“Đừng bỏ em một mình”

6
Đoan Trang

Hiệp định biên giới trên bộ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong các lĩnh vực đầu tư, chuyển giao công nghệ, trao đổi văn hóa. Chiến lược kinh tế biển Việt Nam (đã thất bại? và hướng xử lý?). Thảm hoạ môi trường. An ninh năng lượng. Tranh chấp đất đai. Những vụ án oan nổi tiếng…

Là người viết, nghĩa là nhìn đâu cũng thấy đề tài.

Tôi từng nói đi nói lại câu này với tất cả những người bạn nước ngoài của tôi, rằng “Việt Nam là một quốc gia không dễ sống và không đáng sống. Đúng. Nhưng với riêng những người cầm bút, nhà báo, nhà văn, nhà biên kịch, đạo diễn phim, nhạc sĩ, họa sĩ… tóm lại là những người làm việc trong lĩnh vực sáng tạo, thì Việt Nam (lẽ ra phải) là mảnh đất vàng. Có hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện để kể và cần được kể. Hàng trăm, hàng ngàn bài báo, cuốn sách cần được viết, hàng chục bộ phim cần được làm, hàng chục ca khúc cần được sáng tác… để ghi lại những câu chuyện ấy. Tóm lại, ở Việt Nam, bạn không bao giờ thiếu đề tài để viết”.

Thậm chí, khi viết “Chính trị bình dân” với 530 trang, tôi cũng luôn có ý nghĩ rằng mỗi phần, mỗi chương trong cuốn sách này đều có thể được viết lại, mở rộng, đào sâu thêm để trở thành ít nhất một hoặc một vài cuốn sách nữa, để nhiều tác giả khác viết: Hoạt động chính trị, các chủ nghĩa (ý thức hệ) trong chính trị, tuyên truyền và truyền thông chính trị, bầu cử, phong trào xã hội, cải cách và cách mạng, hệ thống chính trị Việt Nam cộng sản, v.v.

Nhiều. Nhiều lắm những đề tài cần được nghiên cứu, những câu chuyện và những số phận cần được ghi lại, kể lại. Việt Nam lẽ ra phải là mảnh đất vàng của những người nghiên cứu, người cầm bút, người sáng tạo…

Nhưng cho đến giờ, hình như tôi sai?

Tôi không thấy những chủ đề kia thể hiện ở bất kể đâu (hay là có mà tôi không biết?). Đây đó trên những kệ sách phủ bụi trong những góc khuất của những gian hàng bạt ngàn ngôn tình, cũng có cuốn sách về đất đai, cải cách pháp lý, môi trường, đời sống công nhân đô thị… nhưng có vẻ như chúng do những tác giả ngồi trong phòng máy lạnh viết ra, nên chúng có một “phương pháp tiếp cận” hoàn toàn xa lạ ngay cả với tôi (đừng nói là với số đông người đọc khác). Trong câu chuyện tranh chấp chủ quyền biển đảo, an ninh năng lượng, thì Trung Quốc và Mỹ cứ chiếm sóng mãi, ngoài ra có thêm chút Singapore, Indonesia. Riêng Việt Nam dường như… vẫn vậy, như bao năm qua.

* * *

Hôm qua, Bùi Văn Thuận, một thầy giáo dạy Hoá, viết trên facebook: “Chỉ ước mơ có đủ thời gian, sức lực để lưu lại mọi thông tin, dữ kiện “có vấn đề” về bộ máy cai trị trong thời đại rực rõ này. Từ kinh tế, chính trị, xã hội, công an, quân đội, các loạt công ty đại gia sân sau, các áp phe (affair) chính trị hoặc cấu kết lợi ích băng nhóm trong đảng… Cách lưu trữ sao cho thật khoa học, dễ tra cứu, sắp xếp chuẩn mực theo thứ tự mốc thời gian và thông tin đi kèm đầy đủ…. Để sau này con cháu có cái mà tra cứu, tham khảo”.

Lúc đó, tôi mới chợt nhớ ra là tôi đã muốn viết những điều ấy ít nhất từ năm 2011, khi các cuộc biểu tình chống Trung Quốc đầu tiên (trên nền tảng facebook) nổ ra và các nhóm xã hội dân sự độc lập bắt đầu ra đời. Tôi đã cố hết sức để viết, cụ thể hoá nó thành từng cuốn sách: Chính trị bình dân, Phản kháng phi bạo lực, Học chính sách công qua chuyện đặc khu (cuốn này viết cùng Trịnh Hữu Long và Nguyễn Anh Tuấn)…

Nhưng càng ngày tôi càng cảm thấy mình kiệt sức hơn. Vấn đề không phải là sự ngăn cản, đàn áp của an ninh, mà là một chuyện khác: Với những đề tài ấy, người viết cần phải có thể lực tốt, đặc biệt cần một tinh thần thép, tâm lý vững vàng, nếu không, sự u uất của các nhân vật sẽ thấm vào chính người viết.

Mà nước Việt Nam của chúng ta đang tràn ngập những số phận đau khổ và u uất.

Tôi không ngại, và tôi vẫn muốn đi nhiều nữa, viết nhiều nữa. Nhưng cái cảm giác đi cả ngày và quay cuồng trong những câu chuyện đời, số liệu, thực trạng… này nọ, tối về ôm đàn guitar để giữ cho mình bình thản trở lại… là một cảm giác rất khó tả. Đôi khi tôi thấy mình đang ôm chặt cây đàn như sợ mất nó. Mà đúng là vậy, cây đàn và âm nhạc hình như đang trở thành một thứ “ma túy” của tôi.

Đôi khi tôi muốn kêu lên: “Xin các bạn hãy làm gì đó đi. Hãy viết đi. Đừng bỏ tôi một mình”. Tiếng kêu tuyệt vọng như tiếng Heathcliff trong “Đỉnh gió hú” (tiểu thuyết của Emily Bronti) hét lên khi mất người yêu: “Đừng bỏ anh một mình ở cái vực thẳm này!”.

Pham Doan Trang (Facebook)

6 BÌNH LUẬN

  1. “Cô gái Việt Nam ơi !
    Nếu chữ hy sinh có ở đời
    Tôi muốn nạm vàng bao khổ cực
    Cho lòng cô gái Việt Nam tươi .”

    Hồ-Dzếnh .

  2. Đoan Trang và Minh Hạnh là hai người mà cộng sản vừa ghét vừa phục.Ghét thì khỏi nói và dễ hiểu bởi tánh dấn thân và tầm ảnh hưởng của hai cô lên xã hội dân oan và tánh dũng cảm không chịu khuất phục trước bạo quyền và phục do hai cô từ chối mọi cơ hội để ở nước ngoài mặc dù có dịp và được để ngỏ bởi chính bản thân những người ghét cô cũng mong mơ ra nước ngoài bằng mọi cách !Chúng ngạc nhiên làm gì hai cô “sợ sống” ở nước ngoài thế mặc dù chúng sẵn sàng để hai cô đi cho rảnh mắt !

  3. *“Tôi thề sẽ không bao giờ im lặng khi nào và chỗ nào con người phải cam chịu đau đớn và tủi nhục. Chúng ta phải chọn một bên. Thái độ trung lập giúp kẻ đàn áp chứ không bao giờ giúp nạn nhân. Thái độ yên lặng khuyến khích kẻ khủng bố chứ không khích lệ gì người bị khủng bố …” – trích trong bài diễn văn của Elie Wiesel khi được nhận giải Nobel về Hòa bình hôm 10 tháng 12, 1986. Elie Wiesel là người sống sót sau Holocaust.

    Nhà văn Nga Alexandre Soljenitsyn – đoạt giải Nobel Văn học. Tác giả của cuốn sách « Quần đảo ngục tù – L’Archipel du Goulag » được đánh giá là cuốn sách lớn của thế kỷ 20. Cuốn sách kể về nỗi kinh hoàng dưới chế độ Staline. Cuốn sách đã làm thay đổi nhãn quan của phương Tây về Liên bang Xô Viết – phát biểu :

    “Khi thấy thằng cộng sản nói láo, ta phải đứng lên nói nó nói láo.
    Nếu ta không có can đảm nói nó nói láo, ta phải đứng lên ra đi, không ở lại nghe nó nói láo.
    Nếu ta không can đảm bỏ đi, mà phải ngồi lại nghe, ta sẽ không nói lại những lời nó đã nói láo với người khác.”

    Tổng thống Nga Boris Yeltsin nói : ” Đừng nói về chủ nghĩa Cộng sản. Chủ nghĩa cộng sản chỉ là một ý kiến, chỉ là cái bánh trên không trung. Cộng sản không thể nào sửa chữa, mà cần phải đào thải chúng nó”.

    Thủ Tướng Cộng Hòa Liên Bang Đức Angela Merkel :“Tôi lớn lên trong chủ nghĩa cộng sản ở Đông Đức và tôi hiểu rõ về họ: Cộng sản là thứ chủ nghĩa gian trá nhất và man rợ nhất của nhân loại. Chủ nghĩa cộng sản là một vết nhơ của loài người và của thế giới văn minh “.

    Tổng thống Ronald Reagan :“Chủ nghĩa xã hội chỉ có thể thành công ở 2 nơi: thiên đường, nơi mà không cần nó; và địa ngục, nơi mà đã có nó” .

    Thủ tướng Anh Quốc, Winston Churchill: “Người cộng sản như cá sấu, khi há miệng, chúng ta không biết nó cười hay muốn ăn tươi nuốt sống ta”.

    Lễ kỷ niệm Ngày Thống Nhất nước Đức đã đánh dấu sự tưởng nhớ đến cuộc cách mạng ôn hòa ở Đông Đức cũ và sự sụp đổ của bức tường Berlin 25 năm trước đây ! Vào ngày 03.10.2014, trong buổi Lễ Kỷ Niệm 25 Năm Đức Thống Nhất tại Hannover , thủ tướng Đức Angela Merkel nhấn mạnh :

    “Không có sự can đảm của các công dân, không đưa đến Sự Thống Nhất! Chúng ta đừng bao giờ quên điều này.”

  4. CS bán nước , ai củng biết.Những hiệp ước bán nước với Tàu,ký xong về,DCS không bao giờ công khai cho Dân biết.Đảng giấu như mèo dấu cứt ! Nhưng có một điều Đảng không thể lấy 10 ngón tay (vấy máu) để che ánh sáng mặt trời được.Đó là lý do, mà hôm nay bà con thật sự biết :Đảng CS chính là Đảng-Chó-Sói!(DCS).

  5. Không là một stt bình thường mà nó như một tiếng nấc vừa thoát ra khỏi cổ họng. Rừng đề tài hiện đang có nhưng thật sự thiếu người khai thác. “Đừng bỏ T một mình”. Quý chị.

  6. Đọc bài báo của cô mà tôi đã có cảm nhận sự cô đơn trong chính mình, chỉ biết nói lời chia sẽ là việc làm của cô là đúng, can đảm và cao quý cho đất nước của mình, cố lên cô Trang nhiều người trân trọng việc làm của cô lắm.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên