1. Một buổi chiều hơn 20 năm trước, ở một khách sạn có cửa sổ nhìn ra vịnh Hạ Long, tôi đã ngẩn người ra nhìn một cô gái Trung Quốc ăn táo.
Cô gái Trung Quốc làm hướng dẫn viên du lịch, tuần nào cũng dẫn đoàn khách sang Việt Nam. Những trái táo cô ăn thật thơm, cô mua từ siêu thị tại Trung Quốc, cô gái chỉ cần rửa qua một lần dưới vòi nước khách sạn là có thể ăn ngon lành cả vỏ táo.
Nó khác hẳn những quả táo Trung Quốc đang được người Việt Nam bán tại Việt Nam. Vẫn là trái táo ấy, nhưng ngay cả mùi thơm cũng đầy hóa chất, vỏ được phủ một lớp nến trong suốt giữ cứng, được ướp tẩm tới mức đánh mất hoàn toàn vị tươi mát của sự sống. Và, thứ trái cây đặt trên ban thờ cả tháng không một dấu vết hư hỏng ngoài vỏ!
Nhưng vì sao cô gái Trung Quốc phải mang một trái cây đi hàng ngàn cây số để ăn? Vì sao cô biết rõ chính những trái cây này, trồng ở Trung Quốc an toàn, nhưng mang sang Việt Nam thì đừng bao giờ nên mua? Và những tư thương đầu độc ngàn vạn tấn trái cây trên con đường đi từ nông trại tới tay người tiêu dùng Việt, họ mang quốc tịch nước nào?
Tôi vẫn nghĩ những tư thương buôn bán kiếm lời trên thực phẩm bẩn mới là đồ tể giấu mặt của thế kỷ! Cho đến khi…
2. Gần hai mươi năm trước, trong những năm lang thang ở Cao Hùng và Đài Bắc, tôi từng nhiều lần thẩn thơ đi khắp siêu thị rộng đầy ắp hàng hóa nông sản, thực phẩm Carrefour ngày cuối tuần mà không mua được thứ gì. Hoặc lẩn thẩn đứng ngẫm nghĩ giữa một cửa hàng tạp hóa Seven-Eleven bé xíu trong giờ nghỉ trưa. Vì nhớ nhà khôn tả!
Mỗi loại rau củ quả ở đây đều ghi rõ gốc gác xuất xứ tới tận nông trại. Thịt và thực phẩm nhập khẩu đều được kiểm dịch cẩn trọng, được đảm bảo chất lượng đúng với bao bì. Mỗi hộp cơm văn phòng đều có nhãn chú thích rõ mỗi thành phần, xuất xứ và lượng calories cho cả suất cơm là bao nhiêu, giúp khách hàng có thể cân – đong – đo –đếm chính xác và yên tâm với bất cứ thức ăn nào.
Và tôi nhớ tới những suất cơm bụi dọc đường phố Hà Nội gánh bao nhiêu bụi. Những thực phẩm bẩn – ôi – thiu mà người tiêu dùng quay lưng, thì hàng quán sẵn sàng mua với giá rẻ!
Và mớ rau, bó đậu mua ở chợ về thấp thỏm lặt rửa mà băn khoăn về dư lượng thuốc trừ sâu. Thậm chí gia đình tôi nhiều năm đã loại bỏ hẳn vài loại thực phẩm như đậu đũa, đậu cô-ve ra khỏi bữa ăn gia đình nhằm tránh trở thành nạn nhân của những người nông dân tham lam.
Nhưng ở Đài Bắc, nếu phát hiện ra thực phẩm bẩn, người ta không chửi nông dân, người ta lên án nhà quản lý thị trường! Và nếu phát hiện thực phẩm có dấu hiệu kém chất lượng, các quán ăn, nhà cung cấp đều quay lưng, thậm chí lên tiếng cảnh báo trước cho người dân về hiện tượng ấy!
Và rất nhiều quán trưa văn phòng, tiệm ăn tối gia đình đã làm một việc nhiều hơn cả những điều tôi từng trải nghiệm: Họ kêu gọi những khách hàng đi ăn tiệm nên tự mang theo đũa và thìa từ nhà! Vừa giúp khách hàng yên tâm về sự sạch sẽ của đồ dùng, vừa giúp hạn chế việc lạm dụng đũa gỗ, thìa nhựa dùng một lần, là góp phần bảo vệ môi trường, và sự trong lành của không khí!
Việc làm của những “tư thương” ấy khiến tôi hiểu ra rằng, cuộc chiến với thực phẩm bẩn không hề là của người mua với người bán! Đó buộc phải là trách nhiệm của người quản lý nhà nước. Đấy là cam kết của Bộ Y tế với người dân! Thực phẩm bẩn hay sạch, chính là thước đo sự bất lực của một chính phủ với chính đồng bào mình! Tôi hiểu ra điều đó. Nhưng, cho đến khi…
3. Mười năm trước, em tôi phải đóng cửa tiệm bánh mì ở một góc phố nhỏ Hà Nội. Chỉ vì em tôi đã quá tử tế, đã cam kết thực phẩm sạch. Đã làm mỗi chiếc bánh mì kẹp như một chiếc bánh cho chính gia đình mình ăn, chứ không làm ra chiếc bánh bẩn thỉu giả dối như những hàng quán lề đường.
Tủ bánh nhỏ ấy được dùng nguyên liệu tươi và đắt không thua kém những khách sạn hạng sao, rau sống rau ghém được rửa bằng nước đun sôi để nguội, ngay cả sữa để ngâm nguyên liệu làm pa-tê cũng phải là loại sữa tiệt trùng ngon nhất của Việt Nam, 100% sữa bò thật. Chứ không xài loại sữa tươi đang được quảng cáo ra rả nhưng thực ra là sữa hoàn nguyên từ bột sữa Trung Quốc.
Và nếu bán như giá thị trường của những cửa tiệm khác, thì một buổi sáng bán hết sạch tủ bánh, em tôi chỉ lãi 36 nghìn đồng! Trong khi những quán bên tiền lãi gấp năm bảy lần! Sự tử tế của một thằng bán bánh mì lề đường chẳng ai nhìn thấy được. Và nó chỉ đáng giá 36 nghìn đồng mà thôi! Ai sẽ tin vào lương tâm một thằng bán bánh mì, rằng nó không bán thực phẩm bẩn?
Và chúng ta sẽ luôn gật gù với những đồ ăn thơm phức, giá rẻ hợp lý, màu sắc đẹp đẽ. Chúng ta một mặt đòi thực phẩm sạch, một mặt chúng ta điềm nhiên giết chết những người bán thực phẩm sạch!
Chúng ta đòi rau sạch, nhưng chúng ta chỉ chọn mua rau đẹp!
Chúng ta đòi thịt sạch, nhưng chúng ta không chấp nhận trả tiền cho những “cam kết sạch” ấy, chúng ta cần ăn rẻ!
Trên thế giới từng có những chiến dịch kêu gọi con người sử dụng thực phẩm xấu xí. Đó là rau có sâu, có là củ trái vẹo vọ nhỏ bé. Đó có thể là lợn còi, gà không ngon, cá không có màu sắc bắt mắt. Nhưng việc người đi chợ chọn mua thực phẩm xấu xí chính là cách đảm bảo về thực phẩm sạch, và hạn chế người bán bắt tay cùng nhà sản xuất chạy theo trào lưu to-đẹp-rẻ-bẩn!
Hóa ra, sự tử tế của người mua quan trọng hơn tất cả! Một khi người mua sẵn sàng giết sự tử tế của người bán! Và sức mạnh từ quyết định của 80 triệu người mua còn mạnh mẽ hơn tất thảy mọi văn bản quy định, mọi lời kêu gọi chung tay vì thực phẩm sạch.
4. Nhưng chúng ta vẫn tiếp tục đòi thực phẩm to – đẹp –rẻ – bẩn và một mặt khác, lên án thực phẩm bẩn. Người bạn tôi cứ hai ngày một lần, chở nguyên một xe trữ mát rau củ quả từ Đà Lạt chạy thẳng ra Hà Nội, anh than ế và lỗ suốt hai năm qua. Vì mọi người mua đều chê rau anh xấu xí, hay héo, bị dập.
Trời ơi mang thẳng rau củ quả chất lượng cao, xuất xứ Đà Lạt chính gốc ra Hà Nội cho bạn, làm sau nó có thể bóng bẩy tươi tắn như đám rau củ phun hóa chất bảo quản, hóa chất giữ rau tăng trưởng, hóa chất giữ cánh hoa bóng đẹp và không rụng được phun lên cả rau củ… như những cửa hàng khác đang dùng?
Hàng xóm nhà tôi có vườn chuối, thường buồn vì cắt cả buồng ra chợ, mãi chả bán hết. Ai cũng chê chuối còn xanh chậm chín quá, hoặc chín lỗ đỗ. Chuối chín cây làm sao có thể vàng đồng đều cùng lúc, trừ phi, người ta phải nhúng nguyên nải chuối vào thùng hóa chất thúc chín?
Những dấu hỏi bên trên, tôi không trả lời được. Thực phẩm bẩn không phải là người bán đầu độc người ăn, mà là chúng ta đầu độc chúng ta. Nếu có những cuộc đời không lối thoát, những mâm cơm hoang mang giữa thời đại thực phẩm bẩn, đừng hỏi ở đâu xa. Những kẻ chỉ biết tốt/rẻ/ngon cho bản thân mình mà không nghĩ cho xã hội này, họ đầu độc mâm cơm của chính họ và của cả những người không biết vì sao lại trở thành nạn nhân của cơn bão thực phẩm bẩn.
Nghe đồn có thương nhân đang xây những chung cư rau tự trồng, xây những ngôi trường nội trú mà nuôi người cùng chung với nuôi lợn thịt. Họ sẽ kiếm tiền rất tốt dựa trên nỗi sợ. Họ khoe cho học sinh ăn đồ organic. Nhưng cũng giống những vườn rau sân thượng ở Thủ Đô, trồng vì ăn sạch cho nhà, họ là dấu hiệu sự tử tế trong xã hội ngày càng nghèo nàn đi.
Nông thôn hóa thành thị không bao giờ là một chiến lược quản trị nên có trên một đất nước tử tế.
Trang Hạ
(Bài viết lấy từ Facebook)
Tác giả đã đem trách nhiệm về thực phẩm dơ bẩn độc hại nhưng rẻ và sức khỏe của người dân về đúng chỗ của nó, đó chính là những cơ quan quản lý.
Không ăn thì chết đói,ăn vào thì chết bệnh!!!
Tác giả hơi bị ngu lâu nhỉ, đã sống ở Đài Loan rồi mà còn mơ mơ màng màng.
TC nó mượn tay người việt giết hại người việt. Dưới thời lãnh đạo của cái đảng chó đẻ vc thì dân trí bị nó ỉa lên và dân khí bị nó đạp xuống. Còn đâu câu nói ngày nào dân tộc máu đỏ da vàng đùm bọc nhau. Đm đảng của Hồ, đảng của Trọng.