May Day và tự sát

1

Ai xem phim hành động của Mỹ chắc vẫn nghe các nhân vật bị nạn gọi „Mayday, Mayday“… qua vô tuyến điện khi cần cấp cứu. Nhưng gốc gác của Mayday ở đâu?

Trong một ngày mưa bão hè 1923, ông Frederick Stanley Mockford, sỹ quan phụ trách thông tin hàng không ở sân bay London-Croydon nhận được tín hiệu khẩn từ bên Pháp phát sang, với nội dung „Venez m’aider“ (Hãy đến cứu tôi). Tiếng Pháp đọc là „Vơ nê mê đê“. Ông Anh chữ tác, bà Pháp chữ tộ, hỏi đi hỏi lại trên sóng, cuối cùng nghe thấy đầu kia ú ớ Mê Đê, Mê Đê (m’aider = cứu tôi). Người Anh đọc Mê Đê là Mayday (ngày lễ tháng 5). Từ sau vụ đó, ông Mockford dùng từ Mayday để sử dụng cho cả hai sân bay London-Croydon và Paris–Le Bourget khi có cấp cứu, thay vì dùng SOS như trước đó.

SOS (Save Our Souls = Cứu linh hồn chúng tôi) chỉ có 3 chữ, dùng cho liên lạc Morse thì tiện hơn Mayday, nhưng khi gọi điện thì ba từ S-O-S khó hơn hai từ Mê-Đê. Từ đó cả hai tín hiệu cấp cứu (Mayday và SOS) song song tồn tại trong thông tin hàng không, hàng hải và cấp cứu dân sự, cùng để báo về một thảm họa nào đó. Từ 1999, SOS đã không còn được sử dụng.

Sau gần 100 năm, người Anh giờ đây lại coi ngày 15.1.2019 là May Day, ngày mà chị Theresa May bị thất bại tại quốc hội Anh bởi thỏa thuận Brexit mà chẳng mấy người Anh thích thú. Cả phe theo và phe chống đều coi thỏa thuận Brexit là một thảm họa.

Từ hơn 50 năm qua, nước Anh được hưởng lợi rất nhiều từ Liên minh châu Âu. London từ một đầu cầu tài chính của Liên hiệp Anh ra thế giới, đã trở thành thị trường chứng khoán và trung tâm tài chính của cả châu Âu. Con đường hầm nối eo biển Manche không thuế quan đã làm cho nước Anh không còn là hòn đảo. Tập đoàn Hightec EADS và Aerospatiale đã giúp nước Anh với 60 triệu dân trở thành một cường quốc vũ trụ, ngang ngửa với Mỹ và Liên Xô. Máy bay Concord của Anh-Pháp từng là máy bay hành khách siêu âm duy nhất của loài người cho đến nay (Tu 144 của Liên Xô chỉ là hàng mẫu, chưa bán 1 vé nào đã xếp xó). Một kỹ sư Anh, lấy vợ Hà-Lan, làm việc cho tập đoàn GEW của Đức ở Cologne, lương cao ngất ngưởng mới mua căn nhà bên cạnh, thành hàng xóm của tiều phu. Nhiều ví dụ lắm, kể không xuể.

Chẳng riêng gì nước Anh, mà Đức, Pháp, Ý hay Thụy Điển, tất cả các cường quốc công nghiệp châu Âu, ngày nay đang đối diện với một thế giới mới. Một nước Anh chẳng là cái đinh gì, khi đứng cạnh thuộc địa cũ của mình là Ấn Độ hay Trung Quốc. Những ông mãnh như Ba-Lan hay Hungary thì lại càng thảm hại. Các nước châu Âu chỉ khẳng định được vị trí toàn cầu của mình, khi thống nhất thành một khối.

Nhưng nhiều người Anh vẫn hoài niệm về thời kỳ „Mặt trời không bao giờ lặn trên Đế quốc Anh“, để rồi sa vào cái bẫy của bọn dân túy UKIP (UK-Independent Party). Bọn này chỉ nhìn vào vấn đề nhập cư ở Anh để quên tất cả các lợi thế khác.

Nước Anh xưa nay vẫn là nơi nhập cư của dân từ các thuộc địa: Ấn Độ, Pakistan, Châu Phi. Vấn đề này không phụ thuộc vào việc EU hay không. Từ 2012 làn sóng nhập cư mới của người Ba-Lan, đông Âu vào Anh tăng mạnh. Các bạn Ba-Lan chỉ làm những việc bị người bản xứ phớt Ăng Lê, nên họ đã góp phần làm giảm sức ép lao động ở Anh. Cũng giống như Trump không ưa người Mễ, chỉ thích người Na-Uy nhập vào Mỹ, đám UKIP kêu: tại sao bọn Đức với Thụy Điển không chịu sang xứ ta mà toàn Ba-Lan?

Từ những mối lo vớ vẩn kiểu đó, họ bịa ra đủ các thiệt hại: „Mỗi tuần UK phải chi cho EU 350 triệu Bảng“ là một khẩu hiệu được in ra dán trên các xe bus London. Con số đó ở đâu ra? UK nhận của EU bao nhiêu? Thì không ai biết cả. Nhưng chắc chắn là chính phủ Anh không ngu gì mà chấp nhận bồi thường cho EU khoảng 40-60 tỷ Eur trong hiệp định Brexit.

Từ hai năm qua, nước Anh ở trong tình trạng tiến thoái lưỡng nan và hai tháng gần đây đã chứng kiến những dấu hiệu rối loạn. Nhiều người dân đã bắt đầu mua trữ thực phẩm cho ngày Brexit. Chỉ nghĩ đến việc 11.000 xe tải hàng ngày phải chờ ở bến Dover để thông hải quan thì ai cũng chết khiếp. Nhiều nhà bank đã bỏ London chạy về lục địa hoặc sang Châu Á, khiến cho thủ đô tài chính này đang mắc bệnh teo cơ.

Quân đội cộng hòa Ireland IRA từng phát động chiến tranh khủng bố hàng chục năm ròng nhằn sát nhập Bắc Ireland trở lại với tổ quốc mẹ là nước CH Ireland, gây tang tóc cho cả nước Anh, tỉnh Bắc Ireland và nước CH Ireland. Vì cùng là thành viên EU nên giữa Anh và Ireland đã xóa bỏ biên giới, góp phần chấm dứt cuộc chiến đòi thống nhất lãnh thổ của IRA. Nay nước Anh cùng tỉnh bắc Ireland ra khỏi EU, trong khi nước Ireland ở phía nam vẫn thuộc EU, tất phải rào biên giới như Ba-Lan với Ucraine. Người Ireland đời nào chịu cảnh chồng Bắc vợ Nam, qua giới tuyến phải trình pasport? Đóng biên giới thì IRA lại ra tay. Mở biên giới thì không có Brexit. Đằng nào cũng chết.

Nhiều lắm, không kể xiết những gì sẽ xảy ra, khi Anh và EU đùng đùng li dị. Chị Mây (May) là chính khách có trách nhiệm nên đã thỏa thuân với EU một kế hoạch mềm cho Brexit. Theo đó, trong vòng 2 năm tới, nước Anh vẫn nằm trong liên minh thuế quan cũng như trong không gian biên giới EU để không phải lo lắng đến nạn ách tắc ở các cửa khẩu, để tránh vấn để Nam-Bắc Ireland. Thời hạn này sẽ được kéo dài, nếu hết 2 năm vẫn chưa tìm ra giải pháp (theo tiều phu thì sẽ không có giải pháp nào cả).

Tất nhiên đám ấm đầu trong đảng bảo thủ sẽ phản đối kiểu Brexit mềm này, vì điều đó có nghiã là trong 2 năm tới và có thể lâu hơn nữa, nước Anh vẫn phải chấp nhân các luật chơi của EU, nhưng chỉ là kẻ dự thính, không được giơ tay phát biểu hay bỏ phiếu. Còn những người phản đối Brexit thì kiểu gì cũng chống. Kết quả là hơn 75% nghị sỹ phản đối thỏa thuận May-EU. Ngày 15.1 được coi là May Day của con tàu UK.

Nhưng khi Công đảng đối lập đòi bỏ phiếu tín nhiệm chị Mây thì các vị bảo thủ hôm qua còn chống thỏa thuận của chị Mây lại sống chết tín nhiệm chị. Vì nếu không, phải bầu cử lại và phe đối lập sẽ thắng. Nếu Công đảng thắng mà chấp nhận trưng cầu dân ý lần nữa thì đa số người Anh lại thích vác chăn chiếu quay về phòng the EU. 2 năm qua nằm trong nhà mà chân thò ra ngoài đã quá đủ.

Cỗ xe UK đang sa vào đầm lầy của đám dân túy dân tộc cực đoan và của đám chính khách vô trách nhiệm.

Tuy vậỵ, dân Anh vẫn còn “May”. May vì cả bên chống Brexit lần bên muốn Brexit đều biết mình muốn gì và ghét cái gì. Họ đang dùng thể chế dân chủ để đòi điều họ muốn. Cái giả phải trả thì ai cũng rõ.

Chỉ không “May”cho những con tàu yếu ớt, lênh đênh trên biển cả sóng to gió lớn, chẳng biết đi đâu. Đã thế, ai trên tàu kêu “May Day” thì bị đánh hôị đồng.

Köln 17.1.2019

FB Tho Nguyen

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên