Vụ việc giữa ông Lương Ngọc An, uỷ viên ban chấp hành hội Nhà Văn Việt Nam, phó tổng biên tập tờ tuần báo Văn Nghệ của hội Nhà Văn với nhà thơ nữ Dạ Thảo Phương, phóng viên của báo, thực sự là vụ việc cưỡng dâm đã thành, đã kéo dài và đang âm thầm tiếp diễn cho đến ngày bùng nổ 14.4.2000.
Nạn nhân đã hơn một lần bị xâm phạm, giáy xéo bầm dập thân thể, bị xúc phạm ê chề phẩm giá phải âm thầm chịu đựng đau đớn, tủi nhục và tuyệt vọng đến nỗi đã nhiều lần tìm đến cái chết, nhờ được phát hiện và cứu kịp mà sống sót rồi lên tiếng kêu cứu. Đến ngày chấn động 14.4.2000 vụ việc mới vỡ lở do kẻ cưỡng dâm có chức sắc, có quyền lực, lại được quyền lực cấp trên o bế nên quá tự tin, ngông nghênh, tiếp diễn cuộc cưỡng dâm ở ngay toà báo, trong giờ làm việc như thời nhiễu nhương, dựa thế chị gái là tuyên phi Đặng Thị Huệ, cậu Trời Đặng Mậu Lân võng lọng dạo phố kinh kì thấy con gái vừa mắt liền quây màn cưỡng hiếp giữa đường.
Cùng với những cuộc cưỡng dâm đã diễn ra trong quá khứ thì sự việc diễn ra trong phòng làm việc ở toà báo trưa ngày tội lỗi 14.4.2000, thân xác đàn ông ngùn ngụt đòi hỏi đè lên thân thể phụ nữ, bàn tay cơ bắp đàn ông gồng lên chịt cổ nạn nhân, quyết thực hiện bằng được việc cưỡng dâm, hiển nhiên là vụ bạo hành cưỡng dâm, hiển nhiên là vụ xâm phạm thân thể và xúc phạm danh dự phẩm giá phụ nữ, hiển nhiên là vụ việc hình sự nghiêm trọng có đầy đủ nhân chứng, bằng chứng.
Nhưng quyền lực lãnh đạo hội Nhà Văn đã bao che cho quyền lực phạm tội cưỡng dâm khi không gọi đúng tên vụ việc là cưỡng dâm, là xâm phạm thân thể và xúc phạm danh dự phẩm giá phụ nữ mà chỉ là “hành hung, gây mất trật tự trong cơ quan”, chỉ là chuyện xung đột cá nhân thường tình trong đời sống xã hội, chỉ là lỗi nhỏ trong sinh hoạt, cãi lộn, hành hung, “gây mất trật tự” mà thôi.
Lãnh đạo báo Văn Nghệ và hội Nhà Văn Việt Nam nhìn nhận vụ việc hiển nhiên cưỡng dâm, xâm phạm thân thể, xúc phạm danh dự phẩm giá phụ nữ chỉ là “hành hung, gây mất trật tự trong cơ quan” không những biến vụ việc hình sự nghiêm trọng thành vụ việc dân sự thường tình, không những biến tội cưỡng dâm, xâm phạm thân thể phụ nữ thành việc đôi co, gây lộn trong cuộc sống dân sự mà còn đánh đồng tội phạm với nạn nhân, tạo điều kiện cho tội phạm chạy tội. Tội phạm liền bịa đặt ra câu chuyện tráo trở, biến nạn nhân bị cưỡng dâm thành người gây rối, biến tội phạm cưỡng dâm thành nạn nhân bị quấy rối.
Từ hội Nhà Văn liền dồn dập lan truyền ra câu chuyện thêu dệt về cuộc tình đồng thuận trong bóng tối, chuyện ngoại tình thường tình trong đời sống xã hội. Câu chuyện thêu dệt lan truyền diễn giải vụ việc tội ác diễn ra ở báo Văn Nghệ ngày 14.4.2000 chỉ là chuyện người đàn ông không chấp nhận đòi hỏi của người đàn bà đến sau đòi người đàn ông bỏ vợ cũ để người đàn bà đến sau thay thế. Tới tấp những cuộc điện thoại của các nhà văn thân cận với các yếu nhân ở hội Nhà Văn gọi đi các nơi kể câu chuyện được lan truyền từ hội Nhà Văn để bao che, chạy tội cho kẻ cưỡng dâm. Biến nạn nhân bị cưỡng dâm thành người gây rối bị chê trách, bị cô lập trong dư luận xã hội và biến tội phạm cưỡng dâm thành người đàn ông đáng thương, đáng được cảm thông vì bị vướng vào chuyện rắc rối đàn bà!
Khi câu chuyện thêu dệt lan truyền từ hội Nhà Văn bao che, chạy tội cho kẻ cưỡng dâm chưa đạt hiệu quả trong dư luận xã hội liền xuất hiện tiếp thư ngỏ đứng tên vợ kẻ bị tố cáo cưỡng dâm. Thư ngỏ thống thiết đứng tên vợ kẻ bị tố cáo cưỡng dâm vẫn là giai điệu, là điệp khúc của câu chuyện thêu dệt lan truyền từ hội Nhà Văn, vẫn nỉ non mùi mẫn bênh vực, bao che, chạy tội cho kẻ bị tố cáo cưỡng dâm bằng cách vẽ ra chân dung nghi phạm bị tố cáo cưỡng dâm là người đàn ông nặng lòng yêu thương và đầy trách nhiệm với gia đình. Người đàn ông ấy không thể đánh mất gia đình đang yên ấm nên bị người đến sau gây chuyện làm phiền, gây tai tiếng, rắc rối mà thôi!
Ông nhà thơ thành viên ban lãnh đạo hội Nhà Văn quốc gia bị tố cáo cưỡng dâm với sự việc và bằng chứng không thể chối cãi nhưng cả cơ quan lãnh đạo hội Nhà Văn quốc gia, một tổ chức văn hoá của đất nước nói tiếng nói nhân văn của con người đã huy động cả bộ máy tổ chức hội Nhà Văn, huy động cả năng lực nghề nghiệp, năng lực hư cấu văn chương của nhà văn ra bao che, lấp liếm cho một tội phạm ghê tởm, phản văn hoá, phản nhân văn.
Từ vụ việc Lương Ngọc An phơi bày ra nhân cách của nhóm người được gọi là nhà văn, nhà thơ trong hội Nhà Văn Việt Nam, phơi bầy ra sự gian dối, tráo trở của hội Nhà Văn Việt Nam chạy tội cho ông nhà thơ bị tố cáo cưỡng dâm, từ tiếng kêu cứu như lạc lõng trong thời buổi sự gian dối, tráo trở tràn lan trong cuộc sống, tôi lại nhớ đến nỗi đau một thời của người dân làng Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam, nhớ đến thứ văn chương bồi bút nô lệ cho quyền lực, thứ văn chương gian dối, tráo trở chạy tội cho đám quan tham cướp đất của dân và vu tội cho người dân lương thiện quyết giữ mảnh đất của làng quê trong tiểu thuyết Kẻ Ám Sát Cánh Đồng của ông nhà văn Nguyễn Quang Thiều nay đang là chủ tịch hội Nhà Văn Việt Nam.
Quyết giữ mảnh đất sống của người dân bị một đường dây quyền lực biến thành đất riêng của quan tham, nhiều người dân giữ đất ở Lạc Nhuế, Đồng Hoá, Kim Bảng, Hà Nam phải nhận án tù. Có người phải bỏ mạng thê thảm ngay trên mảnh đất làng quê. Có người phải bỏ mạng oan khuất ở pháp trường. Nỗi đau, nỗi oan khiên của người dân làng Lạc Nhuế, Đồng Hoá, Kim Bảng, Hà Nam năm 1992 còn đau thương, ai oán ngút trời hơn cả nỗi đau thương, ai oán của người dân mất đất ở làng Hoành, Đồng Tâm, Mỹ Đức, Hà Nội năm 2020.
Năm 2020 sóng internet của văn minh tin học đã phủ kín toàn cầu đưa tiếng kêu cứu của người dân làng Hoành, Hà Nội đi xa trong không gian và thời gian. Tiếng súng xả vào phòng ngủ, xả vào ngực người dân ở làng Hoành, Đồng Tâm đêm 9.1.2020 lập tức người dân cả nước đều biết và sẽ đi vào sử sách chính thống. Năm 1992, văn minh tin học chưa đặt chân tới làng quê Việt Nam. Tiếng nói dân oan, tiếng nói sự thật không thể cất lên trong không gian của sự gian dối tráo trở. Chỉ có tiếng nói của quyền lực và tiếng nói của đám bồi bút, văn nô. Nhờ có người dân Lạc Nhuế “trốn vào Nam, vay mượn tiền bạc, đổi tên thay họ tìm đường sang Nga, rồi Balan” mà nhiều năm sau, tiếng nói sự thật, tiếng nói nỗi ai oán trong cuộc đời, nỗi ai oán trong văn chương của người dân lương thiện làng Lạc Nhuế, Hà Nam mới nức nở cất lên ở góc trời châu Âu dân chủ, ở nước Đức văn minh và được nhà văn Đỗ Trường, một nhà văn người Việt sống ở Đức ghi lại.
Xin hãy đọc chậm những dòng chữ uất nghẹn, ứa máu của nhà văn Đỗ Trường ghi lại nỗi đau thương, oan khuất trong cuộc đời, nỗi đau thương, oan khuất trong văn chương của người dân Lạc Nhuế, Hà Nam hơn ba mươi năm trước.
ĐỖ TRƯỜNG
TỪ KẺ ÁM SÁT CÁNH ĐỒNG ĐẾN CHUYỆN LÀNG NHÔ –
SỰ LƯU MANH TỘT CÙNG CỦA NHỮNG BỒI BÚT VĂN NÔ
Hôm lễ Phục Sinh vừa rồi tôi may mắn được ngồi cùng mâm với một gã đến từ Balan. Rượu vào lời ra, đang bá vai bá cổ, thân mật, đến lúc hỏi thăm quê quán, đột nhiên hắn ôm mặt khóc hu hu, làm mọi người phải dừng đũa. Lúc sau, có lẽ hết cơn xúc động, hắn hỏi lại tôi: Ông đã xem phim Chuyện Làng Nhô chưa? Tôi lắc đầu: Nhưng phim đó thì liên quan gì đến quê hương, bản quán của ông? Hắn nhếch mép với tiếng cười méo mó: Có đấy. Cái làng Lạc Nhuế, xã Đồng Hóa, huyện Kim Bảng tỉnh Hà Nam quê tôi chính là Làng Nhô. Nhưng bản chất sự việc, con người hoàn toàn khác trong phim. Cái khốn nạn là ở chỗ đó.
Làng ông được lên phim là tốt chứ sao lại khốn nạn, tôi ngoặc lại hắn. Hắn cao giọng: Tốt! Tốt cái con khỉ. Ông chuồn ra khỏi nước đã lâu, không xem, không chứng kiến, làm sao biết được bao nhiêu người dân lương thiện phải chết và ngồi tù oan, còn đám cường hào ác bá vẫn sống phè phỡn ở đó. Tôi ngớ cả người và tính tò mò trỗi dậy nên xuống giọng ngay: Nghĩa là như thế nào? Ông có thể nói rõ hơn được không? Hắn thủ thỉ: Tuy đỉnh điểm sự việc xảy ra năm 1992, nhưng nguyên nhân từ nhiều năm trước đó . . .
Ông Trịnh Văn Khải xuất thân từ gia đình được đảng, chế độ tin yêu và là người thông minh, học giỏi nên được du học ở Nga Xô. Về nước, ông làm giảng viên chính của trường Đại học Hàng Hải Hải Phòng. Khi hưu trí, ông trở về quê và tham gia làm công việc địa chính của xã Đồng Hóa. Từ đó, ông phát hiện ra chính quyền xã, huyện giấu dân, giấu cấp trên đấu thầu, chiếm đoạt đất đai chia nhau đã nhiều năm.
Ông cùng người dân đấu tranh, yêu cầu chính quyền làm rõ sự trộm cắp, tham nhũng đó. Vì vậy, ông cũng như dân làng bị trả thù dã man, đê tiện của đám quan tham. Để có kinh phí lên trung ương khiếu kiện, ông cùng dân làng lập ra đội tự quản 447, bán vé, thu tiền chợ. Tuy nhiên, những lời kêu cứu, sự chờ đợi của dân làng vẫn không có lời hồi đáp.
Trước sự trả thù ngày càng điên cuồng không chỉ bằng lực lượng công an mà còn cả bọn côn đồ của chính quyền, buộc ông Khải và người dân làng Lạc Nhuế lập lũy chống trả một cách sinh tử. Sự trả thù đê hèn lên đến đỉnh điểm khi bọn quan tham thuê hai tên côn đồ lẻn vào làng định giết ông Trịnh Văn Khải bằng thuốc độc. Nhưng chưa kịp hành động cả hai đã bị bắt. Dân làng căm phẫn đã hành quyết hai tên côn đồ tại chỗ, trước sự can ngăn của ông Khải. Đó cũng chính là cái cớ để chính quyền quan tham huy động hàng trăm cảnh sát cơ động tinh nhuệ tấn công vào làng. Ông Trịnh Văn Khải và hàng chục người dân bị bắt. Sau đó, ông Khải bị tử hình và hai người dân bị đánh chết trong tù. Rồi đến con trai ông Khải cũng bị bọn quan tham thuê côn đồ giết bằng cách gây tai nạn giao thông. Sự việc không dừng lại ở đó. Để che lấp tội lỗi, bọn quan tham đã thuê những tên đồ tể truyền thông truyền hình và cả những tên bồi bút như Nguyễn Quang Thiều, Phạm Ngọc Tiến . . . bóp méo sự thật, đánh lừa dư luận dân chúng.
Dừng lại giây lát, ực liền tù tì mấy ly, hắn quay sang tôi bảo, nếu không tin, ông có thể tìm cuốn Kẻ Ám Sát Cánh Đồng của tên an ninh Nguyễn Quang Thiều, và kịch bản phim Chuyện Làng Nhô do văn nô Phạm Ngọc Tiến chuyển thể, đọc sẽ rõ.
Chờ cho sự xúc động của hắn dịu xuống, tôi hỏi: Ông chứng kiến những việc đó? Hắn bảo, không chỉ chứng kiến, mà còn là một trong những thanh niên cùng dân làng lập lũy chiến đấu chống lại bọn quan tham từ đầu đến cuối. Không hiểu sao lúc đó tôi thoát được, trốn vào Nam, vay mượn tiền bạc, đổi tên thay họ tìm đường sang Nga, rồi Balan, để lúc này cùng uống rượu với ông đây.
Chưa tin hẳn lời cái gã Balan này, hôm rồi tôi gọi điện hỏi người bạn thời trung học ở sở Công An Hà Nam. Dù làm bộ phận hành chính và đã về hưu nhưng hắn vẫn nhớ khá rành rọt về vụ việc ở Lạc Nhuế (Làng Nhô). Tuy một vài chi tiết nhỏ hơi khác với lời kể của gã Balan nhưng nhìn chung diễn biến và bản chất sự việc, con người hoàn toàn trùng khớp nhau. Lời kể thêm của ông bạn cựu cảnh sát này đã cho tôi động lực đi tìm cuốn Kẻ Ám Sát Cánh Đồng cũng như kịch bản Chuyện Làng Nhô để đọc. Tuy nhiên, tôi chỉ tìm thấy kịch bản Chuyện Làng Nhô của Phạm Ngọc Tiến. Bìa cuốn kịch bản này in chung tên tác giả Nguyễn Quang Thiều và Phạm Ngọc Tiến.
Có thể nói, Chuyện Làng Nhô là kịch bản mang nặng tính chính trị tuyên truyền. Vụ việc và con người hoàn toàn trái ngược với sự thật những gì đã diễn ra ở làng Lạc Nhuế. Nếu người thủ lĩnh nông dân Trịnh Văn Khải ngoài đời trí thức, hiền lành hết lòng vì vợ con gia đình, làng xóm bao nhiêu thì Trịnh Khả của Nguyễn Quang Thiều, Phạm Ngọc Tiến hiện lên như một lục lâm thảo khấu, ranh ma lừa lọc, đầm đĩ, đểu cáng bấy nhiêu. Và sự lưu manh, bỉ ổi đê hèn của những quan tham, với đám tay sai, côn đồ trong Chuyện Làng Nhô đã được hai ông văn nô, bồi bút này miêu tả hiền lương, xả thân cứu người, giúp dân vô cùng dũng cảm.
Đã hơn một lần nhà văn Võ Thị Hảo nói với tôi: Phim, truyện của những kẻ văn nô thiếu nhân cách này không đáng để bình luận, phân tích. Tuy không cực đoan như chị nhưng tôi cũng không đi vào cái hay dở nghệ thuật viết truyện, hay kịch bản phim của Nguyễn Quang Thiều và Phạm Ngọc Tiến. Tôi chỉ đi sâu tìm hiểu mục đích, nguyên nhân nào họ phải úp mặt, xoay bút đứng về phía cường hào thống trị, đẩy những người nông dân cùng khổ đến đường cùng như vậy.
Theo nhà sách Phương Nam, nhà văn Nguyễn Quang Thiều đã về tận nơi, tức làng Lạc Nhuế, tìm hiểu sự việc, lấy tài liệu, gặp gỡ trò chuyện với những người thực trong biến cố đó, và anh soi chiếu nó bằng cái nhìn văn học. Như vậy, có nghĩa Nguyễn Quang Thiều đã biết được sự thật những gì đã xảy ra ở làng Lạc Nhuế. Nhưng cái kính chiếu yêu của văn học này, làm ngòi bút Nguyễn Quang Thiều đảo ngược lại chăng?
Vâng! Dù có che đậy bằng những tiểu thuyết, sáng tạo văn học hay gì gì đi chăng nữa, trước sau nó cũng lộ nguyên hình sự dối trá, lưu manh trắng trợn nhất của kẻ cầm bút, dưới lăng kính méo mó dẫn dắt chỉ đường của ban Tuyên Giáo, an ninh mật vụ và cả tiền bạc của đám quan tham. Là một nhà văn còn một chút tự trọng không ai bán nhân phẩm, lương tâm của mình như vậy. Nhưng Nguyễn Quang Thiều xuất thân từ gia đình cảnh sát, và bản thân cũng là một an ninh được đào tạo cơ bản ở trong cũng như ngoài nước. Do vậy, Nguyễn Quang Thiều phải bảo vệ chế độ, bảo vệ con đường công danh cũng như miếng cơm manh áo của mình là lẽ đương nhiên thôi. Phải nói thẳng, Chuyện Làng Nhô (Lạc Nhuế) xảy ra đã trên hai chục năm, khi chưa có FB, dân trí và internet chưa phát triển, sự lưu manh dối trá này ít nhiều mang lại hiệu quả. Còn vụ Đồng Tâm, Mỹ Đức Hà Nội hiện nay có cho ăn mật gấu, các thêm cái ghế Chủ tịch hội nhà văn, Nguyễn Quang Thiều và Phạm NgọcTiến cũng không dám viết Chuyện Làng Nhô thứ hai.
. . . . . .
Cũng như Phạm Ngọc Tiến đã bán linh hồn bằng thứ danh hão, Nguyễn Quang Thiều dù có ngoi lên giám đốc nhà xuất bản, hay Chủ tịch hội nhà văn đi chăng nữa thì vết ô nhục Chuyện Làng Nhô không bao giờ rửa sạch.
Leipzig ngày 24-4-2017. Đỗ Trường
Người viết tiểu thuyết Kẻ Ám Sát Cánh Đồng đổi trắng thay đen hiện thực cuộc sống để hãm hại người dân lương thiện làng Lạc Nhuế, Hà Nam là nhà văn Nguyễn Quang Thiều đương kim chủ tịch hội Nhà Văn Việt Nam. Người bị tố cáo cưỡng dâm với đầy đủ bằng chứng, nhân chứng là nhà thơ Lương Ngọc An đang là thành viên ban lãnh đạo hội Nhà Văn Việt Nam. Sống như nhà thơ Lương Ngọc An là cuộc sống không có con người văn hoá, chỉ có con người sinh vật trong thế giới animal. Viết như nhà văn Nguyễn Quang Thiều chỉ thấy con người công cụ của quyền lực, quyền lực chính quyền và quyền lực đồng tiền, không có con người nhà văn. Hội Nhà Văn Việt Nam hôm nay đến nông nỗi này sao?