Tiếp theo phần I
Đại hội 13 đã xong. Sự căng thẳng, đấu đá chia ghế đầy cam go đã ngã ngũ. Phe phía Nam bị ra rìa.
Nguyên nhân nào và từ đâu?
Nhiều bình luận cho rằng đó là hậu quả tất yếu việc ông Nguyễn Tấn Dũng giành được chiếc ghế Thủ tướng của ông Trương Tấn Sang nên ông Sang hợp lực với phe ông Nguyễn Phú Trọng để hất cẳng ông Nguyễn Tấn Dũng vì tội tham nhũng và tay chân thân tín lần lượt bị xộ khám.
Vấn đề có thể sâu xa hơn thế.
Dù ông Nguyễn Phú Trọng thổi bùng chuyện “đốt lò” đã thay đổi được phần nào diện mạo tham nhũng của đảng. Nhưng với tập đoàn tham nhũng “khủng” Lê Thanh Hải tại thành phố họ Hồ, thuộc băng nhóm ông Nguyễn Tấn Dũng, vẫn còn đó. Nói đúng hơn là chưa thể dứt điểm, vì sợ “bứt dây động rừng”. Mà “rừng phía Nam” thì rộng lắm!
Đã thế lại rất chằng chịt nên ông Nguyễn Thiện Nhân mới được chọn làm Bí thư thành phố họ Hồ với dụng ý dùng người Nam để trị người Nam. Thừa biết như thế nên ông Nguyễn Thiện Nhân mới có câu nói “Tôi nói giọng Bắc nhưng là người Nam. Tôi không gạt bà con đâu”. Ông Nhân không dại gì để rơi vào cái thế “người ăn ốc, kẻ đổ vỏ”! Ông chỉ làm mấy vụ nhỏ hơn, như ủi sụp nhà cửa ở Vườn rau Lộc Hưng, nửa đêm dời tượng Đức Trần Hưng Đạo để người dân không còn chỗ dâng hoa bày tỏ tinh thần chống Tàu cộng, ký văn bản với Trung ương không để xảy ra biểu tình…
Với bấy nhiêu “thành tích” đó cũng đã đủ để bia miệng người phía Nam đổi tên ông Bí thư thành Nguyễn Bất Nhân trên mạng xã hội!
Còn vụ dân oan Thủ Thiêm thì vẫn lằng nhằng.
Bản chất người Nam vốn rất cởi mở, xuề xòa, lại thừa hưởng được chút không khí tự do dân chủ với kinh tế tư bản thời VNCH nên bị dị ứng ngay cách cai trị dốt nát nhưng kẻ cả của đảng viên phía Bắc. Thành phần lãnh đạo Mặt trận Giải phóng miền Nam cũng không thoát khỏi, rồi bị cho ra rìa.
Trước năm 1975 họ thoát ly vô bưng, bây giờ thoát lý ra nước ngoài. Số còn lại trở thành dở dở ương ương “được” đảng ghép cho cái tội ất ơ… tự diễn biến.
Khuôn mặt nổi bật tầm cỡ như ông Võ Văn Kiệt, người dám xé rào cứu kinh tế miền Nam thoát khỏi sụp đổ hoàn toàn để sau đó trở thành khuôn mẫu “đổi mới” trên cả nước, sau khi thôi chức Thủ tướng mà vẫn còn bị “quản thúc”. Phóng viên Xuân Hồng của đài BBC từng kể lại việc gian nan khi xin phép an ninh để được phỏng vấn ông. Xin nhắc lại, là cựu Thủ tướng phải được an ninh cho phép phóng viên BBC mới được gặp. Rồi cuối cùng là cái chết đột ngột, rất mờ ám (!)
Phần ông Nguyễn Tấn Dũng, từng là lãnh đạo cao cấp ngành công an, với 10 năm làm Thủ tướng (2006 – 2016) đã hẳn ông phải có trong tay hồ sơ tuyệt mật của đảng, đặc biệt những văn kiện ký kết với Tàu cộng, cũng như cá nhân quan chức lớn, kể cả của ông Nguyễn Phú Trọng. Nhờ đó ông thấy được bản chất tráo trở của phe cánh phía Bắc với đầy thủ đoạn nham hiểm và hành vi độc ác, khác với chất cộng sản phía Nam.
Vì thế giữa nhiệm kỳ (2014) ông để xảy ra biến cố có hàng chục ngàn công nhân Bình Dương nổi dậy lan nhanh như vũ bão ra phía Bắc mà công an án binh bất động, lúc đó ông Trần Đại Quang là Bộ trưởng công an (2011 – 2016) cùng phe với ông.
Nhưng ông Phùng Quang Thanh, Bộ trưởng Quốc phòng, lại là tay chân của Tàu cộng không hưởng ứng, nên bị thất bại.
Toan tính sẽ trở thành Tổng Bí thư để điều hành đất nước theo kiểu cộng sản phía Nam của ông Nguyễn Tấn Dũng bị sụp đổ.
Cuối cùng ông Dũng phải chấp nhận “về làm người tử tế”, ông Trần Đại Quang thì được dàn xếp “lên chức” Chủ tịch nước, để rồi bị chết bí hiểm vì “virus lạ” (!)
Tất cả là bài học phải khắc cốt ghi xương, là mối thâm thù ông Nguyễn Tấn Dũng không thể nào quên.
Hiện tại cho dù ông Nguyễn Phú Trọng và phe cánh phía Bắc đã tóm thu tất cả quyền lực nhưng vẫn chưa có thể “nhổ cỏ tận gốc” phe cánh phía Nam. Vì ông Nguyễn Tấn Dũng đang nắm trong tay toàn bộ hồ sơ tuyệt mật của đảng với Tàu cộng, của các cấp lãnh đạo đảng, dùng nó làm lá bùa quyết tử.
Do đó trực tiếp tấn công ông Nguyễn Tấn Dũng cũng đồng nghĩa với tấn công thẳng vào phe cánh cộng sản phía Nam. Trong lúc đó người phía Nam vốn đã căm phẫn vì bị cư xử như công dân hạng hai, công nhân Bình Dương đã bùng nổ, nhiều tháng dài chống Formosa đầu độc môi trường, xuống đường biểu tình lớn nhất từ trước đến nay để phản đối Dự luật Đặc khu và luật An ninh mạng,… Tất cả đều bị đàn áp đẫm máu nên vẫn còn nguyên sức nén tiềm ẩn trong lòng xã hội.
Bây giờ nếu ông Nguyễn Phú Trọng ra tay “nhổ cỏ tận gốc” là đồng nghĩa với chiến tranh giữa cộng sản phía Bắc và cộng sản phía Nam. Để xảy xa như thế thì coi như đảng tự xóa sổ!
Vì thế, ông Nguyễn Phú Trọng phải dùng thế cờ vây để cô lập từ từ. Đại hội 13 vừa rồi cánh phía Nam không được “cơ cấu” như truyền thống phân chia vùng miền thể hiện điều đó. Chắc chắn ông Nguyễn Tấn Dũng thừa hiểu nhưng liệu ông có chấp nhận như thân phận mấy ông Võ Văn Kiệt, Trần Đại Quang hay không là chuyện khác.
Năm con Trâu, mọi người sẽ tiếp tục làm thân phận của kiếp trâu già đợi đến ngày bị xẻ thịt? Hay tranh đấu để thoát khỏi kiếp trâu già? Phải chăng đó là câu hỏi mà người có tâm huyết phải tìm cách trả lời?
(03/3/2021)
Kông Kông
“… dù Trung Quốc có phát triển lớn mạnh đến đâu cũng không xâm lược các nước láng giềng trong khu vực” (bản tin của vov.vn ngày 16/10/2015 với tựa đề “Đại tướng Phùng Quang Thanh: Trung Quốc nói không xâm lược láng giềng”)