Giai đoạn 3: chữ viết chính thức
Tại Nam Kỳ: Toàn bộ Nam Kỳ trở thành thuộc địa Pháp từ sau hòa ước Giáp Tuất (18-3-1874). Tại đây, quốc ngữ tiến thêm một bước khá dài nữa, khi phó đề đốc Hải quân Pháp là Louis Lafont, thống đốc Nam Kỳ, ban hành nghị định ngày 6-4-1878, theo đó kể từ 1-1-1882, ở Nam Kỳ, tất cả các giấy tờ như công văn, nghị định, quyết định, bản án, lệnh… đều viết bằng mẫu tự la-tinh, tức chữ Pháp hay Quốc ngữ, chứ không còn viết bằng chữ Nho; và cũng từ 1-1-1882, chỉ những người biết quốc ngữ mới được tuyển dụng vào các cơ quan hành chánh cấp phủ, huyện, tổng.(17)
Ngày ban hành và ngày áp dụng việc thi hành nghị định nầy cách nhau gần 4 năm, nghĩa là khoảng thời gian cần thiết để tổ chức giáo dục, chuyển đổi từ việc học chữ Nho qua việc học quốc ngữ. Ngày 17-3-1879, Pháp thành lập Sở Giáo dục công cộng (Service de l’instruction publique) ở Sài Gòn và đưa ra chương trình giáo dục Pháp-Việt bậc tiểu học, gồm có 6 năm học; theo đó trong ba năm đầu, học sinh phải học ba thứ chữ là chữ Nho, quốc ngữ và chữ Pháp; đến ba năm sau, học sinh chỉ còn học quốc ngữ và chữ Pháp.(18)
Nói cách khác, tại Nam Kỳ, bên cạnh chữ Pháp, từ đây quốc ngữ trở thành chữ viết chính thức được sử dụng trong các trường học, sở làm, và báo chí. Một công trình quốc ngữ quan trọng đầu tiên do một thường dân người Việt biên soạn chứ không phải giáo sĩ nước ngoài, là bộ Đại Nam quấc âm tự vị của Paulus Huỳnh Tịnh Của. Bộ sách nầy gồm hai quyển, phát hành liên tiếp hai năm 1895 và 1896 tại Sài Gòn.
Tại Trung và Bắc Kỳ: Pháp bảo hộ Trung và Bắc Kỳ bằng hòa ước Giáp Thân (6-6-1884). Những trường trung học đầu tiên Pháp mở ở Trung và Bắc Kỳ như trường Quốc Học Huế (khai giảng ngày 26-12-1896), trường Collège des interprètes (Trường Thông ngôn, mở năm 1904)… đều dạy bằng tiếng Pháp và chương trình Pháp cho học sinh Việt. Triều đình Việt Nam vẫn tiếp tục mở những khoa thi Nho học (thi hương và thi hội) theo định kỳ 4 năm một lần như trước đây.
Riêng ở Bắc Kỳ, toàn quyền Đông Dương ban hành nghị định ngày 6-6-1898 (niên hiệu Thành Thái thứ 10), tổ chức một kỳ thi phụ sau kỳ thi hương truyền thống tại Nam Định. Môn thi gồm tiếng Pháp và quốc ngữ, không có chữ Nho. Những người đậu cử nhân hay tú tài Nho học trong kỳ thi hương, nếu đậu luôn kỳ thi phụ, sẽ được ưu tiên chọn ra làm quan.(19)
Chủ trương “hợp tác” và mở cuộc “chinh phục tinh thần” khi đến làm toàn quyền Đông Dương từ 1902 đến 1908, Paul Beau cho giảng dạy quốc ngữ ở các trường Trung và Bắc Kỳ. Học chế năm 1906 (do quyền toàn quyền Broni chuẩn y) quy định các trường học Việt Nam gồm ba cấp ấu học, tiểu học và trung học. Quốc ngữ được dạy ở cả ba cấp. Ai đậu kỳ thi cuối khóa cấp trung học, được gọi là thí sinh và sẽ được dự kỳ thi hương.(20)
Trong khi đó, các nhà khoa bảng cựu học như Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng, kết hợp với những trí thức cấp tiến lúc đó, mở phong trào Duy tân, vận động cải cách văn hóa, chính trị trên toàn quốc, kêu gọi bãi bỏ Nho học, cổ xúy việc học quốc ngữ để nâng cao dân trí, vì một lý do đơn giản: quốc ngữ dễ học, dễ viết, dễ phổ cập hơn chữ Nho.
Các ông vận động mở trường dạy quốc ngữ khắp nước, rầm rộ nhất là ở Quảng Nam (1905), Bình Thuận (trường Dục Thanh, 1907) và Hà Nội (Đông Kinh Nghĩa Thục, 1907). Trong một bài thơ khuyến khích việc học quốc ngữ của Đông Kinh Nghĩa Thục, có đoạn viết:
“… Chữ quốc ngữ là hồn trong nước,
Phải đem ra tỉnh trước dân ta,
Sách các nước, sách Chi-na,
Chữ nào nghĩa ấy, dịch ra cho tường…”(21)
Từ năm 1909, quốc ngữ được đưa vào chương trình thi hương trên toàn Trung và Bắc Kỳ. Trong 4 kỳ (trường) thi hương,(22) đến kỳ thứ 3 (trường 3), thí sinh bắt buộc phải làm 2 đề thi luận: một đề chữ Nho và một đề quốc ngữ. Qua kỳ thi hương năm 1912, đề thi kỳ 3 (trường 3) gồm hai đề quốc ngữ, và kỳ 4 (trường tư) một đề quốc ngữ. Đến kỳ thi hương cuối cùng năm 1918 ở Trung Kỳ, từ kỳ 2 (trường nhì) đến kỳ 4 (trường tư) đều có đề thi quốc ngữ.(23)
Toàn quyền Albert Sarraut (lần thứ hai từ 1917-1919) ra nghị định ngày 21-12-1917 về Quy chế chung về ngành giáo dục công cộng ở Đông Dương (Règlement général de l’instruction publique en Indochine), thường được gọi là “Học chánh tổng quy”, áp dụng cho toàn cõi Đông Dương để thay thế cho học chế thời Paul Beau.
Theo tổng quy mới, trong 5 năm bậc tiểu học, thì 3 năm đầu, học sinh học các môn bằng quốc ngữ và chữ Pháp, chữ Nho không bắt buộc; hai năm cuối bắt buộc học các môn bằng chữ Pháp. Riêng 4 năm bậc trung học, mỗi tuần chỉ có 3 giờ quốc văn trong tổng số 27 giờ học mỗi tuần. Đăc biệt, phần cuối tổng quy nầy định rằng các trường chữ Nho của tư nhân hay của triều đình, kể cả quốc tử giám, đều được xếp vào loại trường tư và phải tuân theo quy chế của chính quyền Pháp.(24)
Nói cách khác, tổng quy nầy dẹp bỏ luôn chương trình Nho học. Chính vì vậy, sau khoa thi hương năm 1915, ở Bắc Kỳ (vùng bảo hộ trực tiếp) không tổ chức thi Nho học nữa, trong khi ở Trung Kỳ (vùng bảo hộ gián tiếp), khoa thi hương cuối cùng năm 1918 và thi hội cuối cùng năm 1919.
Ba giờ quốc văn quá ít. Dư luận người Việt phản ứng. Bảy năm sau, toàn quyền Martial Merlin (từ 1923-1925) công bố nghị định ngày 18-9-1924, sửa đổi lại học chánh tổng quy của Sarraut. Theo học chế mới thời Merlin, trong ba năm đầu của bậc tiểu học, dạy hoàn toàn bằng quốc ngữ thay vì chữ Pháp hay chữ Nho,(25) nhưng các lớp sau đó dạy bằng chữ Pháp. Việc phổ cập giáo dục tiểu học cho trẻ em bằng quốc ngữ, giúp cho học sinh Việt căn bản quốc ngữ trong đời sống hàng ngày. Như thế học quy Martial Merlin công nhận từ đây quốc ngữ là chữ viết chính thức của người Việt Nam.
Quốc ngữ càng ngày càng phổ thông, giúp dân chúng những hiểu biết sơ đẳng cần thiết trong đời sống, nhất là về phương diện chính trị. Từ năm 1925 trở đi, nhiều đảng phái chống Pháp được thành lập, viết truyền đơn, lời kêu gọi, sáng tác thơ văn yêu nước… đều bằng quốc ngữ.
Phản ứng đối với sự hình thành quốc ngữ
Cần chú ý là trước khi được trọng dụng, quốc ngữ cũng đã gặp một số phản đối về phía người Việt cũng như về phía người Pháp. Ở Nam Kỳ, một số người Việt cho rằng quốc ngữ phiên âm quá nhiều chữ Nho mà nếu không học trước những chữ Nho nầy thì không hiểu gì cả.
Một số người Pháp muốn truyền bá văn hóa Pháp, thì cho rằng quốc ngữ được chế ra từ chữ Bồ Đào Nha, không thể dùng để đọc chữ Pháp và có thể gây cản trở việc học chữ Pháp. Ngày 10-12-1885, báo Le Saigonnais [Người Sài Gòn] đăng một kiến nghị của thân hào bản xứ xin Hội đồng Thuộc địa can thiệp để triệt bỏ quốc ngữ vì thứ chữ nầy vô lý, giả tạo. (26a)
Tại triều đình Huế, thượng thư bộ Học là Cao Xuân Dục hết sức bài bác quốc ngữ, mà theo ông là thứ chữ do Tây [Pháp] đem lại.(26b) Một số nhà Nho cho rằng cách viết quốc ngữ theo mẫu tự la-tinh cắt đứt tiếng Việt với nguồn gốc Hán tự, thiếu ý nhị, không có ý nghĩa tượng hình.(26c) Ngày nay, có người còn cho rằng sự thay đổi chữ viết từ chữ Nho qua quốc ngữ, khiến người Việt lạc mất cội nguồn văn hóa dân tộc cổ truyền.
Thật ra, trong tiến trình hình thành quốc ngữ, không thể đòi hỏi quốc ngữ phải toàn thiện ngay từ đầu, mà cần có thời gian để điều chỉnh và hoàn thiện dần dần. Ngay những thứ chữ như chữ Pháp hay chữ Anh, ngày nay hàng năm cũng có cả hàng ngàn chữ mới được bổ túc vào kho tàng ngôn ngữ của các nước nầy.
Trong khi đó, quốc ngữ giúp phổ biến rộng rãi văn hóa và nâng cao trình độ hiểu biết về mọi mặt cho toàn thể dân chúng, giúp người Việt dễ thích ứng và nhanh chóng bắt kịp tiến bộ khoa học trên thế giới. Nhờ thế, ngày nay người Việt tiếp thu và hội nhập dễ dàng vào hệ thống điện toán thời đại mới.
Trước đây Nho giáo là một triết thuyết chính trị hậu thuẫn cho chế độ quân chủ. Các chế độ quân chủ Việt Nam ứng dụng văn hóa Nho giáo để ổn định xã hội và củng cố chế độ, khiến tinh thần sĩ phu lệ thuộc chẳng những Nho giáo mà cả văn hóa Trung Hoa. Việc bãi bỏ Nho học và thay đổi chữ viết từ chữ Nho (Hán tự) qua quốc ngữ, chấm dứt vĩnh viễn giai đoạn lệ thuộc Nho học và văn hóa Trung Hoa, đồng thời mở ra một chân trời mới có tính cách toàn cầu trước mắt người Việt.
Nhiều nhà Nho dưới chế độ quân chủ, đắm mình lâu đời trong văn hóa Trung Hoa, lầm tưởng rằng văn hóa Trung Hoa là văn hóa dân tộc, và những anh hùng liệt nữ Trung Hoa là khuôn vàng thước ngọc cho xã hội Việt. Các tác giả chữ Nho thời trước thường dùng điển tích Trung Hoa về những vua quan, anh hùng, thần thánh, phong tục, tập quán Trung Hoa, để làm mẫu mực cho người Việt.
Khi sử dụng quốc ngữ, bước ra khỏi văn hóa Trung Hoa, nhiều người mới tìm trở lại bản sắc văn hóa dân tộc. Từ đây, càng ngày nền văn hóa dân tộc càng được đề cao. Trong nền văn học quốc ngữ, điển tích Việt được sử dụng rộng rãi. Hai Bà Trưng, Triệu Nữ Vương, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Lê Lợi, Quang Trung… mới là những anh hùng đích thực, những tấm gương sáng của người Việt.
Điểm đặc biệt, sau khi các khoa thi chữ Hán chấm dứt, người Việt chuyển qua học quốc ngữ, không còn đọc được sách sử viết bằng chữ Hán, thì sử gia Trần Trọng Kim soạn bộ Việt Nam sử lược do nhà xuất bản Trung Bắc Tân Văn ấn hành tại Hà Nội năm 1920, nối mạch quốc thống Việt Nam, giúp cho những nhà tân học đọc được lich sử nước nhà bằng quốc ngữ.
Kết luận
Sự hình thành quốc ngữ tiến triển qua ba giai đoạn: 1) Do nhu cầu truyền đạo, các giáo sĩ Tây phương dùng mẫu tự la-tinh phiên âm thiếng Việt và sử dụng thứ chữ mới trong khuôn viên giáo đường. 2) Do nhu cầu cai trị nước ta, Pháp ứng dụng thứ chữ mới nầy trong quần chúng. 3) Do nhu cầu phổ cập giáo dục căn bản cho trẻ em Việt Nam, Pháp đưa quốc ngữ vào chương trình tiểu học từ năm 1924. Quốc ngữ được chính thức công nhận là chữ viết của người Việt.
Sự xuất hiện của quốc ngữ đưa đến sự hình thành nền văn học quốc ngữ. Trên toàn cõi nước ta, nền văn học quốc ngữ phát triển sớm nhất tại Nam Kỳ vì một lý do đơn giản là tại Nam Kỳ, Nho học được bãi bỏ sớm nhất, quốc ngữ được sử dụng sớm nhất và ngành in ấn phát triển sớm nhất.
Cũng tại Nam Kỳ, tiểu thuyết đầu tiên xuất hiện năm 1887 là Truyện thầy Lazaro Phiền của P. J. B. Nguyễn Trọng Quản do nhà xuất bản J. Linage ấn hành năm 1887 tại Sài Gòn, trong khi ở Hà Nội, truyên Tố Tâm của Song An Hoàng Ngọc Phách được ấn hành năm 1925. (27)
Nền văn học quốc ngữ đa dạng, phong phú và phổ thông, phát triển nhanh chóng, càng làm tăng giá trị của công trình sáng tạo quốc ngữ. Từ đó, sách báo quốc ngữ càng ngày càng nhiều và cao điểm là phong trào thơ mới và phong trào tiểu thuyết rất phong phú, thường được gọi là nền “văn học tiền chiến”.
Năm 1942, Hoàng Xuân Hãn xuất bản sách Danh từ khoa học bằng quốc ngữ, mà theo ông, sách hết ngay sau mấy tháng phát hành. Vua Bảo Đại công bố bản Tuyên ngôn độc lập ngày 11-3-1945 bằng quốc ngữ.(28) Nhà vua ban hành dụ số 67 ngày 30-7-1945 quy định từ học khóa 1945-1946, bậc trung học Việt Nam dạy bằng quốc ngữ.
Bộ Giáo Dục – Mỹ Thuật thời chính phủ Trần Trọng Kim do Hoàng Xuân Hãn làm bộ trưởng, đã đưa ra “Chương trình trung học” hoàn toàn bằng quốc ngữ, trong khi Pháp văn cũng như Anh văn được xếp vào môn sinh ngữ, Hán văn là môn cổ ngữ.(29) Chương trình nầy làm căn bản cho các chương trình trung học về sau.
Như thế ngay từ đầu, quốc ngữ cho thấy sức sống mạnh mẽ, phát triển nhanh chóng, và chóng trở nên phổ thông, đồng thời hứa hẹn nhiều tương lai sáng sủa, như nhà văn Nguyễn Văn Vĩnh đã tin tưởng: “Nước Nam ta mai sau này, hay dở cũng ở chữ quốc ngữ.” (30)
California, 06-07-2008
——————–
Chú thích
- Alfred Schreiner, sđd. tr. 340.
- Dương Kinh Quốc, Việt Nam: Những sự kiện lịch sử (1858-1918), Hà Nội: Nxb Giáo Dục, 1999, tr. 109.
- Emmanuel Poisson, Mandarins et subalternes au nord du Viêt Nam, une bureaucratie à l’épreuve (1820-1918), Paris: Maisonneuve & Larose, 2004, tt. 193-194. Cũng theo tài liệu nầy, các môn thi trong kỳ thi phụ như sau: 1) Viết tập chữ Pháp (hệ số 3). 2) Chính tả chữ Pháp (HS 5). 3) Dịch chữ Pháp qua quốc ngữ (HS 5) 4) Đàm thoại tiếng Pháp (HS 5) 5)Đọc và dịch miệng tại chỗ một bài tiếng Pháp (HS 5) 6) Chính tả quốc ngữ (HS 3) 7) Dịch một bài chữ Nho qua quốc ngữ (HS 4). Điểm cho trên 20. Thí sinh phải đủ tối thiểu 360 điểm trên 600 điểm thì mới được ưu tiên chọn ra làm quan. Những người đậu cử nhân phải hơn những người đậu tú tài 50 điểm. [Hệ số (coefficient): Các môn thi được xem quan trọng nhiều hay ít khác nhau, nên có hệ số lớn nhỏ khác nhau. Ví dụ môn viết tập chữ Pháp hệ số 3; môn chính tả Pháp hệ số 5. Mỗi môn thi được cho điểm tối đa là 20. Điểm mỗi môn nhân lên với hệ số môn đó, rồi cộng tất cả thành điểm cuối cùng. Ví dụ tổng cộng hệ số 7 môn thi trong kỳ thi phụ trên đây là 30. Điểm tối đa mỗi môn thi là 20 điểm, vậy 20 X 30 = 600 điểm (điểm tối đa). Luật thi quy định thí sinh phải được 360 / 600 mới được ưu tiên chọn ra làm quan.] .
- Louis Cury, La société annamite, les lettrés – les mandarins – le peuple (Thèse pour le doctorat), Paris: Jouve et Cie, Éditeurs, 1910, tt. 24-33. (Nghị định do quyền toàn quyền Broni ký ngày 14-9-1906).
- Phạm Văn Sơn, Việt sử tân biên, quyển V – Tập trung, Việt Nam Cách mạng cận sử (1885-1914), Sài Gòn: 1963, tr. 393.
- Thông thường, khóa thi hương có 4 giai đoạn, thường gọi là 4 kỳ hay 4 trường. Đậu kỳ 1 (trường nhất) mới được thi kỳ 2 (trường hai hay trường nhì). Đậu kỳ 2 mới được thì kỳ 3 (trường ba). Đậu trường 3 mới được thi kỳ 4 (trường tư). Đậu kỳ 4 (trường tư) được gọi là cử nhân. Đậy kỳ 3 (trường ba) hỏng kỳ 4 gọi là tú tài.
- Cao Xuân Dục, sđd. 611, 629, 645, 659.
- Dương Kinh Quốc, sđd. 375-378.
- Học viện Quốc gia Ngôn ngữ và Văn minh Đông phương Paris, Khoa Đông Nam Á, Trung tâm Tài liệu và Nghiên cứu về Đông Nam Á, Ban Việt học, phần Chronologie Vietnamienne, Éléments pour “La mémoire de Phạm Quỳnh 1892-1945” [Biên niên Việt Nam, góp phần tưởng nhớ Phạm Quỳnh 1892-1945]. Xem thêm: Nguyễn Q. Thắng, Khoa cử và giáo dục Việt Nam, Hà Nội: Nxb. Văn Hóa – Thông Tin, 1993, tr. 304.
- Phạm Thế Ngũ, sđd. tr. 67 (26a), tr. 116 (26b), tr. 63 (26c).
- Xin chú ý cách viết thời đó: (Truyện) (cuả) (Làm Ra)
- Điểm đặc biệt là chiếu xưng đế của vua Gia Long (trị vì 1802-1820) ngày 12 tháng 5 năm bính dần (28-6-1806) bằng chữ Nho. Tuyên cáo độc lập của vua Bảo Đại bằng quốc ngữ.
- Sách Danh từ khoa học và Chương trình trung học năm 1945 do bộ Giáo Dục-Mỹ Thuật đưa ra, thường được gọi là chương trình Hoàng Xuân Hãn, được đăng lại trong sách La Sơn Yên Hồ Hoàng Xuân Hãn, tập I: Con người và trước tác, Hà Nội: Nxb. Giáo Dục, 1998, tt. 519-850.
- Nguyễn Văn Vĩnh viết câu nầy trong bài tựa bản dịch bộ Tam quốc chí diễn nghĩa do Phan Kế Bính dịch, xuất bản ở Hà Nội năm 1909. (Dương Quảng Hàm, sđd. tr. 398.)
Chu Viet con, dan ta con, nuoc ta con.
Tôi xin góp ý với tác giả bài viết là không nên gọi chữ quốc ngữ là “quốc ngữ”, nên gọi chữ quốc ngữ là “chữ quốc ngữ”. Ngôn ngữ với văn tự không phải là một, văn tự dùng để ghi chép lại ngôn ngữ, văn tự không phải là ngôn ngữ. Một loại văn tự có thể dùng để ghi chép nhiều ngôn ngữ khác nhau (ví dụ: tiếng Anh và tiếng Pháp đều dùng chữ La-tinh). Ngược lại, một ngôn ngữ có thể được viết bằng nhiều loại văn tự khác nhau. Nhiều người do không phân biệt được rạch ròi sự khác nhau giữa văn tự và ngôn ngữ, thậm chí có khi còn xem hai thứ đó là một, nên đã dùng từ không chính xác, lấy tên đáng lý ra chỉ nên dùng để chỉ văn tự để đi chỉ ngôn ngữ, chẳng hạn như thay vì gọi là “tiếng Việt” thì lại gọi là “chữ nôm”, “chữ quốc ngữ”. “Ngữ” trong “quốc ngữ” có nghĩa là ngôn ngữ, chữ quốc ngữ không phải là một ngôn ngữ, khi muốn chỉ chữ quốc ngữ thay vì gọi là “quốc ngữ” ta nên gọi nó là “chữ quốc ngữ”.