và kiên quyết. Xe cộ tuân lệnh ông răm rắp, làm tôi bất giác phải kính nể ông bạn clochard già lão, giờ đây không còn thấy bốc mùi.

Sáng ngày ra, tôi quyết định quay về Paris. Chúng tôi đã ở đây bốn ngày. Anh bạn tôi thấy thăm Lyon thế đã đủ.

Trong khi chờ tàu, chúng tôi vào một quán điểm tâm. Ăn xong, tôi đưa tay rút ví để trả tiền thì không thấy cái ví ở chỗ cũ. Tiếp tục tìm nó ở những chỗ nó không thường ở cũng không thấy nó đâu.

Anh bạn tôi nheo mắt mỉm cười:
– Bị móc mất rồi phải không? Ở đâu?

Tôi nhún vai. Có trời biết tôi đã đánh rơi ví ở chỗ nào. Có thể khi trả tiền bữa ăn tối tôi đã bỏ nó không đúng chỗ, tức là không đút vào túi mình. Lúc ấy tôi say.

Tôi không muốn nghĩ rằng người chỉ đường cho nhân loại đã cầm cái ví của tôi khi ân cần cài mọi cúc áo cho tôi. Nghĩ như thế thì tệ quá.

 

VŨ THƯ HIÊN

2 BÌNH LUẬN

  1. Được 1 tay cựu lính lê dương không nhà “mời” đi ăn món cous-cous. Thôi kệ, xem như tốn chút tiền mà được ăn món độc, ngồi nghe hắn kể chuyện đời lính lê dương ngang dọc của hắn từ Pháp, Đức, qua Việt Nam, qua Algerie …

    Có điều không biết hắn có kể thật không? Hay toàn là láo khoét để được ăn chùa, uống chùa, rồi còn được cái bóp tiền. Nhưng bọn lính lê dương thì tư cách là như thế, toàn là bọn lưu manh.

    (Lính lê dương: Legionaire – Lính thời thực dân của Pháp, thu dụng bọn thanh niên lêu lổng ở các thuộc địa châu Phi và ngay ở Pháp, chuyên đánh thuê cho Pháp)

  2. Nước Pháp có nhiều” người -chỉ-đương”,như thế ! Không những ở Lyon mà cả Paris !! Cám ơn nhà văn VTH đã thi- vị- hóa “người -chỉ đường”.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên