Tại Hoa Kỳ
Dễ có đến hàng trăm năm qua, một trong những thú vui của trẻ em Mỹ là được bố mẹ đưa đi xem hát xiệc, mà phải là xiệc của Ringling Bros. chứ không phải một đoàn nào khác.
Thật vậy, Ringling Bros. vẫn chiếm độc quyền trong ký ức trẻ em Mỹ thời xưa, thời đại chiến thế giới, đến độ hễ nói đến đi xem xiếc là nói đến Ringling Bros., được rút gọn từ cái tên thật dài trên giấy tờ là “Ringling Bros. and Barnum & Bailey Circus.’
Do đó, khi đoàn xiếc loan báo đến tháng 5 này, họ sẽ dẹp tiệm sau 146 năm có mặt trên nước Mỹ, trên báo chí cũng như trên các trang mạng xã hội đã nổi lên những tiếng thở dài hoài niệm, xen lẫn với những tiếng chặc lưỡi chấp nhận số phân an bài, tiếc nuối cho “Đoàn xiếc vĩ đại nhất trên trái đất.”
Xiếc của Ringling Bros. đã có thời gian đồng nghĩa với xiếc của Mỹ, xiếc như thế mới gọi là xiếc. Nó đã được hai ông Barnum và Bailey hợp tác thành lập vào những năm 1800, với mục đích ban đầu là triển lãm lưu động các loại động vật và những món lạ lùng sưu tầm được trên trái đất. Sau đó show của hai ông sáp nhập với đoàn giải trí tạp diễn của gia đình Ringling và chính thức mang tên là một đoàn xiếc.
Qua đến năm 1967, đoàn xiếc được bán lại cho ông Irvin Feld nhưng vẫn giữ tên cũ, và hiện thời, đoàn thuộc quyền sở hữu của người con ông này, là Kenneth Feld.
Trải qua bảy tám thập niên, đoàn đã lưu diễn khắp các thành phố Hoa Kỳ, có nguyên một đoàn tàu hỏa chở người, dụng cụ và đủ loại động vật ghé hết thành phố này đến thành phố khác. Ở đâu họ cũng được chào đón và khán giả tụ tập đông chật bên trong các gian lều to như cái đình làng.
Nhiều bài báo, nhiều câu chuyện, thậm chí có những bộ phim lấy bối cảnh là đoàn xiệc này; bên cạnh những cuộc tình hợp tan giữa các nhân viên, những người thành danh nhờ tham gia trong đoàn, những đứa trẻ lớn lên bên trong các toa xe lửa trong lúc theo chân bố mẹ đi hết nơi này đến nơi khác …
Tuy nhiên, trong những năm gần đây, đoàn đã đứng trước những khó khăn thử thách tưởng chừng như khó hơn những màn tập luyện dẻo dai, chịu khó chịu khổ của các diễn viên. Số vé bán ngày càng xuống, chi phí điều hành cao, đặc biệt là dư luận quần chúng ngày càng có nhiều ác cảm với chuyện sử dụng động vật để làm trò giải trí sau khi chúng bị đánh bắt và nhốt trong chuồng.
Giám đốc Kenneth Feld cho biết ông phải chọn một quyết định khó khăn nhưng không còn cách nào khác, trước khung cảnh giải trí hiện nay. Một màn trình diễn của các con cọp mất khoảng 12 phút mới đầy đủ, nhưng trẻ em ba bốn tuổi bây giờ không thể ngồi yên trong số phút đó để xem. Thiếu niên bây giờ có những trò chơi điện tử sinh động hơn.
500 nhân viên của đoàn đã được thông báo là đoàn sẽ giải thể vào tháng 5 sau một thời gian dài ban giám đốc phải mệt mỏi đối phó với hết vụ kiện này đến vụ kiến khác, do các hội bảo vệ động vật đứng đơn.
Chẳng cần chờ đến năm nay. Năm 2015, Ringling Bros. phải ngưng sử dụng voi. Các con thú khổng lồ biết nhảy nhót, đứng trên bục, gác chân lên nhau theo hiệu lệnh của người huấn luyện, vốn là một màn ăn khách của đoàn. Đoàn bị thưa là đã ngược đãi voi, dùng móc sắt nhọn hoắc để huấn luyện voi. Cuối cùng chủ nhân phải tốn thêm một món tiền đưa đàn voi về Florida gửi nuôi tại một khu bảo tồn động vật.
Đoàn xiệc thiếu voi đồng nghĩa với thiếu khán giả, mặc dù đoàn vẫn còn sư tử, cọp, lạc đà và lừa.
Tại Việt Nam
Tôi biết đến cải lương vào những năm 50 của thế kỷ trước, khi còn học tiểu học. Nhờ đi theo bố, dân Bắc Ninh vào Nam lập nghiệp trước 54.
Bố là khán giả trung thành của đoàn Kim Chung, tiếng chuông vàng Bắc Việt di cư vào Nam, từ lúc đoàn còn ở rạp Aristo, đường Lê Lai cho tới khi dời về Olympic, đường Hồng Thập Tự. Nhờ quá giang bố, tôi không xa lạ gì với các cô Kim Chung, Bích Hợp, Thúy Liệu… các kép mùi Huỳnh Thái, được ghi trong tờ chương trình là nghệ sĩ có làn hơi thiên phú, Ngọc Toàn, bố của ca sĩ Ngọc Minh… các cây cười Tư Vững, Phúc Lai, Ba Hội.
Ngoài chuyện đến coi tại rạp, bố còn lắng nghe qua đài. Tôi còn nhớ cứ đến mỗi tối thứ Bảy, bố nói mẹ dọn cơm lẹ lẹ để còn kịp nghe tuồng cải lương lần đầu tiên được trực tiếp truyền thanh trên đài Sài Gòn. Vào thời đó, đài phát thanh Sài Gòn đắt khách nhất là trực tiếp tuyền thanh tuồng cải lương tối thứ Bảy và trực tiếp truyền thanh các trận banh quan trọng với Huyền Vũ. Và cũng vào thời đó, người nào có được một radio xách tay bán dẫn chạy pin to bằng hộp bánh Trung Thu như cái máy Philips do Hòa Lan sản xuất mà bố tôi có, thì người đó có quyền “kên xì-tin” giống như ta có một chiếc Vertu bây giờ. Với chiếc máy Philips để gần đầu, bố tôi nằm dài người ra chăm chú theo dõi tuồng cải lương trong phong cách của một con chiên ngoan đạo.
Cho đến khi lên trung học, tôi coi như mất liên lạc với cải lương dù ngành này vẫn còn phát triển và rất ăn khách, với Thành Được, Hùng Cường, Út Bạch Lan, Thanh Nga, Bạch Tuyết… là những nghệ sĩ vừa đẹp, vừa nổi tiếng, vừa hái ra tiền.
Lý do mất liên lạc một phần vì mấy ông tướng đảo chánh cụ Diệm năm 63 cho nhảy đầm trở lại, một phần vì thấy hạp hơn với Trịnh Công Sơn hoặc Phạm Duy, và một phần vì sợ bạn bè chê mày “cải lương” quá.
Sau mấy mươi năm không theo dõi, một hôm tôi mò vào RFA thì thấy soạn giả Nguyễn Phương – một người “ham vui,” bỏ nghề công chức đi làm soạn giả, theo các gánh hát từ năm 1948 đến tháng 4 năm 1989, hơn bốn chục năm liên tục, đến năm 1989 định cư tại Canada – có vẻ tiếc hùi hụi cái thời hoàng kim trước 75 của cải lương.
Theo ông, trước năm 1975, Sai Gòn, Chợ Lớn và Gia Định có tất cả là 39 rạp hát, đình miếu dành để cho hát cải lương. Sau năm 1975, bên thắng cuộc tịch thu tất cả những rạp hát đem chia cho các đoàn hát ở trong rừng ra hoặc ở Hà Nội vô chiếm làm cơ sở riêng, rồi phân cán bộ của Sở Văn Hóa Thông Tin trực tiếp quản lý một số rạp hát còn lại. Có cán bộ đem rạp cho Năm Cam mướn để gây sòng. Chỉ còn một rạp hát duy nhứt là rạp Hưng Đạo dành để hát cải lương.
Lý do thứ hai, cải lương đã thành một thứ cháo thập cẩm. “Họ đưa hát chèo vô cải lương, đưa lối ca opéra chen vô vọng cổ, cho ca họp xướng bản vọng cổ, cho ca vọng cổ có nhiều tốp nam nữ múa vòng vòng sau lưng hay quanh người đang ca vọng cổ, điệu múa không ăn nhập gì đến bài vọng cổ, làm rối mắt bực mình, không cho người nghe nghe được lời ca và điệu ca vọng cổ…”
Lý do thứ ba, “trên” đưa “tính đảng” vào cải lương cho phải đạo, chưa chịu “rút kinh nghiệm” là hễ đưa cái đó vào chỗ nào là chỗ đó hỏng bét. “Hồi xưa dân đi xem cải lương để giải trí, để biết một câu chuyện hay, thưởng thức giọng ca hay, chiêm ngưỡng nhan sắc và lối diễn xuất thần của diễn viên. Ngày nay khán giả đi xem tuồng cải lương để nghe cán bộ lên mặt đạo đức dạy đời, để nghe tuyên truyền đường lối chủ trương của chánh phủ mà thực tế thì trái ngược với lời tuyên truyền đó nên khán giả không muốn xem.”
Bố tôi nay đã trở về với cát bụi, nếu còn sống, tôi nghĩ bố cũng buồn khi thấy Ngọc Giàu, một đào thương mà bố cũng ái mộ, một mỹ nhân đã từng thủ vai Dương Vân Nga, bây giờ phải đi chọc cười thiên hạ để sống qua ngày.
Cái chết của Thanh Nga
“Nữ hoàng sân khấu cải lương” hai lần đoạt giải Thanh Tâm – một loại Oscar của cải lương miền Nam – đã bị sát hại cùng phu quân tại nhà riêng gần Ngã Sáu Sài Gòn vào năm 1978.
Tin đồn thứ nhất: một quan to thật to ở Hà Nội chết mê chết mệt với nữ hoàng, muốn mở thêm một phòng với bà, nhưng quan lớn bà biết được, bèn cho người “xử lý.” Bà bầu Thơ, mẹ nữ hoàng, là một trong số rất ít người biết ai là thủ phạm; nhưng vì lý do an toàn cho đại gia đình, trong đó có Bảo Quốc và Hữu Châu, nên đành im hơi lặng tiếng.
Tin đồn thứ hai: Bắc Kinh khó chịu về những lời chỉ trích Tàu. Vụ sát hại xẩy ra chằng bao lâu sau khi Thanh Nga diễn vở Dương Vân Nga, một câu chuyện diễn ra dưới thời bên Tàu có nhà Tống. Trong vở này, Thái hậu Dương Vân Nga có câu: “Từ lâu rồi Việt – Tống biên thùy đà chia cõi, cụm rừng, dãy núi, con suối, dòng sông đứng làm ranh mảnh đất của vua Hùng, còn vọng mãi tiếng trống đồng dựng nước. Đất hẹp, người thưa nhưng không là tiểu nhược!
Vở Dương Vân Nga vẫn chưa bằng Tiếng Trống Mê Linh trước đó. Video clip còn lưu lại đến bây giờ cho thấy Thanh Nga đã hóa thân thành Trưng Trắc với lời hiệu triệu chắc nịch: “… Hỡi đồng bào trăm họ / Giặc Đông Hán đang xéo giày đất nước / Nhục nào hơn nhục nô lệ ngoại bang / Thà chết mà đứng thẳng / Không cam chịu sống quỳ / Đất nước Nam cẩm tú / Người dân Nam anh hùng / Trước đền thờ Quốc Tổ / Thề hy sinh giết giặc cứu non sông / Xin thề!”
Có người đã nói đại mỹ nhân có tên trong khai sinh Juliette Nguyễn Thị Nga là một quốc bảo của Việt Nam vì đã biến Tiếng Trống Mê Linh thành Thánh Ca Về Lòng Yêu Nước.
Châu Quang