Lê Phú Khải: Tôi đã nghe hai chữ đối thoại từ hơn 20 năm trước

1
Tranh minh họa. Hình: Javier Jaén

Văn Việt giới thiệu: Nhà báo Lê Phú Khải kể: 20 năm trước đã nghe một Ủy viên BCT là Nguyễn Hà Phan ngỏ ý muốn “đối thoại” với những trí thức có ý tưởng khác biệt (chưa thể gọi là “bất đồng chính kiến”). Nhà báo Huy Đức cũng kể: “Hơn 10 năm trước ông Võ Văn Kiệt đã nói rằng, “Chính kiến khác nhau, ý kiến khác nhau là bình thường, và điều quan trọng là cần phải có đối thoại, nói chuyện với nhau một cách sòng phẳng”.

Số phận hai ông ra sao, ai cũng biết.

Còn bây giờ, lại một Ủy viên BCT còn trẻ, tuyên bố “Đảng không ngại đối thoại với người bất đồng chính kiến”.

Vậy là cứ 10 năm một lần, ý tưởng “đối thoại” được đưa ra. Mong là không “quá tam ba bận”!

Thế nhưng 10 năm, 20 năm trước, chưa có các vụ an ninh ngang nhiên chặn cửa nhiều nhà “bất đồng”, không cho đi… đối thoại. Vậy lần này ta có thể mong gì?

Nguyễn Hà Phan (phải) và tác giả tại nhà riêng 14 Nguyễn Trãi – Cần Thơ.

Trước Đại hội Đảng lần thứ 8, tôi ra Hà Nội. Thông thường cứ một năm tôi ra Hà Nội một lần, vào cuối năm. Năm ấy (1995) tôi đi chơi khắp nơi, lúc sắp ra về mới đến thăm ông Sáu Phan (Nguyễn Hà Phan) lúc đó đang là ủy viên Bộ Chính trị, trưởng ban Kinh tế Trung ương. Tôi nói: Ra Hà Nội lâu rồi, trước khi về, đến thăm ông Sáu! Sáu Phan nói: Tôi biết ông ra Hà Nội lâu rồi và toàn đến chơi các “thứ dữ”, giờ mới đến chơi tôi!

Thì ra Sáu Phan đã biết tôi đi những đâu. Tôi đành “thú nhận”: Tôi đến chơi Nguyễn Khắc Viện, Nguyễn Kiến Giang, Dương Thu Hương… Sáu Phan nói: Thế là tốt! Mai mốt tôi làm việc (ý nói làm lớn hơn), phải nhờ chú Khải làm cầu nối để tôi đối thoại với các anh chị em đó…

Lúc đó giới thạo tin ở Hà Nội đồn đại rằng Đại hội Tám – Nguyễn Hà Phan sẽ lên làm Thủ tướng hoặc Tổng bí thư.

Tôi nghe Sáu Phan nói, nhờ tôi làm “cầu nối”…, và chưa biết trả lời thế nào thì Sáu Phan khoe: Tôi là người bảo lãnh cho anh Phan Đình Diệu tham gia Mặt trận Tổ quốc, trong khi các vị khác phản đối ầm ầm!… Phan Đình Diệu là một nhà toán học nổi tiếng. Hà Nội lúc đó có giai thoại là nhà toán học họ Phan đã đưa ra một công thức toán học là: Độc đảng égal (=) độc trị, égal độc tài, égal độc ác! Công thức PĐD: ĐĐ=ĐT=ĐT=ĐA!

Ủy viên Bộ Chính trị Nguyễn Hà Phan từ năm 1995 đã nghĩ đến đối thoại với những nhà bất đồng chính kiến thì quý quá. Hơn 20 năm sau (2017), người ta lại được nghe một Ủy viên Bộ Chính trị trẻ là Võ Văn Thưởng nói tới muốn đối thoại với những người bất đồng chính kiến, thì tôi e rằng hơi muộn, nhưng vẫn thấy tín hiệu đáng mừng, cho dù thế nào đi nữa!

Viết thêm: Gần Đại hội 8, Nguyễn Hà Phan thất sủng, bị khai trừ ra khỏi đảng. Tôi là một trong những người đã đến thăm ông sớm nhất ở 14 đường Nguyễn Trãi, Cần Thơ. Tết vừa qua (2016), tôi đến thăm ông. Ông già hơn 80 tuổi nói với tôi: Cán bộ ở đây nó nói, Sáu Phan chơi với nhà báo Lê Phú Khải thật là bền! Tôi nói: Thì hai người ngoài đảng chơi với nhau thì có gì là lạ (!).

Thủ bút của Nguyễn Hà Phan

Lê Phú Khải

 

Nguồn: Văn Việt

1 BÌNH LUẬN

  1. MỘT THỜI RỒI QUA

    Hà Phan, Xuân Bách một thời
    Cũng nhằm đối thoại mà rơi khỏi đài
    Bây giờ đối thoại với ai
    Với người ngoài đảng hay mình với ta

    Một thời rồi cũng sẽ qua
    Cũng y như cũ lại hoàn như xưa
    Mở ra hai cánh chỉ thừa
    Khép vào một cánh đủ vừa mở ra

    Chỉ thương thiên hạ sa đà
    Nằm mơ cứ tưởng như ta dậy rồi
    Có gì đâu phải bồi hồi
    Chuyện mình mình biết chuyện người người lo

    Nói chơi rồi ngủ ngáy khò
    Qua đêm sáng dậy khỏi lo điều gì
    Băn khoăn nào cũng ích chi
    Tự nhiên mà được quả thì mới hay

    MAI NGÀN
    (27/5/17)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên