Năm 2012, 8 quốc gia trong khu vực châu Á Thái Bình Dương đang cùng Hoa Kỳ thương lượng Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) thì cũng bắt đầu thương thuyết Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) với Trung cộng.
Như vậy về mặt đối ngoại, chiến lược Xoay trục Châu Á Thái Bình Dương sử dụng TPP như đòn bẫy kinh tế gia tăng hợp tác giữa Hoa Kỳ với 11 quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương bao vây và giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh đã thất bại ngay trong trứng nước.
Mỗi quốc gia có lý do khác nhau để một mặt thương lượng với Hoa Kỳ còn mặt khác thương thuyết với Trung cộng, bài viết này về trường hợp của Úc một quốc gia đồng minh chiến lược vào bậc nhất của Hoa Kỳ.
Úc cải tổ kinh tế để mở rộng thương mại
Từ thập niên 1960, nước Úc liên tục cải tổ kinh tế và mở rộng thương mại ra thế giới, nhờ vậy từ năm 1996 đến lúc đại dịch toàn cầu do vi khuẩn từ Vũ Hán gây ra nền kinh tế (GDP) Úc không ngừng tăng trưởng mang lại lợi ích và công ăn việc làm cho người Úc.
Úc chuyển từ một quốc gia dựa vào khai thác khoáng sản, bảo trợ công nghiệp và nông nghiệp trở thành một quốc gia dựa trên dịch vụ, lên đến 70 % GDP Úc đến từ các dịch vụ như giáo dục, y tế, tài chính và du lịch.
Năm 2003, Úc ký Hiệp Định thương mại song phương đầu tiên với Singapore, rồi với Mỹ năm 2004 và sau đó với nhiều quốc gia khác.
Năm 2016 khi Anh Quốc quyết định rời khỏi Liên Hiệp Âu Châu, Chính phủ Úc ngay tức thì loan báo muốn ký hiệp định thương mại song phương với Anh Quốc.
Mặc dù đã ký nhiều hiệp định thương mại song phương, Úc vẫn sẵn sàng thương thuyết các hiệp định đa phương như TPP và RCEP, với mục đích mở rộng thị trường buôn bán đến khắp nơi trên thế giới.
Úc rất cẩn thận với Bắc Kinh
Úc cũng bắt đầu thương thuyết với Trung cộng từ năm 2004, nhưng mãi 11 năm sau đến tháng 12/2015, dưới thời thủ tướng Tony Abbot, Úc mới phê chuẩn Hiệp Định thương mại với Bắc Kinh.
Hiệp định này bị đảng Lao Động và đảng Xanh phản đối vì Trung cộng không phải là một thị trường tự do, với lề lối làm ăn của Bắc Kinh, Úc sẽ không thể bảo vệ được quyền lợi cho người lao động, cũng không mang lại lợi ích cho việc đầu tư và việc bảo vệ môi trường.
Năm 2016, ngay sau khi Hiệp Định được ký kết các công ty quốc doanh Trung cộng đổ vào mua hầm mỏ, nông trại và cơ sở hạ tầng gây nguy cơ tiềm ẩn đến an ninh quốc gia.
Năm 2017, Chính Phủ Úc phải ban hành Luật an ninh đối ngoại, cho quyền Uỷ ban đánh giá Đầu tư nước ngoài (FIRB) đánh giá an ninh quốc gia và phê chuẩn các khoản đầu tư từ ngoại quốc.
Mặc dù Chính phủ liên bang Úc không ủng hộ sáng kiến “Vành Đai Con Đường” của Bắc Kinh, nhưng giới chức Trung cộng vẫn âm thầm móc nối với Chính Phủ các tiểu bang để thuê, mua hay đầu tư vào cơ sở hạ tầng.
Tháng 10/2020, Úc đã công bố Dự luật đầu tư nước ngoài với dự định sẽ được áp dụng từ đầu năm 2021, trao quyền cho Tổng trưởng Ngân khố kiểm tra an ninh và nếu cần yêu cầu các công ty nước ngoài phải bán lại các cơ sở hạ tầng có ảnh hưởng đến quốc phòng, truyền thông, phi trường, cảng và năng lượng.
Ngay từ tháng 3/2012 Úc đã không cho phép công ty Huawei đấu thầu cung cấp mở rộng mạng lưới viễn thông Úc, đến tháng 8/2018 Úc tuyên bố cấm các công ty Trung cộng tham gia mạng lưới 5G và Bộ Quốc phòng cũng ra lệnh cấm với ứng dụng WeChat và các điện thoại do Huawei sản xuất vì lý do an ninh.
Bắc Kinh trở mặt…
Việc ký kết các hiệp định thương mại giữa 2 quốc gia hay giữa nhiều quốc gia là nhằm quy định lề luật chung trong việc buôn bán, cạnh tranh và tranh chấp, nhưng với Bắc Kinh nó bao gồm cả chính trị nước lớn.
Tháng 3/2019, khi Thủ tướng Úc Scott Morrison kêu gọi mở cuộc điều tra đại dịch toàn cầu xuất phát từ Vũ Hán, khiến Bắc Kinh giận dữ xé bỏ Hiệp Định thương mại tự do đã ký năm 2015.
Từ đó, Bắc Kinh liên tục đánh thuế hay tẩy chay hàng hóa của Úc xuất cảng sang Trung cộng, mới thứ Bảy tuần trước, ngày 28/11/2020, Bắc Kinh đánh thuế lên đến 212% trên rượu vang Úc.
Mặc dù Chính phủ Úc tuyên bố không muốn đeo đuổi chiến tranh thương mại với Trung cộng vì làm như thế không mang lại lợi ích gì cho nước Úc, nhưng Bắc Kinh vẫn giở trò nước lớn gây áp lực lên Úc.
Xin xem bài “Úc chuyển hướng sang ‘thoát Trung’ thời hậuCovid-19” Đến nay Trung cộng vẫn từ chối trả lời đề nghị đàm phán thương mại từ phía Úc, một hành động được Dân biểu đảng Quốc gia George Christensen đánh giá:
“… với Úc buôn bán là thương mại còn với Trung cộng mọi thứ đều là chính trị.”
Huyền thoại TTP chống Trung cộng…
Ý tưởng “buôn bán là buôn bán còn chính trị là chính trị” của Dân biểu Úc George Christensen còn để trả lời cho cho bất cứ ai lập luận rằng Hiệp định TPP là đòn bẫy kinh tế gia tăng hợp tác giữa Hoa Kỳ với 11 quốc gia trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, bao vây và giảm ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Nước Úc tham gia mọi Hiệp Định thương mại vì quyền lợi kinh tế của Úc không phải để theo nước này chống nước khác.
Bài viết trước “Liệu Hoa Kỳ có tái đàm phán gia nhập Hiệp định CPTPP?” đã giải thích rõ việc cử tri và Quốc Hội Mỹ từ chối Hiệp định TPP ngay từ khi Tổng thống Obama bắt đầu thương thuyết TPP.
Ý kiến dù là Donald Trump hay Joe Biden lãnh đạo thì việc đưa Hoa Kỳ trở lại CPTPP sẽ vấp phải phản đối của cử …
Chẳng lẽ chiến lược Xoay trục về Châu Á Thái Bình Dương của cường quốc số 1 trên thế giới lại dựa trên những giải thuyết thiếu vững chắc như thế ? và huyền thoại TPP chống Tàu đã xuất phát từ đâu ?
Nhưng rõ ràng báo chí mười mấy năm qua thường xuyên nhắc tới khiến nhiều người tin như thật và luyến tiếc khi Hoa Kỳ bỏ thương thuyết TPP.
Còn Bắc Kinh vẫn viện vào huyền thoại TPP theo Mỹ chống Tàu thiếu thuyết phục để cho rằng Úc là “tay chân” cho Mỹ tại Á châu.
Những năm 1990, Tổ chức Thương mại Thế Giới (WTO) là tổ chức rất uy tín, nhưng từ khi Bắc Kinh tham dự tổ chức này đã mất dần ảnh hưởng.
Ngày nay nảy sinh nhiều hiệp định thương mại song phương và hiệp định đa phương như TPP và RCEP nhưng chính việc ký kết mà không tôn trọng luật chung nói rõ sự khủng hoảng của thương mại toàn cầu.
Thủ tục thông qua RCEP
Ngày 17/11/2020 Tòa Đại Sứ Trung cộng ra thông báo với 14 yêu sách cho chính quyền Úc, ngầm phản đối việc Úc và Nhật Bản trong cùng ngày 17/11 đã ký kết Thỏa thuận quốc phòng (RAA) cho phép quân đội hai bên tập trận trên lãnh thổ của nhau.
Ngay sau đó Thủ tướng Scott Morrison bác bỏ các đòi hỏi của Bắc Kinh, ông tuyên bố nước Úc có chủ quyền việc thỏa thuận hợp tác quốc phòng với bất cứ quốc gia nào không ảnh hưởng đến quan hệ giữa Úc với Bắc Kinh.
Đồng thời Thủ tướng Scott Morrison cũng nhắc đến việc Úc vừa ký Hiệp định thương mại châu Á (RCEP) giữa 15 quốc gia, trong đó có Úc, Nhật, Trung cộng, và nước Úc luôn muốn mở rộng quan hệ thương mại làm ăn buôn bán với tất cả các quốc gia trên thế giới.
Thủ tướng Morrison cho biết các bước kế tiếp liên quan đến việc Úc phê chuẩn RCEP sẽ được thực hiện theo đúng cách thức và thủ tục xây dựng hiệp ước của Úc.
Những bước này bao gồm việc điều trần trước Ủy ban về hiệp ước (the Joint Standing Committee on Treaties) đánh giá và phân tích lợi ích quốc gia của Hiệp định RCEP, trước khi được Quốc Hội bàn cãi và biểu quyết thông qua.
Nhiều quốc gia trong RCEP đã ký những Hiệp Định song phương với Úc, cũng như 7 nước khác đã tham gia Hiệp Định TPP, vì thế việc Úc phê chuẩn Hiệp định RCEP trong hoàn cảnh Bắc Kinh leo thang gây chiến với Úc sẽ trở thành một đề tài tranh luận về chủ quyền và lợi ích quốc gia trong những ngày sắp tới.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi.
1/12/2020
Cho phép tôi được hỏi tác giả bài này một câu. Tại sao khi Viêt Nam đàm phán để ký các loại hiệp định kinh tế / thương mại với EU, Mỹ, v.v. Thì truyền thông cả hai lề trái và phải mổ xẻ, bình luận theo nhiều góc độ. Thế nhưng, hiệp định RCEP thì không ai biết gì cho đến khi hoàn tất. Thời gian đàm phán là trên 8 năm. Tại sao lại không ai biết gì? Tại sao phải giấu kín đến như vậy?
Xin tác giả cùng bạn đọc cho đôi lời giải đáp.
Kính!
“Đừng chính trị hóa thương mại”! Không chính trị hóa thương mại
,chẳng lẻ làm ăn với ăn cướp !,/