Ngày Tết đối với người Việt rất thiêng liêng. Không khí Tết là không khí của gia đình sum họp, không chỉ riêng người sống mà với cả ông bà tổ tiên. Vì thế chiều 30 tháng Chạp có lễ cúng rước Ông Bà. Đến mồng Ba lại có lễ tiễn đưa.
Về vật chất thì những gì tốt nhất, đẹp nhất đều dành cho ba ngày Tết. Thực phẩm đặc biệt dồi dào. Nhà cửa được trang hoàng, quần áo tinh tươm. Lễ phép trong cư xử với mọi người. Là thời điểm hướng về thiêng liêng để nguyện cầu. Cúng bái Tổ tiên, đi lễ Chùa, đi lễ Nhà thờ.
Nói chung mấy ngày Tết là mấy ngày hạnh phúc, dọn mình để đón mừng năm mới với hy vọng.
Thời còn chiến tranh Nam Bắc dịp Tết hai bên cũng từng tuyên bố ngừng bắn, dù vẫn có vi phạm lẻ tẻ, nhưng ít ra thì chuyện đổ máu trong mấy ngày đầu năm cũng giảm được rất nhiều.
Miền Bắc, kẻ gây chiến tranh, đưa đề nghị ngừng bắn chẳng phải vì họ tôn trọng ý nghĩa thiêng liêng, mà là thủ đoạn. Còn miền Nam, chỉ tự vệ, ngừng bắn đã hẳn là chuyện vui mừng. Đó là sự khác biệt của hai bên và cũng là lý do tiềm ẩn miền Nam bị thua cuộc chiến: Gian trá vs Thật thà.
1) Tết Mậu Thân, năm 1968, đêm giao thừa ông Hồ Chí Minh đọc thơ “chúc Tết” chính là mật lệnh tổng tấn công toàn miền Nam.
Bao nhiêu máu xương đã đổ ra ở khắp miền Nam sau lời “chúc” đó? Lời “chúc” đó so với lời nguyền rủa cái nào ghê rợn hơn? Có sự lừa bịp nào kinh khủng hơn thế không? Vấn đề là không phải chỉ riêng máu của người miền Nam mà có cả hàng ngàn xác “bộ đội cụ Hồ” nữa!
Từ đó cái Tết thiêng liêng truyền thống của người miền Nam đã mất. Đã biến thành ngày giỗ chung của hàng ngàn gia đình. Đặc biệt ở Huế.
Mãi đến bây giờ, Tết vẫn là hồi tưởng của ác mộng, vì hình ảnh khai quật được ở các ngôi mộ tập thể cho thấy xác người chồng chất, tay bị trói, cột dây chuyền, dấu vết bị đánh đến chết (vì Việt cộng tiết kiệm đạn) đang hiện ra ngay trên màn ảnh nhỏ của từng gia đình.
Với bài thơ Trên Đường Về Chế Lan Viên từng mường tượng “muôn ma Hời sờ soạng dắt nhau đi”, rồi cảm thán:
Đây, chiến địa đôi bên giao trận
Muôn cô hồn tử sĩ hét gầm vang
Máu Chàm cuộn tháng ngày niềm uất hận
Xương Chàm tuôn rào rạt nỗi căm hờn
Chế Lan Viên mang tâm trạng của người Chàm đã đau xót, uất hận, căm hờn, thì hình ảnh “muôn ma Việt” trong thảm sát Mậu Thân phải diễn tả như thế nào?
Phải chăng vì thế, khi sự thật về cuộc chiến huynh đệ tương tàn được phơi bày ra ánh sáng, từ một thi sĩ sùng bái bác và đảng, đến cuối đời ông đã tỉnh ngộ?
Xin trích đoạn 3 bài thơ trong Di Cảo của Chế Lan Viên. [2] [2] https://vanhaiphong.com/ai-toi-banh-ve-tru-di-chum-tho-trong-di-cao-che-lan-vien/
Ai? Tôi?
Mậu Thân 2.000 người xuống đồng bằng
Chỉ một đêm, còn sống có 30
Ai chịu trách nhiệm về cái chết 2.000 người đó?
Tôi!
Tôi – người viết những câu thơ cổ võ
Ca tụng người không tiếc mạng mình trong mọi cuộc xung phong
Bánh Vẽ
Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Đêm vui!
Trừ Đi
Sau này anh đọc thơ tôi nên nhớ
Có phải tôi viết đâu ? Một nửa
Cái cần viết vào thơ, tôi đã giết đi rồi!
….
Và thơ này rơi đến tay anh
Anh bảo đấy là tôi?
Không phải!
Nhưng cũng chính là tôi – người có lỗi!
Đã giết đi bao nhiêu cái
Có khi không có tội như mình !
Ngày nay “giải phóng” đã biến thành cướp. “Tự do” đã biến thành ngục tù của người yêu nước. “Hạnh phúc” đã biến thành dân oan cả nước, ngoại trừ thứ hạnh phúc là đặc quyền của quan chức, đảng viên.
2) Cũng vào dịp cận Tết, ngày 15 tháng Chạp năm Kỷ Hợi, tức ngày 9/1/2020, 54 năm sau thảm sát Mậu Thân, lại có thêm thảm sát Đồng Tâm. Lần nầy cộng sản dùng một lực lượng cảnh sát “khủng” tấn công vào làng lúc nửa đêm để xử tử một nông dân đảng viên, “đồng chí” lão thành cách mạng Lê Đình Kình, vì dám thách đố chế độ về việc đảng ban đặc quyền cho bọn cướp đất đồng Sênh. Tiếp theo là “Tòa án” xử tử hình, tù giam con cháu ông và dân làng, nạn nhân của vụ tấn công đó. Người tổng hợp dữ kiện để làm Báo Cáo Đồng Tâm nhà báo Phạm Đoan Trang, vừa được giải thưởng nhân quyền quốc tế Martin Ennals, đang bị án tù 9 năm. Bản án phỉ nhổ công lý bị thế giới phản đối.
Xử tử ông Lê Đình Kình và án tù người làng Đồng Tâm con số rất nhỏ so với thảm sát Mậu Thân nhưng là một biến cố quan trọng. Vì đó là một cảnh báo sắt máu chế độ gửi cho người VN.
3) Ngày 27 Tết năm Quý Sửu, tức ngày 19/1/1974, Trung Quốc đánh chiếm Hoàng Sa, 74 chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa hy sinh, cộng sản Hà Nội hoàn toàn im lặng vì Phạm Văn Đồng đã ký Công hàm công nhận lãnh hải Hoàng Sa thuộc Trung Quốc từ ngày 14 tháng 9 năm 1958 (!) Như vậy ai bán nước, chính nghĩa thuộc về bên nào?
Màu hoa Tết tiêu biểu của hai miền
Miền Nam là nhánh mai vàng. Miền Bắc là cành đào. Điều lạ lùng cũng là màu cờ của hai phía.
Bây giờ đọc lại bài thơ Ông Đồ của Vũ Đình Liên “mỗi năm hoa đào nở” vẫn không thể không bâng khuâng thời vang bóng của một Hà Nội ngàn năm văn vật.
Ông đồ vẫn ngồi đây
Qua đường không ai hay
Lá vàng rơi trên giấy
Ngoài trời mưa bụi bay
Nhưng hình ảnh đặc biệt đó không còn nữa vì mỗi năm khi Tết đến thấy hoa đào là người miền Nam chợt sống lại nỗi kinh hoàng!
Biết đến bao giờ mới vượt qua được nỗi đau đó để màu hoa đào lại trở về nét thơ mộng nguyên thủy của mùa Xuân?
(22/1/2022)
Kông Kông
Riêng về chuyện Đồng Tâm, thật ra không đáng là 1 sự kiện quan trọng . Nó trở thành quan trọng vì có lẽ từ ngày miền Nam được giải phóng, Đồng Tâm là lúc duy nhất 1 đảng viên có tham gia đánh Mỹ đuổi Ngụy bị đền tội . Nếu muốn nhớ tới ngày đó, nên nhớ tới như 1 ngày vui . Có thể đặt tên ngày đó thành ngày Luật Nhân Quả, ví dụ vậy .
Còn nếu xem đó là 1 ngày buồn vì 1 đảng viên đảng Cộng Sản bị bức hại, nếu người đó là công dân xã hội chủ nghĩa, it shouldnt be a surprised, vì đ/v công dân xã hội chủ nghĩa, bất cứ thứ gì đụng tới Đảng trở thành cao quý, đáng kính trọng . Một đảng viên bị bức hại đ/v họ -công dân xã hội chủ nghĩa- có thể còn nghiêm trọng hơn bố mình bị đánh chết . Nhưng nếu là những loại dân khác, phải hỏi dân mình học được hội chứng Stockholm ở đâu vậy ?