Trung tuần tháng ba, thông tin Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ VH-TTDL) ra quyết định tạm dừng lưu hành năm ca khúc sáng tác trước năm 1975 đã dấy động lên nhiều thắc mắc cũng như sự không đồng tình của công luận. Sự việc vẫn còn trong vòng tranh luận thì đầu tháng tư, Cục này lại cho rằng năm ca khúc trên, bao gồm : Con đường xưa em đi (Châu Kỳ – Hồ Đình Phương), Cánh thiệp đầu xuân (Lê Dinh – Minh Kỳ), Rừng xưa (Lam Phương), Chuyện buồn ngày xuân (Lam Phương) và Đừng gọi anh bằng chú (Diên An), sẽ bị cấm lưu hành vĩnh viễn, nếu bị sửa lời so với bản gốc !
Thoạt đầu, những người đứng đầu Cục khẳng định rằng « không có vấn đề tư tưởng hay nội dung » và sau khi được kiêm chứng về ca từ gốc cũng như về tác giả thì các ca khúc trên sẽ lại được phép lưu hành trở lại.
Sau đó, không biết công việc kiểm chứng khó khăn như thế nào đã khiến họ đưa ra quyết định nực cười : cấm vô thời hạn các bài hát trên. Cứ như thể Cục Nghệ thuật biểu diễn nói riêng và nhà nước cộng sản nói chung luôn lấy sự minh bạch và sự thật làm tôn chỉ cho mọi quyết định.
Mà họ, những người « chiến thắng », « giải phóng và thống nhất đất nước » đã từng ra sức tàn phá, triệt tiêu những gì liên quan đến văn hóa, nghệ thuật và học thuật của miền Nam Việt Nam. Dòng nhạc vàng và tiền chiến, được sáng tác trước 1975, bị ngăn cấm lưu hành, trình diễn. Những băng cassette, đĩa nhạc hay sách vở ghi chép nhạc cũng bị đem đốt và thiêu hủy.
Một thời, cái lý tưởng của con người xã hội chủ nghĩa siêu việt luôn là mệnh đề tiên quyết trong mọi bài rao giảng, tuyên truyền của chế độ nhằm phỉ báng, hạ thấp những di sản văn hóa của phân nửa đất nước vừa được « giải phóng ».
Cấm ! Nhưng thật ra thì những ca khúc của miền Nam vẫn được ca hát, truyền tụng cho nhau trong vòng bí mật hòng tránh né sự nhòm ngó của chính quyền. Khi sự nghèo khổ, khó khăn bao trùm quê hương thì những lời ca bình dị, thắm nhuộm tình cảm yêu thương lại như cơn gió mát thổi vào tâm hồn của người dân, làm cho cuộc sống trở nên dễ thở hơn.
Những năm tháng ấy, tôi vẫn nhớ rõ hình ảnh mẹ tôi, vào những trưa hè hay đêm tối, thường nằm trên chiếc đi văng gỗ và cất tiếng hát nhỏ nhẹ :
Con đường xưa em đi,
Vàng lên mái tóc thề, ngõ hồn dâng tái tê
Anh làm thơ vu quy,
khách qua đường lắng nghe chuyện tình ta đã ghi
Những mùa trăng vu quy, vì mưa gió không về
Chiến trường anh bước đi
Có nàng hoen đôi mi, ngóng theo đường vắng hoe… Hỏi còn ai cố tri
Em ơi! nhìn gió lên khơi, lòng có trông vời một người xa cuối trời?
Nơi đây phiên gác canh dài, e ấp đôi lời mình còn nhớ thương hoài
Mẹ cứ hát, trầm ngâm suy nghĩ. Không chỉ riêng Con đường xưa em đi, mà còn nhiều ca khúc khác nữa. Tôi lắng nghe và một cách vô thức đã thuộc những câu hát trên. Cái thời thiếu niên, sự nhìn nhận vấn đề bị ảnh hưởng rõ rệt từ những gì hấp thụ ở nhà trường. Nghe mãi những bản nhạc tiền chiến, nhạc vàng khiến đôi lúc tôi bất bình, trách mẹ sao cứ nghe loại nhạc yếu đuối, ướt át tình cảm đôi lứa, bi lụy. Những lúc ấy, mẹ chỉ bảo : « Khi nào mày xa nhà, mang tâm trạng như mẹ thì mày sẽ hiểu ».
Thế rồi những năm tháng tha hương, đôi khi chỉ cần nghe tiếng Việt là đã khơi dậy trong tôi nhiều nỗi niềm nhớ thương. Lắng nghe những bài hát trước 1975 trở nên một món ăn tinh thần không thể thiếu trong cuộc đời kẻ xa nhà. Tôi chợt thấy sư bình dị, ngạt ngào tình yêu qua những ca từ hết sức bình dân nhưng vô cùng đẹp đẽ và lãng mạn. Lẽ nào những âm điệu dân dã, chất chứa bao nỗi niềm dễ đi vào lòng người lại được viết ra trong một giai đoạn đau thương tột cùng của dân tộc. Sự trong sáng của từng chữ, từng câu ca đã thể hiện giá trị nhân bản của một cộng đồng, của một mảnh đất khát khao hòa bình và tình yêu.
Nguồn cảm xúc nghệ thuật không đến từ thiên đường xã hội chủ nghĩa vô tưởng, không thực tế mà chính là tình cảm lứa đôi, là tình yêu quê hương đất nước. Những thứ tình cảm bình dị, trong sáng mà mọi người đều hướng về.
Có lẽ đó chính là điều mà những người cộng sản không bao giờ chấp nhận. Sự tự do trong sáng tác nghệ thuật và suy nghĩ bị chi phối bởi một hệ thống tư tưởng chính trị cứng nhắc. Phải là Quốc tế cộng sản, là đảng, là những người lãnh tụ kính yêu chứ không thể nào có chỗ cho sự sáng tạo.
Trong khi đó, hơi thở, sức sống và sự sáng tạo vẫn không ngừng chảy trong suốt những năm tháng chiến tranh tại miền Nam. Tình yêu đôi lứa cũng như ước mơ về hòa bình vẫn là đề tài chủ đạo trong mọi tác phẩm được sáng tác tại đây. Công việc của người nhạc sĩ không bị sự can thiệp thô bạo hay đàn áp bởi chế độ Việt Nam Cộng hòa (VNCH). Những ca khúc phản chiến, thiên chế độ miền Bắc vẫn được sáng tác và trình diễn một cách tự do. Tất cả cho chúng ta thấy một môi trường sống cởi mở và dân chủ khi nhà cầm quyền chấp nhận sự phản biện và đối lập trong chừng mực.
Ấy thế mà, môi trường tự do đó vẫn chỉ là một giấc mơ cho đến hôm nay, sau 42 năm chiến tranh chấm dứt. Những ca khúc một thời bị cấm, được cho phép hát lại vì chế độ thừa biết không thể cưỡng lại xu hướng của thời đại. Nhưng dường như người ta vẫn lo ngại về giá trị của những tác phẩm từng bị gán là sản phẩm của sự đồi trụy, của những kẻ bán nước.
Một mặt cho rằng năm ca khúc bị cấm lưu hành vĩnh viễn trên không hề có vấn đề tư tưởng chính trị nhưng mặt khác, chính hình ảnh người lính VNCH đã khiến cho Cục Nghệ thuật biểu diễn phải lo lắng. Sau bao khó khăn, tuyên truyền nhằm hạ thấp nhân cách của người lính chế độ cũ, nhà cầm quyền nhận ra rằng, trong lòng của người dân, đó là những người lính chân chính, can đảm và anh dũng bảo vệ đất nước chống ngoại xâm. Ngày nay, chính những người lính ấy chứ không ai khác đang bị bỏ mặt bởi nhà cầm quyền dẫu mang trong mình bao vết thương nặng hay trở nên tàn tật. Ngay cả nghĩa trang của những người lính VNCH cũng bị cố tình vùi dập trong sự bỏ quên và lạnh lẽo.
Hình ảnh người lính bên những mối tình buồn hay lãng mạn, đơn thuần chỉ là tâm hồn và khao khát của người nhạc sĩ khi chứng kiến quê hương vẫn chìm trong khói lửa chiến tranh, nhưng vẫn đủ sức để khơi dậy những cơn ác mộng đối với nhà cầm quyền.
Hay khi Lam Phương nhắc đến :
Người về đâu hỡi người về đâu ?
Đây ước mơ của miền Nam mến yêu
Tha thiết đến tin anh về bên mái ấm gia đình
Tìm hạnh phúc ngày qua
Phải chăng đã khiến Cục Nghệ thuật biểu diễn không vui vì « miền Nam dấu yêu ». Sau bao năm thống nhất đất nước, sự chia rẽ Nam-Bắc vẫn còn hằn sâu trong tâm thức của người dân. Vết thương chiến tranh vẫn âm ỉ và nhà cầm quyền vẫn không hề có một động thái tích cực nào để hàn gắng những nỗi đau, hậu quả của cuộc chiến đã qua.
Đằng sau những quyết định tạm dừng rồi cấm năm ca khúc được sáng tác trước 1975, chúng ta có thể cảm nhận được sự lo ngại, bối rối của Cục Nghệ thuật biểu diễn, của chính quyền. Hình ảnh miền Nam Việt Nam với một nền văn hóa nghệ thuật, học thuật, giáo dục, kinh tế và chính trị đang trở thành đề tài tìm hiểu của giới trẻ trong nước, bất chấp sự cấm đoán trong vô vọng của chế độ.
Và khi không còn kiểm soát được, nhà cầm quyền cộng sản lại phải quay về với những chiêu trò mà họ làm tốt nhất, đó là cấm đoán.
Chính nhạc sĩ Lam Phương đã tâm sự khi được hỏi về hai bản nhạc của ông bị cấm tại quê nhà : « Họ cấm là chuyện dĩ nhiên rồi ! Đó là hai bài tôi viết trong chế độ đó. Chuyện gì họ cũng cấm hết. Không sao, tôi còn mấy trăm bài, cấm hai bài đâu có ăn thua gì. Chuyện này mình biết trước rồi. Tôi biết thế nào họ cũng cấm nhiều bài nữa. Mình viết tân nhạc mà trái với đường lối thì họ cấm. Chuyện dĩ nhiên mà. Hổng có gì buồn hết. Nghịch với đường lối của họ thì họ làm. Còn tình cảm sáng tác thì mình vẫn giữ thôi. Họ để thì để, họ không cho thì cấm thôi. Đường của mình thì mình đi, đường của họ thì họ đi. »
Hay như nhạc sĩ Lê Dinh chia sẻ : « Trước năm 1975 thì là của mình. Mình viết theo sự tự do của mình. Còn bây giờ thì họ muốn làm gì thì làm. Tôi không để ý tới. Lời ca thì viết theo chánh phủ của mình, Việt Nam Cộng hòa. Họ muốn đổi thì đổi, muốn không hát thì không hát. Tôi không để ý tới. Đối với tôi là tác giả, không thành vấn đề. »
Mới thấy, chế độ độc tài nào cũng luôn lo sợ khi phải đối đầu với sự thật.
Và càng cấm, người ta càng hát. Những câu ca như đã in sâu trong tiềm thức của người dân thì sự cấm đoán chỉ thể hiện bản chất nhỏ mọn của một chế độ đang chịu nhiều chỉ trích về tính chính danh. Cấm để đối phó, để duy trì sự tồn tại.
Nếu với tôn chỉ minh bạch hóa mọi sinh hoạt, có lẽ nhà cầm quyền thừa hiểu phải làm gì. Chỉ cần lắng nghe những nguyện vọng của người dân về cuộc sống, về sự tự do và về mội trường.
Nhỏ mọn và cố chấp như những gì nhà cầm quyền cộng sản đang thể hiện thì làm sao nói đến hòa giải và hòa hợp dân tộc!
Lâm Bình Duy Nhiên, 14/4/2017