Văn chương há phải là đơn thuốc
Chớ có khuyên xằng chết bỏ bu.
(Tú Xương)
Chúng tôi nhận được cuốn “Thạch Lam, Về Tác Giả Và Tác Phẩm” do một người bạn về thăm quê hương tặng, sách dầy 500 trang, khổ lớn, nhà xuất bản Giáo dục, sách gồm trên 70 bài viết về Thạch Lam. Khoảng một phần tư là những bài viết từ thập niên 39, 40 tại Hà Nội và tại Sài Gòn trước 1975, ba phần tư là những bài viết trong nước đa số ở thập niên 90. Chúng tôi lấy làm ngạc nhiên Thạch Lam có thể được dư luận chú ý và ca ngợi nhiều đến thế, nhất là dư luận trong nước.
Ngày nay trong nước người ta đã đánh giá lại Tự Lực Văn Đoàn trong bài Thạch Lam Với Quê Hương Sáng Tác của Đinh Quang Tốn (Thạch Lam, Văn Chương Và Cái Đẹp, NXB Hội Văn Hà Nội, 1994)
“Gần đây kỷ niệm 82 năm sinh và 50 năm mất của Thạch Lam, chúng tôi lại về phố huyện Cẩm Giàng. Phần nhiều những người chúng tôi hỏi chuyện đều có biết nhà văn Thạch Lam quê ở đây. Những mặc cảm về giòng họ Nguyễn Tường cũng không còn nặng nề. Nhìn chung mọi người kể chuyện với thái độ khách quan, kể cả những cán bộ kháng chiến cũ. Họ đã “bước qua lời nguyền”để nhìn lịch sử một cách công bằng với tư duy đổi mới, đánh giá đúng con người với những đóng góp và những hạn chế của họ với lịch sử. Riêng đối với Thạch Lam, được họ nhắc đến với thái độ cảm tình”.
Như vậy theo tinh thần tư duy đổi mới, họ được nhìn lịch sử một cách công bằng hơn và đánh giá lại một giai đoạn đã qua của nền văn chương Việt Nam. Nhưng trên thực tế chúng tôi thấy nhiều nhà phê bình trong nước có khuynh hướng đánh giá rất cao Thạch Lam, coi ông như một ngôi sao sáng chói nhất của Tự Lực văn đoàn thí dụ như Lê Dục Tú nhận xét dưới đây.
“Nhưng về phía độc giả Thạch Lam cũng hiểu một tình trạng có thực: đó là sự tồn tại của hai hạng người: một hạng chỉ cốt xem truyện để giải trí và hạng thứ hai thực sự là biết thưởng thức. Khác với một số nhà văn đương thời, Thạch Lam đã dũng cảm phục vụ hạng độc giả thứ hai để rồi phải chịu một thiệt thòi là sách của ông đã không tránh khỏi bị quên lãng trong một thời điểm nào đó. Song chỉ một thời gian sau đó, bạn đọc đã nhận ra được vẻ đẹp đích thực của văn chương ông và thừa nhận ông là “người có tài” và “viết hay hơn cả” trong Tự Lực văn đoàn”.
(Thạch Lam, Người Đi Tìm Cái Đẹp Trong Cuộc Đời Và Trong Văn Chương).
Hoăc như Nguyễn Phúc trong Quan Niệm Văn Chương Của Thạch Lam, Vị Nghệ Thuật Hay Vị Nhân Sinh (Thạch Lam,Văn Chương Và Cái Đẹp, NXB Hội văn Hà Nội 1994)
“Nét đặc trưng của văn tài Thạch Lam trước hết thể hiện ở chỗ: Là thành viên chủ chốt của một văn đoàn vẫn được nhất trí coi là “lãng mạn”nhưng toàn bộ sáng tác của ông lại không chịu nằm gọn trong cái tên gọi đó, các nhà nghiên cứu văn học đã dụng công đi tìm những khái quát thích hợp, như “khuynh hướng nghiêng về bình dân với sự đồng cảm chân thành” “bút pháp tả thực tỉnh táo”… song xem ra vẫn chưa tìm được danh xưng nào vừa ý. Quả là một đời văn tuy ngắn ngủi nhưng lại có một tầm vóc “ngoại cỡ”
Ông này lại đánh giá văn nghiệp Thạch lam cao hơn ông kia một bậc: ngoại hạng, quá cỡ. Chúng tôi lại xin dẫn chứng một số nhận xét khác.
Hà Văn Đức (Thế Giới Nhân Vật Thạch Lam, Văn Học Việt Nam 1900-1945, NXB Giáo dục 1997). Cho thấy lối viết Khái Hưng, Nhất Linh không thực như Thạch Lam khi so sánh các nhà văn đồng nghiệp với nhau ấy dưới đây.
“Ngòi bút của Thạch Lam tỏ ra trân trọng khi viết về những mặt tốt đẹp ớ người lao động. Trong tác phẩm của những nhà văn lãng mạn như Nhất Linh, Khái Hưng, dân quê hiện ra như một đám người ngờ nghệch dốt nát, bản năng (Vọi, Trống Mái). Thạch Lam không chấp nhận cách gán cho nhân vật của mình “những đức tính và tật xấu mà người dân quê không thực có”. Ông nhìn thấy những niềm vui bình dị, những ước mơ nho nhỏ, những đức tính đẹp tiềm ẩn trong họ”.
Theo chúng tôi nghĩ cá nhân anh Vọi không thể coi là đại diện cho đám dân quê, cái ngờ nghệch của anh Vọi chỉ là trường hợp cá biệt không có tính cách biểu tượng, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này sau.
Chúng tôi xin trích dẫn tiếp vài nhận định khác, dưới đây Phong Lê trong bài Thạch Lam Trong Tự Lực văn đoàn (cuốn Văn Chương Và Cái Đẹp).
“Sự sống lại những giá trị văn học tiền chiến trong đó Tự Lực văn đoàn là hiện tượng ta đang chứng kiến, nhưng tôi không tin tất cả những gì thuộc Tự Lực văn đoàn sản sinh ra đều cần được khôi phục lại. Nhiều giá trị mà Tự Lực văn đoàn xây dựng được đã bị thời đại vượt qua, có bộ phận đã bị vượt qua ngay từ trước 1945. Còn Thạch Lam thì tôi vững tin ở sự tồn tại. Nếu không là tất cả thì cũng là phần lớn những gì ông đã viết”.
Nghĩa là theo Lê Phong toàn bộ văn nghiệp của Tự Lực văn đoàn chỉ riêng có Thạch Lam là có giá trị vượt thời gian còn lại đều lỗi thời và bị đào thải.
Dưới đây là nhận xét của Trần Ngọc Dung trong bài Phong Cách Truyện Ngắn Thạch Lam (cuốn Văn Chương Và Cái Đẹp).
“Các nhà tiểu thuyết Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, trong thời kỳ Mặt trận Dân chủ, cũng tỏ ra quan tâm đến nhân dân lao động. Qua các trang viết không phải họ không hiểu được những nỗi thống khổ của người dân nghèo thành thị hay nông dân lao động, nhưng tình cảm không sâu sắc, nhiều khi không tránh được thái độ khinh bạc của những trí thức trưởng giả đối với những đám người “vô học” “dốt nát”, “hủ lậu”, “bẩn thỉu”(Trống Mái, Dưới Ánh Trăng . . .của Khái Hưng. Tối Tăm, Một Kiếp Người, Chàng Nông Phu, Đầu Đường Xó Chợ… của Nhất Linh, Bùn Lầy Nước Đọng của Hoàng Đạo), nhân vật chủ yếu và lý tưởng của họ nói chung thuộc tầng lớp giầu sang, có học thức cao trong xã hội cũ (Hiền trong Trống Mái, Hạc, Bảo trong Gia Đình của Khái Hưng, Duy, Thơ trong Con Đường Sáng của Hoàng Đạo, Dũng, Loan trong Đôi Bạn của Nhất Linh). Còn Thạch Lam lại xây dựng cho mình một thế giới nhân vật khác. Ông lặng lẽ hướng ngòi bút về phía những người nghèo khổ với tấm lòng trắc ẩn thương xót chân thành”.
Trần Ngọc Dung chỉ công nhận Thạch Lam là người thực sự tôn thờ nhân bản trong Tự Lực văn đoàn, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này sau.Một cách tổng quát chúng tôi xin thu gọn những ý kiến đánh giá cao Thạch Lam của các nhà phê bình trên đây như sau:-Thạch Lam là người viết hay hơn cả trong Tự Lực văn đoàn.
-Thạch Lam là nhà văn ngoại cỡ, ngoại hạng.
-Thạch Lam là người mô tả dân quê bằng những nét chân thực nhất, các nhà văn khác của văn đoàn như Khái Hưng gán cho dân quê những cá tính mà họ không có.
-Chỉ có văn chương Thạch Lam là tồn tại, giá trị văn chương của các tác giả khác trong văn đoàn đều đã lỗi thời, đã bị thời đại vượt qua.
-Chỉ có Thạch Lam là thực sự tôn thờ nhân bản, các cây bút khác của văn đoàn như Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo. . nhìn người nghèo bằng cặp mắt khinh bạc.
Như quí vị độc giả đều đã biết theo dư luận của các nhà phê bình và dư luận độc giả, Khái Hưng và Nhất Linh đã và đang được coi như có sự nghiệp văn chương lớn nhất trong Tự Lực văn đoàn. Theo dư luận chung, Thạch Lam đã được coi như nhân vật số ba của văn đoàn. Nay theo các nhà phê bình trong nước, thứ tự ấy cần phải được định giá lại nghĩa là Thạch Lam phải là cây viết sáng giá nhất của Tự Lực văn đoàn và Khái Hưng, Nhất Linh đương nhiên phải bị hạ bệ đưa xuống dưới chưa biết xếp vào đâu!
Các nhà phê bình có quyền đánh giá, khen chê một tác phẩm hoặc cả một công trình văn học, họ cũng có quyền định giá lại toàn bộ văn chương của một văn đoàn song không có nghĩa là ý kiến chung, dư luận chung của độc giả bị loại bỏ bởi vì người đọc cũng là một lực lượng phê bình đáng kể mà ta không thể phủ nhận hay loại bỏ một cách dễ dàng. Điều chúng tôi muốn nói ở đây là các nhà phê bình không thể bắt đám đông độc giả phải tuân theo sự lượng giá của họ trên thực tế, độc giả vẫn là độc giả, nhà phê bình vẫn là nhà phê bình.
Các nhà phê bình Tây phương từ hơn nửa thế kỷ nay đã không ngớt lời ca ngợi ngọn bút thần sầu quỉ khốc của Dostoievsky, nhà văn hào Nga thế kỷ 19, nổi tiếng về kỹ thuật mô tả tâm lý nhân vật. Người ta bảo ông ấy là nhà văn hào vĩ đại nhất của nhân loại từ trước tới nay, văn chương của ông ấy cho đến nay vẫn còn mới không bị rơi vào cổ điển, có người cho ông là triết gia sâu sắc, kẻ nói ông là nhà phân tâm học đại tài… thậm chí có người còn so sánh tư tưởng của ông với thuyết tương đối của nhà bác học Einstein nữa…Nhưng trên thực tế số độc giả của Dostoievsky tương đối ít thôi, nhiều người lại bảo đọc sách của ông họ không hiểu ông ấy nói cái gì, cũng có nhiều người thích và khen lấy khen để văn Dostoievsky tuyệt diệu nhưng trong số này nhiều người không biết nó hay ở chỗ nào cả.
Và như vậy phải chăng các nhà phê bình chuyên nghiệp không thể lái độc giả theo ý mình vì độc giả cũng là một lực lượng phê bình đáng kể. Trở lại vị trí của Thạch Lam trong Tự Lực văn đoàn chúng tôi xin được đánh giá theo dư luận chung như sau.
Theo dư luận chung Khái Hưng vẫn được coi là một trong số các tác giả lớn nhất của Tự Lực văn đoàn. Theo Phạm Thế Ngũ (Việt Nam Văn Học Sử Giản Ước Tân Biên, cuốn 3), Khái Hưng là cột trụ của Tự Lực văn đoàn, sáng tác của ông trong văn đoàn dồi dào cả về phẩm lẫn lượng. Theo Nguyễn Vỹ, người đã gặp Nhất Linh ở Sài Gòn 1952 (Kỷ Vật Cuối Cùng, Phượng Hoàng, Cali 1997) Nhất Linh cho biết trong thời kỳ sáng tác cho Tự Lực văn đoàn ông thường đưa bản thảo cho Khái Hưng sửa, cuốn nào Khái Hưng sửa nhiều thì lấy tên cả hai người, cũng có cuốn do Khái Hưng sửa nhiều nhưng vẫn để tên Nhất Linh.
Chúng tôi đã được tiếp xúc với cụ Nguyễn Thạch Kiên trước đây, nhà văn, đảng viên Việt Nam Quốc Dân đảng, cụ cho biết Khái Hưng là người đã khuyến khích và nâng đỡ Thạch Lam. Tiểu thuyềt luận đề của Nhất Linh bị Phạm Thế Ngũ chỉ trích trong khi Khái Hưng không thấy bị chỉ trích, người ta thường coi Khái Hưng như cây viết hay nhất của văn đoàn. Nhất Linh là người đóng góp nhiều nhất cho công cuộc cải cách xã hội, vì công lao của ông với cách mạng xã hội quá lớn nên trên thực tế người ta vẫn thường xếp ông ngang với Khái Hưng.
Và như vậy dư luận chung từ trước đến nay đã xếp hạng Nhất Linh, Khái Hưng như ngôi sao sáng của văn đoàn dĩ nhiên Thạch Lam, Hoàng Đạo sẽ đứng hạng ba, hạng tư. Ta thử so sánh toàn bộ văn nghiệp của Thạch Lam với Khái Hưng, Nhất Linh để có một kết luận khách quan công bằng hơn.
Về mặt số lượng, văn nghiệp của Thạch Lam so với Khái Hưng, Nhất linh thật là quá khiêm tốn: một truyện dài khoảng 200 trang, ba tập truyện ngắn được độ 200 trang, một tùy bút khoảng 60 trang, một lý luận văn chương khoảng 70 trang, toàn bộ chỉ hơn 500 trang, dài bằng Xóm Cầu Mới của Nhất Linh hay cuốn Tiêu Sơn Tráng Sĩ của Khái Hưng. Như vậy nếu muốn xếp hạng Thạch Lam như một ngôi sao sáng chói đứng đầu Tự Lực văn đoàn thì phẩm chất các truyện của ông phải xuất sắc gấp bội Khái Hưng, Nhất linh vì số lượng quá ít oi.
Trên thực tế các tài liệu cho thấy truyện của Thạch Lam bán chậm, ngược lại truyện của Khái Hưng, Nhất Linh như Hồn Bướm Mơ Tiên, Gánh Hàng Hoa, Đoạn Tuyệt… bán chạy như tôm tươi. Lý do gì tác phẩm của Thạch Lam không được hoan nghênh? một điều chắc chắn là nó thiếu khả năng lôi cuốn vì tác giả của nó quá chú trọng vào hiện thực và mô tả nội tâm khiến cho câu chuyện trở lên buồn tẻ. Trong bài nói về cuốn Theo Giòng chúng tôi đã phân tích về tiêu chuẩn nghệ thuật của Thạch Lam, về cái chủ quan của ông trong việc đi tìm cái hay, cái đẹp của một tác phẩm văn chương.
Ông đã nói nhiều lần rằng người nghệ sĩ phải chăm chú vào sự thực, bề trong của con người, hầu như ông đã cho hiện thực, diễn tả tâm lý hướng nội là tiêu chuẩn duy nhất của nghệ thuật và không để ý đến những tiêu chuẩn khác. Thạch Lam chỉ trích những hạng độc giả chỉ chú ý đến cốt truyện mà không màng đến tâm lý nhân vật có đúng hay không, hời hợt hay sâu sắc, nhưng trên thực tế tiêu chuẩn nghệ thuật của một tác phẩm văn chương rất phức tạp chứ không đơn giản như tác giả đã quan niệm.
-Đa số người đọc chú trọng về cốt truyện, những cuốn được coi như có giá trị lâu dài vượt thời gian là những cuốn có cốt truyện hay có khả năng lôi cuốn người đọc như Tam Quốc Chí, Nghìn Lẻ Một Đêm, Hồn Bướm Mơ Tiên chẳng hạn.
-Những tác phẩm có giá trị về lịch sử như Khói Lửa Kinh Thành (Lâm Ngữ Đường) Chiến Tranh Và Hoà Bình, Sông Don Thanh Bình (Sholokhov)… đã làm sống lại một giai đoạn lịch sử.
-Những tác phẩm có giá trị về xã hội như Godfather có thể coi như một tài liệu đầy đủ về xã hội đen tại Mỹ.
-Những tác phẩm lãng mạn bay bướm như Anna Karénine, Đôi Bạn, Cuốn Theo Chiều Gió…
-Những tác phẩm diễn tả được những ý nghĩa, luận đề như Lão Ngư Ông Và Biển Cả của Hemingway ca ngợi tinh thần phấn đấu với số mệnh đến cùng.
Một tác phẩm văn chương hay phải là một tác phẩm cân đối và hoàn chỉnh rung cảm được người thưởng thức qua nhiều tiêu chuẩn nghệ thuật chứ không quá đơn giản như dưới cái nhìn của Thạch Lam. Sách của ông không bán được phần lớn vì buồn nản, monotone mặc dù tâm lý nhân vật sâu sắc, hiện thực, tâm lý và hiện thực cũng không cứu vãn được tình thế.
Không đủ khả năng lôi cuốn người đọc mặc nhiên về nghệ thuật cốt truyện phải thua kém Nhất Linh, Khái Hưng và nhất là tính chất lãng mạn, một yếu tố quan trọng để khiến nó đủ khả năng lôi cuốn thì truyện của Thạch Lam cũng không được phong phú cho lắm như ở Khái Hưng, Nhất Linh. Không khí yêu đương lãng mạn trong văn chương Thạch Lam so vói Nhất Linh, Khái Hưng còn thua kém nhiều. Nghệ thuật phải có tính chất đại chúng, phục vụ đám đông chứ không phải làm theo cái ý thích của mình.
Tiểu thuyết, truyện ngắn của Thạch Lam hiện thực được cả những nền nếp phong tục xã hội, những cảnh bần cùng đói khổ của giới người nghèo cùng mạt xã hội nhưng lại không mang những ý nghĩa cách mạng, cải cách xã hội như Đôi Bạn, Nửa Chừng Xuân, hoặc không nói lên được nhiều về những mặt trái tàn nhẫn của nền luân lý cổ như Lạnh Lùng của Nhất Linh. Thế giới giầu cũng có những cái hay riêng như trong Băn Khoăn của Khái Hưng, không phải chỉ nói về giới nghèo mới là có giá trị cao.
Một tác giả muốn được xếp vào hàng ngoại cỡ chúng tôi nghĩ cần phải có sự toàn diện về nghệ thuật bởi vì một vài tiêu chuẩn riêng thực không đủ để xếp hạng như vậy, tiêu chuẩn nghệ thuật đa dạng và toàn diện, cái mà văn chương của Thạch Lam còn thiếu mặc dù có xuất sắc ở một vài bình diện nào đó.
Ở đây chúng tôi không lạc đề, không chỉ trích những yếu điểm của Thạch Lam để dìm ông xuống và đề cao Khái Hưng, Nhất Linh nhưng vấn đề là chúng ta phải nhìn nghệ thuật bằng cặp mắt khách quan đứng ngoài ảnh hưởng của thành kiến. Chúng tôi đồng ý nhìn nhận Thạch Lam là một nhà văn chuyên về đoản thiên có những nét sâu sắc, độc đáo, người đã đóng góp nhiều cho Tự Lực văn đoàn cũng như đã tô điểm những nét đẹp cho nền văn chương Việt Nam nhưng ông vẫn chỉ là một nhân vật số ba của Tự Lực văn đoàn không hơn không kém và địa vị của Khái Hưng, Nhất Linh mà người ta thường gọi là cột trụ của Tự Lực văn đoàn là một sự kiện dĩ nhiên không thể đảo ngược bởi những lý do mà chúng tôi đã diễn đạt ở trên.
Chúng tôi xin trở lại nhận xét của những nhà phê bình trong nuớc về việc thẩm định lại giá trị văn chương của Tự Lực văn đoàn. Theo như nhận xét của Trần Ngọc Dung, các nhà văn Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo chỉ chú trọng tới xã hội trưởng giả, giầu có, ông ngụ ý chỉ trích họ không thực sự quan tâm đến giới bình dân, nhưng đề tài văn chương đâu có thể hạn hẹp vào một khuôn khổ nhất định được. Thiên chức của nhà văn không phải chỉ để ca tụng giới bần cố nông khố rách áo ôm mà nghệ thuật của họ phải được mở rộng ra cho tới tận chân trời đến tất cả mọi khía cạnh của xã hội, con người. Chiến Tranh và Hòa Bình, Anna Karénine… của Léon Tolstoi chỉ diễn tả thế giới của giai cấp quí tộc, ông hoàng bà chúa không ca ngợi nông dân nhưng đã chẳng được dư luận chung xếp vào hàng những công trình văn hóa nhân loại là gì?
Các nhà phê bình khen lấy khen để Thạch Lam như một ngôi sao sáng chói nhất trên bầu trời Tự Lực văn đoàn nhưng họ lại quên chú ý đến một điểm là sách của ông khó bán, chúng ta thử tìm hiểu tại sao? Thạch Lam ca ngợi Dostoievsky như một nhà viết tiểu thuyết có giá trị nhất của thế kỷ và trên hoàn cầu, ông đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của Dostoievsky. Chủ đề chính trong các tác phẩm của nhà văn hào này là sự tranh đấu giằng co giữa thiện và ác để làm chủ tâm hồn và đã ảnh hưởng tới Hồn Bướm Mơ Tiên (Khái Hưng), Tháng Ngày Qua, Bắn Vịt Trời (Nhất Linh), Sợi Tóc, Một Cơn Giận (Thạch Lam). Thạch Lam chịu ảnh hưởng Dostoievsky nhiều nhất về thuật tả tâm trạng con người, đó chính là một trong những lý do khiến cho tác phẩm của ông khó được hoan nghênh vì thiếu khả năng lôi cuốn không đáp ứng được sự đòi hỏi của người thưởng thức. Người đọc có nhu cầu của họ, nhà văn viết theo sở thích của mình tức là tự mình tách rời đám đông và sẽ bị họ lơ là bỏ rơi không thương không tiếc.
Các nhà phê bình văn học trong nước ca ngợi Thạch Lam là người yêu thương và đi sát với những người nghèo cùng khổ, nhưng sự đi sát của ông có giá trị hơn công cuộc tranh đấu cải cách xã hội của Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo hay không? Điều mà họ nói nhìn lại lịch sử một cách công bằng phải chăng chỉ là trò GIAN MANH VĂN NGHỆ? nhìn lại lịch sử một cách khách quan như thế phải chăng chỉ là đưa chính trị vào văn chương một cách vô cùng khôn khéo.
Phải chăng việc các ông lên án Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo vì họ là những người quốc gia chân chính đã can đảm đứng lên chống lại một tập đoàn đại bịp gian ác trước kia? Phải chăng việc kết án Khái Hưng là khinh bạc dân nghèo để bào chữa cho việc thủ tiêu nhà văn lớn này tại bến đò Cựa Gà Nam Định 1947 mà chứng cớ còn rành rành qua lời tường thuật của các nhân chứng hiện còn sống sót trong cuốn Kỷ Vật Cuối Cùng. Nhìn lịch sử một cách khách quan như các ông chỉ là trò mập mờ đánh lận con đen, giả mù sa mưa hoặc trò tuyên truyền xảo quyệt.
Những ý kiến lệch lạc và sai lầm tận gốc rễ ấy thực không đáng được gọi là phê bình, được viết lên bởi những kẻ đã cố tình bóp méo văn chương, bóp méo sự thật để loại bỏ những tác giả mà họ không đồng quan điểm.
Phê bình văn học đã đóng một vai trò quan trọng không những trong văn học sử mà còn có thể ảnh hưởng tới nền văn hoá lâu dài của cả một dân tộc. Chẳng thế mà người xưa đã nói: làm thầy thuốc mà sai lầm thì giết một người, làm chính trị mà sai lầm thì hại một đời, làm văn hoá mà sai lầm thì hại muôn đời.
Trọng Đạt
Tôi là Triệu Xuân, nhà văn, chủ biên website http://www.trieuxuan.info
Đọc những bài của ông Trọng Đạt về văn học nghệ thuật, sử học… tôi rất thú vị! Tôi mong được liên lạc với tác giả Trọng Đạt.
Email của tôi: xuantrieuwriter@gmail.com
Chân thành cám ơn!