Lê Quốc Quân: Quốc hội phải độc lập khỏi Đảng

2
Hình minh họa. Nguồn: Internet.

Gần đây có 2 đại biểu quốc hội nói về 2 vấn đề được dư luận rất quan tâm.

Có tới 95,8% đảng viên cộng sản thuộc diện ‘công khai’ nằm trong quốc hội Việt Nam, theo quan sát của tác giả.

Thứ nhất là bà Đại tá công an Nguyễn Thị Xuân vừa là phó giám đốc Công an Tỉnh Đak Lắc vừa là Đại biểu quốc hội, khi góp ý về điều 155 về tội làm nhục người khác đã “Đề nghị bổ sung vào Khoản 2 về tội bội nhọ lãnh đạo đảng, nhà nước “.

Thứ hai là bà Nguyễn Thị Thủy, công tác tại Viện kiểm sát tối cao, là đại biểu của Tỉnh Bắc Kạn do Trung ương giới thiệu, lên tiếng ủng hộ dự thảo tại Điều 19 Bộ luật Hình sự là “Luật sư phải tố giác thân chủ khi họ biết thân chủ phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia…”

Hai người này đều thuộc nhánh hành pháp nhưng được đảng cộng sản Việt Nam đưa sang làm đại biểu quốc hội để làm luật. Những đạo luật được quốc hội thông qua sau này cũng sẽ do chính những người này thực hiện.

Có thể hai người này biết những ý kiến như vậy có thể bị nhân dân “ném đá” nhưng có thể coi đây như là cách họ phải thực hiện ý chí của đảng.

Với tư cách là những đảng viên cộng sản, chắc chắn họ ủng hộ vì nó thỏa mãn sự vị kỷ của chính mình và những đảng viên khác. Nó bảo vệ cho sự an toàn của chế độ lẫn uy tín riêng của từng lãnh đạo, nghĩa là bảo vệ chính họ.

‘Những con chim mồi’

Bà Nguyễn Thị Xuân, đại biểu tỉnh Daklak, cho rằng cần xử lý hình sự việc bôi nhọ lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Quốc hội Việt Nam chủ yếu là do đảng cộng sản cơ cấu cho đủ các thành phần, nhiều đại biểu không hiểu biết về pháp luật nói chung và kỹ thuật lập pháp nói riêng. Mà nếu có hiểu biết thì họ cũng không thể độc lập đưa ra ý kiến của mình.

Đảng đã đưa vào 95,8% đảng viên công khai nằm trong quốc hội. Tuy nhiên, có lẽ vì chưa yên tâm nên đảng quyết tâm đưa bằng được Điều 4 quy định về “Đảng lãnh đạo” vào trong Hiến pháp. Như vậy là trói rất chặt, cả về nội dung và hình thức.

Trên thực thế thì đảng cộng sản là quyết định hết, từ chuyện to tát ở Trung ương thì do Bộ Chính Trị, cho đến chuyện nhỏ nhặt ở trong làng cũng do chi bộ đảng cộng sản ở xóm quyết định.

Đảng cũng sắp xếp rất rõ những đạo luật nào thì được ra đời, đạo luật nào chưa và ra đời với những nội dung như thế nào.

Để thỏa mãn đòi hỏi về tính dân chủ và công khai của dân ngày càng cao cho nên Đảng cũng cần những con chim mồi, nói ra để “làm như thật” rằng họ là tiếng nói của nhân dân, của công luận.

Mọi việc thực sự càng ngày càng tinh vi nhưng cũng không thể che giấu được bản chất yếu kém. Không ít đại biểu quốc hội thường phát biểu một chiều, đầy định kiến và đã bị nhân dân tố giác rất nhiều lần nhưng vẫn không ai chịu trách nhiệm.

Ví dụ Bộ Luật hình sự 2015 đã được Quốc thông qua nhưng phạm vào những lỗi cực kỳ nghiêm trọng do chính nhân dân phát hiện ra nên đã không thể áp dụng được mà phải lùi lại chỉ 2 ngày trước khi nó có hiệu lực vào 1/7/2016. Cho đến bây giờ cũng chưa ai chịu trách nhiệm về việc này.

‘Chưa ai bị kỷ luật’

Bà Nguyễn Thị Thủy, Đại biểu Quốc hội của Tỉnh Bắc Kạn, ủng hộ dự thảo tại Điều 19 Bộ luật Hình sự theo đó luật sư phải tố giác thân chủ khi họ biết thân chủ phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia.

Bỏ qua chất lượng của đại biểu quốc hội, chúng ta sẽ thấy rằng muốn làm ra luật tốt ở Việt Nam rất khó vì hai lẽ: thứ nhất là do đời sống xã hội liên tục thay đổi, luật phải chạy theo đời sống; và thứ hai là phải vừa ‘đúng ý đảng’ mà lại hợp lòng dân, trong khi 2 điều này đang cách xa nhau.

Nhân dân thì cần rất những đạo luật đơn giản, dễ hiểu, có lợi cho dân và có tính ứng dụng trong thực tế, trong khi đảng cộng sản cần có những đạo luật để bảo vệ sự lãnh đạo và thống nhất quyền lực của mình.

Chính vì vậy những đạo luật cơ bản như: Luật về Hội, Luật biểu tình, luật tiếp cận thông tin, Luật về sự lãnh đạo của đảng cộng sản… rất cấp thiết nhưng đảng chưa muốn thì vẫn chưa thể ra đời, trái lại đảng chỉ đạo ban hành nhiều đạo luật “trên trời” và luôn luôn có tính phòng ngừa hoặc răn đe.

Nói làm luật khó là khi muốn theo sát đời sống xã hội và để phục vụ dân còn cũng rất dễ nếu cứ theo con đường máy móc cũ, đưa ra những đạo luật kiên quyết bảo vệ đường lối, chính sách của đảng, giao cho một cơ quan trong chính phủ (hành pháp) soạn thảo, xong trình ra quốc hội và “thông qua”, thế là thành luật.

Sau khi có luật thì còn có hàng loạt văn bản quy phạm khác dưới luật được Chính phủ và các bộ ban hành, mà chủ yếu là giành lấy cái lợi và cái dễ cho mình, đẩy cái khó cái thiệt hại cho người dân. Đã từng có đến 1/6 văn bản của quy phạm pháp luật bị tuýt còi nhưng cũng không thấy mấy người chịu trách nhiệm.

Điều 7 “Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật” cũng nêu lên một chùm lằng nhằng gồm đến 8 cơ quan và cá nhân phải chịu trách nhiệm về việc ban hành luật sai, tuy nhiên chưa một ai trong quốc hội bị kỷ luật.

Bởi vì nếu kỷ luật thì có đến 99% số đại biểu phải chịu kỷ luật vì họ thường giơ tay tán thành theo ý của đảng. Tất nhiên, nếu cùng một văn bản như vậy nhưng thường vụ Quốc hội nói là “không thông qua” thì 500 đại biểu sẽ lại rút tay lại.

Có đến 8 cơ quan và cá nhân phải chịu trách nhiệm về việc ban hành luật sai, tuy nhiên chưa một ai trong quốc hội bị kỷ luật, theo tác giả.

Bài học nào rút ra?

Mấu chốt của chúng ta ở đây không phải là sự phê phán cá nhân hai bà nghị sĩ đó mà là phải đấu tranh để Quốc hội phải độc lập khi làm luật, Chính phủ phải độc lập khi thực hiện (hành pháp) và Tòa án phải độc lập khi phán quyết.

Đó cũng là yêu cầu tối cao của một Nhà nước pháp quyền.

Muốn vậy, cả ba nhánh quyền lực Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp phải độc lập khỏi Đảng cộng sản.

Đại biểu quốc hội phải thực sự là của dân, do dân bầu lên chứ không phải “đảng cử dân bầu”.

Đảng cũng không thể có cái quyền rất ngang ngược là điều chuyển “tính đại diện” từ nhóm dân này sang nhóm dân khác như trường hợp Ông Đinh La Thăng và ông Nguyễn Thiện Nhân vừa rồi.

Không ai “điều chuyển” được ý chí của một vùng rộng lớn dân cư từ nơi này sang nơi khác, từ người này sang người khác.

Quốc hội phải thực sự là của dân; và đảng cộng sản nên có số lượng đại biểu trong quốc hội tương ứng với số đảng viên của mình, nghĩa là khoảng 21 người thay vì chỉ là 21 người ngoài đảng như bây giờ.

Luật sư Lê Quốc Quân

(BBC)

2 BÌNH LUẬN

  1. NGUYÊN LÝ CHÍNH TRỊ

    Nguyên lý nào chẳng khách quan
    Nếu không như thế gọi càn làm chi
    Nên không nguyên lý ích gì
    Kiểu toàn tùy tiện hay chi trên đời

    Chủ quan cảm tính ngời ngời
    Toàn phi nguyên lý dễ thời đúng đâu
    Cái sai vì thế từ đầu
    Dễ nào kết quả mà hầu lo toan

    Cần chi phải nói rình rang
    Cả như chính trị cũng càng vậy thôi
    Đầu tiên nguyên lý Phân quyền
    Đó là nguyên tắc nhãn tiền xưa nay

    Phạm vào chắc hẳn độc tài
    Có gì kiểm soát con người được sao
    Cũng thành một nghĩa như nhau
    Đảng và Nhà nước có đâu nhập vào

    Đảng đều thiểu số riêng tư
    Trong khi Nhà nước chính quyền toàn dân
    Đó là cái trật chần dần
    Dẫm vào nguyên lý nhân quyền tự do

    Bởi vì ai chẳng vì mình
    Nhân danh đủ thứ cố tình khác đâu
    Khó ai trong trắng trên đời
    Mà cần nguyên lý rạch ròi đủ ngay

    Thế nên đời chỉ cùi đày
    Nếu sai nguyên lý vận hành lông bông
    Con người dễ thánh mà trông
    Chỉ cần nguyên lý căn cơ tốt rồi

    Khác chi cách chạy vượt rào
    Đừng cho rào ngã lẽ nào không thông
    Nên thành chính trị bông lông
    Nếu sai nguyên lý chẳng cần nói sao

    NẮNG NGÀN
    (29/5/17)

  2. “Quốc-hội phải độc-lập khỏi đảng” Quốc-hội nầy là Đảng-hội của Việt-cọng. Không phải là Quốc-Hội Việt-Nam như Đài nói, Báo ghi ! Phải nói đúng và ghi rõ : “QUỐC-HỘI VIỆT-CỌNG” thì làm sao độc-lập được ?

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên