Kỉ niệm về Phạm Đoan Trang với cây đàn tù

1

Đây là “Cây đàn tù”. Sở dĩ nó mang tên gọi ấy vì cây guitar này từng trải qua ngót nghét 40 năm bị giam cầm, có lẽ dài hơn bất cứ đời tù nào của người Việt Nam. Không biết ai là chủ nhân đích thực hoặc đầu tiên của nó. Nhưng cây đàn đã được chuyền tay qua nhiều thế hệ tù nhân chính trị từ sau năm 1975 đến cuối năm 2013. Người cuối cùng may mắn được sở hữu cây đàn này là chồng tôi, cựu tù nhân chính trị Huỳnh Anh Tú.

Chồng tôi kể, năm 2008, người bạn tù là Trần Quốc Dũng mãn án sau 18 năm đã tặng lại cây guitar này cho anh với lời căn dặn: “Chừng nào em mãn án, hãy mang cây guitar này về luôn nhé, vì nó đã ở tù lâu quá rồi”.

Cuối năm 2013, chồng tôi mãn án, mang theo kỷ vật là cây đàn guitar, chấm dứt những năm tháng tù đày và thăng trầm của nó. Trong bài “Cây Đàn Tù” anh Tú viết tháng 8 năm 2018, có đoạn: “Cây Đàn Tù từng bị giam giữ cùng những tù nhân nổi tiếng và bất khuất như: giáo sư Nguyễn Mạnh Bảo (án 20 năm), Thượng toạ Thích Trí Siêu (tức Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, tử hình sau được giảm xuống 20 năm), Họa thượng Thích Thiện Minh (26 năm), Hòa thượng Thích Không Tánh (16 năm), bác sĩ Nguyễn Đan Quế (20 năm), các Linh mục Trần Đình Thủ, Phạm Minh Trí, thầy Nguyễn Viết Huân (20 năm) và một số tu sĩ thuộc Dòng Đồng Công, sử gia Phạm Trần Anh (chung thân), Người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu (37 năm), nhạc sĩ Vũ Thành An (tác giả của “10 bản không tên” nổi tiếng), giáo sư Nguyễn Đình Huy (chủ tịch đảng Tân Đại Việt)…Sau này, Cây Đàn Tù còn làm bạn với nhiều thế hệ tù nhân lương tâm nổi tiếng khác như Trương Minh Đức, Nguyễn Bắc Truyển, Trần Vũ Anh Bình, Phạm Bá Hải, Phan Văn Thu (án chung thân), các mục sư Dương Kim Khải, Nguyễn Công Chính…Hầu hết các tù nhân Chính trị và Tôn giáo ở trại tù Xuân Phước- Phú Yên trong suốt thập niên 80 và tù nhân trại tù Xuân Lộc – Đồng Nai từ năm 1990 đến thời điểm 2008 cũng đều biết đến Cây Đàn Tù này”.

Mùa thu năm 2016, Phạm Đoan Trang từ Hà Nội vào Sài Gòn, có ghé thăm chúng tôi ở Vườn rau Lộc Hưng. Đấy là lần đầu tiên ba chúng tôi ngồi đàn hát với nhau, trong căn phòng trọ đơn sơ nhiều kỷ niệm. Tôi vẫn nhớ vẻ ngậm ngùi, có chút e dè của Trang khi chạm tay vào Cây Đàn Tù. Trang không chơi được bản nhạc nào bằng cây đàn ấy. Nó kén người thì phải.

Tôi nói đùa:

-Chắc Trang chưa đi tù ngày nào nên nó không chịu “hợp tác”. Nó thích người tù hơn.

Anh Tú bảo:

-Cây guitar này cũ quá rồi. Phải biết…lựa mới chơi được.

Tôi không hiểu phải “lựa” thế nào mới chơi được. Nhưng rõ ràng, qua tay anh Tú, âm thanh của nó khác hẳn, réo rắt, và buồn.

Anh Tú giải thích:

-Cây đàn này mang nặng thân phận của những người tù. Vì thế nó chỉ có thể chơi được nhạc buồn thôi. Những bản vui nhộn không hợp với nó. Nghe không ra nhạc, âm thanh vô duyên lắm.

Buổi tối hôm ấy, tôi đã hát say xưa với tiếng đàn guitar của Trang và âm thanh réo rắt, thiết tha từ Cây Đàn Tù trong tay anh Tú. Và rồi, chúng tôi còn có thêm nhiều kỷ niệm, nhiều những buổi đàn hát cho nhau nghe.

Với những người bị chế độ coi là “kẻ thù” như vợ chồng tôi, chẳng thể biết chắc được điều gì đang đón chờ phía trước. Nói dại, lỡ một ngày nào đó vợ chồng tôi bị sách nhiễu, hay bị bắt, người ta sẽ khám nhà, sẽ “tịch thu” Cây Đàn Tù thì uổng lắm. Chúng tôi không muốn kỷ vật tinh thần vô giá ấy phải chìm nổi theo thân phận nổi trôi của mình thêm một lần nào nữa. Vì thế, năm 2018, chúng tôi quyết định tặng Cây Đàn Tù ấy cho vợ chồng nghệ sĩ Dương Hòa- Bình Cadillac ở Úc. Trước khi gửi đi, chúng tôi đã mời một số cựu tù nhân chính trị, những người từng “quen biết” với cây guitar này trong chốn lao tù cùng ký tên kỷ niệm. Đó là chữ ký của Hòa thượng Thích Thiện Minh, của Người tù thế kỷ Nguyễn Hữu Cầu, của nhạc sĩ Trần Vũ Anh Bình. Tính cả vợ chồng tôi, thì năm người ký tên lên cây đàn ấy tổng cộng 87 năm tù. Người duy nhất thời điểm đó “chưa tù” là Phạm Đoan Trang.

Khi được mời ký tên lên Cây Đàn Tù, Trang lưỡng lự:

-Tôi đã đi tù ngày nào đâu mà nhận vinh dự này. Cả năm người đều đã tù rồi, toàn án nặng. Chú Cầu 37 năm, thầy Minh 26 năm, ông (*) nhẹ nhất cũng 4 năm. Tự nhiên tôi lạc loài ký tên vào đó, sợ không xứng.

Tôi mắng:

-Cái gì mà xứng với không xứng. Tôi chả mong đâu nhưng trước sau kiểu gì ông chả tù. Không là cựu tù thì cũng là “tù nhân dự khuyết” rồi. Cứ ký đi.

-Ừ, ông nói đúng. Chuyện tôi bị bắt chỉ là thời gian thôi. Tôi cũng xác định rồi. Ký thì ký.
Hôm nay mồng 6/10/2021, tròn 1 năm ngày Phạm Đoan Trang bị bắt. Tôi lẩn thẩn viết vài con chữ vụn vặt, rời rạc nhắc lại kỷ niệm của Trang với Cây Đàn Tù. Nhiều lần Trang tâm sự với tôi, nếu phải đi tù, điều khiến cô ấy lo lắng và khổ tâm nhất là không được chơi đàn. Trang dặn “Nếu một ngày nào đó tôi bị bắt, và nếu ông thương tôi thì ráng tìm cách gửi cho tôi cây đàn. Ông hãy làm mọi cách để tôi được chơi đàn trong tù”.

Tròn một năm rồi Trang chưa được đặt tay lên phím đàn. Tròn một năm rồi tôi chưa hoàn thành bổn phận của một người bạn được gửi gắm. Cây Đàn Tù bây giờ đã yên ấm ở một xứ tự do. Từ con số 87, không biết nó sẽ phải cộng thêm bao nhiêu năm tù cho một người đang chờ đợi, đang mòn mỏi trong lao ngục?

Phạm Thanh Nghiên

Chú thích: (*) ông: Tôi và Trang hay xưng hô “ông-tôi” kiểu tinh nghịch, tếu táo.

1 BÌNH LUẬN

  1. Ở Việt Nam chữ Bác viết hoa là dành cho Hồ chí Minh,tôi đề nghị chữ Ông viết hoa dành cho quý vị tù nhân Lương Tâm,vì Ông phải lớn hơn bác.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên