Mối đe dọa lớn từ Iran

0

Trong bài diễn văn đầu tiên trước đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, Tổng Thống Donald Trump đã dọa sẽ “tiêu diệt” Bắc Hàn; rồi ông quay sang kêu gọi các nước hãy cùng Mỹ ngăn không cho Iran theo đuổi chính sách “chết chóc và tàn phá.”

Ông Trump đã nhiều lần chỉ trích bản thỏa ước buộc Iran ngưng chế bom nguyên tử để đổi lại các nước Âu Mỹ ngưng phong tỏa kinh tế. Liệu ông tổng thống Mỹ có xé bỏ thỏa hiệp đó hay không?

 

Ông Trump có thể xé bản thỏa hiệp của ông Obama bất cứ lúc nào. Cũng như ông đã xé bỏ TPP và các chính sách về môi trường, di dân của chính quyền cũ. Ba tháng một lần, tổng thống Mỹ phải báo cáo với Quốc Hội “chứng nhận rằng chính phủ Iran vẫn tuân thủ bản thỏa hiệp.” Nếu ông không chứng nhận, Quốc Hội Mỹ sẽ phục hoạt các lệnh cấm vận kinh tế với Iran, bản thỏa hiệp tự động mất hiệu lực. Từ đầu năm nay, Tổng Thống Trump đã hai lần “chứng nhận,” vào ThángTư và tháng Bảy năm 2017. Vào Tháng Bảy, các bộ trưởng ngoại giao, quốc phòng, và cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đã làm ông Trump rất khó chịu, vì họ đồng ý Iran vẫn theo đúng các điều kiện ngưng theo đuổi bom nguyên tử. Trong Tháng Mười sắp tới, ông Trump có thể không chứng nhận, thế là xong.

Các thanh tra Liên Hiệp Quốc vẫn thường xuyên làm việc kiểm soát tại Iran, kể cả các căn cứ quân sự. Gần đây họ vẫn xác nhận xứ này không vi phạm các cam kết trong thỏa ước. Tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, khi ông Trump gặp các người cầm đầu chính phủ năm quốc gia khác cùng ký trong thỏa ước, ông sẽ được nghe họ nhắc đến kết luận này.

Nhưng chúng ta không thể đoán trước ông tổng thống Mỹ có để yên cho Iran hay không. Nếu ông Trump cương quyết xóa bỏ bản thỏa hiệp do chính quyền Obama ký năm 2015, thì chuyện gì sẽ xảy ra?

Khi đó, Quốc Hội Mỹ sẽ tái lập các lệnh cấm vận đã có sẵn, trước khi ký thỏa hiệp, và có thể làm các luật mới tăng cường gọng kìm trên nền kinh tế của Iran.

Nhưng Quốc Hội Mỹ không thể làm luật buộc các nước khác cũng cấm vận Iran như Mỹ làm. Trước đây, các nước Âu Châu vốn rất dè dặt trong vấn đề này. Năm 2015, chính phủ Mỹ đã thuyết phục được các nước Pháp, Anh, Đức, cùng đưa ra các chính sách cấm vận gắt gao, không mua dầu lửa nữa, để bóp nghẹt nguồn ngoại tệ lớn nhất của Iran. Hành động nhất trí này khiến Iran phải chịu ngưng chế bom nguyên tử, với các điều kiện kiểm soát chặt chẽ mà phe diều hâu tại Iran cương quyết chống vì xúc phạm chủ quyền quốc gia.

Nếu Tổng Thống Trump tái lập các biện pháp cấm vận, thì hậu quả đối với Iran sẽ ra sao?

Sẽ chỉ có một mình nước Mỹ cấm vận trở lại. Các nước Pháp, Anh, Đức, nhất là Nga, sẽ tiếp tục buôn bán, đầu tư. Lệnh cấm vận của Mỹ sẽ không có hậu quá nào đáng kể trên kinh tế Iran. Ngoài ra, mối bang giao giữa Mỹ và các đồng minh ở Âu Châu sẽ khó khăn hơn. Bà thủ tướng Đức đã công khai nói Âu Châu phải tự lo lấy một mình, không thể nhờ cậy Mỹ. Nga, Trung Cộng, và Iran sẽ vui mừng khi quan hệ Mỹ và Châu Âu rạn nứt.

Nếu Mỹ rút khỏi bản thỏa hiệp, các nước Châu Âu và Nga vẫn tiếp tục thi hành, thanh tra Liên Hiệp Quốc vẫn tiếp tục làm việc kiểm soát không cho Iran vi phạm. Nhưng chính phủ Iran sẽ có thể cảm thấy họ được tự do hơn trong các hoạt động về năng lượng nguyên tử, khi không còn áp lực của Mỹ nữa. Iran sẽ dành sức cho những hoạt động khác để bành trướng ảnh hưởng của họ trong vùng Trung Đông. Chương trình bành trướng thế lực của Iran đã bắt đầu ngay sau khi quân đội Mỹ lật đổ chế độ Hussein ở Iraq, năm 2003, và ngày càng mạnh hơn!

Thỏa ước với Iran ký năm 2015 hoàn toàn có tính cách kỹ thuật, với các điều khoản vạch rõ quyền hạn của các thanh tra Liên Hiệp Quốc kiểm soát các hoạt động nguyên tử lực của Iran. Bản thỏa hiệp này không nêu vấn đề nào đối với các hoạt động của chính phủ Iran ngoài phạm vi đó.

Trong thực tế, chính phủ Mỹ vẫn cộng tác với Iran trên chiến trường Iraq, và cả tại Syria để cùng đánh quân khủng bố IS. Trong năm 2017, nhiều lần Không Quân Mỹ đã yểm trợ cho quân đội và dân quân Iraq khi tấn công quân IS, như tại Mosul và Tal Afar, hai cứ điểm lớn cuối cùng của IS trong xứ Iraq. Khi nói “dân quân Iraq” thì nghe mơ hồ, nhưng các đám quân tình nguyện đó gồm những người Ira theo giáo phái Shi A, và họ được Iran huấn luyện, trang bị, và cung cấp cả người chỉ huy. Trước khi chiếm lại Mosul, chính phủ Iraq phải ngưng hành quân để điều đình với đám dân quân đó, không cho họ đóng lại trong thành phố này, vì đa số dân chúng theo phái Sun Ni, đối nghịch với Shi A. Tất nhiên các dân quân này làm theo lệnh các cố vấn Iran.

Mỹ đã mở cánh cửa cho Iran vào gây ảnh hưởng tại Iraq từ năm 2003. Khi lật đổ Saddam Hussein, chính phủ Mỹ đã cắt đi một cái gai nhọn thọc ngang sườn nước Iran trong hàng chục năm trước đó. Hussein cầm đầu một chính quyền theo phái Sun Ni thiểu số, cai trị một nước đa số dân theo Shi A. Ông ta đã hai lần đánh Iran, một nước theo phái Shi A. Chính phủ Iraq hiện nay, do Mỹ dựng lên bằng bầu phiếu phổ thông, tất nhiên do đa số dân theo phái Shi A kiểm soát. Mỹ còn giữ được ảnh hưởng vì cung cấp vũ khí cho chính phủ này, và sẽ tiếp tục ảnh hưởng qua viện trợ kinh tế. Nhưng Iran đã đặt được chân vào xứ Iraq, qua tình đồng đạo. Xuyên qua Iraq, Iran còn đưa người và vũ khí sang những nước khác, đặc biệt là Syria và Afghanistan.

Tại Syria, cuộc chiến tiêu diệt quân IS có thể sắp thành công, nhưng quốc gia được lợi nhiều nhất chính là Iran. Chính quyền Bashar Assad đang thắng thế, không phải chỉ nhờ Không Quân Nga yểm trợ mà còn nhờ các đạo quân Hezbollah, từ Lebanon sang giúp. Quân Hezbollah gồm những người theo phái Shi A trong nước Lebanon, vẫn là tử thù của Israel. Họ là một đảng chính trị đang chia sẻ quyền hành với các đảng theo phái Sun Ni và Thiên Chúa Giáo; nhưng họ có một đạo quân riêng. Hezbollah qua giúp Syria cũng vì tình đồng đạo: Assad là một chính quyền theo phái Shi A, cai trị một nước đa số theo phái Sun Ni.

Thắng lợi của Assad sẽ giúp Iran từ nay đặt chân vững chắc trên xứ Syria, sau khi đã hiện diện ở Iraq. Họ sẽ mở một con đường nối liền thủ đô Teheran với Baghdad, thủ đô Iraq, qua biên giới, kéo dài tới Damacus, sau cùng sẽ tới Địa Trung Hải.

Tổng Thống Donald Trump vẫn chủ trương cộng tác với Nga trong việc tiêu diệt quân IS, nhưng khi quân IS tàn thì Nga không tạo được ảnh hưởng lớn trên Syria bằng Iran. Tham vọng của Nga chỉ là bảo vệ được căn cứ quân sự và một hải cảng để dùng trong Địa Trung Hải. Nhưng các cố vấn Iran đang đi bên cạnh quân Hezbollah, nhiều người mang cấp tướng. Và các nhà xây cất Iran đã trúng nhiều mối thầu tái thiết Syria.

Iran đã lợi dụng các cuộc chiến tranh ở Iraq, Afghanistan và nội chiến Syria để tăng ảnh hưởng trong vùng Trung Đông, điều này là một sự thật mà nước Mỹ phải đối diện. Trong bàn cờ Trung Đông, đó mới là mối lo lớn nhất. Việc nước Mỹ xóa bỏ thỏa hiệp với Iran không gây được một ảnh hưởng nào đáng kể để ngăn chặn Iran bành trướng thế lực.

Để đối phó với Iran, chính phủ Mỹ phải tìm cách liên kết chặt chẽ hơn với các nước Á Rập mà phần lớn theo giáo phái Sun Ni. Phải giúp họ đoàn kết với nhau hơn tình trạng hiện nay. Dù sao, đối với dân Á Rập, người Iran thuộc giống Ba Tư, không cùng chủng tộc. Khi Iran bành trướng thế lực trong các nước Yemen, Syria, họ có thể khiến các nước Á Rập khác phải bảo nhau tìm cách ngăn ngừa. Gần đây, vị hoàng thái tử mới được tấn phong ở Á Rập Saudivừa tỏ ra hòa hoãn với Iran, giảm bớt thái độ thù nghịch. Đó là một chuyện chính phủ Mỹ cần quan tâm hơn là vấn đề xóa bỏ bản thỏa hiệp cũ. Vì các nước Châu Âu và Nga sẽ tiếp tục giao thương, kinh tế Iran không lo suy yếu.

Ngô Nhân DụngNguoi-viet.com

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên