Ghi chép bên lề cuộc biểu tình chống Trung Quốc tại Geneva

0

Sáng thứ ba, 6/11/2018, Geneva trở nên lạnh hơn với những cơn gió bấc. Ngay từ sớm, bốn chiếc xe đặc chủng chống bạo động của cảnh sát thành phố đã đóng chốt tại các vị trí trọng yếu của quảng trường nổi tiếng, Place des Nations, trước trụ sở Liên Hiệp Quốc.

Từng toán cảnh sát trang bị vũ khí canh chừng mọi góc phố từ bờ hồ Leman, trước Palais Wilson đến Quảng trường Place des Nations. Giao thông bị nghiêm cấm từ 9 giờ đến sau 13 giờ nhằm tạo điều kiện cho đoàn biểu tình diễu hành.

Chính quyền Trung Quốc phải trải qua phiên điều trần định kỳ của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Vi phạm nhân quyền, bắt giam hàng loạt các nhà bất đồng chính kiến, đặc biệt đối với các cộng đồng thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng là các vấn đề nghiêm trọng mà Bắc Kinh phải trả lời trước các quốc gia thành viên.

Người Ngô Duy Nhĩ, Tây Tạng và Việt Nam cùng biểu tình tố cáo vi phạm nhân quyền của Trung Quốc

Hội người Ngô Duy Nhĩ Thế giới đã tổ chức một cuộc biểu tình qui mô với gần 1000 người tham dự. Các tổ chức lưu vong Tây Tạng tại Thụy Sĩ và châu Âu cũng hưởng ứng lời kêu gọi. Phía các hội đoàn người Việt Nam Tự do, có Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Âu châu), Phong trào Việt Hưng (Mỹ châu) và Phong trào Giới trẻ Vì Nhân quyền (Úc châu) đã đứng ra tổ chức cuộc biểu tình sát cánh cùng các sắc tộc thiểu số Trung Quốc.

Cuộc diễu hành của các cộng đồng bắt đầu sau 10 giờ dưới sự giám sát của cảnh sát thành phố Geneva. Hơn 1300 người đi bộ biểu tình trên quãng đường gần 2 cây số. Có hơn 100 người Việt Nam từ nhiều quốc gia trên thế giới hường ứng lời kêu gọi. Họ đến từ Mỹ, Đức, Úc, Bỉ, Pháp, Nauy,… từ ngày 5/11. Từ Paris, có cả một xe ca chở khoảng 50 người, chạy thâu đêm để kịp đến Geneva rạng sáng.

Khi mà nhiều người Việt khắp nơi trên thế giới đang theo dõi cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ, với những hy vọng khác nhau về tương lai của Tổng thống Trump, thì việc có cả trăm người Việt bỏ công sức sang Thụy Sĩ biểu tình là điều vô cùng đáng quí.

Cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ chiếm đa số, màu cờ xanh tung bay khắp phố với các khẩu hiệu tố cáo tội ác diệt chủng và tẩy sạch chủng tộc mà Bắc Kinh đang áp đặt lên vùng tự trị lớn gần 1/6 diện tích toàn Trung Quốc. Bắc Kinh thiết lập những trại tập trung khổng lồ bí mật giam giữ trái phép gần 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ trong sự thờ ơ của dư luận quốc tế. Trung Quốc cố tình thôn tính và đồng hóa người dân tại Tây Cương, vốn dĩ không có nhiều điểm tương đồng với văn hóa Hán. Tự do tín ngưỡng và Hồi giáo bị nhà cầm quyền cộng sản ra sức đàn áp và khủng bố. Bắc Kinh luôn tìm cách chụp mũ khủng bố cho các tổ chức li khai Duy Ngô Nhĩ. Trong bối cảnh chính trị quốc tế căng thẳng do các tổ chức khủng bố Hồi giáo gây ra, Trung Quốc muốn sử dụng chiêu bài phiến quân Hồi giáo, bạo loạn, khủng bố nhằm biện minh cho các cuộc đàn áp vũ trang tại Tân Cương. Rất nhiều cuộc nổi dậy đã bị Bắc Kinh nhấn chìm trong trong máu lửa trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, Tân Cương là vùng có trữ lượng dầu mỏ và là nơi sản xuất khí thiên nhiên lớn nhất Trung Quốc. Đó cũng là những lý do quan trọng giải thích vì sao Trung Quốc không muốn người Duy Ngô Nhĩ ly khai và giành độc lập.

Phái đoàn Việt Nam đi sau cùng. Cờ vàng và các khẩu hiệu tố cáo tư tưởng Đại Hán cũng như việc xâm phạm chủ quyền lãnh hải Việt Nam tại biển Đông được đồng thanh hô lớn.

Để đảm bảo an ninh và tránh bị trà trộn, kích động, lực lượng gìn giữ trật tự do người Duy Ngô Nhĩ đảm trách xuyên suốt cuộc diễu hành từ bờ hồ Leman đến Quảng trường Place des Nations.

Các cơ quan truyền thông Thụy Sĩ và quốc tế đều có mặt để đưa tin. Đối diện với trụ sở Liên Hiệp Quốc, bên cạnh Chiếc ghế 3 chân, biểu tưởng thiêng liêng của Quảng trường Place des Nations, các nhân vật đại biểu cho các sắc tộc tham gia cuộc biểu tình thay nhau phát biều. Mọi tuyên bố đều nhắm vào nhà cầm quyền cộng sản Trung Quốc. Các tội ác do Bắc Kinh gây ra được cô đọng qua những lời tố cáo, qua những biểu ngữ được giương lên khắp nơi tại quảng trường. Các trại tập trung tại vùng Tân Cương được so sánh như thời “nazis”, phát xít Đức, trong Đệ nhị Thế chiến.

Đại diện cho Giáo Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tuyên bố ngắn gọn trước khi nhường lời lại cho đại diện của Phong trào Giới trẻ Vì Nhân quyền.

Diễn biến cuộc Kiểm điểm Nhân quyền Định kỳ Phổ quát Trung Quốc

Thụy Sĩ và các nước thành viên đã thay phiên nhau chất vấn và bày tỏ thái độ lo lắng trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về các chính sách của Trung Quốc đối với cộng đồng thiểu số Duy Ngô Nhĩ.

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Le Yucheng, khẳng định rằng Trung Quốc luôn “bảo vệ những quyền lợi của các dân tộc thiểu số”. Cũng theo Le Yucheng, mỗi sắc tộc đều có đại diện trong Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc và tiếng nói của họ luôn được tôn trọng. Phái đoàn Trung Quốc đã phủ nhận tất cả các tố cáo liên quan đến sự vi phạm nhân quyền, đặc biệt về vấn đề các trại tập trung giam giữ người Duy Ngô Nhĩ tại khu tự trị Tân Cương. Đại diện phía Trung Quốc khẳng định người Duy Ngô Nhĩ không hề bị giam giữ trái phép cũng như bị ngược đãi.

Trung Quốc khẳng định rằng các trại tập trung chỉ nhằm mục đích cải huấn cộng đồng thiểu số Hồi giáo.

Le Yucheng cho rằng mọi công dân Trung Quốc luôn có quyền tự do ngôn luận và đưa ra các ý kiến miễn là “họ phải tôn trọng luật pháp”. Ví dụ của Hồng Kông được đề cập nhằm thuyết phục các nước thành viên có mặt trong phiên họp điều trần.

Nhưng tất cả những tuyên bố từ phía Trung Quốc chẳng những không thuyết phục được các nước thành viên, ngược lại còn bị chất vấn nhiều hơn từ các phái đoàn Croatia, Bỉ, Iceland và Nhật. Thụy Sĩ, Pháp và Anh đã yêu cầu Trung Quốc “đóng cửa các trại cải tạo” giam giữ người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương.


Vấn đề Tây Tạng cũng được nêu lên trong phiên họp điều trần. Các thành viên Liên Hiệp Quốc muốn Trung Quốc phải tôn trọng nhân quyền của người Tây Tạng và các sắc dân thiểu số khác. Chính phủ Trung Quốc cần chấm dứt việc quản chế tại gia các nhân vật bất đồng chính kiến cũng như các nhà tranh đấu nhân quyền.

Các quốc gia vốn thường xuyên bị rơi vào tầm ngắm về nhân quyền như Belarus cũng bày tỏ sự bất bình đối với Trung Quốc. Tuy không nêu thẳng vấn đề người Duy Ngô Nhĩ và các trại tập trung giam giữ, nhưng Belarus kêu gọi Bắc Kinh có những chính sách “phát triển kinh tế và xã hội” đối với mọi sắc dân thiểu số. Trong khi đó, Brazil yêu cầu Trung Quốc chấm dứt hoặc cấm thi hành các bản án tử hình.

Nhìn chung, Trung Quốc bị lên án kịch liệt về vi phạm nhân quyền và vấn đề liên quan đến các sắc tộc thiểu số được đưa ra thảo luận một cách thẳng thắng. Nhưng phía Trung Quốc luôn phản bác, chối bỏ mọi chỉ trích và lên án từ phía các thành viên thuộc Hội đồng Nhân quyền. Bắc Kinh núp sau chiêu bài khủng bố Hồi giáo và thị trường tiêu thụ màu mỡ khiến bất cứ quốc gia nào cũng phải suy nghĩ cẩn thận trước khi va chạm với họ.

Người Việt muốn “thoát Trung”?

Hình ảnh của những người Duy Ngô Nhĩ và Tây Tạng chính là những cảm xúc mãnh liệt nhất mà người viết cảm nhận được từ cuộc biểu tình tại Quảng trường Place des Nations. Họ là những kẻ tha hương, không quốc gia. Đất nước của họ, theo từng biến động của lịch sử, từ những quốc gia hùng mạnh và độc lập với nền văn hóa rực rỡ trên Con đường Tơ Lụa nay đang dần dần bị thôn tính và đồng hóa từ mọi mặt: văn hóa đến chủng tộc. Dư luận quốc tế ít để tâm đến những cuộc đấu tranh giành độc lập của họ, bỏ mặc họ bị Trung Quốc tiến hành chính sách tẩy rửa chủng tộc và diệt chủng nhằm xóa sạch những vết tích lịch sử của họ. Tất cả những tội ác ấy vẫn đang diễn ra hàng ngày trong sự thờ ơ của thế giới.

Cao Hành Kiện trong tác phẩm Linh sơn, đã cho thấy một Trung Quốc vĩ đại với nền văn hóa giàu có, của núi rừng kỳ vĩ…nhưng ông cũng cho ta thấy một nước Trung Quốc với lịch sử của 5000 năm bạo liệt. Đó không chỉ là nền văn hoá của người Hán mà còn là nền văn hoá của các dân tộc ít người trên vùng biên giới Tây Nam, vốn luôn bị người Hán khinh rẻ và bị văn hoá Hán áp chế. Điều đó vẫn tiếp diễn ngày nay, và có lẽ khó chấm dứt khi giấc mộng bành trướng của họ vẫn chưa thành!

Trong bối cảnh căng thẳng tại biển Đông, chưa bao giờ tinh thần « bài Trung » tại Việt Nam lại dâng cao như hiện nay. Nhân dân Việt Nam đều nhìn thấy những thảm họa do Trung Quốc gây ra từ mội trường, sức khỏe đến an ninh quốc phòng. « Thoát Trung » trở nên một lối thoát sống còn cho tương lai của dân tộc.

Lên tiếng chống đối Trung Quốc nhưng chúng ta cần phải tỉnh táo và sáng suốt để nhận thức rằng Việt Nam có thể sẽ cùng cảnh ngộ như Nội Mông, Tân Cương và Tây Tạng, một ngày không xa, nếu chế độ cộng sản độc tài toàn trị Việt Nam vẫn còn tồn tại trên quê hương!

Chính chế độ cộng sản Việt Nam là nguồn gốc cho mọi thảm trạng khiến cho đất nước ngày càng bệnh hoạn và rơi vào khủng hoảng ,không lối thoát.

Bởi vì nhà cầm quyền Việt Nam đã, đang lệ thuộc và thuần phục hoàn toàn Bắc Kinh.

Đó mới chính là mối hiểm hoạ lớn nhất của dân tộc Việt !

6/11/2018

Lâm Bình Duy Nhiên (Bài và ảnh)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên