Liên minh châu Âu hôm thứ Năm đã trao giải thưởng nhân quyền cao nhất của liên minh cho ông Ilham Tohti , một trí thức người Duy Ngô Nhĩ đang ngồi tù, một động thái nhằm chỉ trích gay gắt việc Trung Quốc ngược đãi người dân tộc thiểu số, và có thể khiến Bắc Kinh nổi giận.
Tohti, một nhà kinh tế ủng hộ quyền tự trị nhiều hơn cho người Duy Ngô Nhĩ ở tỉnh Tân Cương miền tây Trung Quốc, đã bị kết án tù chung thân vào năm 2014 về tội đòi ly khai. Từ nhiều năm qua, ông đã chỉ trích các hạn chế của chính phủ Trung Quốc đối với văn hóa Duy Ngô Nhĩ và kêu gọi người Hán đối thoại với người cùng sắc tộc với ông.
Trong một thông báo công bố Giải thưởng Sakharov về Tự do Tư tưởng năm 2019, Chủ tịch Nghị viện Châu Âu David Sassoli đã gọi ông Tohti là “một tiếng nói ôn hòa và hòa giải” và lưu ý rằng Trung Quốc đã cầm giữ hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong các trại giam từ năm 2017.
“Khi trao giải thưởng này, chúng tôi rất mong chính phủ Trung Quốc trả tự do cho Tohti và chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tôn trọng các quyền của người thiểu số,” theo ông Sassoli.
Giải thưởng có nhiều chắc chắn sẽ gây phẫn nộ tại Bắc Kinh, nơi đã từng phản ứng dữ dội khi các tổ chức quốc tế vinh danh những người bất đồng chính kiến Trung Quốc bằng các giải thưởng nhân quyền.
Trung Quốc đã trừng phạt Na Uy bằng những biện pháp không chính thức, kéo dài nhiều năm, bằng cách hạn chế nhập khẩu cá hồi và hạn chế cấp thị thực sau khi ủy ban của Na Uy trao giải Nobel Hòa bình năm 2010 cho nhà văn Lưu Hiểu Ba, nhân vật bất đồng chính kiến đã chết trong nhà giam Trung Quốc năm 2017.
Trong năm qua, Bắc Kinh đã gặp chỉ trích của phương Tây về mạng lưới nhà giam ở Tân Cương, mạng lưới mà Trung Quốc nói rằng họ lập ra để hòa nhập văn hóa và dạy nghề cho người Duy Ngô Nhĩ theo đạo Hồi.
Mặc dù trong quá khứ, Tân Cương đã xảy ra nhiều vụ nổ và bạo động của phe Duy Ngô Nhĩ đòi ly khai, nhưng các nhóm hoạt động nhân quyền quốc tế nói rằng mạng lưới nhà giam của Trung Quốc không tương xứng với mối đe dọa và có thể gọi đây là một nỗ lực to lớn nhằm xóa bỏ tôn giáo và văn hóa của hơn 10 triệu người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.
Hồi đầu tháng này, khi ông Tohti được đề cử giải thưởng, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sáng đã tố giác ông là “một kẻ đòi ly khai và ủng hộ khủng bố cực đoan,” một người tuyển mộ sinh viên ông đang dạy trở thành chiến binh khủng bố.
Phát ngôn viên Cảnh Sáng còn gọi sự đề cử Tohti cho Giải thưởng Sakharov của Nghị viện Châu Âu là “một sự xúc phạm và một trò hề về nhân quyền.”
Giải thưởng Sakharov được đặt theo tên của nhà bất đồng chính kiến Nga Andrei Sakharov đã qua đời, từng được hệ thống Xô Viết biểu dương là một sao bắc đẩu của ngành vật lý, trước khi ông trở thành một trong những nhà phê phán XHCN dữ dằn nhất và là một nhà vận động nhân quyền kiên trì.
Những người từng được trao giải thưởng Sakharov gồm có: nhà lãnh đạo Nam Phi Nelson Mandela, nhà vận động quyền phụ nữ Malala Yousafzai người Pakistan, và nhà làm phim người Ukraine Oleg Sentsov.
Kể từ khi thành lập vào năm 1988, giải thưởng đã được trao hai lần cho công dân Trung Quốc: Hồ Giai, vào năm 2008 và Ngụy Kinh Sinh, vào năm 1996. Cả hai đều là các nhà hoạt động dân chủ kỳ cựu.
Ông Hồ Giai vẫn còn bị quản chế sau khi ở tù ra, còn Ngụy Kinh Sinh đã định cư tại Mỹ.
Trong một tin nhắn gửi tới báo Washington Post vào tối thứ Năm, ông Hồ Giai nói rằng ông đã từng ủng hộ ông Tohti cho Giải thưởng Sakharov vào năm 2016 – trước khi Trung Quốc đẩy mạnh chương trình giam giữ ở Tân Cương – nhưng Tohti đã không được chọn.
“Kể từ đó, tình trạng của người Duy Ngô Nhĩ đã vượt tầm kiểm soát, trông giống như người Do Thái ở châu Âu trong qua lịch sử,” ông Hồ Giai viết. “Điều này cuối cùng khiến cả thế giới không còn lựa chọn nào khác ngoài việc lên tiếng.”
Theo WashingtonPost