Khi nói đến thơ tình người ta thường để ý đến các bức thơ tình của các ngôi sao vang bóng một thời trên sân khấu chính trị, màn ảnh, nghệ thuật hay mấy bức thư của các danh nhân, của ông vua, bà chúa, Napoléon Đại Đế, Hoàng Hậu Josephine, của Tổng Thống Washington, Lincoln, Roosevelt, của các văn hào thi bá Voltaire, Victor Hugo, Beethoven. Mới đây thư tình năm 1943 của viên phi công George H.W. Bush hồi thế chiến thứ ÌÌ trước khi trở thành Tổng Thống thứ 41 của nước Mỹ gởi cho vị hôn thê Barbara Pierce sau này là Cựu Đệ Nhất Phu nhân Barbara Bush qua đời ngày 17/4/18 ở tuổi 92 cũng đã được nhắc tới. Chẳng ai nghĩ đến thơ tình của những cặp tình nhân trong đám đông thầm lặng. Ấy vậy mà ông Võ Chinh Chiến, cựu Đại Úy VNCH vẫn nhớ như in từng dòng, từng chữ bức thư của một cán bộ gác cổng gởi cho người yêu nấu bếp vì ông thấy bức thư quá độc đáo, phản ảnh cả một thời đại.
{Đồng Chí H.. thân mến,
Qua nhiều đêm đấu tranh với tư tưởng anh đã nhất trí yêu em.
Nếu em đồng ý anh sẽ mời ba má anh tới tham quan nhà em. Anh hứa sẽ quản lý tốt đời em và làm đúng theo lời Bác và Đảng dạy.
Một thiếu, hai vừa, ba thừa, bốn lạc hậu.
Chào đoàn kết để xây dựng thành công xã hội chủ nghĩa.}
Bức thư không nhòe viết bằng bút nguyên tử của cán bộ Nguyễn minh …gởi cho người yêu cô Lê thị H.., đề ngày 20 táng 6 năm 1980. Ông Võ Chinh Chiến lượm được khi giặt đồ đá banh cho cán bộ ở trại tù lao động Tiên Lãnh ở miền Trung. Ông bị bắt đi học tập cải tạo 12 năm từ 19/5/1975 đền 1/5/1987 và sau đó còn bị một năm quản chế. Ông cùng với vợ và ba trai, hai gái đến Mỹ theo diện HO vào lúc 11 giờ ngày 9/6/1994. Hiện cuộc sống gia đình ông ổn định, tậu được nhà cửa. Các con đều thành đạt; công ăn việc làm vững chắc. Tôi quen ông Chinh Chiến trong dịp đi tham dự các buổi sinh hoạt trong cộng đồng, được khoảng hai năm. Ông Võ kín đáo, tự tại, hơi lãng tai. Qua câu chuyện trên trời dưới đất không biết từ đâu dẫn đến bức thư nói trên. Thấy hay tôi yêu cầu ông ghi cho tôi. Viết lại trên một tờ giấy bỏ, ông nói, bác và đảng mà không chữ hoa là mang vạ vào thân.
Dịp khác, Ông Võ Chinh Chiến hiện đã hơn 70, sĩ quan trừ bị Thủ Đức khoá 19 cho biết chuyện ngày xưa giờ chỉ còn nhớ lờ mờ, dù vậy, có một “điệp khúc” mà mãi hơn mấy chục năm sau ông vẫn thuộc nằm lòng vì ngày nào ông cũng phải nghe cán bộ lên lớp như sanh như sứa. Sau đó, nhóm tù của ông 20 người, phải lần lượt trả bài. {Đất nước ta giàu đẹp; dân tộc ta anh hùng. Kẻ thù nào cũng đánh thắng, nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua. Việt Nam ta rừng vàng biển bạc. Việt Nam ta là đạo quân xung kích hàng đầu của thế giới. Đến Việt Nam ra đường gặp anh hùng, về nhà gặp dũng sĩ. Việt Nam ta thay trời đổi đất; sắp xếp lại giang san; bắt sông cong thành sông thẳng; bắt thiên nhiên phục vụ cho con người. Việt Nam ta đào Trường Sơn cho biển xuyên qua. Việt Nam ta ngàn lần anh hùng, đến Việt Nam quan đi mất chức, lính về mất thây. }
Lan man về thời VNCH, ông Võ Chinh Chiến kể, hồi đóng đồn Ngọc Khô, thuộc quận Thăng Bình, tỉnh Quảng Tín, khoảng năm 1996 nơi bị đổi chủ vài lần, ông đã đánh lộn với ma. Thường mình chỉ nghe chuyện ma quái qua người khác; chớ chưa hề nghe chính lời thuật về ma của người đích thân đối diện với ma. Nửa đêm đi vòng đồn kiểm soát, khi vào bên trong một căn nhà ông Võ vấp ngã loạng quạng như bị kẻ nào gạt chân. Thấy một người mặt bôi đen hiện ra truớc mặt; phản ứng nhanh, ông khựng lại vung tay thoi tới tấp. Nó né rồi biến mất. Tay ông đụng mạnh vào thành căn nhà toét chảy máu. Nhờ băng lại vết thương ông mới sực nhớ là nghe nói căn này có ma.Trước đó, ông đã bảo lính dẹp cái lư hương trên đầu giường nằm. Ba ông có lần dặn mỗi lần thấy ma thì niệm Đức Phật Quan Thế Âm Bồ Tát. Ông Võ đã thỉnh tượng Ngài để vào chỗ lư hương.
Ăn Sống Chuột Con
Ông Võ Chinh Chiến nói, nay tuy nhớ nhớ quên quên, nhưng vẫn bị ám ảnh cái trạng thái lúc đói triền miên và thời khóa biểu lao động cật lực suốt ngày: đêm 11:30 ngủ; sáng 5:00 giờ dậy tập họp điểm danh. Hình ảnh ông bạn tù vì đói ăn sống năm con chuột con bắt được khi đi lao động lâu lâu lại hiện đến với ông. Ngày vô trại tù học tập cải tạo ông nặng 70 kí. Mười hai năm sau được thả về lết đi chỉ còn 40 kí. Ông cho rằng những người đã từng sống dưới chế độ cộng sản, đặc biệt những người đã từng sống trong nhà tù cộng sản đều có cùng ý nghĩ: chưa sống dưới chế độ cộng sản, trong nhà tù cộng sản thì chưa hiểu về cộng sản. Và câu “bất hạnh nhất của đời người là chưa biết đau khổ là gì” trong cuốn Tình Yêu Hiện Sinh của Bác sĩ Trung tá Quân Y, Phùng Văn Hạnh, một bạn tù ở trại Tiên Lãnh (Quảng Nam), cũng 12 năm như ông là câu quá hay rất đáng suy ngẫm.
Bác sĩ Phùng Văn Hạnh (PVH), tác giả cuốn sách trên chính là người ăn chuột con. Trong sách Bác sĩ viết “Có lần tôi giở mái tranh để lợp lại, bắt được một ổ chuột có năm con đỏ hỏn. Nghĩ là chuột chỉ bú sửa mẹ, chắc sạch, tôi nuốt sống luôn năm con chuột. Chắc cũng bổ như bà Từ Hi ăn chuột bạch nuôi bằng sâm.” Ông Võ Chinh Chiến thố lộ, ông hay đọc cuốn này vì sách cho ông nhớ lại những năm tháng cũ. Nó ghi lại những nỗi thống khổ mà các tù nhân trại Tiên Lãnh đã trải qua. Tại sao Bác si PVH viết? Để “kể lại một thời mà cháu con mình khi đọc đến phải thốt lên: Ông cha ta đã sống qua một thời kỳ quái dị”. Đầu sách có câu “Tình yêu hiện sinh, chứ không phải là từ chối hiện sinh, mang lại cuộc đời mọi giá trị”. Tác giả mượn lời của văn hào Siegfied khi nói về lòng hoài hương: người lưu vong đầu tiên, suốt đời vẫn là người xứ gốc (le premier émigré demeure sa vie durant, un homme de son pays d’origine).
Sách là một tập tự truyện qua một nhân vật tên Hoạt do tác giả tự xuất bản năm 2002, dày 170 trang. Hiện vợ chồng Bác sĩ và bốn trai, ba gái định cư ở Canada: “Nay các con đều ra trường và có nghề nghiệp vững chãi”. Sau ngày 30/4/1975 ông bị áp giải từ Saigon đưa về trại tù cải tạo Tiên Lãnh. Nhà ở Đà Nẵng bị tịch thu. Các con bị phân biệt đối xử, không cho học bậc đại học. Ba người con đầu vượt biên năm 1983. Bác sĩ ra tù tháng hai năm 1988; ba tháng sau vợ chồng ông và bốn con (ba gái, một trai) cũng tìm đường vượt biên, đến Canada năm 1989. Dù học cật lực nhưng vì đến bờ tự do quá trễ và không có đủ sức khoẻ Bác sĩ PVH không thể trở về nghề cũ. Ông đã phải lần lượt làm bốn nghề. Nghề chót làm assembleur cho một hãng đèn được tám năm trước khi về hưu. Tuy vậy, Bác sĩ PVH vẫn thấy mình “may hơn bạn bè chết trong tù cộng sản hay chôn vùi xác trên con đường tìm tự do”.
Trong chương gánh sắn, tác giả cho biết, sắn là nguồn ăn chính. Phần ăn bới ra lổn chổn sắn tươi xắc khúc, cơm bu xung quanh. Xem như chín phần sắn, một phần cơm. Ngày ba bữa, mỗi bữa lưng ba chén nhỏ. Ăn như vậy nên “chỉ vài tháng sau nhập trại, toàn thể sĩ quan trở nên rách rưới, ốm đói, phờ phạc, hãi hùng”. Một tù hình sự đói quá, phanh ngực ra trước cán bộ, xin cho ăn một bụng thật no, rồi chết cũng hả dạ. Anh bị bắn ngay tại chỗ. Cán bộ mổ trâu ăn thịt. Xương gánh đi đổ. Trại viên tranh nhau chạy lại kiếm một mảnh xương còn dính chút thịt. Các em tù hình sự lượm cơm dưới mương chảy ra từ nhà ăn cán bộ, rửa rồi cho vào gô nấu cháo. Có em ăn giành với heo. Còn các trại viên vì ăn đói, tối ruột sôi ồn ào không ngủ được, nên ai nấy cũng tìm cách làm cho bụng đầy. Kẻ uống nước cho no. Kẻ ăn một gô (lon sữa guigoz bằng nhôm) rau lang hoặc cải tàu bay nấu với nhái, dế, sung, chuột.
Một Hạt Đậu Hai Người Khiêng
Ngoài ra, Bác sĩ PVH còn có một truyện ngắn về hạt đậu. Anh Lộc nguyên là giáo sư Anh văn, có tài kể chuyện giúp vui bạn tù, vượt biên bị bắt, đã ở tù năm năm. Vào mùa trồng đậu phụng mỗi tối trại viên phải làm công tác lột đậu. Hầu như ai cũng ăn lén. Hạt đậu vừa béo vừa ngọt, cơ thể đang cần. Rûi cho anh Lộc, từ bóng tối góc sân, một tên cán bộ bước ra:‘’ anh hãy mở miệng cho tôi xem’’. Anh bị kéo ra giữa sân. Bốn tên khác vây quanh: “chúng tôi trừng trị các anh để chừa thói ăn cắp’’. Anh ngã xuống, chúng nâng anh dậy vừa đấm, vừa đá. Anh Lộc nằm bất động. Tên giám thị bắt hai trại viên khiêng anh Lộc về chỗ anh ở. Nhân câu chuyện này, trại Tiên Lãnh mới có giai thoại: ”một hạt đậu hai người khiêng’’. Từ ngày đó, anh Lộc lầm lì. Nước da tái dần. It lâu sau, anh được phóng thích vì lý do sức khoẻ. Anh Lộc có tên qua Mỹ. Cùng đi với anh có chị Hoa học trò cũ của anh. Tháng 9/1989 sáng thứ hai anh nhận vé để hôm sau ra phi trường. Tối thứ hai ấy, anh lên cơn đau; chết vì xuất huyết nội.
Được dịp trình bày trước một phái đoàn Trung ương vào kiểm trại tù, Bác sĩ PVH nói chênh lệch giữa năng lượng cung cấp (1500 calô) và năng lượng cần cho lao động hằng ngày (3000 đến 5000 calô) quá lớn. Bởi thế trại viên da khô, nứt nẻ, bắp thịt teo tóp, yếu nhược. Bệnh suy dưỡng một ngày một nhiều. Thiếu sinh tố gây chảy máu răng và phù thủng. Thiếu protein đã gây bệnh sâu răng. Thuốc men rất hiếm. Thuốc sốt rét cấp không đủ dùng. Thuốc trụ sinh thỉnh thoảng mới có. Nhà cầu lộ thiên, ruồi quá nhiều mang bệnh truyền nhiễm. Dùng phân người bón rau và bón ruộng gây dịch kiết lỵ. Mỗi lần hàng trăm trại viên bị bệnh. Thuốc men không đủ, nhiều người chết uổng. Sau khi phái đoàn rời về, Bác sĩ PVH bị tố là xuyên tạc chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Ông bị bắt đi lao động gánh sắn. Mỗi ngày ba chuyến, mỗi chuyến đi về 10km; gánh sắn phải nặng 40kg tối thiểu.
Phân người nói trên lấy ở đâu? Lấy từ một nhà cầu công cộng. Sách viết, trại viên ngồi trên những lỗ cầu. Dưới lỗ là những thùng hứng phân. Nhìn xuống lỗ cầu dòi lúc nhúc trong thùng phân. Giấy vệ sinh rất hiếm, thường là giấy báo cũ. Phần lớn dùng que tre gạt đít. Kỹ hơn thì mang theo gô nước để rửa, rồi về rửa tay sau. Tù hình sự lo việc đổ các thùng phân. Mỗi thùng có hai quai; xỏ cây vào khiêng đi đổ dồn vào một hố cách chỗ đi cầu chừng 20m. Bên cạnh hố là một đống tro lấy từ các lò nấu cơm nước của cấp dưỡng; xúc tro trộn vào phân để làm phân xanh. Mỗi ngày tổ rau và các đội nông nghiệp đều vào xúc phân đem ra bón rau và ruộng. “Tôi đã có nhiều lần bốc phân ấy rải ruộng. Thật gớm ghiếc. Tối về rửa xà phòng nhiều lần mà tay vẫn thum thủm. Hình sự còn rửa thùng phân ở suối. Dịch kiết lỵ xảy ra vì thế. Dân chúng dọc sông suối chắc cũng bị ô nhiễm.”
Tác giả PVH ở trại 12 năm, trong đó chỉ có ba năm làm y tế, còn chín năm lao động. Ba năm y tế ấy không liên tục; ra vào ba lần. Bác sĩ cho biết, ở trại chết vì sốt rét ác tính rất nhiều. Một bệnh khá phổ biến khác là bệnh loét dạ dày. Nguyên do là vì buồn bực, sợ sệt triền miên và thiếu dinh dưỡng. Họ chết đột ngột do xuất huyết, mửa ra cả đống máu. Mỗi tháng đưa ra nghĩa địa vài ba người. Bệnh nhân mất nước mà không có dung dịch chuyền tĩnh mạch, không có trụ sinh để chữa trị. Nhiều người chết ngay trên đường vào nhà cầu. Các trại viên chết mắt cứ mở trừng trừng, dù ông vuốt mắt cho họ nhiều lần. Chắc họ uất ức lắm. Mỗi khi có thân nhân thăm mộ người khuất, ông dẫn họ ra mộ phần. Họ nằm lăn ra mộ khóc lóc thảm thiết. Có một chị đã cắt mớ tóc dài của mình, quấn lên bia mộ chồng trước khi ra về. Một bà sau khi khấn vái, đốt hương đèn xong, bà giã từ chồng: “ông ở lại, tôi về nghe ông”.
Đau Răng Nhức Răng
Bác sĩ PVH dành hẳn một chương để nói về chuyện đau răng. Ông viết, nói chung không ai đi tù cộng sản mà không bị hư răng. Nhiều người mất cả hàm răng. Riêng ông bị mất gần sáu chiếc răng. Nguyên do là thiếu chất thịt. Men răng mòn dần không được thay thế, răng dễ bị sâu. Bản thân bác sĩ đã trải qua sự đau đớn khi cái răng cấm bị lũng lỗ lúc ở tù Tiên Lãnh. Không ăn uống gì được, lại phải đi lao động, đau buốt lên tận óc. Ông đã dùng cái kềm nhổ đinh bình thường kẹp răng đau bẻ ngang ra. Đau quá chừng song phải cố gắng. Sau đó, ông nghĩ cách nhổ răng cho các trại viên. Nhờ tổ rèn làm cho hai cái kềm nhổ răng. Hình dạng gần giống kềm nha sĩ. Phần lớn nhổ răng không có thuốc tê. Trường hợp răng lung lay thì dễ. Gặp trường hợp khó, bệnh nhân và nha sĩ bất đắc dĩ phải tranh đấu cả giờ mới xong. Nhờ vậy, hàng ngàn răng sâu đã được nhổ và biết bao đau đớn đã được giải thoát.
Trại tù Tiên Lãnh thuộc huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam. Trong thời chiến đây là chiến khu của Liên khu 5 Việt Cộng.Trại giam công chức, đảng phái, đoàn thể và tù nhân hình sự gồm có lưu manh, trẻ em hè phố, xì ke ma túy. Sau này hàng trăm cựu sĩ quan VNCH dồn lên Tiên Lãnh nên nó trở thành quan trọng bậc nhất trong tỉnh. Nơi này, lúc đầu ma thiêng nước độc, chỉ là đồi núi hoang vu, muỗi mòng như trấu. Nhóm tù chính trị đầu tiên đã dãi nắng, dầm mưa, phải đốn cây về làm chỗ ở cho mình và cho công an áp giải họ. Họ đã hoàn thành trại giam cho chính mình và nhà cửa khang trang cho ban giám thị. Trong nhóm tù chính trị có xã trưởng và các thành phần nòng cốt của miền Nam rất thành thạo về nông nghiệp và rất tháo vát. Chính họ đã khai thác những vùng ruộng bỏ hoang. Họ đã làm giàu cho trại. Trại mở rộng diện tích canh tác.Toàn cảnh trại là một làng nhà ngói đỏ, khác hẳn với làng lụp xụp của dân chúng gần đó.
Qua chương lao động, tác giả mô tả trại tù cải tạo hóa thành một nông trường lớn ở giữa rừng, mang lại cho bộ máy công an nhiều lợi tức. Xe tải lớn của ty công an tỉnh lên chở gạo, heo, bò, trứng rau, gà vịt để chia nhau sử dụng. Tất cả sản phẩm này do trại viên làm ra. Trong khi đó, người tù ăn sắn là chính với muối hoặc mắm cái pha loãng với nước. Tiên Lãnh gồm cả trại Na sơn, Thôn năm, trại nữ. Có đến 5.000 người lao động. Công việc hàng ngày: nông nghiệp, chăn nuôi, tiểu công nghệ. Công việc đồng áng cổ truyền giống đời xưa từ gieo mạ, cày bừa, cấy lúa, phát bờ, làm cỏ, rải phân. Ruộng làm hai mùa, trại viên quanh năm đầu tắt, mặt tối như cái máy. Ăn không no, làm không nghỉ. Cày ruộng không phải bằng trâu mà bằng người đã xảy ra ở đây. Trại viên chia thành nhiều toán: toán chăn nuôi, toán thợ rừng đốn cây, toán cấp dưỡng lo nấu ăn… Làm ngày không đủ thì làm đêm. Không biển máu, song khai thác triệt để sức lao động tù cải tạo; hành hạ sống dở, chết dở.
Theo bác sĩ PVH, sinh năm 1931 ở Điện bàn, Quảng Nam, chế độ tập trung cải tạo không những đày đọa cá nhân người tù mà còn toàn thể gia đình họ. Nhà cửa bị tịch thu, đi vùng kinh tế mới; con cái không cho đi học, lâm cảnh bụi đời. Vợ đi lấy chồng khác. May cũng có nhiều phụ nữ đảm đang, gìn giữ gia đình. Họ đi thăm nuôi chồng tận ải Nam Quan. Khi gặp chồng con, họ không được khóc lóc, phải vui vẻ động viên chồng con lo học tập cải tạo tốt để mau về với gia đình. Nếu khóc thì tù cải tạo không được nhận quà. Quà này và tất cả con gì cử động là nguồn chính giúp tù cải tạo cải thiện – chữ của bộ đội miền Bắc – tức là kiếm thêm chất thịt để bồi dưỡng. Ăn cơm độn sắn với nước muối hoài nên thèm chất tanh. Ông viết ‘’sức chịu đựng con người ở trại cải tạo gần như là một phép lạ’’. Tuy vậy, cũng có vài trại viên quá tuyệt vọng đã tự tử.
Cách Mạng Tháng Tám
Tập truyện còn kể lại vụ án Trần Quang Trân, một biến cố đặc biệt của trại Tiên Lãnh trong chương Đau Khổ Triền Miên. Ban giám đốc trại đã kêu anh Trân thiết lập một hệ thống tổng đài điện thoại; vì trước 1975 anh là một chuyên viên điện tử đã đi tu nghiệp ở Nhật do tài trợ của hãng Panasonic. Anh có một căn nhà riêng để sửa máy thu thanh và các máy điện tử. Anh nghe lén các đài ngoại quốc báo lại cho các trại viên tin tức bên ngoài nhằm giúp họ nuôi dưỡng tinh thần. Một số cựu sĩ quan đã dự mưu tổ chức cướp súng, cướp trại. Đây là một tổ chức có mục đích, có hệ thống. Nhưng chẳng may máy đo điện trở có lắp linh kiện điện tử để nghe đài phát thanh bị phát hiện. Khi vỡ lở, công an phải mất vài tháng điều tra trước khi đưa ra xử. Anh Trần Quang Trân đứng ra lãnh cái chết cho anh em. Anh không xin ân xá. Ra pháp trường anh không chịu bịt mắt. Anh còn làm thơ mạt sát chế độ và đọc to lên cho trại viên nghe.
Đề cập đến cách mạng tháng Tám, tác giả PVH, nguyên là Trung tá bác sĩ biệt phái Trung tâm y tế toàn khoa Đà nẵng (1965-1975) khu giải phẫu chỉnh hình nhận định rằng, cuộc cách mạng này không cần thiết. Có thể tránh cuộc kháng chiến chống Pháp. Sau khi Nhật đầu hàng, Pháp trở lại, Bảo Đại và nhóm Trần Trọng Kim có đủ sáng suốt để tạo một Việt Nam độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp hoặc hoặc kiểu Pháp Việt đề huề như cụ Phan chu Trinh khởi xuớng. Hồ Chí Minh đã chọn giải pháp chiến tranh vì Lenine đã dạy: chỉ trong chiến tranh, rối loạn, đảng cộng sản mới diệt được phe quốc gia và đảng sẽ vững mạnh lên. Theo Bác sĩ PVH, phải bác bỏ luận điệu chính quyền thoát thai từ một thùng thuốc súng của Mao. Cách mạng tháng Tám đến, vì buộc mọi người “yêu nước là yêu xã hội chủ nghĩa” nên mang theo chiến tranh, chết chóc trong 30 năm; chia cắt đất nước; chia cắt lòng người; hàng triệu thuyền nhân vượt biên, vượt biển cùng trại tù lao động cải tạo mọc lên từ ải Nam Quam đến mũi Cà Mau; lại thêm mất đất, mất đảo Hoàng Sa, Trường Sa vô tay Tàu Cọng.
Tại sao Bác sĩ PVH ở tù lâu dữ vậy? Tác giả hỏi cán bộ gíáo dục thì cán bộ bảo ông gián tiếp có nợ máu với nhân dân. Bác sĩ đã chữa lành cho lính ngụy để họ lại cầm súng giết cách mạng. Một cán bộ chấp pháp có lần nói rõ vì sao ông bị giam: tư tưởng của anh nguy hiểm cho việc xây dựng XHCN. Phải cách ly anh ra khỏi xã hội. Trong Thay Lời Tựa cuốn sách này của một bạn tù Nguyen T Giao thì thầy thuốc PVH ở tù lâu vì một phần cái quá khứ của tác giả: “nhưng lý do chính nhất để anh ở lâu quá chắc chắn là do cung cách sống và lương tâm của một kẻ sĩ miền Nam trong anh”. Bạn tù Nguyen T Giao còn viết rõ “khi đứng trước bọn cai tù để xin phép hoặc cấp báo điều gì hãy nhìn anh Hạnh: anh không bao giờ khép chặt hai tay vào người anh; anh dùng một cánh tay đưa lên cùng với ngón trỏ để nói. Cái cao ngạo của anh đã trả thù được cho anh em quá nhiều”.
{Trong một buổi giao ban, bác sĩ giám đốc mới từ Hà-nội vào đã nói thẳng:
-Các anh ở trong này dốt lắm
Sửng sốt tôi hỏi:
-Tại sao anh bảo chúng tôi dốt
-Lý thuyết hay nhất trên thế giới hiện nay là chủ nghĩa Mác-Lê, mà các anh không biết đến. Như thế không phải dốt sao?
-Xin lỗi anh, có lẽ anh đón gió có một phương. Ở trong Nam chúng tôi đón gió bốn phương. Mac,Lênin chúng tôi có đọc trong nguyên tác cũng như nhiều tác giả khác kể cả những tác giả phê phán thuyết Mác-Lê. Các anh chắc đọc sách trích dịch kèm theo lời bàn ca tụng Mác-Lê. Vả lại, ở miến Nam không ai cấm đọc Mác. Trong khi ngoài Bắc cấm đoán nhiều loại sách của phe tư bản.Chúng ta cũng nên suy nghĩ về câu của St Augustin:”je crains l’homme d’un seul livre” (tôi sợ người chỉ biết một cuốn sách).} [trang 57].
Một buổi sáng sửa soạn đi làm thì trật tự gọi tác giả ra gặp cán bộ lo về phóng thích. Bác sĩ PVH thắc mắc tại sao mình được thả ra đột ngột. Khi vào Tiên Lãnh ông nặng 75 kg, ngày về chỉ còn 45kg; từ một tráng niên sau 12 năm, ông rời trại là “một ông già, tóc rụng quá nửa, lưng còng, mặt nhăn nheo”. Cứ theo lời hai cán bộ trên và nhớ lại câu thơ của Tố Hữu “chúng bay là súc vật ta đây mới là người” cùng lời nhục mạ trại viên “các anh là dã thú đội lốt ngưới” của cán bộ trong trại, ông nghĩ mình chẳng bao giờ được về. Hơn nữa, các con đã đến nhà ông giám thị Tiên Lãnhh lạy ông ta như tế sao để ông xét cho cha về sớm; nhưng ông vẫn “ ngồi chễm chệ, hách dịch, trịch thượng chẳng chút thương xót”. Vượt biên tới trại tị nạn Palawan Bác sĩ mới hay bạn bè ở Mỹ đã nhờ Hội Ân Xá Quốc tế giúp ông ra tù. Bác sĩ PVH viết “tôi ghi nhớ ngày ấy và mỗi năm mừng ngày ấy một mình”./.
Phan Thanh Tâm
Saint Paul, April 2018.
Xin cảm ơn ông. Tôi sẽ tìm cách mua quyển sách này để tặng cho thư viện thành phố.