Hôm nay, 29/6/2017, Tòa án Nhân dân tỉnh Khánh Hòa sẽ đưa Mẹ Nấm ra xét xử với tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” theo Điều 88 Bộ luật hình sự.
Trong suốt gần 9 tháng kể từ ngày Mẹ Nấm bị Công an tỉnh Khánh Hòa bắt giữ (10/10/2016), gia đình cô luôn gặp khó khăn trong việc thăm nuôi vì cơ quan an ninh tỉnh luôn ngăn cản, thậm chí chỉ cho gặp mặt một lần duy nhất, không quá năm phút.
Mẹ Nấm, tên thật Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, là một blogger nổi tiếng trong giới bất đồng chính kiến tại Việt Nam. Cô là một khuôn mặt trẻ, nổi bật với những hoạt động nhân quyền, tranh đấu cho một xã hội dân chủ và không hề run sợ khi sẵn sàng tố cáo, lên án những thảm trạng của xã hội Việt Nam do nhà cầm quyền gây nên. Cô luôn là người tiên phong trong những cuộc xuống đường biểu tình chống sự hung hăng của Trung cộng tại Biển Đông hay tố cáo tội ác của Formosa cũng như sự đồng lõa, thỏa hiệp của chế độ trong thảm cảnh ô nhiễm môi trường biển. Sự bền bỉ và thẳng tính, không ngại va chạm để bảo vệ sự thật cũng như phương thức tranh đấu ôn hòa của Mẹ Nấm chính là cái gai, nỗi lo của chế độ. Mẹ Nấm không đứng dưới một lá cờ, một đảng phái chính trị nào cả. Ở cô, chỉ có dân tộc là thượng tôn và là kim chỉ nam cho sự đấu tranh không mệt mỏi. Cô hành động vì tương lai của đồng bào, vì sự chủ quyền lãnh thổ trước mối đe dọa đến từ Bắc Kinh.
Hình ảnh Mẹ Nấm cùng hai con nhỏ đã đánh động lương tâm của những người Việt yêu nước. Lòng quả cảm của người phụ nữ nơi vùng biển Nha Trang đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận qua hai giải thưởng quan trọng. Vào năm 2015, tổ chức bảo vệ nhân quyền quốc tế Civil Rights Defenders (Thụy Điển) đã vinh danh cô về những đóng góp quan trọng về nhân quyền và dân quyền tại Việt Nam. Trong vòng lao lý, Mẹ Nấm được Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vinh danh cùng 12 phụ nữ từ các quốc gia trên thế giới qua giải thưởng Phụ nữ Quả cảm Quốc tế 2017. Chính giải thưởng này đã bị nhà nước CSVN thông qua ông Lê Hải Bình, người phát ngôn của Bộ Ngoại giao phản đối và cho rằng việc chính phủ Hoa Kỳ trao giải thưởng cho một cá nhân đang bị tạm giam để điều trần vì hành vi vi phạm pháp luật Việt Nam là một hành động “thiếu khách quan, không phù hợp và không có lợi cho việc phát triển quan hệ hai nước.”
Cả một bộ máy chính trị và một hệ thống tư pháp lại bắt giữ, đe dọa và khủng bố tinh thần của một công dân. Đó là điều vô cùng tồi tệ trong một xã hội tiến bộ. Chính quyền đang bị bất lực trước làn sóng đấu tranh, tuy ít ỏi, nhưng vô cùng quan trọng nên họ phải đàn áp bằng mọi giá những tư tưởng cấp tiến và dân chủ. Sự phản biện của chính quyền độc tài không nằm trong sự đối thoại, ngược lại nó luôn có nguồn gốc từ bạo lực, thứ vũ khí giúp họ giành lấy độc quyền lãnh đạo đất nước từ hơn 42 năm qua.
Mẹ Nấm chỉ là một trong nhiều trường hợp bị giam cầm, uy hiếp chỉ vì thực hiện trách nhiệm và lương tâm của một công dân. Đối với đảng CSVN, không có chỗ cho sự thỏa hiệp với những người bất đồng chính kiến. Trong xu hướng toàn cầu hóa không thể bưng bít mãi về thông tin, nhà cầm quyền vẫn luôn ngấm ngầm theo dõi mọi hành động của công dân. Họ phân loại những người đấu tranh ra nhiều thành phần và tùy theo tầm ảnh hưởng trong xã hội của mỗi cá nhân, bộ máy an ninh của chế độ sẽ đưa ra những biện pháp đối phó, từ thả lỏng đến khủng bố và bắt bớ. Những trường hợp tối quan trọng, họ đưa ra những bản án với những tội danh nặng để giam cầm vô thời hạn những nhà dân chủ. Trần Huỳnh Duy Thức là một ví dụ. Nay có thêm Trần Thị Nga, Cấn Thị Thêu và Mẹ Nấm…
Đàn áp những đòi hỏi cấp tiến là điều mà mà nhà cầm quyền trong nước luôn thực thi để củng cố sự tồn tại cũng như để bảo vệ tính chính danh, vốn luôn bị chỉ trích. Tống giam, quản thúc tại gia và trục xuất những người yêu nước là điều họ đã làm ngay từ những năm 90. Từ thế hệ của những Đoàn Viết Hoạt, Đoàn Thanh Liêm, Nguyễn Đan Quế… cho đến Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Điếu Cầy hay Phạm Minh Hoàng, nhà cầm quyền trong nước không từ một hành động nào, dẫu bỉ ổi đến đâu, để uy hiếp tinh thần cũng như sức phản kháng của những người bất đồng chính kiến.
Bỉ ổi, trơ trẽn cũng như khôi hài khi đọc bản cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Khánh Hòa dành cho Mẹ Nấm. Lòng yêu nước và những đòi hỏi ôn hòa về một đất nước dân chủ tự bao giờ trở nên một tội chống phá nhà nước? Càng khôi hài và lố bịch khi cả một bộ máy an ninh lại sử dụng những “phương pháp khoa học kỹ thuật hình sự” để giám định những hoạt động cũng như tiếng nói của Mẹ Nấm trong những cuộc trò chuyện hay trả lời phỏng vấn. Nguyễn Ngọc Như Quỳnh luôn công khai hoạt động, viết lách, tham gia các hội thảo và xuống đường biểu tình. Cô không hề lẩn tránh khi phải hành động. Đó là lòng quả cảm rất đáng trân trọng.
Bản án nào dành cho Mẹ Nấm trong những ngày tới? Chắc chắn nó sẽ rất nực cười và dễ đoán như bản cáo trạng dành cho cô. Không thể nào tin tưởng vào một hệ thống tư pháp vốn dĩ được dựng nên để bảo vệ quyền lợi cho đảng cộng sản. Không thể nào có chỗ cho pháp luật công minh, cho sự dân chủ, cho công lý trong một chế độ độc tài. Đơn giản là thế!
Khi nỗi sợ bao trùm xã hội, khi lòng vô cảm, dửng dưng trước những tội ác đang diễn ra hàng ngày, khi con người ta trở nên hèn nhát, chỉ biết đến bản thân, lòng ích kỷ và bỏ mặt tương lai cho những mưu toan chính trị đen tối thì sự dấn thân và lòng can đảm của những người như Mẹ Nấm chính là tia sáng lẻ loi nơi cuối đường hầm. Tia sáng của sự hy vọng, của sức sống mãnh liệt trong những thời khắc đen tối nhất của lịch sử dân tộc.
Dẫu dư luận có bị định hướng bởi nhà cầm quyền vào những chiêu trò rẻ tiền, của những màn thưa kiện đượm màu tình dục, mua bán thân thể thì ngày hôm nay, tự trong nơi sâu lắng, thầm kín nhất của tâm hồn, nhiều người vẫn dõi mắt ngóng trong khuôn mặt cương nghị và bất khuất của Mẹ Nấm.
Như nhà văn Trần Trung Đạo có viết:” Một chế độ giam cầm tuổi trẻ là một chế độ không có tương lai”. Lý tưởng Mẹ Nấm đang theo đuổi sẽ không thể nào bị bóp chết bởi một chế độ độc tài. Nó sẽ là nền tảng vững chắc cho sự đấu tranh ôn hòa nhằm xây dựng một quốc gia phồn thịnh.
Mẹ Nấm – Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, chị sẽ không bao giờ lẻ loi trong cuộc đấu tranh cho sự sinh tồn của dân tộc.
Lâm Bình Duy Nhiên, 29-11-2017