Hà Nội xỏ mũi CSIS

2

 

Think Tank

Khi nói đến Think Tank của Mỹ, người ta nghĩ ngay đến những tổ chức nghiên cứu tập họp các chuyên viên đưa ra những tư vấn, ý kiến về những đề tài cụ thể, đặc biệt là các đề tài chính trị và kinh tế có tầm chiến lược.

Các Think Tank Mỹ sống được là nhờ sự tài trợ của khu vực tư, những Mạnh Thường Quân đồng cảm với chủ trương của Think Tank, muốn phổ biến quyền tự do tri thức; nhà tài trợ không ràng buộc điều kiện nào, miễn là các hoạt động của Think Tank mang tính học thuật, khoa học, khách quan.

Các chính trị gia Mỹ thường lắng nghe ý kiến của các Think Tank và hay sử dụng dưới trướng của mình các chuyên viên của Think Tank mình ưa thích, một khi cờ đã đến tay. Ta có thể tạm gọi các chuyên viên của Think Tank là những Khổng Minh đang chờ thời.

Viện nghiên cứu phát triển IDS của Việt Nam, nay đã giải thể, cũng là một dạng Think Tank.

Các Think Tank mà người Việt Nam thường biết đến là Brookings, Cato, Carnegie, Pew, Hoover, American Enterprise Institute… và đặc biệt là CSIS, viết tắt của Center for Strategic and International Studies, báo chí Việt Nam dịch là Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế, hoạt động từ hơn 50 năm qua.

Từ gần chục năm trở lại đây, mảng châu Á của CSIS có nhiều liên hệ đến Trung Quốc và Việt Nam, cụ thể là mỗi năm họ đều tổ chức hội thảo quốc tế về Biển Đông.

Tường trình của Rushford

Cũng từ nhiều năm qua, nhà báo chuyên về điều tra Greg Rushford thỉnh thoảng vẫn nổi đình đám về những bài tường trình giật gân nhờ có những nguồn tin, tài liệu đặc biệt mà ông nắm được qua tài luồn lách, móc nối và kinh nghiệm trong làng.

Trang mạng của ông bắt đầu xuất hiện từ năm 1995 nhằm phơi bầy những sự thật ít người biết về chính trị, thương mại, an ninh quốc gia, chính sách ngoại giao và quan hệ quốc tế.

Đối tượng của ông gồm cả Dân chủ lẫn Công hòa, tư bản cũng như cộng sản, các nhóm lobby lẫn các Think Tank.

Ý tưởng để mở trang mạng này, theo ông, là nghề báo ít nhất phải có một người chuyên đi săn tìm những gì mà những ông lớn bà lớn muốn giữ riêng cho họ, và ông gọi chuyện này là lật tung những hòn đá được bảo vệ.

Và cứ như vậy từ nhiều năm qua, từ trong căn nhà của ông dưới chân rặng núi Blue Ridge trong tiểu bang Virginia, cách thủ đô Washington 110 cây số về hướng Tây, ông tuần tự lật tung những hòn đá, tạo ra những quả bom khiến cho nhiều người có tật giật mình, chữa cháy.

Quan hệ CSIS và Hà Nội

Quả bom mới nhất của Rushford xuất hiện hôm 11 tháng 7, một tuần lễ trước khi CSIS tổ chức cuộc hội thảo thường niên lần thứ 7 về Biển Đông.

Hội thảo diễn ra giữa lúc Trung Quốc tiếp tục có những thái độ hung hăng về đường lưỡi bò, Philippines và Campuchia đã nghiêng về Trung Quốc, còn Việt Nam thì bề ngoài đang có những cử chỉ liên minh với Ấn Độ, Nhật Bản và Hoa Kỳ, kể cả việc mang Cam Ranh ra nhử trước miệng mèo.

Diễn giả có đầy uy tín từ các nơi như Singapore, Philippines, Việt Nam… sẽ bay về Washington tham gia thảo luận cùng với những người có cùng trình độ của Mỹ với chủ đề “Hâm nóng lại vị trí lãnh đạo của Hoa Kỳ tại châu Á Thái Bình Dương.”

Câu hỏi lâu nay nhà báo Rushford đặt ra cho CSIS là ai là nhà tài trợ cho cuộc hội thảo này từ 7 năm qua. Sếp của CSIS, John Hamre, không chịu xác định mà chỉ nói chung chung là do “sự ủng hộ nói chung của mọi người dành cho CSIS.”

Đối với Rushford, câu trả lời này là mơ hồ và tránh né, thậm chí là “không trung thực.”

Năm nay, Rushford vớ được một nguồn tin cung cấp cho ông những tài liệu “Mật” giúp ông có câu trả lời. Qua các memo, email và nhiều tài liệu dưới dạng khác, ông đã kết luận CSIS có một nhà tài trợ hào phóng: Hà Nội.

Từ năm 2012 đến nay, Hà Nội đã trao cho CSIS gần nửa triệu đô để tổ chức hội thảo hằng năm về Biển Đông, CSIS chỉ góp vào 55.000 đô. Người đưa tiền là Học viện Ngoại giao, thuộc Bộ Ngoại giao của ông Phạm Bình Minh.

Tổ chức hội thảo năm ngoái tốn 104.935 đô, Hà Nội chi 94.935 đô, CSIS chỉ góp thêm 10.000 đô.

Người ký giấy đưa tiền hiện nay là Tiến sĩ Trần Trường Thủy, cán bộ kỳ cựu của Học viện Ngoại giao, và là Giám đốc Quỹ hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông. 

Nhận tài trợ của Hà Nội chẳng có gì đáng nói, nhưng để cho Hà Nội quyết định ai được mời, ai không được mời dự hội thảo là chuyện không thể chấp nhận đối với một Think Tank.

Mặc dù khi ký hợp đồng tổ chức hội thảo, CSIS và Hà Nội đều ghi rằng đôi bên sẽ “cùng nhau soạn chương trình và lập danh sách người tham dự” và CSIS sẽ dành quyền “quyết định sau cùng,” nhưng rút cục, trong cuộc hội thảo năm ngoái, CSIS đã phải nhượng bộ Hà Nội.

Cuộc hội thảo ngày 12 tháng 7 năm 2016 diễn ra trong bối cảnh Tòa án quốc tế La Haye phán quyết rằng Trung Quốc đã phạm luật quốc tế khi phá hủy các rạn san hô để xây các đảo nhân tạo có trang bị vũ khí trong vùng biển thuộc vùng độc quyền kinh tế của Philippines, có nghĩa là cả Manila và Hà Nội đều nằm trong tầm của các máy bay bỏ bom của Trung Quốc.

Nhận thấy dư luận quốc tế chú ý nhiều đến phán quyết này, hai chuyên viên của CSIS là Murray Hiebert và Greg Poling đã mời Khôi Thiên Khải, đại sứ của Bắc Kinh tại Washington đến phát biểu tại hội thảo cho có tiếng nói phản biện, một chuyện bình thường ở Mỹ.

Nhưng khi Poling thông báo tin này đền Thủy, thì Thủy nhảy dựng lên.

Email của Thủy: “Murray, chúng tôi không đồng ý cách mà các bạn xử lý hội thảo. Các bạn đã mời đại sứ Trung Quốc mà không hội ý với chúng tôi rồi bây giờ lại nói là các bạn không thể rút lại lời mời. Xin thông cảm rằng tạo một diễn đàn để cổ vũ cho công tác tuyên truyền của Trung Quốc không phải là mục tiêu của chúng ta.”

Email của Hiebert đáp lại: “Mục tiêu của chúng ta không phải tạo một diễn đàn để Trung Quốc tuyên truyền, mà là tạo một diễn đàn khả tín, tỏ cho thấy thái độ không thể chấp nhận được của Trung Quốc tại Biển Nam Trung Hoa. Đại sứ Khôi sẽ chẳng thuyết phục được một ai rằng lẽ phải nằm về phía nước ông ta. Để cho ông ấy lên tiếng vừa cho mọi người thấy những phê phán gay gắt Trung Quốc đáng tin cậy hơn vừa giữ nguyên được thông điệp của chung ta.”

Cuối cùng, CSIS phải chào thua trước email cương quyết của Thủy: “Murray, không để đại sứ Trung Quốc lên nói không là ý kiến của cá nhân tôi mà là một yêu cầu nghiêm ngặt của các ‘nhà tài trợ’ và tôi không còn có dịp để thuyết phục họ nữa rồi.”

Cuộc hội thảo về Biển Đông chấm dứt lúc 4 giờ rưỡi chiều. 15 phút sau, 4 giờ 45, đại sứ Trung Quốc bước lên diễn đàn của CSIS trong một cuộc hội thảo khác, cùng ngày.

Lời bàn của Rushford

Trong những năm hợp tác với CSIS, Hà Nội đã đạt được một số mục đích họ muốn.

Hà Nội muốn tạo dư luận thuận lợi để phát triển phát triển về mặt ngoại giao và an ninh với Hoa Kỳ, các chuyên viên của CSIS cũng nghĩ như thế.

Hà Nội muốn Tổng thống Obama thăm Việt Nam để đào sâu mối quan hệ hai nước. CSIS cũng cổ vũ chuyện này.

 

Hà Nội muốn Hoa Kỳ rút lại lệnh cấm bán vũ khí sát thương. CSIS cũng chia sẻ ý kiến đó.

Hà Nội muốn Hoa Kỳ cấp một số ưu đãi khi gia nhập TPP. CSIS cũng đồng ý là nên châm chước cho nền kinh tế thị trường có cái đuôi.

Cả Hà Nội và CSIS đều tránh bàn đến chuyện nhân quyền tại Việt Nam. Hà Nội thì có thể hiểu được, còn đối với CSIS thì trái với nguyên tắc làm việc của một Think Tank, không thể chấp nhận.

Không chịu lên tiếng khi có những người Việt Nam dũng cảm bị giam cầm chỉ vì sử dụng quyền tự do phổ quát của con người một cách ôn hòa là một thất bại về mặt đạo đức.

Việt Nam phê phán Trung Quốc tự ý vạch ra đường lưỡi bò, không tuân thủ UNCLOS, công ước về luật biển của Liên Hiệp Quốc, nhưng Việt Nam cũng không tuân thủ những công ước mà mình đã ký với Liên Hiệp Quốc, trong đó có công ước phải cho công dân của mình được hưởng quyền phổ quát về tự do ngôn luận và biểu đạt.

Nếu CSIS là một Think Tank lương thiện, họ phải có nghĩa vụ chỉ ra rằng chính sách của Hà Nội đàn áp những công dân Việt Nam dũng cảm nhất cũng vi phạm những công ước của Liên Hiệp Quốc mà Việt Nam đã đặt bút ký.

Đàn Chim Việt tổng hợp

2 BÌNH LUẬN

  1. Dầu sao đây (CSIS) cũng là 1 kênh để Việt Nam xen vào tiếng nói chống bá quyền biển Đông của Tàu. Tiếng nói này được phát thanh ở ngay Washington trong 1 tổ chức chính thức có uy tín ở Mỹ.

    Chuyện “nhưng Việt Nam cũng không tuân thủ những công ước mà mình đã ký với Liên Hiệp Quốc, trong đó có công ước phải cho công dân của mình được hưởng quyền phổ quát về tự do ngôn luận và biểu đạt” là chuyện khác. Nếu đem 2 nước Việt Tàu ra so sánh về nhân quyền thì cả 2 đều tệ hại như nhau. Chuyện khẩn cấp ở đây là Tàu ngày càng hung hăng, càng chiếm lợi thế quân sự ở biển Đông. Chuyện chống bành trướng của Bắc Kinh là mục tiêu của VN ở CSIS.

    Tuy nhiên cũng có điều đáng lo lắng ở đây là ngoài chuyện biển Đông (có lợi cho VN), nhà cầm quyền VN lợi dụng sự “ham tiền”, “cần tiền” của các tổ chức (hay quan chức?) ở Mỹ để “lobby” có lợi cho chúng (chớ không phải cho quyền lợi tổ quốc VN).

    • Đúng vậy, csvn hèn không dám ra mặt chống, thậm chí còn đánh đập dân Việt khi biểu tình chống Tàu nên lấy tiền thuế dân mướn CSIS chống. Nhưng chúng nó ngu vì triệt được Tàu hay không là do chính phủ Mỹ chứ CSIS chỉ là một diễn đàn ngôn luận, hơn nữa có thể CSIS cũng nhận tiền của cs Tàu nên mời đại sứ Tàu đến để cha con chúng chửi nhau nhưng CSIS thủ lợi.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên