Một vài ước đoán thô thiển về tiền điện tử do Ngân hàng Trung ương phát hành

0
  1. Đặt vấn đề

Một chuyển biến lớn trong lãnh vực tài chánh trong tương lai là sự phát hành “Tiền Điện tử của Ngân hàng Trung ương” (Central Bank Digital Currency – CBDC). Trung Cộng (TC) tiên phong gần đây đã được Quỹ Tiền tệ Quốc tế (International Monetary Fund – IMF, 2021) tường trình: “TC đang phát triển một đồng tiền kỹ thuật số, gọi là tiền điện tử của ngân hàng trung ương có tên là e-CNY và đã bắt đầu thử nghiệm một cách quy mô. e-CNY, chỉ được thiết kế để sử dụng trong nước ở giai đoạn này, sẽ là sản phẩm thay thế tiền mặt không mang lãi suất được phát hành bởi Ngân hàng Trung ương của TC (People’s Bank of China – PBOC) và phân phối thông qua hệ thống ngân hàng”.

Hiện nay, một số quốc gia Âu Châu, và do đặc lệnh (executive order) mới đây của TT Joseph Biden cho ông Jerome Powell, Chủ tịch hệ thống Ngân hàng Trung ương (the Federal Reserve System – FED), Mỹ hiện cũng đang triển khai và thử nghiệm; trong khi Việt Nam (VN) dự định hai năm tới sẽ bắt đầu thử dùng CBDC trong vài lãnh vực.

Kinh tế thế giới bấp bênh do cuộc tranh giành quyền bá chủ Mỹ-Trung bắt đầu vào ngày 6 tháng 7 năm 2018 khi Tổng Nha Quan Thuế và Biên Phòng của Mỹ (the US Customs and Border Protection – CBP) áp dụng mức thuế quan 25% lên 818 mặt hàng, nhập cảng từ TC trị giá 34 tỷ Mỹ kim. Nga vũ khí hoá sự lệ thuộc của các quốc gia Châu Âu vào nguồn năng lượng của mình, đòi các quốc gia nhập cảng dầu thô và khí đốt thanh khoản các nghiệp vụ bằng đồng Russian ruble, dù không được thoả mãn.

Hiện tình kinh tế và chính trị thế giới chao đảo, với mộng bá quyền bị lộ diện, TC tiên phong với e-CNY và các nền kinh tế khác trên thế giới triển khai CBDC gây xôn xao trên cộng đồng mạng qua các bài giải ảo bằng tiếng Việt cho rằng CBDC, nói chung, là một phần để chống lại các đồng tiền Blockchain/crypto của tư nhân; và các “chuyên viên kinh tế tài chính mạng” cũng đưa ra những nghi vấn khác.

Trong những dòng sau đây, người viết, dù biết kiến thức thô thiển, xin dựa vào lý thuyết cơ bản của trường phái kinh tế tiền tệ để phản biện lập luận rằng CBDC là một phần để chống lại các đồng tiền Blockchain/crypto của tư nhân và trình bày ba suy tư/ước đoán, theo cảm tính, sau đây: (i) Ảnh hưởng đến tác vụ ấn hành tiền tệ của ngân hàng trung ương khi chuyển sang CBDC,  (ii) CBDC và  việc điều tiết thị trường trong các nền kinh tế dưới thể chế khác biệt, và (iii) TC sẽ biến  e-CNY thành vũ khí sát thương trong trận kế tiếp để cố đẩy đồng Mỹ kim ra khỏi vị thế của đơn vị tiền tệ dự trữ của hầu hết các quốc gia trên thế giới, và là đơn vị tiền tệ được dùng để thanh khoản trên dưới 80% của những thương  vụ trong lãnh vực ngoại thương ngày nay.

  1. Phản biện quan niệm cho CBDC là một phần để chống lại các đồng tiền Blockchain (cryptocurrencies) của tư nhân

2.1. Tiền Blockchain hay tiền crypto không phải là tiền

Nếu cho là khi A chống lại với B đồng nghĩa với B chống lại với A; để từ đó, lập luận rằng CBDC là một phần để chống lại các đồng tiền Blockchain/crypto của tư nhân cũng có nghĩa là các đồng tiền Blockchain/crypto của tư nhân làtiền” và chống lại CBDC. Để phân tích vấn đề này, chúng ta nên xác định bản chất của cái được xem là “tiền”.

Theo thiển kiến thì tiền có bốn khả năng/phần vụ sau đây: (i) phương tiện trao đổi (medium of exchange), (ii) phương tiện để lưu trữ giá trị (store of value), (iii) đơn vị đo lường giá trị sản phẩm khác (unit of account), và (iv) tiêu chuẩn để quy định các thanh khoản trong tương lai (standard of deferred payment).  Thực trạng của “các đồng tiền Blockchain” hay “tiền crypto” có thể có khả năng là một phương tiện trao đổi, nhưng vô cùng, vô cùng giới hạn. Lý do cho khả năng “chỉ có thể” nhưng vô cùng giới hạn này là chỉ có ông tỷ phú Elon Musk tuyên bố là ông có thể chấp nhận “tiền crypto” khi khách hàng mua xe Tesla, cũng như một số cửa hàng tại Âu Châu nhận Bitcoin; tuy nhiên, đây chỉ là những sự trao đối công cụ tài chính tư cho sản phẩm và có bản chất đầu cơ hay lướt sóng (speculation). Bảng 1 dưới đây so sánh bản chất “tiền” của đơn vị tiền tệ của một quốc gia dưới bất cứ dạng nào và “tiền crypto” hay “tiền Blockchain”.

     Bảng 1: Bản chất tiền của đơn vị tiền tệ của một quốc gia và tiền crypto.

Ngoài ra, sở hữu chủ cuả tiền tệ quốc gia là chính phủ trong khi tiền Blockchain/crypto là tài sản trí tuệ tư, tiền Blockchain/crypto không có bản chất của cái gọi là tiền tệ quốc gia nên không thể đảm trách các trách nhiệm của tiền tệ quốc gia dưới hình thái tiền giấy, kim loại hay CBDC. Do đó, không thể kết luận rằng CBDC là một phần để chống lại các đồng tiền Blockchain/crypto của tư nhân hay các đồng tiền Blockchain/crypto của tư nhân cạnh tranh với CBDC.

  • Tiền Blockchain hay tiền crypto không là một công cụ tài chính truyền thống

Hiện nay tiền Blockchain/crypto được trao đổi trên thị trường tài chính như là một công cụ tài chính (financial instrument), tương tự, nhưng không giống như cổ phiếu (stock) hay trái phiếu (bond).  Công cụ tài chính tiền Blockchain/crypto không giống như cổ phiếu vì cổ phiếu có giá trị cơ sở (underlying value) là giá trị của tài sản và lợi tức kỳ vọng trong tương lai  của doanh nghiệp ấn hành chúng. Và, tiền Blockchain/crypto không giống như trái phiếu vì trái phiếu có giá trị cơ sở là giá trị của tài sản thế chấp để bảo đảm giá trị của trái phiếu của doanh nghiệp ấn hành chúng. Do đó, nếu doanh nghiệp ấn hành cổ phiếu hay trái phiếu không thực thi nghĩa vụ tài chính thỏa thuận trong văn kiện khi ấn hành cổ phiếu hay trái phiếu, các nhà đầu tư có thể chiếm hữu tài sản của doanh nghiệp ấn hành để thu hồi phần nào số tài khoản mà họ đã đầu tư vào các công cụ tài chính này.

Trong khi đó, tiền Blockchain/crypto là một tài sản trí tuệ nên nếu vì bất cứ lý do gì mà một loại tiền Blockchain/crypto không được chuộng nữa trên thị trường thì tài sản trí tuệ này không có giá trị cơ sở nên các nhà đầu không thể thu hồi phần nào số tài khoản mà họ đã đầu tư vào công cụ tài chính này.

Có lẽ vì quá ngây thơ; tuy nhiên, với bản chất trên của công cụ tài chính tiền Blockchain/crypto, cùng với khoản 22% người Mỹ hiện đang lướt sóng bằng  công cụ này, và Fidelity Investments của Mỹ sẽ đầu tư quỹ hưu bổng của khách hàng vào bitcoin (https://www.thestreet.com/investing/cryptocurrency/fidelity-brings-bitcoin-to-retirement-savings?puc=yahoo&cm_ven=YAHOO&yptr=yahoo); người viết e ngại rằng đây có thể là mầm móng cho cuộc khủng hoảng tài chính  tới, gây chấn động tương đương với các cuộc khủng hoảng vào năm 2001 (dot.com) và vào năm  2008 (subprime mortgages) tại Mỹ.

  1. Ảnh hưởng đến tác vụ ấn hành tiền tệ của ngân hàng trung ương khi chuyển sang CBDC

Về quyền lợi kinh tế quốc gia, khi ấn hành tiền giấy hay một đồng tiền kim loại, mỗi đơn vị chỉ tệ do chính phủ cho lưu hành là một giấy nợ của chính phủ vay từ quốc dân với số nợ là mệnh giá (face value) của đơn vị chỉ tệ đó. Do đó, tờ giấy bạc với mệnh giá 500.000 đồng do chính phủ Việt Nam cho lưu hành là giấy nợ của chính phủ vay đồng bào chúng ta 500.000 đồng.  Điều khác biệt giữa tờ giấy bạc với mệnh giá 500.000 đồng và công khố phiếu với mệnh giá 500.000 đồng do chính phủ Việt Nam phát hành là chính phủ không phải trả lãi trên tờ giấy bạc 500.000 đồng như chính phủ phải trả lãi trên công khố phiếu với mệnh giá 500.000 đồng, hay giấy nợ mà chính phủ phải ký để vay số ngoại tệ tương đương với 500.000 đồng Việt Nam từ các cơ quan quốc tế. Do đó, ấn hành tiền tệ, ngoài mục đích để thỏa mãn nhu cầu trao đổi trong nền kinh tế thị trường và biểu dương hay thể hiện chủ quyền quốc gia, công vụ này còn là một đặc quyền kinh tế giúp giảm đi mức chi của ngân sách quốc gia bởi vì chính phủ không phải trả lãi trên một số nợ khổng lồ bằng mệnh giá của tổng số chỉ tệ hiện lưu hành. Người viết nghĩ rằng quốc gia vẫn còn quyền lợi kinh tế này khi thay thế tiền giấy hay đồng tiền kim loại bằng CBDC.

Hơn nữa, lý thuyết về tiền tệ và ngân hàng còn chứng minh rằng khi một công dân nào đó phá hủy một tờ giấy bạc vì bất cứ lý do gì thì công dân đó đã xoá một món nợ với chính phủ bằng mệnh giá của tờ giấy bạc bị hủy. Đương nhiên, công nợ của quốc gia sẽ được giảm đi số lượng bằng mệnh giá của tờ giấy bạc bị hủy này. Kinh nghiệm cho thấy rằng hàng năm số lượng chỉ tệ lưu hành bị tiêu hủy rất lớn. Do đó, hàng năm công dân vô tình đã xoá đi một số nợ rất lớn cho chính phủ nếu chính phủ biểu dương chủ quyền quốc gia qua công vụ ấn hành tiền tệ. Người viết cho rằng quyền lợi kinh tế này sẽ bị mất đi khá nhiều khi thay thế tiền giấy hay đồng tiền kim loại bằng CBDC.

Ngoài ra, lãnh vực tiền tệ và ngân hàng còn có hai đặc điểm thú vị khác nữa sau đây:

Thứ nhất là ngoài đồ cổ, không có sản phẩm nào khác trên thị trường mà món hàng cũ và mới có cùng giá trị như nhau cả về mệnh giá và sức mua hay mãi lực (purchasing power) như tiền giấy hay tiền kim loại. Một tờ tiền giấy hay một đồng tiền kim loại được ấn hành năm, bảy năm trước sẽ có cùng giá trị với tờ tiền giấy hay một đồng tiền kim loại vừa được ấn hành. Đồng CBDC sẽ có bản chất này khi được ngân hàng trung ương cho lưu hành.

Đặc điểm thứ hai là khi được cho lưu hành, tờ tiền giấy hay một đồng tiền kim loại sẽ có giá trị cố định bằng mệnh giá của chúng; thí dụ, tờ giấy bạc 500.000 đồng khi cho lưu hành sẽ có mệnh giá là 500.000 đồng, bất kể chi phí in và lưu hành ra thị trường hay điều kiện kinh tế quốc gia hay thế giới. Khi được ngân hàng trung ương cho lưu hành, CBDC cũng sẽ mang bản chất này

Đặc điểm thứ hai này mang đến cho chính phủ một khoản lợi nhuận lớn trong ngân sách quốc gia qua công vụ ấn hành tiền tệ, đó là khoản chênh lệch giữa mệnh giá của số tiền tệ cho lưu hành và các khoản thực chi (chi phí in hay đúc tiền) để tạo ra chúng (seignoriage), quốc gia vẫn còn quyền lợi kinh tế này khi thay thế tiền giấy hay một đồng tiền kim loại bằng CBDC. Mặt khác, để bảo đảm khoản lợi nhuận này, khi ấn hành tiền giấy hay một đồng tiền kim loại, các quốc gia với đơn vị tiền tệ có mãi lực thấp sẽ không ấn hành chỉ tệ với mệnh giá thấp để chi phí ấn hành luôn thấp hơn mãi lực của bất cứ tờ giấy bạc hay một đồng tiền kim loại nào. Vì CBDC không cần phải in hay đúc, nên khi thay thế tiền giấy hay một đồng tiền kim loại bằng CBDC thì vấn đề này sẽ không còn nữa.

  1. CBDC việc điều tiết thị trường trong các nền kinh tế tại các quốc gia dân chủ

Khi hệ thống tiền tệ quốc gia bao gồm tiền giấy và đồng tiền kim loại thì hệ thống ngân hàng hay chính quyền chỉ có dữ liệu khi người dân ký thác vào hay rút tiền giấy và tiền kim loại ra từ ngân hàng; nhưng chính quyền và hệ thống ngân hàng mà ngân hàng trung ương là một cơ năng chủ đạo, không có toàn thể dữ liệu là người dân dùng tiền giấy và  tiền kim loại sau họ rút ra hay trong túi của họ vào các tác vụ gì, ngay cả tại các quốc gia như TC và VN.

Tuy nhiên khi CBDC thay thế tiền giấy và đồng tiền kim loại thì để thanh khoản một mãi vụ, dù nhỏ đến đâu, thì chuyển giao một số ngân khoản từ tay người mua đến tay người bán không còn được nữa mà sự thanh khoản này phải thực thi qua một mạng lưới điện toán phức tạp nối kết tất cả các mãi vụ của tác nhân kinh tế, bao gồm cả cá nhân, doanh nghiệp, toàn bộ hệ thống của thị trường tài chính, và ngân hàng (infrastructure for financial sector). Qua mạng lưới điện toán chằng chịt, phức tạp, và bao trùm này, tất cả dữ liệu về mãi vụ đều được ghi lại: ai bán, ai mua, sản phẩm hay dịch vụ mua bán, trao đổi lúc nào, tại đâu, v.v… Do bản chất này mà khi chính quyền Mỹ đưa ra dự thảo thay thế tiền giấy và đồng tiền kim loại bằng CBDC đã bị dân chúng phản đối cho rằng điều này vi phạm quyền tự do riêng tư (privacy).

Về mặt tích cực, trong các nền kinh tế tại các quốc gia dân chủ, CBDC có thể là một công cụ để kiểm soát tài sản của quần chúng, chống hành tung trốn thuế trong nền kinh tế, và sự chuyển tiền ra ngoại quốc giúp ngăn chận phần nào sự mất giá của đơn vị tiền tệ quốc gia, nếu có khủng hoảng tài chính xảy ra, Chu, Hiệp, Lộc (2021, trang 99).

  1. Ước đoán (conjecture) chủ đích của e-CNY của PBOC

Trong Lời Phi Lộ của quyển sách mang tựa đề Một Góc Nhìn Về Chiến Tranh “Mậu Dịch” Mỹ-Trung Và Hệ Quả Đến Việt Nam các tác giả (Chu, Hiệp, Lộc, 2021) cho rằng: “Dù sự tranh chấp Mỹ-Trung khởi đầu bằng một công cụ trong lãnh vực ngoại thương, nhưng thực chất, đây là cuộc tranh giành bá quyền cổ điển của TC để thiết lập một trật tự thế giới mới (Pax Sinica) nên sẽ rất trường kỳ và nguy hiểm, còn có thể là bẫy Thucydides.” Do đó, tiền tệ phải là một mặt trận trong cuộc chiến này: sự cạnh tranh giữa đồng Nhân dân tệ và đồng Mỹ kim.

TC là một quốc gia độc tài, cai trị bởi đảng cộng sản, nên chủ đích của việc tiên phong thay thế đồng Nhân dân tệ dưới hình thể tiền giấy hay đồng tiền kim loại bằng e-CNY không mang lãi suất được phát hành bởi PBOC sẽ sâu đậm hay thâm độc hơn là tại các quốc gia dân chủ.

5.1. Ước đoán trong quốc nội

Tại quốc nội, người viết ước đoán rằng ngoài những cách sử dụng e-CNY trong lãnh vực kinh tế như các thể chế dân chủ, Đảng Cộng Sản (ĐCS) TC và giới lãnh đạo TC sẽ còn dùng e-CNY để̉ kiểm soát người dân trong các lãnh vực xã hội và chính trị nữa. Hiển nhiên, khi CBDC thay thế tiền giấy và đồng tiền kim loại thì ĐCS và lãnh đạo TC có thu thập tất cả tin tức nên có thể kiểm soát mọi sinh hoạt kinh tế của tất cả các đơn vị kinh tế trong xã hội một cách chặt chẽ và toàn diện hơn.

Với nhiều tin tức về các nghiệp vụ được thanh khoản bằng tiền giấy hay đồng tiền kim loại  trước đây, các chính thể độc tài có thể ban hành các đạo luật để tri tố dân sự và hình sự hóa một số các hoạt động kinh tế để trù dập thành phần bất đồng chính kiến với các tội danh thật hay ngụy tạo; kết thúc bằng các hình phạt dân sự vô lý hay những bản án tù, tiền định, dài hạn theo nhu cầu của đảng cầm quyền thay vì tội danh của bị cáo. Đây là văn hóa của các chính thể độc tài.

Nguy hại hơn nữa là tại TC, các hình phạt từ các tội danh thật hay ngụy tạo sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến điểm tín dụng xã hội (social credit) của “bị can” mà các cá nhân với điểm tín dụng xã hội xấu gần như chắc chắn sẽ bị đẩy ra ngoài lề xã hội vì thành phần này sẽ không còn cơ hội kinh tế để lo cho cuộc sống; thậm chí còn không có cơ hội lập gia đình vì mấy ai muốn lập gia đình với người hôn phối không thể tìm việc làm, không thể mua nhà, v.v…

  • Ước đoán trên quốc tế
    • Thao túng đồng Nhân dân tệ

Một trong các mặt trận của cuộc chiển 100 năm để giành ngôi độc bá quyền lãnh đạo thế giới từ Mỹ của TC là mặt trận về tiền tệ. Trận đánh đầu của mặt trận này là TC thao túng tiền tệ để giữ báo giá trực (/gián) tiếp của hối suất giữa Nhân dân tệ (nội tệ) và Mỹ kim (ngoại tệ) trên thị trường ngoại hối tại TC thấp (/cao) để gia tăng xuất cảng, giảm nhập cảng, hầu cải tiến hoạt động kinh tế vĩ mô bất chính và TC khá thành công trong trận này. Chu, Hiệp, Lộc, (2021, trang 23) lập luận rằng Mỹ và đồng minh không am tường văn hoá TC cũng như những bất ổn trên thế giới trong gần ba thập niên qua; cùng lúc với làn sóng thay đổi tư duy kinh tế và chính trị trong xã hội Mỹ (Chương 7), đưa đến sai lầm cho rằng khi nền kinh tế phát triển TC sẽ dân chủ hóa, dẫn đến kết quả là các chính sách về TC mà họ thực thi sai lạc nên không mang lại kết quả mong muốn. Đây là một trong những lý do để TC tiếp tục thao túng tiền tệ và nhiều hành vi trịch thượng khác đưa đến cuộc thương chiến MỸ-TRUNG hôm nay.

  • Đưa đồng Nhân dân tệ vào rổ tiền tệ cơ bản của đồng SDRs của IMF

IMF (International Financial Institution) là một trong hai cơ sở tài chính quốc tế được cộng đồng thế giới thành lập tại Bretton Woods, New Hampshire, USA vào tháng 7 năm 1944 để giúp tái xây dựng các nền kinh tế bị tàn phá bởi thế chiến thứ hai và đẩy mạnh hợp tác kinh tế thế giới (Ngân hàng Thế giới – World Bank là cơ sở thứ hai). Vai trò chính của IMF là đẩy mạnh hợp tác kinh tế thế giới mà một trong các đòi hỏi của trách nhiệm này là trợ giúp quân bình hay ổn định cán cân mậu dịch giữa các hội viên của IMF. Để thi hành trách nhiệm này, IMF, vào năm 1969 triển khai đồng SDR như là một đơn vị tiền tệ dự trữ quốc tế, mà hiện thời giá trị của đơn vị tiền tệ tệ dự trữ này được chiết tính dựa trên giá trị tương đương với Mỹ kim và tỷ trọng của năm đơn vị tiền tệ, được tóm lược trong Bảng 2.

Bảng 2: Tỷ số, số đơn vị tiền tệ, cơ bản chiết tính và giá trị của đơn vị SDR

Source: IMF, IMF

 Là một niềm hảnh diện cho một quốc gia cũng như một sự công nhận của cộng đồng quốc tế về sức mạnh kinh tế của quốc gia đó khi đơn vị tiền tệ của nó được cộng vào rổ của SDR. Do điều kiện kinh tế, chính trị, văn hoá tiêu cực của cộng đồng thế giới, nêu trên, và hành tung của một số đồng minh  của Mỹ trở thành kẻ “phá đám”, với Tứ Đại Cải Cách theo 9 giáo điều tôn vinh cóp nhặt tài sản trí tuệ (Chu, Hiệp, Lộc, 2021, trang 25-26), nền kinh tế TC đạt được mức độ đồng quy nhanh chóng, từ một nền kinh tế trung ương hoạch định sơ cứng lạc hậu thành một cường quốc kinh tế.

Với sức mạnh kinh tế, và người viết ước đoán rằng với mục đích tranh giành độc bá quyền với Mỹ, TC đã thúc đẩy và Hội đồng Quản trị của IMF không có chọn lựa nào khác hơn là biểu quyết đưa đồng Nhân dân tệ vào rổ của SDR vào ngày 30 tháng 11 năm 2015, có hiệu lực từ ngày 1 tháng 10 năm 2016. Hội đồng Quản trị cũng quyết định vào thời điểm đó tỷ trọng của mỗi loại tiền tệ, liệt kê trong Bảng 2. Và, số lượng của mỗi đơn vị tiền tệ trong rổ SDR (liệt kê trong Bảng 2) được chiết tính dựa trên hối suất trung bình giữa mỗi đơn vị tiền tệ đó và Mỹ kim trong ba tháng ̣(từ ngày 1 tháng 7 đến ngày 30 tháng 9 năm 2016) để tương ứng với tỷ trọng đã được Hội đồng Quản trị của IMF biểu quyết. Đây là một chiến thắng nữa trong mặt trận về tiền tệ của cuộc chiến 100 năm để giành ngôi độc bá quyền lãnh đạo thế giới từ Mỹ của TC.

  • Biến e-CNY thành vũ khí tiền tệ sát thương để thay thế vị thế Mỹ kim bằng Nhân dân tệ

Vai trò của tiền tệ trong hỗ tương giữa một độc bá quyền và quyền bá chủ trong thời đại toàn cầu hoá là đơn vị tiền tệ của độc bá quyền đương nhiên là đơn vị tiền tệ dự trữ của hầu hết các quốc gia khác; và, vị thế của đơn vị tiền tệ của một độc bá quyền là đơn vị tiền tệ dự trữ của hầu hết các quốc gia khác sẽ bảo vệ quyền bá chủ của độc bá quyền; hỗ tương theo chiều ngược lại là quyền bá chủ sẽ bảo vệ độc bá quyền về mặt kinh tế. Do đó, về chiến lược, một quốc gia đối thủ muốn thay thế đương kim độc bá quyền phải tìm mọi cách đưa đơn vị tiền tệ của mình thành đơn vị tiền tệ dự trữ trên thế giới.

Dù hiểu rằng ước đoán (conjecture) chỉ là ước đoán; tuy nhiên, người viết ước đoán rằng trong điều kiện chính trị và kinh tế thế giới hiện nay, sau khi thành công đưa đồng Nhân dân tệ thành một trong 5 đơn vị tiền tệ cấu phần của rổ tiền tệ quy định giá trị của SDR; TC, qua dự án Một Vành Đai, Một Con Đường, sẽ tận dụng quyền lực mềm hầu biến e-CNY thành một vũ khí sát thương để đẩy đồng Mỹ kim ra khỏi vị thế của đơn vị tiền tệ dự trữ của hầu hết các quốc gia, đã và đang được dùng làm đơn vị tiền tệ để thanh khoản hơn 80 % các tác nghiệp ngoại thương hàng ngày trên thế giới, trong mặt trận kinh tế của cuộc chạy đua một thế kỷ để thay Mỹ lãnh đạo thế giới.

Như đã trình bày trên đây, khi tiên phong thay đồng Nhân dân tệ duới dạng tiền giấy và đồng tiền kim loại bằng e-CNY, TC phải triển khai một mạng lưới điện toán phức tạp nối kết tất cả các tác vụ kinh tế giữa tất cả cá nhân, doanh nghiệp, toàn bộ hệ thống của thị trường tài chính, và ngân hàng (infrastructure for financial sector). Công trình triển khai này đòi hỏi chi phí tài chính, kỹ thuật điện toán và thời gian mà không phải bất cứ quốc gia nào cũng có thể thành tựu. Tuy nhiên, khi đã được triển khai thì mạng lưới này có thể sửa đổi (modify) để áp dụng tại một nền kinh tế khác tương đối dễ dàng và ít tốn kém cả về tài chính cũng như thời gian. Trong khi đó, nhiều quốc gia dân chủ khắp mọi nơi, ngay cả Mỹ, cũng đang ráo riết triển khai những mạng lưới điện toán cho CBDC của họ. Để không phải lập lại nhiều lần, xin được dùng cụm từ “mô hình TC” để chỉ mạng lưới điện toán cho e-CNY do TC triểnn khai, và “mô hình DC” để chỉ mạng lưới điện toán cho CBDC do Mỹ và các quốc gia dân chủ khai triển trong những dòng sau đây.

Những khác biệt không thể phản biện giữa các quốc gia dân chủ so với các quốc gia độc tài là tự do báo chí/ ngôn luận, ngành tư pháp độc lập, nhân quyền và dân quyền được tôn trọng. Cũng do hệ quả cuả các khác biệt này, các mạng lưới điện toán trong mô hình DC chỉ có thể thu thập dữ liệu giới hạn để quản trị thị trường tài chính và thanh khoản thương vụ. Trong khi đó, các thể chế độc tài không những không bị các giới hạn trên mà luôn có nhu cầu theo dõi để nhận diện những cá nhân hay đoàn thể bất đồng chính kiến để đàn áp, trù dập hầu bảo vệ chế độ, mà dữ liệu từ các tác vụ thương mại là nguồn tin tức quan trong cho các mục tiêu xã hội và chính trị. Do đó, ngoài các dữ liệu cần để quản trị thị trường tài chính và thanh khoản thương vụ, mô hình TC còn thu nhặt các dữ liệu cho mục tiêu xã hội và chính trị. Kết quả tất yếu là mô hình TC sẽ có khả năng thu hút và hấp dẫn các chế độ độc tài hơn là  mô hình DC tương tự như các khoản cho vay cuả kế hoạch Một Vành Đai, Một Con Đường (BRI) từ TC so với các khoản cho vay từ các định chế tài chính quốc tế và các quốc gia dân chủ phát triển.

Do đó, trong phong trào rao giảng nhu cầu thay thế  tiền giấy hay đồng tiền kim loại bằng Tiền điện tử của Ngân hàng Trung ương, TC sẽ có thế thượng phong lôi cuốn, cưỡng bách, và hối lộ dưới nhiều hình thức tinh vi (là việc đương nhiên) khiến cho nhiều “quốc gia đối tác” đã tham gia hay rơi vào bẫy nợ của BRI; cũng như các thể chế độc tài, nhất là các thể chế độc tài bất bình khi bị các chính quyền dân chủ tố cáo hành tung tham nhũng hay vi phạm nhân quyền, như Saudi Arabia, hay Phi Luật Tân (đặc biệt là nếu con trai của cố TT Ferdinand Marcos, Ferdinand “Bongbong” Marcos, Jr. đắc cử TT trong cuộc bầu cử sắp đến) chẳng hạn.

Người viết ước đoán rằng TC sẽ triệt để khai thác lợi điểm này (dù vô cùng bất chính và vô đạo đức) để thành lập một liên minh bao gồm những quốc gia áp dụng một biến dạng nào đó của mô hình TC, được TC trợ giúp triển khai, hay cung cấp, và nối kết với mạng lưới điện toán của TC; do TC lãnh đạo. Trên vị thế lãnh đạo này, TC sẽ tích cực và không ngừng nghỉ lôi cuốn, khuyến khích, cưỡng bách, và hối lộ các thành viên cuả liên minh dùng Nhân dân tệ để thanh khoản các nghiệp vụ ngoại thương với nhau qua mạng lưới điện toán; đồng thời sẽ dùng mọi phương tiện kinh tế, chính trị và quân sự (như TC đã và đang làm) để gia tăng hội viên của liên minh, nhất là các quốc gia có kim ngạch xuất cảng cao về các nhu yếu phẩm, nhiên/nguyên liệu, và năng lượng, v.v… Và, khi liên minh lớn mạnh, TC còn có thể lôi cuốn, khuyến khích, cưỡng bách, và hối lộ các thành viên cuả liên minh để đòi các quốc gia không thành viên thanh khoản  số sản phẩm mà họ nhập cảng từ các quốc gia thành viên  bằng Nhân dân tệ.

Nếu thành công, kế hoạch trên, TC sẽ gia tăng vai trò của đồng Nhân dân tệ như là một đơn vị tiền tệ dự trữ quốc tế và trong thanh khoản cho các tác nghiệp ngoại thương hàng ngày trên thế giới. Và, qua thời gian, đồng Nhân dân tệ sẽ dần thay thế vai trò của Mỹ kim hiện là đơn vị tiền tệ dự trữ quốc tế và trong thanh khoản cho các tác nghiệp ngoại thương hàng ngày trên thế giới. Do đó, qua thời gian, đồng Nhân dân tệ sẽ dần thay thế vai trò của Mỹ kim như các giáo điều chỉ đạo của Tứ Đại Cải Cách của TC, theo nhận định của Chu, Hiệp, Lộc, (2021, trang 25-26).

  1. Tóm lược và và ước vọng

Những dòng trên đây bắt đầu bằng cố gắng phản biện lập luận rằng CBDC là một phần để chống lại các đồng tiền Blockchain/crypto của tư nhân.  Tiếp theo, người viết trình bày ba suy tư/ước đoán, theo cảm tính, sau đây: thứ nhất, ảnh hưởng đến tác vụ ấn hành tiền tệ của ngân hàng trung ương khi chuyển sang CBDC; thứ hai, CBDC và  việc điều tiết thị trường trong các nền kinh tế dưới thể chế khác biệt; và sau cùng, ước đoán rằng TC sẽ biến  e-CNY thành vũ khí sát thương trong trận kế tiếp để cố đẩy đồng Mỹ kim ra khỏi vị thế của đơn vị tiền tệ dự trữ của hầu hết các quốc gia trên thế giới và là đơn vị tiền tệ được dùng để thanh khoản trên dưới 80% của các những thương  vụ trong lãnh vực ngoại thương ngày nay.

Đây là một trong các thủ đoạn hiểm độc, chuyển tải xuyên qua chương trình BRI, được che giấu dưới chiêu bài trợ giúp gia tăng hợp tác kinh tế cho cộng đồng thế giới khi dùng quyền lực mềm để theo đuổi mộng bá quyền muôn thuở của TC. Trong khi cuộc xâm lăng của Nga gây thảm hoạ cho Ukraine làm chấn động lòng người mọi nơi đã làm cho báo giới dưới mọi hình thức đã tạm gác lại tin tức về BRI để tường trình về chiến trường sôi bỏng và đầy tang tóc, thê lương tại Ukraine. Do đó, theo thiển kiến cá nhân, lập luận cho rằng kế hoạch BRI đã thất bại hoàn toàn vì vắng tin thường xuyên trên các mạng truyền thông cần phải được suy gẫm lại.

Xin ghi nhận cho đây chỉ là một vài suy luận thiển cận và ước đoán theo cảm tính của người viết về các vấn đề  không những to lớn, phức tạp mà sự/sử kiện đang trong quá trình hoàn tất trong bối cảnh của cuộc tranh bá quyền Mỹ-Trung nên chắc chắn có nhiều sai lầm và sơ sót. Ước vọng rằng quý bậc trưởng thượng, học giả, và độc giả niệm tình thứ tha và chỉ bảo.

Nguyễn Duy Việt

Hoa Kỳ, Ngày 25 tháng 4, năm 2022

Tài Liệu Tham Khảo

1.Chu V. Nguyen, Nguyễn P. Hiệp, và Nguyễn B. Lộc. 2021. Một Góc Nhìn Về Chiến Tranh “Mậu Dịch” Mỹ-Trung Và Hệ Quả Đến Việt Nam.

2. IMF 2021. Special Drawing Rights (SDR), (August 5, 2021). 

3. IMF 2021. People’s Republic of China: 2020 Article IV Consultation – Press Release; Staff Report; and Statement by the Executive Director for the People’s Republic of China. IMF Country Report No. 21/6, (January 2021)

  1. IMF 2016. IMF Launches New SDR Basket Including Chinese Renminbi, Determines New Currency Amounts. IMF’s Press Release No. 16/440, September 30, 2016

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên