TS Đinh Hợi (gởi từ Sài Gòn)
Danh ca Lệ Thu (1943-2021) đã vĩnh viễn ra đi ngày 15/1/2021 vì Covid-19. Đó là một mất mát rất lớn cho âm nhạc Việt Nam, và đặc biệt cho nhiều triệu con tim yêu mến tài năng của Chị. Trong dịp đó, TS Nguyễn Hữu Liêm đã viết bài tưởng niệm vô cùng cảm động. Tôi không ngờ bài này TS Liêm viết hay như vậy; những bài triết luận trước đây của Anh thường rất khó nuốt đối với nhiều người không được huấn luyện bài bản về Triết. Nhưng bài tưởng niệm sĩ Lệ Thu này thật tuyệt vời. Có lẽ nhiều độc giả đã rơi nước mắt.
Theo TS Liêm, âm nhạc Việt Nam đã chết 3 lần. Và từ khi Lệ Thu ra đi khán, thính giả Việt Nam sẽ không được nghe những giọng ca một thời đã làm rung động triệu, triệu con tim như Lệ Thu, Chế Linh…
Cái chết đầu tiên của âm nhạc Việt Nam xảy ra năm 1954 khi chủ nghĩa Mác-Lê được áp dụng ở miền Bắc. Cái chết đó xảy ra khi, “chính trị phủ định tâm hồn cá nhân qua âm hưởng.”
Cái chết lần thứ hai xảy ra sau 1975 do các ca sĩ xuất thân từ miền Bắc ra tay; họ giết âm nhạc bằng “kỹ năng trình diễn thiếu tâm hồn đã hủy hoại ca từ bằng ý chí xác định ngã thức qua âm thanh.”
Cái chết lần thứ ba do kỹ thuật karaoke tối tân từ công nghệ Nhật bản gây ra. “Đó là cái chết rất hồn nhiên và bình dân từ năng ý trình diễn của dân ta. Hằng đêm, khi ta đi vào bất cứ ngõ phố nào, làng quê nào, thì các loa karaoke inh ỏi cũng muốn bắt chước Hồng Nhung, Bằng Kiều để mà giết chết Chế Linh và Lệ Thu. Với karaoke, ngày nay, xã hội và con người Việt ta lại còn chịu đựng thêm một cái chết âm nhạc nữa.” Đó là cái chết lần thứ ba và là cái chết vĩnh viễn của âm nhạc Việt Nam.
Nhận xét của TS Liêm hoàn toàn chính xác. Và để tưởng nhớ danh ca Lệ Thu và những ca sĩ, nhạc sĩ, nghệ sĩ, văn sĩ, triết gia đã đóng góp tài năng của họ và đã cho văn hoá miền Nam trước 1975 một sắc thái đặc biệt, tôi xin được góp ý với TS Liêm về một số vấn đề khác liên quan đến chiến thắng của ĐCSVN, mà cái chết của âm nhạc chỉ là một phần.
Trước hết, cái chết của âm nhạc Việt Nam không phải là trường hợp cá biệt, cô lập. Xưa nay, khi một quốc gia bị tiêu diệt, toàn thể văn hoá của nó cũng bị xóa sổ hoàn toàn. Hãy lấy Trung Quốc (TQ) và Nga làm thí dụ.
TQ trong thời lục quốc là thời gian tự do nhất, và do đó cũng là thời kỳ vàng son nhất của văn minh TQ. Trong thời gian đó các nước chư hầu mở rộng cửa đón tiếp nhân tài khắp nơi để tranh bá, đồ vương. Sự kiện này đã kích thích rất nhiều tư tưởng, học thuyết mới lạ của nhiều trường phái khác nhau, với những tên tuổi lớn như Lão Tử, Trang Tử, Khổng Tử, Liệt Tử, Mặc Tử, Mạnh Tử, Hàn Phi Tử, Tuân Tử… Lúc đó nếu vua chư hầu nào không thích ai, người đó có thể chạy sang nước khác trốn. Đến khi Thủy Hoàng thống nhất TQ, mọi ý kiến không được chính quyền chấp nhận đều bị tiêu diệt hết. Khi Thượng Ưởng làm Tướng quốc nước Tần, những người khen hay chê đều bị trừng phạt, vì khen là nịnh bợ, còn chê là chống đối. Và khi Lý Tư làm Tướng quốc, ông bắt cả nước dùng chữ Lệ mà người TQ vẫn đang dùng, còn những chữ viết khác đều bị cấm. Đó là cái chết thứ nhất của văn minh TQ. Khi Lưu Bang diệt Hạng Võ lập lên nhà Hán, Nho giáo độc tôn, các học thuyết khác bị đào thải. Khổng tử viết, “Phá bỏ tà thuyết bất chính, không chính xác; cái hại sẽ tiêu tan” (Công hồ dị đoan, tư hại dã dĩ – Luận Ngữ 2.16). Đó là cái chết thứ hai của văn minh TQ. Kể từ đó đến nay văn minh TQ chỉ còn cái xác không hồn, lượng nhiều mà thiếu phẩm.
Nga là thí dụ thứ hai. Văn học Nga trong thế kỷ 19, trước khi cách mạng đỏ xảy ra, được coi là thời kỳ rực rỡ nhất [1]. Thi ca có các tên tuổi lớn như Vasily Zhukovsky, Alexander Pushkin, Mikhail Lermontov, Yevgeny Baratynsky, Konstantin Batyushkov, Nikolay Nekrasov, Aleksey Konstantinovich Tolstoy, Fyodor Tyutchev, Afanasy Fet… Tiểu thuyết thì có các tên tuổi lớn như Ivan Turgenev, Fyodor Dostoyevsky, Leo Tolstoy được nhiều học giả coi là những tiểu thuyết gia vĩ đại nhất của nhân loại. Ngoài ra còn những tên tuổi lớn khác như Nikolai Gogol, Ivan Goncharov, Mikhail Saltykov-Shchedrin, Nikolai Leskov, Anton Chekhov, Ivan Krylov, Alexander Herzen; Aleksandr Griboyedov, Aleksandr Ostrovsky, Kozma Prutkov. Đó là chưa nói đến các nhạc sĩ, họa sĩ Nga. Đến nay đã hơn thế kỷ, khi Bolshevik cướp chính quyền Nga năm 1917, Nga không thể đào tạo nỏi những tên tuổi lớn đó như trước cách mạng nữa, vì thi nhân, nghệ nhân chỉ có thể nở hoa trong không khí tự do.
Cho nên cái chết của âm nhạc Việt Nam không phải là trường hợp cá biệt. Còn hai cái chết nữa mà TS Liêm không nhắc đến. Đó là văn học Việt Nam và cổ nhạc nói chung và cải lương nói riêng. Dù sao âm nhạc Việt Nam vẫn may mắn hơn vì còn cái xác qua karaoke, youtube, và qua đó xuất hiện rất nhiều “đám ca sĩ miệt vườn.” Văn học Việt Nam và cổ nhạc chết một lần và vĩnh viễn chết.
Nói về văn học miền Nam trước 1975, đóng góp lớn nhất là do những người du học Pháp, hoặc hấp thụ được cách tiếp cận khoa học của Pháp, và trong không khí tự do của miền Nam, họ tìm được nguồn sáng tạo qua việc khám phá những nét đặc trưng của văn hoá dân tộc. Ảnh hưởng của họ còn âm vang đến nay, vì họ đã kích thích phong trào mê Triết của giới trẻ. Một yếu tố quan trọng khác là vì xã hội tự do, nhân tài miền Nam không những được tự do sáng tác, mà còn được chính quyền và nhân dân ủng hộ. Những nhà văn sống rất thoải mái, một phần vì lúc đó dân miền Nam rất coi trọng những người đọc sách, viết sách. Mà thủ tục xuất bản sách cũng rất đơn giản, không phải mua giấy phép xuất bản như bây giờ. Viết sách bây giờ chỉ để nuôi nhà xuất bản, nhà phát hành và các tiệm sách. Bạn tôi là một đại trí thức từ Mỹ về. Anh viết một cuốn về tôn giáo, 3 năm mới xong, rồi bán bản quyền cho nhà xuất bản được 20 triệu. Đó là vì Anh có thương hiệu lớn; người khác phải bỏ tiền túi in chơi để có sách tặng bạn bè. Đã hơn 45 năm, từ sau chiến thắng 1975, Việt Nam ngày nay vẫn chưa đào tạo được những tên tuổi có thể so sánh với miền Nam trước 1975.
Hai cái chết này của miền Nam – Tân nhạc và văn học trước 1975 – theo thiển ý của tôi, cũng không thể so với cái chết của Cổ nhạc nói chung và Cải lương nói riêng. Đó là mất mát lớn nhất; đơn giản vì đó là sáng tác bản địa duy nhất của người Việt.
Tân nhạc, mặc dù quan trọng, cũng chỉ là “hàng nhái” của Tây phương. Triết học, tiểu thuyết cũng thế.
Nói về Cổ nhạc, tôi nghe nhiều người chê Cổ nhạc vì nghĩ đó là của đám dân quê. Ý kiến này không phải sai vì tiếng nhạc đệm không êm tai, không nhịp nhàng như Tân nhạc. Nhưng điều này có thể sửa được. Hơn nữa, theo cảm nhận của tôi, phần đông những bài Tân nhạc điệu Bolero, Tango… không có giai điệu du dương lắm vì nó đều đều, không cao quá, không thấp quá. Cũng vì thế nhiều bản nhạc rất yếm thế, ủy mị; mỗi lần nghe tôi cảm thấy như thể mất sức sống, uể oải, không muốn cố gắng nữa. Ngược lại, Cổ nhạc khi lên, lên rất cao; và khi xuống, xuống rất thấp. Cũng vì thế Cổ nhạc không yếm thế, không ủy mị, không làm mất sức sống, không “sến” như Tân nhạc.
Nhưng độc đáo của Cổ nhạc không phải do những lời ca cao, thấp của nó, mà khi phối hợp với Cải lương mới lộ ra sức mạnh của nó. Một bài Tân nhạc kéo dài 3-5 phút không thể tạo ra một chủ đề quan trọng; âm hưởng cũng không thể kéo dài. Nhưng một tuồng Cải lương dài 2-3 tiếng có thể so sánh với phim ảnh và nhạc kịch Opera của Tây phương, và chỉ cần đổi nhạc đệm thì tuyệt vời.
Một lợi thế khác của Cải lương là vai trò của nó trong việc giáo dục và vận động quần chúng. Miền Nam trước 1975 đêm nào cũng đầy người đi coi Cải lương. Tivi tối thứ Sáu nào cũng có 2-3 tiếng Cải lương. Khi còn ở Việt Nam, tôi rất thích xem những tuồng diễn lại các cuộc chiến chống lại kẻ thù phương Bắc như “Tiếng Trống Mê Linh” do Thanh Nga hát, hoặc “Tình Quê Hương” với nội dung chống quân Minh của hai soạn giả Hà Triều – Hoa Phượng.
Sau 30/4/1975 cả nước ăn cơm độn săn, khoai, bo bo… tiền đâu đi Cải lương. Thế là Cải lương chết vì nghê sĩ cần sân khấu, cần khán giả.
Cho nên khi âm nhạc chết, văn hoá dân tộc cũng chết theo. Mất mát lớn nhất là Cổ nhạc và Cải lương vì đó là sáng tác của dân tộc. Cái ta thấy ngày nay toàn là hàng nhái, không có gì để tự hào.
Đinh Hợi (SG 28/1/2021)
Xin đoc ‘Câu Thơ Yên Ngựa’ thay cho Thanh Gươm Yên Ngựa bị nhớ nhầm. Xin lỗi.
Dân tộc ta, dù theo thuyết nguồn gốc từ Java thuộc quần đảo Indonesia tiến lên định cư tại đồng bằng Bắc bộ, hay thuyết khởi đầu từ Tây tạng đổ xuống nam Trung hoa như một nhánh của Bách Việt, hàng mấy chục thế kỷ đã qua mãi vẫn là một dân tộc nhỏ bé, lãnh thổ nhỏ bé, ngôn ngữ chưa hoàn chỉnh và nền kinh tế vẫn chậm tiến. Dù có chống chế thế nào, đó vẫn là sự thật không thể chối cãi!
Và có hàng tá quốc gia cũng cùng số phận như chúng ta.
Thế nhưng, VN đã tồn tại được, suốt mấy nghìn năm không bị đồng hoá, diệt vong, dù đối mặt nhiều kẻ thù mạnh hơn trăm lần.
Đó là nhờ tuỳ cơ ứng biến, nhẫn nhục chịu đựng để học hỏi từ của người gầy dựng nên của mình mà nên cơ đồ ngày nay.
Đó đã là một hạnh phúc giành được bằng sức sống kiên cường, tránh hoạ diệt vong.
Đó đã là triết học: sinh tồn mạnh mẽ, bất khuất!
Cần gì tự kênh kiệu đòi hỏi phải có một hệ thống triết học riêng, một nền văn học riêng, âm nhạc riêng; không thèm học tập, bắt chước ai…với một dân tộc đã luôn phải lo sống sót, lo chống ngoại xâm.
Thế giới là một đại dương gồm những giòng chảy giao hoà trăm nghìn sắc thái, giá trị nhân văn.
Có mấy dân tộc tự hào và khư khư giữ cho thuần nhất nền văn hoá của mình…từ văn học nghệ thuật đến ẩm thực; khoa học kỹ thuật đến định chế tổ chức xã hội; tôn giáo tới phong tục tập quán?
Việc gì phải mặc cảm xấu hổ khi mình thấy thích và bắt chước những ưu việt, thú vị đến từ những chân trời xa lạ?
Cái đẹp là không biên giới. Sự giao hoà thẩm thấu sáng tạo không phải là sự bắt chước, rập khuôn, ăn cắp…Chân lý, giá trị là phổ quát; hình thức thể hiện là đa dạng cá biệt không trùng lắp.
Ai cấm người Việt và người Âu Mỹ ăn bíp tết và phở của nhau, nghe và sáng tác nhạc, nhảy theo vũ điệu, chơi thể thao, dùng thời trang xa lạ của các dân tộc khác, du nhập từ lãnh thổ xa xôi khác… miễn là nó làm cho họ cảm thấy thích thú?!
Trở lại sự ta thán của tác giả về nền cổ nhạc VN đã diệt vong.
Quả thực Cải Lương bị bức tử từ năm 1950 bởi Hội Nghị Văn Nghệ Việt Bắc tháng 8 năm 1950 của chính quyền VM những ngày còn trong chiến khu Việt Bắc, với câu kết luận trong Biên bản của nó…“Cải Lương Nam Kỳ là một nghệ thuật quái gở, lai căng, sản sinh ra ở một thời đại múa may quay cuồng, điên điên dại dại, để giải trí cho một lớp người cuồng vọng, không biết mình sẽ đi đâu, không biết mình đương nghĩ gì, đương cảm xúc thế nào, lớp người mới phát sinh trong thời Pháp thuộc mất gốc, mất rễ và giao động đến cực độ…Kết Luận: Tuồng, Chèo là tàn tích của thời phong kiến, Cải Lương là sản phẩm của giai cấp tư sản. Chỉ giữ lại kịch và phổ biến rộng rãi.”
Thế nhưng sức sống của cải lương, vốn nở rộ tại miền Nam suốt thời kỳ đất nước chia cắt, vẫn không dễ bị dập tắt trong lòng khán giả bởi lời tuyên bố độc đoán kia, khi, 25 năm sau, nó theo gót giày của đoàn quân bài trừ văn hoá “đồi truỵ”, áp đặt văn hoá độc đoán, đốt sách đập miếu mạo… vào tới quê hương của cải lương!
Những vở cải lương danh tiếng như Tiếng Trống Mê Linh, Thanh Gươm Yên Ngựa, Bên Cầu Dệt Lụa, Tiếng Hò Sông Hậu, Đời Cô Lựu…với những diễn viên tài ba Thanh Nga, Bạch Tuyết, Lệ Thuỷ, Kim Cương, Diệp Lang, Giang Châu, Thanh Sang, Minh Vương, Vũ Linh, Tài Linh…vẫn tiếp tục diễn hào hứng trên sân khấu và trong lòng khán giả miền Nam dưới chế độ quân quản. Chẳng lực lượng nào bóp chết nổi cải lương chỉ bằng một tuyên bố thô bạo như thời kháng chiến!
Họ đâu có thể triệt tiêu nổi đam mê cải lương bằng cách đóng cửa rạp hát, và đành cho nó xuất hiện trên màn ảnh nhỏ. Người yêu cải lương phải 7 ngày đợi mong để gặp sân khấu cải lương trên radio, TV vào tối thứ bảy.
Dần dà người ta thay cải lương bằng kịch nói Trong Nhà Ngoài Phố.
Và người ta bắt cải lương phục vụ chính trị: dẹp bỏ tình cảm lãng mạn trai gái thất vọng đau khổ…Cải lương có sứ mệnh tố cáo thực dân, cường hào ác bá, và nhắc lại trang sử bắc thuộc theo với những sôi động thời cuộc ở biên giới phía Bắc.
Cải lương phai nhạt dần trong thị hiếu giải trí của khán giả thành thị, khi không có rạp để nó nuôi dưỡng ham thích cũ xưa.
Xa mặt cách lòng, người ta dần dà đua đòi theo những sở thích mới- sân khấu tân nhạc, karaoke, Làn Sóng Xanh trên radio, sân khấu showbiz; tuyển hoa hậu, người mẫu…tất cả hè nhau đánh bạt cải lương khỏi sở thích dân đô thị.
Nông thôn thì đầu tắt mặt tối vì cơm áo gạo tiền…chẳng ai còn hơi sức tơ tưởng đến cải lương!
Thiếu khán giả thì phòng vé chết. Vé èo uột thì nghệ sĩ hết theo nghề nổi. Na ná như bóng đá nữ: thiếu khán giả thì tiền thưởng bèo, so với bóng đá nam.
Để mặc giới nghệ sĩ mạnh ai nấy sống, nhà nước mở lối cho cải lương đi vào cõi tàn phai, sau khi trao vài cái hư danh NSND, NSƯT cho mấy cây đa cây đề đã trụi lá…rồi phủi tay.
Chẳng cần hội nghị, tuyên bố đao to búa lớn như 70 năm trước trong rừng Việt Bắc, cải lương cũng sẽ biến mất khỏi ký ức treo quy luật măng mọc tre tàn…