“Kỳ thị”, nói dễ, hiểu thì không dễ

1

Vợ chồng ông bạn thân ghé chơi. Tán hươu tán vượn rồi cũng không thoát được chuyện thời sự. Từ những câu tweet kỳ thị của ông Trump về di dân ở biên giới Mỹ – Mexico, với 4 Dân biểu “rookies” da màu “squad” hay với Dân biểu da đen Elijah Cummings làm dậy sóng truyền thông… dần dần đi đến chỗ tâm tình. Ông bạn cà kê kể chuyện lòng.

***

Chúng tôi đặt chân đến Mỹ rất muộn. Chân ướt chân ráo, mọi chuyện rối bù. Được một số đồng hương đến thăm, tìm hiểu và hướng dẫn. Cũng có người khéo léo khoe sự văn minh, hiểu biết, giàu sang nên giọng điệu có vẻ bề trên trước người mới qua quê mùa. Nhưng mặc kệ, mình ngu ngơ thì ráng học hỏi.

Cách đối xử với “đồng hương qua sau” như vậy có “kỳ thị” không?

Tôi hỏi chuyện đi học, họ nói “ở đây có tiền thì việc gì cũng có thể thuê mướn được. Bệnh, mướn bác sĩ riêng. Luật, mướn luật sư riêng… cần gì bốc điện thoại là có ngay” Ý là chỉ cần có nhiều tiền. Tôi nghĩ nghĩ, nếu không biết tiếng Anh thì liệu gặp bác sĩ, luật sư… mà thuộc loại không được lương thiện cho lắm, vẽ điều gì mình cũng gật đầu ký tên thì nguy hiểm quá.

Ban đầu, bất cứ khu vực nào có nhà cho thuê giá rẻ, tôi mướn. Ở được 4, 5 năm, dành dụm đủ tiền “down”(1) thì tìm mua nhà. Khu vực đang mướn, nhiều nhà bán giá rẻ, nhưng chúng tôi không hề nghĩ đến. Lo tìm ở vùng nào có “gam màu” càng sáng càng tốt! Nghĩ trong đầu, ưu tiên một, cố tránh khu vực có nhiều tệ nạn xã hội. Mình đi sớm về khuya làm sao lường hết được? Hơn thế nữa, phải tránh con cái bị ảnh hưởng xấu, bị vạ lây.

Mới đặt chân tới thì “gam màu” nào bất kể nhưng có chút chút là tính chuyện cao bay xa chạy. Tôi có “kỳ thị” không?

Đến khi mua được nhà, ở được 5, 7 năm thì khu vực chúng tôi chuyển dần từ màu sáng sang màu sẫm. Giông giống như mây đen kéo đến thì mây trắng tan dần, báo hiệu gió mưa. Giá nhà khắp nơi lên vù vù nhưng khu vực nhà tôi chỉ nhỉnh lên chút đỉnh vì hiện tượng “gam màu” đổi sắc.

Như vậy là tự nhiên hay “kỳ thị”?

Chừ đến chuyện tụi nhỏ. Qua thời gian khá dài chấp nhận mọi khó khăn để học hành tới nơi tới chốn, chúng ra riêng, ở khu vực “gam màu” khá sáng. Nhà mới, đất rộng, có cổng an ninh (gated community) Ở được một thời gian, cửa trước nhà màu sơn bị nhạt. HOA (2) gửi lưu ý (warning). Tụi nhỏ sơn mới lại. Tháng sau có warning khác, lần nầy thùng thư (mailbox) bị chim ỉa, rêu. Ừa, mua sơn xịt lên, dễ ẹc mà (!) Mấy tháng kế tiếp HOA cho biết ông Trắng cạnh nhà phàn nàn phía sau hè chất đồ nhiều quá (đồ dùng, không phải phế liệu, mấy chiếc xe đạp, máy đi bộ (stress mill) ghế xích đu, lò nướng…) số đồ nầy không phải để ngoài vườn mà dưới mái hiên sau nhà (lanai) đúng luật, nhưng… thôi, dọn cho yên. Bực mình, tụi nhỏ gặp HOA, họ ok làm hàng rào nhuôm (không được dùng lưới B-40) rồi mua loại thông Noel trồng chung quanh, mục đích giới hạn việc soi mói phía sau vườn, dĩ nhiên trồng cách hàng rào hơn cả mét cho… an toàn. Thông lớn, cao 4, 5 mét sum suê với thảm cỏ rộng sau nhà rất đẹp (dự trù làm hồ bơi) thì HOA lại thông báo ông kế bên phàn nàn vì cành thông vượt qua lằn ranh đất! Ừa… thôi, ra Home Depot (3) mua cưa cán dài cắt phẳng (trimming) phía hàng rào. Rồi đến chiếc xe Hummer Humvee (xe cũ loại hành quân ở sa mạc, quân đội bán) mua về, bề ngang hơi rộng nên đậu ngoài đường, ngay trước nhà. Lại bị phàn nàn, HOA gửi thư thông báo là đã giải thích cho người phàn nàn… xe Humvee hợp pháp, đường phố của City, đậu ở đâu cũng được miễn là không ngáng (blocking) đường xe (driveway) của nhà khác. Nhưng… đem vô driveway cho… êm.

Bực quá, chúng mua đất để cất nhà, sống riêng lẻ, tránh mọi phiền phức. Sơn lại nhà đang ở để bán. Sơn xong nhận được warning của HOA màu sơn không đúng quy định (thật sự là không khác gì với nhà trong xóm) phải sơn lại trong vòng 1 tháng!

Như vậy mình “kỳ thị” hay bị “kỳ thị”?

Còn đây là chuyện đồng hương. Cả gia đình chúng tôi đã vượt qua mọi khó khăn để trở nên “cổ trắng”(4), tự làm chủ, chấp hành nghiêm chỉnh luật pháp, thuế. Mọi chuyện tốt đẹp nhưng không ai nghĩ đến xài đồ sang, xe xịn… vì chưa quên được gốc gác tị nạn của mình. Trong lúc đó có một số đồng hương hưởng trợ cấp xã hội welfare, food stamp, làm tiền mặt, ly dị giả, kết hôn giả, có nhà cho thuê… gian lận mọi cách để có được nhiều tiền, ở nhà đẹp, xe xịn rồi hãnh tiến nhìn xuống đám nghèo… hay về VN khoe của! Đó là chưa nói đến có bác sĩ, luật sư… tìm cách “lách luật” theo cách “có học” để làm giàu… Chúng tôi biết nhưng im lặng, vì nói thì e bị cạnh khóe… nên, tốt nhất, tránh đám đông. Nhưng “tránh” cũng không yên (!) lại bị nầy nọ sau lưng.

Chúng tôi có “kỳ thị” không? Ai “kỳ thị” ai? Hay đồng hương mình “kỳ thị” nhau?” Ai quan tâm nhân phẩm người Việt?

***

Người viết nghĩ lan man:

Ở VN cùng nòi giống nhưng kỳ thị vùng miền còn đau đớn hơn nữa. Với lằn ranh 30/4/1975, người phía Bắc công khai coi người phía Nam là công dân hạng hai. Cứ đảng, đoàn, nói giọng Bắc 75 là quyền lực. Và quyền lực thống trị. Ai nói sự thật đó ra là “phản động”, “kích động hận thù, gây chia rẽ dân tộc..” Nhưng đó là hậu quả tất yếu của tuyên truyền và giáo dục nhồi sọ căm thù “Mỹ Ngụy” ngay từ nhà trường và nợ máu huynh đệ tương tàn do đảng “giải phóng” phía Nam gây ra. Vì thế nhân tâm ly tán, chưa thể hiện đủ sức mạnh để chế độ Hán gian Việt cộng sợ hãi, từ bỏ thứ chủ nghĩa mà nhân loạị đã vứt vào thùng rác lịch sử!

Còn câu hỏi sau cùng của ông bạn có thể là câu hỏi chung được không?

“Kỳ thị”, chỉ 2 tiếng ngắn gọn, lên án một ai đó rất dễ nhưng hiểu như thế nào thì quả thật không hề… dễ!

(31/7/2019)

Kông Kông
————————————–

Chú thích:

(1) Tiền mặt tối thiểu phải có (tùy theo giá trị căn nhà) để được ngân hàng cho vay số còn lại.
(2) HOA: viết tắt từ HomeOwners Association, là luật lệ riêng của xóm nhà.
(3) Tên tiệm bán đồ gia dụng và xây cất
(4) White-collar: lao động nhiều về trí óc. Blue-collar: lao động nhiều về tay chân.

1 BÌNH LUẬN

  1. Thế nào là kỳ thị? Kỳ thị thường được biểu hiện bằng hai cách: lời nói và hành động. Nhưng lời nói dễ bị kết tội còn hành động mà không nói thì không đủ chứng lý. Ví dụ như mướn người làm, tăng lương nhiều hoặc ít, việc tốt cho người mình thích còn việc xấu cho người mình ghét, từ chối không cho mướn nhà vì là da màu v.v… tất cả biểu hiện bằng hành động nhưng không đủ pháp lý để kết tội là kỳ thị.

    Cũng có những lầm lẫn cơ bản xảy ra thường khó phân biệt giữa kỳ thị và quyền tự do, mà chỉ khi nói ra, hoặc quyền tự do hành động vượt giới hạn của luật pháp quy định thì mới xác định là có kỳ thị hay không.

    Thường thì khi hành động mà không nói ra thì không có đủ chứng lý để kết tội là kỳ thị nhưng ngược lại chỉ nói thôi mà chưa hoặc không hành động cũng dễ bị kết tội là kỳ thị.

    Anh có quyền làm những gì luật không cấm, cái đó không phải là kỳ thị. Anh có quyền chọn lựa đời sống tốt đẹp hơn, nơi sống an toàn hơn hoặc xa lánh người xấu… Sự chọn lựa cũng có thể là vì quyền được tự do nhưng cũng có thể, hoàn toàn hoặc một phần nào đó là do kỳ thị, tuy vậy, nếu không nói ra, không ai và luật pháp không kết tội là kỳ thị mà là quyền tự do của mỗi người. Không thích nhau, “choảng” nhau vẫn không đủ pháp lý để kết tội là kỳ thị nhưng khi anh nói ra thì dễ bị kết tội nên tốt nhất là không nói. Có rất nhiều người, khác màu da, tôn giáo, giai cấp, văn hóa, ngôn ngữ v.v… kỳ thị lẫn nhau nhưng họ không nói ra để tránh phạm luật.

    Thiết nghĩ muốn hiểu và biết đúng hơn thì phải tham khảo luật sư hay luật gia và qua xét xử của tòa án qua từng trường hợp cụ thể.
    nv

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên