Đã quá nửa đêm, bà Lành không sao ngủ nổi, tuổi già khó ngủ đã đành nhưng mọi nguyên nhân khiến cơn buồn ngủ không thể kéo đến đậu trên mi mắt bà lúc này là thằng Đức- con bà giờ này vẫn chưa về, không hiểu nó đi đâu , trong khi cái xe máy ghẻ cũng biến mất, chiếc xe “cỏ” đời 78 bà chắt bóp dành dụm để mua cho nó từ đầu thập kỷ 90 tránh cảnh “ngửi khói thiên hạ” cho bằng bạn, bằng bè …Rồi nó lấy vợ , bà lại phải vay mượn ngược xuôi mua xe Dream Thái mới coóng giá 30 triệu cho vợ chồng nó đi, khỏi mất mặt với bạn bè . Ngày qua tháng lại, chưa đầy 3 năm hai vợ chồng đã tòi ra hai đứa con. Cuộc sống vốn cực càng cơ cực hơn. Có những lúc cả nhà năm người chỉ trông vào xuất lương hưu nhọc nhằn, khốn khó, vẻn vẹn 4 triệu đồng của bà . Rồi con vợ kiếm chuyện bỏ đứa cháu “đít tôn” lại cho bà nội nuôi, xách chiếc xe mới và đứa con gái đi khỏi nhà , cả năm trời không thấy về cũng cắt luôn điện thoại , làm thằng Đức vốn đã chao đảo càng chao đảo thêm…
Nằm bên, đứa cháu nội động cựa, lật mình rồi cất tiếng khóc gay gắt như muốn xé toang màn đêm, bà vội quay người ,vỗ vỗ vào lưng, ru cho nó ngủ lại:
À ơi …
Cái ngủ mày ngủ ngoan ơi
Bóng cây đã ngủ bên người trồng cây
Cánh chim đã ngủ trong mây
Mùa thu đã ngủ giữa dây bìm bìm
Cái ngủ mày ngủ cho im
Từ muôn nơi cũ Mẹ đem ngủ về
Trong như là nắng trưa hè
Rộng như xao xác tiếng ve giữa mùa
Cái ngủ mày ngủ ngoan chưa ?
Bố đi hầm mỏ nắng mưa hao gầy
Để cho con lớn từng ngày
Và cho Nội khúc ru này tặng con
Giữa đêm khuya thanh vắng, lời ru cất lên chênh vênh khắc khoải. Phải rồi, ngày đó thằng Đức con bà còn chập chững biết đi , Bà ôm con về nhà mẹ đẻ, chịu bao điều tiếng thị phi: Nào táo gan, lăng lòan, mất dạy, hư hỏng …” Thứ con gái đã về nhà chồng mà còn ôm con về nhà mẹ đẻ là thứ đàn bà trắc nết, lẽ ra phải cấm cửa”…Cũng may sự vùng thoát ra khỏi nỗi khổ của bà đã được bù đắp phần nào…Thương cảnh người mẹ trẻ ngày ngày bồng ẵm con ra chợ bán từng cọng hành, nải chuối, quả trứng, mớ rau, mà lời lãi chẳng bao nhiêu , một vị giám đốc lớn tuổi đã thương tình nhận cô gái trẻ vào làm công nhân in bản đồ cho học viện, và bà ở vậy làm việc, nuôi con. Suốt 26 năm trời tiếp xúc với hóa chất độc hại, bị xút ăn da ăn mòn cả hai tay... Bây giờ thằng Đức đã 28 tuổi, ông giám đốc già đã chết nên chẳng thể giúp được gì cho nó . Học hết cấp 3 bị bắt đi nghĩa vụ quân sự, sau 3 năm giải ngũ trở về, ngoài chiếc ba lô rỗng còn đèo thêm cả cô vợ trẻ tận Lạng Sơn. Những tưởng làm xong nghĩa vụ quân sự với nhà nước rồi, phải có một đời sống khá giả, vững vàng, ai ngờ chồng chỉ có độc chiếc xe “cỏ” làm nghề chạy xe ôm, vợ mang tiếng làm cho hãng bảo hiểm Nhân Thọ, mỗi ngày phóng con dream vài chục cây số, nói gãy lưỡi mà giấc mơ vẫn hoàn giấc mơ. Cả tháng trời chẳng bán được triệu bạc tiền hoa hồng, trong khi đủ loại tiền: từ tiền xăng xe, ăn sáng, tiền nhà cửa, sữa cho con không biết trông vào đâu, sinh cáu bẳn. Khi cái nghèo đi vào cửa lớn thì tình yêu đi qua cửa sổ, giống hệt cảnh bà ngày xưa vậy
Ngày xưa khi tròm trèm 28 tuổi, bà cũng phải lòng một anh bộ đội Cụ Hồ quê Thái Bình. Chưa từng một ngày làm ruộng, phải chịu cảnh chân lấm tay bùn đã đành, còn bị bà mẹ chồng khắc nghiệt cấm từ bánh xà phòng đến thìa mì chính, giọt nước mắm cấm đi, mặc cu Đức cứ kiệt quệ từng ngày…Khổ quá, bà đành ôm đứa con suy dinh dưỡng ra khỏi nhà …và bây giờ số phận lặp lại, con Hằng tuy không khổ như bà 26 năm về trước nhưng thời thế khác rồi, nó đâu có chịu cảnh thiếu trước, hụt sau, chịu đựng hy sinh hết thẩy vì chồng, vì con như bà?
Tiếng gõ cửa dồn dập mỗi lúc một mạnh, bà bật ngay dậy, quên cả sức ì của tuổi 60, bồi hồi run rẩy đưa tay vặn chốt cửa, chợt bà giật lùi mấy bước, đưa tay dụi mắt liên hồi , bà ngỡ mình vẫn đang trong cơn mộng mị.
– Trời! Ác mộng hay là sự thật đây? mọi sự rõ mười mươi như thế này sao? Trước mặt bà là thằng Đức bằng xương bằng thịt, quần áo xộc xệch, mặt mày hốc hác, chỗ tím bầm, chỗ đỏ ửng. Sau lưng nó là một gã công an xấp xỉ tứ tuần, mập mạp. Chẳng những mặt tròn, lưng đầy, ngực rộng, mà bụng cũng tròn căng như đàn bà có chửa.
Giọng bà hốt hỏang:
- Lại bị công an bắt hả con ? Ối Trời cao đất dày ơi
Thấy bà to tiếng, thằng Đức nhảy vội đến trước mặt bà, giơ bàn tay cáu bẩn, gầy guộc che miệng bà:
-Thôi vào nhà đi mẹ, kẻo hàng xóm lại ùn ùn kéo nhau sang bây giờ.
Lòng bà lóe lên một tia hy vọng cùng nỗi ám ảnh mơ hồ:
“Đức đã về , thân thể tuy tiều tụy nhưng tay không bị xích, như vậy có nghĩa là nó không làm sao, nhưng có chuyện gì mà phải úp úp mở mở thế? Đành rằng cái xóm lao động nghèo quần tụ đủ mọi loại người thấp kém nhất trong xã hội này không hề đơn giản, hễ hắt hơi ở nhà này là nghe tiếng vọng từ nhà kia dội lại, chẳng mấy chốc mà vung vãi , tung tóe khắp các hang cùng, ngõ hẻm. Chả cứ đàn bà ngồi lê đôi mách mà cả cánh đàn ông vốn trong cảnh thất nghiệp, nhỡ nhàng cũng túm năm tụm ba, buôn dưa lê, bê dưa bở, đập vỡ dưa gang, phang tới tấp suốt ngày...”
Thấy bà cứ ngẩn ngẩn ,ngơ ngơ như người mất sổ gạo thời bao cấp, viên công an giải thích:
– Con bà đi trộm chó, bị dân làng bắt được, đánh thừa sống thiếu chết, may có một ông già lộc cộc chống gậy ra khuyên can, con cháu ông ấy mới dừng tay. Rồi họ dẫn giải con bà lên đồn công an … hút chết đấy bà ạ
Bà ngồi thụp xuống, tim đập hẫng một nhịp, thở không ra hơi :
– Thì ra…Anh… anh là
Trước thái độ kỳ cục của mẹ, lại trong cảnh “nước sôi lửa bỏng” cậu con trai vội vàng đánh tiếng
– Vâng, anh ấy nói đúng đấy mẹ ạ, công an không bắt con mà là cứu con…Có điều, mẹ thương con, làm ơn đưa cho anh ấy nửa chỉ vàng đi.
Bà càng lúng túng, nói trong cơn mê hoảng:
– Sao cơ, nửa chỉ vàng? Con … con không nói đùa đấy chứ ?
Đức bực tức lôi mẹ xềnh xệch vào buồng, nói như quát:
– Nhanh lên Mẹ, để anh ấy về
– Nhưng
– Nhưng gì nữa? ba triệu hôm trước con đưa, nhờ mẹ về Lạng Sơn thăm cháu Thúy ấy, bây giờ ra nông nỗi này, mẹ lấy ra một triệu hai đưa anh ấy đi, rồi con sẽ tìm cách giải quyết sau.
Vặn vẹo người, bà đứng dậy đi vào trong buồng; Sau lưng bà, Đức cũng gấp gáp theo sau, vẻ sốt ruột hiện trong ánh mắt …
Cầm sắp tiền lẻ dầy cộp trên tay, đủ các loại mệnh giá, cả mới cứng lẫn cũ mèm, tên công an cảnh giác:
– Giá vàng hôm nay là 23,4 triệu một lượng ,vị chi một chỉ là hơn hai triệu ba, từng này có đủ nửa chỉ không bác?
Giọng bà mệt nhọc, vẫn chưa ra khỏi cảm giác mất an toàn:
– Đủ đấy chú ạ , thằng Đức bảo tôi đưa chú tròn một triệu hai, Nếu không tin chú đếm lại mà xem
Nhét gọn nắm tiền vào ví, Tên công an, vui vẻ:
– Thôi cháu đang vội, xin phép bác.
Quay sang tên trộm đang đứng ủ rũ bên cạnh, tên công an chắp tay lạy sống:
– Lạy hồn, lần sau hành sự thì chịu khó sang địa bàn xa xa một tí nhé, kẻo dân người ta bắt lại lần thứ hai thì nhừ đòn, mà có đi ăn trộm cũng thưa thưa ra, một tuần một lần là đủ rồi. Đừng tham mà thâm.
Tên trộm cười ủ ê, chỉ vào thân hình rách nát, tả tơi, rơi rụng của mình, bảo:
– Anh xem, em bị thương thế này, chờ dưỡng thương xong, ít nhất cũng phải nửa tháng trời, làm sao mà đánh quả ngay được
“-Ờ có gan ăn cắp có gan chịu đòn, nhớ đấy!
Tên trộm cười giả lả:
-Thời các cụ qua rồi anh ạ ,thời bây giờ là xã hội chủ nghĩa, có gan ăn cắp thì có gan chịu phạt .
– Này, viên công an trấn áp: – Có miệng thì cắp, có nắp thì đậy nhé, đừng ú ớ Việt gian, đánh đu với chính trị là không xong với tao đâu.
Tên trộm lấy lại vẻ sợ hãi ban đầu:
– Dạ! Em nhớ rồi ạ , trêu ông anh một tí thôi mà , cũng giống như tối nay ấy, lúc con cái chủ nhà đưa em lên, ngay trước cửa đồn, ông anh chẳng quát nhặng xị ngậu :- “Mẹ mày, phen này thì rũ tù con ạ”, vậy mà vừa vào bên trong, khi bọn họ kéo nhau về rồi, ông anh lại bắt tay em rối rít: – Chào đại ca, à chào ân nhân, bọn anh đang “móm” đây, xuất hiện đúng lúc lắm. Thôi có gì thì “nôn” hết đi…
Chuông điện thoại bất ngờ réo vang, cắt đứt câu chuyện “vui vẻ” về nghiệp vụ của hai người, đại diện cho 2 giai cấp khác nhau- kẻ bị trị – ở giai tầng xã hội thấp nhất và kẻ cai trị- vốn được coi là thanh gươm, lá chắn của đảng cộng sản …Viên công an rút điện thoại ra khỏi túi , áp lên tai nghe, giọng cố nhỏ nhẹ nhưng hai mẹ con bà Lành vẫn nghe rõ mồn một:
– Cái gì? Lại một vụ trộm nữa à ?
– Dạ vâng, giờ giải quyết như thế nào hả anh ?
– Giải giải cái đ** gì , hỏi cái lũ bắt trộm ở đấy xem nó có phương tiện hay tiền bạc gì không? Nếu có thì xuống địa bàn thu về, xung vào công quỹ coi như tang vật gây án để lấy tiền thưởng sau , còn nếu không thì để họ tự giải quyết, nửa đêm xuống đấy làm đ** gì ?
– Vâng em nghe nói nhà nó nghèo , bố bỏ đi từ lúc nó lên hai, bà mẹ ốm đau , nó mong muốn có nồi cơm điện để nấu cháo cho mẹ nên nửa đêm chạy qua hàng xóm “mượn đỡ” như mấy lần trước đã từng “cầm nhầm” đồ đạc nhà họ, lúc thì cái điện thoại di động, khi là cái điều khiển vô tuyến, lúc lại năm ba chục nghìn tiền lẻ để trong ngăn kéo…họ điên lắm nên lần này quyết mượn tay công an cho nó ra công đường.
– Thôi, dẹp! Tưởng gia cảnh nó giàu, gọi phụ huynh nó lên nộp phạt hành chính vài triệu để tha cho nó về, chứ mẹ nó móc túi 7 ngày không xu dính đáy túi thì mình ăn gì ?
– Vâng thế để em trả lời chủ nhà là cả đồn đi vắng, chỉ một mình em trực ở đồn nên không thể bỏ trực mà đi nhé.
– Ờ mua đồ nhậu chưa? Dọn sẵn ra để anh về, anh em mình đánh chén.
– Dạ em mua thêm một con gà luộc rồi , vì đồ nhậu đêm qua anh em trực còn để lại nhiều lắm anh ạ.
– Vớ vẩn, lính tráng có xuất, ca trước chúng nó nhét vào tủ lạnh, mình làm sao cho vào “tủ nóng” của mình được? Lại bới bèo ra bọ, mất bay 2 xuất tiền thưởng của anh em mình tháng này đấy, ngố ạ.
– Dạ , thế để em đi , gọi thêm cả két bia hơi Nikon anh nhé.
…Chiếc xe phóng vèo đi rồi, bà mẹ quay sang con, hóng hớt :
– Thôi đi tắm rửa thay quần áo , còn ăn cơm. Lần này thì cạch đến già nhé.
– Ôi ! Cậu con lầu bầu: – Con mới 28 tuổi đầu, cạch đến già như mẹ bảo thì chết đói à?
– Đói cho sạch, rách cho thơm con ơi.
– Thôi đi, Đức cáu: – Đã đói thì ăn vụng, làm càn, sao mà sạch được? Còn nữa, mẹ thấy quần áo rách có thơm không hay hôi như tổ cú?
– Cha bố mày, tao những tưởng mày tu chí làm ăn mới có tiền đưa mẹ để lên Lạng Sơn thăm cháu , hóa ra vẫn là tiền ăn cắp à ?
Giọng Đức ráo hoảnh
– Còn hơn ăn cướp mẹ ạ.
– Ơ hay !
– Thật đấy, mẹ không thấy lãnh đạo Đảng và Nhà nước toàn một phường ăn cắp, móc túi lẫn nhau và móc túi dân lành à?
– Này ! Giọng bà thảng thốt, mắt rực sáng như mắt mèo trong đêm: – Tai vách, mạch rừng , tường có mắt, có tai đấy nhé, liệu hồn .
Húp soạp bát nước canh mồng tơi, rau đay , cua đồng vừa được mẹ hâm nóng đầy vẻ ngon lành , Đức mát mẻ:
– Tường có mắt thì đã là gì? Cả triệu con mắt của người dân đều thấy hết đấy thôi… Mẹ không thấy nhà nước này từ trên xuống dưới đều giở trò ăn cắp à? Một đoạn đường nhựa trải qua cửa nhà mình, nếu để bà con khối phố làm, giỏi lắm hết trăm triệu chứ mấy , thế mà qua công ty cầu đường làm hết bao nhiêu tỉ mẹ biết không?
– Trời đất có chuyện đấy à? Bà Lành bày tỏ nỗi sững sờ: -Tao tưởng chỉ có một con đường đắt nhất hành tinh là đoạn đường từ Cát Linh xuống Hà Đông thôi chứ, sau này mọi người phải rút kinh nghiệm chứ con ?
Có chút cơm, canh vào người Đức thấy khỏe hẳn ra, nhón một múi mít ăn tráng miệng, Đức hào hứng tranh luận:
– Xưa Rồi Diễm ơi, bây giờ cả Việt Nam có cả trăm nghìn con đường đắt nhất hành tinh như vậy
– Ô trời đất ơi ,bà Lành trợn tròn mắt nghe con giảng giải:
– Mẹ có biết một con đường cần phải bao nhiêu chữ ký không? Mỗi chữ ký đổi bằng cả vài chục triệu đấy mẹ ạ…Ăn từ lãnh đạo Trung ương đến lãnh đạo phường, xã làm gì chẳng đắt ? Suy cho cùng chỉ mỗi mạng dân là rẻ thôi.
Vừa ngẫm nghĩ lời con, Bà Lành chợt nhớ ra liền kể:
– Hôm rồi tao đi tàu từ Bắc vào Nam mất 1 triệu 3, Hóa ra…
– Khổ quá , Đức định vào phòng ngó con trai trước khi đi ngủ, nghe mẹ nói vậy liền gắt:
– Cả đời chỉ có mỗi chuyến đi mà cứ kể lể mãi …”Hóa ra đắt ngang máy bay … Biết thế đi ô tô cho rẻ chứ gì” ? Quay ngoắt lại, Đức thủng thẳng: – Già như mẹ ngồi bó gối suốt hai ngày ba đêm trên xe trong điều kiện nắng nóng nung người chịu sao nổi? Tất cả là do chính phủ móc túi người dân đấy mẹ ạ.
– Ô hay, bà vớt vát , những câu nói gấp gáp cố đuổi kịp bước chân của con: – Mày nói thế chẳng hóa ra nhà nước có chủ trương móc túi dân thật à?
– Chứ còn sao nữa , Tham nhũng, đục khoét , bán biển đảo tài nguyên thiên nhiên cho Tàu cộng hết rồi thì móc túi dân bằng đủ mọi loại thuế má chứ sao?
– Này …bà Lành thì thào ra chiều bí mật
– Cái gì hả má ? Đức cố nén cơn đau, vừa bôi thuốc sát trùng vào vết thương vừa hỏi móc họng .
– Hôm trước tao nghe bà Luận hàng xóm kể , tao không tin nhưng hôm nay công an đến tận nhà chờ lấy nửa chỉ tiền phạt của mày thì tao tin quá rồi
– 2 chỉ rưỡi chứ không phải nửa chỉ đâu má, giọng Đức vẫn cay cú.
– 2 chỉ rưỡi , trời thế hai chỉ kia ở đâu ra ?
– Thì con phải phòng thân chứ má, má không nghe người ta nói “quân tử phòng thân, tiểu nhân phòng bị gậy à?
Như nhận ra một điều hệ trọng trong mịt mù ngôn ngữ, bà ngồi thụp xuống, tay bíu lấy chân bàn, than van:
– Thì ra mỗi lần mày đi trộm cắp đều dắt hai chỉ vàng theo à?
– Vâng , Giọng Đức chớt nhả. Mọi lần chúng nó chỉ đòi 2 chỉ, hôm nay lại đòi thêm nửa chỉ nữa để bịt miệng mấy thằng công an tập sự, sợ chúng nó khai ra thì rũ tù cả nút .
– Chúng nó là ai? Giọng bà gay gắt
– Là bọn Công an ăn cướp chứ còn ai? Đức cao giọng giải thích: – Không có của đi thay người thì mồ con xanh cỏ từ lâu rồi . Đòn hội đồng của dân làng cũng nặng, nhưng ăn thua gì so với đòn hội chợ của bọn công an? Chúng nó treo ngược người lên mà đánh nát gan, dập phổi ấy chứ…Không chết rũ xác trong đồn thì về đến nhà vài tháng hoặc vài hôm cũng chết…
Bà lặng người , không biết mình đang đối thoại với con hay với linh hồn ma quái của nó? Đứa con bà chăm bẫm , nuôi nấng, dạy dỗ gần 30 năm nay, hy sinh cả tuổi xuân cho nó , vậy mà…Chả lẽ nó đổ đốn ra nông nỗi này sao? Từ lính nghĩa vụ, thành người chạy xe ôm, rồi trộm cướp quanh làng ngoài xóm….Bây giờ “nghề 2 ngón” không thịnh hành nữa lại thành kẻ trộm chó…Trời đất
Lần đầu nghe hàng xóm kể chuyện con bà hành nghề “hai ngón” ở công viên Lê Nin, nó bám theo một ông tây ba lô… Vừa tiếp cận được đối tượng, nó dướn người, nâng bổng cậu con trai lên quá đầu, để thằng bé thực hiện “sứ mệnh lịch sử “của mình, lấy tờ 100 USD ra khỏi túi áo ngực của ông tây , chợt giật mình nghe thằng bé nói” khó quá bố ạ”
Phút bất cẩn vỡ òa mọi cảm xúc, Tây ngố bỏ đi, không hiểu sao công viên rộng thế này mà hai bố con nhà này cứ bám riết mình đến vậy, còn nó thì tiếc hùi hụi vì sự hồn nhiên, ngây thơ của con.
Lần ấy bà đã vật mình, vật mẩy khóc than, bỏ ăn cả tuần lễ, khiến thằng Đức một phen mất mật. Hơn cả những lần bị công an triệu lên đồn, nó đã hứa với bà, không bao giờ tái phạm nữa, cho dù phải ăn cháo trắng với muối theo tiêu chuẩn lương hưu của mẹ , cũng không được bế cu Hiếu theo…
Nửa tháng trước, bà bắt đầu nhận ra sự thay đổi của con, không bia rượu mềm người hoặc ăn ngủ thất thuờng, để mặc cái thân làm chủ cái đầu (thay vì cái đầu làm chủ cái thân), uống đến say mèm, ngủ hết cả ngày không buồn dạy, con khóc, con quấy, mẹ ốm đau cũng mặc… Bây giờ, nó ăn bất cứ thứ gì bà nấu, tối ngủ sớm, 4, 5 giò sáng đã dạy chở hàng, chở người. Bà đã mừng vì tưởng con tu chí làm ăn, mới có tiền đưa bà để tiêu dùng hàng ngày và mua vé lên Lạng Sơn thăm cháu, ai ngờ…
Bôi thuốc kín các vết thương trên người, thấy mẹ vẫn ngồi như pho tuọng, Đức bực tức xen lo lắng:
– Mẹ về phòng ngủ với cháu đi, 3 giờ sáng rồi, còn ngồi đấy làm gì ?
Bà đứng dậy lập bập buột miệng như mất hết tự chủ, hơi thở phập phồng vì xúc động :
– Ngủ à ? Sau từng ấy việc mày gây ra cho tao tối nay, mày nghĩ tao có thể ngủ được à ?
– Thôi mà, Đức xoa dịu : – Mẹ thừa biết đâu phải lỗi tại con, tại mẹ, hay tại cái Hằng vợ con…Tất cả là tại cuộc đời khốn nạn vô nhân tính này, nó biến con người ta thành một sinh vật, vật vờ, đói ăn. Dẫu chưa phải ma cũng chẳng còn là người, chẳng còn tâm hồn trắng trong như ngày nào trong bụng mẹ mà thành một bản nháp gạch xóa chi chít xen lẫn nỗi mơ hồ, hay một mớ hồ sơ tạp nhạp. Con gần 30 tuổi đầu rồi, ngồi bệt tận đất rồi chẳng còn gì để mất nữa , sống sao cũng được, nhưng còn tương lai của con Thúy, thằng Hiếu cháu nội bà, chúng nó không thể dật dờ như những bóng ma vì thiếu ăn, khát sữa được. Túng thì phải tính, đói thì đầu gối phải bò, đặc biệt trong giai đoạn tranh tối tranh sáng ,ranh giới giữa quỷ và ma, giữa người với ngợm rất gần nhau này.
– Thôi anh không cần nói nữa. Anh giỏi thì cứ bước qua xác tôi , Bà gắt , giọng mếu méo :
– Mẹ lại thế rồi, Con hứa với mẹ là vẫn chạy xe ôm, chỉ khi nào túng quá mới phải làm liều thôi …Đây mẹ xem đi, Đức quay người lặng lẽ đi về phía bàn thờ lấy ra hai tờ giấy chuyển tiền màu hồng, chi chít chữ :
– Con vừa gửi cho cái Hằng 10 triệu theo địa chỉ nhà bà ngoại, nó bảo: “ Nếu anh kiếm mỗi tháng được ba triệu, đủ để nuôi bé Thúy , em sẽ quay về vì bố mẹ em ở Lạng Sơn cũng phong kiến lạc hậu lắm, không muốn mang tiếng có con gái bỏ chồng, ôm con về nhà ngoại ăn bám. Hơn nữa từ ngày đại dịch Corona Virut đến bây giờ ,cửa biên giới cũng đóng nên làm ăn buôn bán ế ẩm lắm”
– Nhưng anh không thể trộm cắp mãi được , óc bà hiện lên hình ảnh ghê rợn của những tay trộm chó bị dân làng đánh bắt, đốt xe, đốt xác, những cảnh huống ghê rợn đó không thể xảy ra với đứa con bằng xương bằng thịt của bà được? Bao khó khăn tủi nhục , hãy là một bóng mây đen lướt qua đời bà thôi, đừng trút giông gió, bão táp xuống cuộc đời nhọc nhằn khốn khó của bà nữa…Bà chịu không nổi đâu.
– Mẹ yên tâm đi, Đức nói: – Nhóm con có ba thằng, tất cả địa bàn chúng con làm đều theo chỉ đạo của công an rồi. Thất thu hay thắng lợi đều phải báo cáo với chúng nó, như tối nay đấy Con chỉ dắt 2 chỉ vàng để phòng thân như mọi khi nhưng chúng nó có chịu đâu, chúng nhắc nhở con rằng, “tuần trước, nhờ chúng tao chỉ bảo mà tụi mày thắng lớn, chưa thể nào tiêu hết số tiền lấy cắp được, nếu mày không để tiền, vàng ở nhà thì chắc chắn nhờ Mẹ mày cất hộ”, vì thế chúng mới dùng xe của đồn đưa con về tận nhà để bảo mẹ đưa thêm một nửa chỉ vàng nữa đấy …
– Trời đất, bà không thể nào tin vào tai mình, thời này là thời gì mà tất cả đảo điên thế này ?
– Thì thời xã hội chủ nghĩa, xuống hố cả nút đấy thôi , Đức nói và tiện thể cúi người xuống đỡ mẹ đứng dạy:
– Thôi mẹ vào ngủ với cháu đi, có gì mai mẹ con mình nói chuyện, con còn muốn nghe mẹ nói về chuyện của bà Luận ra sao nữa cơ.
Gắng gượng lê chân về phòng ngủ mà đầu óc bà vẫn cứ luẩn quẩn một thắc mắc: “Quái, nó bảo lần nào trộm cắp cũng phải dắt hai chỉ phòng thân, không hiểu nó có mấy tay? Tay nào trộm cắp, tay nào cầm vàng”?
Như đọc được suy nghĩ của mẹ , Đức kể:
– Mỗi chỉ vàng con phải cắt đôi , duỗi thẳng ra thành que tăm, nhét vào thắt lưng quần bò, rồi khâu chặt lại, chỉ khi nào vào đồn mới lặng lẽ tuồn ra, nộp cho công an. Cho dù dân làng có đánh cũng không thể phát hiện , trừ khi dùng xăng dầu đốt cháy hết quần áo mới lòi ra hai chỉ vàng đấy thôi …
Xoa đầu, ru dỗ , ôm con nựng một lúc, Đức cũng lê gót sang phòng bên.
Bà nằm, nước mắt chàn chạt hai bên má vì nghĩ ngợi, uất kết nên vẫn không sao ngủ được.
Ngoài sân tiếng gà eo óc gáy sáng…
T.K.T.T
16- 8 -2020
Đọc truyện của TKTT, cứ nhớ đến nhà văn Nam Cao. Hy vọng rồi sẽ có một cuộc cách mạng mới “long trời lở đất” ở VN, tiêu diệt loài Cộng nô kia, một phần cũng nhờ những câu chuyện như bài viết này của TKTT. Merry Christmas and Happy New Year to the author.
Đầu năm hy vọng chứa chan
Cuối năm ngửa cổ , chán chưa…hở giời.
Thủy chỉ dám ướm chân mình vào bàn chân khổng lồ của nhà văn Nguyễn Công Hoan thôi. Ông ấy bới “đống rác cũ” của xã hội Phong Kiến, còn Thủy thì bới đống rác xã hội chủ nghĩa để tìm ra những câu chuyện như thế này. Xã hội nào cũng cần có công an, nhưng xã hội chủ nghĩa có những thằng công an bảo kê cho tội phạm như thế này thì …càng loạn lạc hơn. Dân lành mất hết niềm tin và lẽ sống. Happy New Year to you.
Năm mới chúc chị Trần Khải Thanh Thủy và gia đình mọi sự như ý
Happy new year
Trọng Đạt
Dạ cám ơn anh. Chỉ cần Khỏe là ok rồi. Anh cũng vậy nhé.