Tôi ngồi xuống chiếc ghế đá, dưới tàn cây phong đã bắt đầu thưa lá vì những cơn gió mùa thu. Những tia nắng yếu ớt, đến lưng trời thì nhạt dần. Và cũng như mọi lần, sau ba vòng đi bộ, tôi đều đến chỗ này, nghỉ chân dăm ba phút, trước khi về nhà.
Chung quanh tôi cảnh vật không có gì thay đổi; thay đổi chỉ là sắc màu của bốn mùa, hoặc mùa đến sớm hay muộn. Tối qua ông Văn gọi điện thoại, nói là ở Việt Nam mới về, chiều nay muốn gặp tôi khoảng 3 giờ để biếu quà.
Thoạt đầu chúng tôi quen nhau, chỉ là đi bộ trên cùng một lộ trình, chào hỏi, nói dăm ba câu chuyện, rồi thành thân. Riết rồi thân hơn bình thường, nên có chuyện gì vui buồn, ông cũng kể tôi nghe. Thường thì nghe ông nói, tôi ít khi có ý kiến, vì một người, khi có chuyện buồn phiền, họ rất cần người để chia sẻ. Chịu ngồi nghe, là giúp họ giải tỏa được rất nhiều căng thẳng, đó cũng là việc tốt, nên tôi hay nói đùa:
– Ông đang giúp tôi tích phước. Đáng lẽ tôi phải cảm ơn ông, không phiền đâu, ông cứ nói hết đi, thấy nhẹ lòng là được rồi!
Ông ở tiểu bang khác, dọn về đây gần 2 năm. Dáng người tầm thước nhưng giọng nói thì “bề thế ” lắm ! Cái kiểu như các cụ hay ví von: “Đàn ông rộng miệng thì sang, đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà”. Không hiểu các cụ có ẩn ý gì, nhưng chắc muốn ám chỉ về giọng nói: đàn ông thì phải sang sảng, mạnh mẽ; đàn bà thì phải nhẹ nhàng, êm ái, mới làm mềm lòng nổi cánh mày râu chúng tôi.
Nếu so sánh thì ông Văn cái gì cũng hơn tôi, trẻ hơn, tư tưởng tiến bộ hơn, đời sống tình cảm phong phú hơn. Ấy vậy mà lại rất hợp chuyện. Ông không e dè khi kể về hoàn cảnh của mình. Đôi khi trong câu chuyện còn thêm vài câu thơ, một chút khôi hài, nên nghe riết mà không thấy chán!
Hiện ông ở chung với người đàn bà có cái tên Xuân Viên. Tuy chưa biết mặt, nhưng tôi đoán chắc phải mặn mòi lắm, vì khi nhắc đến nàng, giọng ông lúc nào cũng trìu mến lạ thường!
Nàng nói với ông: “Theo ý em, sống trong cõi nhân gian đầy biến động này, chỉ ước có ai đợi mình, vỗ về ôm mình mỗi tối” là quá đủ ! Ràng buộc để làm gì ? Cứ thanh thản, tự do mà hưởng thụ, hít thở cái cảm giác khoan khoái được sống cho chính mình, như vậy chẳng vui hơn ư?”
Ông cũng đồng ý như vậy, nhưng vẫn muốn có gì thuộc về nhau, cho dù hơn nửa đời người ông đã mất mát, đã hết tin tưởng vào cái tình yêu gọi là vĩnh cửu? Tâm hồn đã một lần tả tơi đau đớn!
Cách nay chừng nửa năm, ông có tâm sự:
-Tôi chỉ muốn làm một bữa tiệc nhỏ, mời một số bạn bè, người thân, gọi là ” hợp thức hóa ” cuộc sống chung với nàng; dưới mắt mọi người sẽ đàng hoàng, đứng đắn hơn! Không lẽ cứ sống nhập nhằng mãi thế này? Hơn nữa vật chất lại không phải là thứ chi phối, quấy nhiễu, để phải bận tâm và nghi ngại lẫn nhau. Vậy mà nàng cứ lần lữa hoài, nên tôi cũng buồn!
Lúc đó tôi ngẫu hứng nói với ông:
– Cần quái gì những hình thức đó? Ông phải tranh thủ nắm lấy hạnh phúc, cứ sống vui vẻ đi, suy nghĩ của cô ấy cũng hay đấy, có một triết gia đã nói: “Hãy sống như ngày mai mình sẽ chết”, cô ấy không muốn thì thôi!
Dần dà, tôi thấy phục những kiến thức mà ông có, cứ mỗi lần gặp, lại được nghe một câu chuyện, mà dù đề tài có cũ, nhưng cách kể lại như mới, nên tôi thấy thú vị, như được nghe đọc truyện trên các chương trình audio vậy!
Giọng ông thay đổi tùy theo tâm trạng, lúc mang âm hưởng thênh thang của hạnh phúc, lúc lại chất chứa muộn phiền khi nhắc về quá khứ, về người vợ và đứa con trai, ánh mắt ngây thơ của nó, khi leo lên xe, còn nói với theo: “Bố nhớ về, dẫn con đi Disneyland…”
Nghe xong, tôi cũng thấy ngậm ngùi và vẩn vơ suy nghĩ : cuộc đời có quá nhiều mùi vị ? Chua, cay, mặn, ngọt, đắng, chát, đủ thứ đó mà đổ vào bát canh đời, thì làm sao mà nuốt nổi, nhưng chắc đời người ngắn quá, thời gian lại không cho phép cứ ngậm mãi nên đành phải nuốt và quên dần đi …
Đúng 3 giờ ông đến. Ông là người rất đúng giờ. Ông thường nói:
– Tôi luôn tính giờ giấc để đến điểm hẹn đúng lúc. Tôi không muốn người khác phải chờ đợi mình.
Ông đã đến điểm hẹn cuộc đời đúng giờ, nhưng vẫn như người đến muộn? Ông đưa gói quà trước mặt tôi, nói vẻ bí mật:
– Đố ông cái gì đây?
Nếu ở Việt Nam về, thì chắc là một gói măng khô, một hộp café hay trà gừng gì đó. Tôi chưa đoán, thì ông đã mở gói giấy ra; tượng một cô sơn nữ bằng gỗ, được gọt tỉa rất công phu, tỉ mỉ. Tôi cầm bức tượng, ngắm nghía từ chiếc gùi trên lưng, khuôn mặt mơ hồ rừng núi, đôi vai trần, hững hờ thả xuống hai bầu vú mịn căng, đôi chân mở, khép để lộ một cõi thinh không mơ hồ, huyền bí. Tôi nghĩ ngoài đôi tay khéo léo, người nghệ nhân này còn phải có trình độ nghệ thuật và một tâm hồn phiêu lãng, và cả kiên nhẫn nữa, mới ngồi đục đẽo một khối gỗ vô tri, thổi vào hồn gỗ, một người đàn bà với đầy đủ những đường nét gợi tình như vậy! Tôi thốt lên:
– Đẹp quá ! Một bức tượng đẹp thế này, chẳng lẽ lại bầy bán ngoài lề đường Lê Lợi?
– Không phải, đường Lê Lợi chỉ bán toàn những đồ mỹ nghệ, gọt tỉa bằng máy, trông vô hồn lắm ! Tôi mua tại nhà của một nghệ nhân ở Pleiku, tôi sẽ kể ông nghe về đời sống đặc biệt của ông này, thế mới biết tình yêu luôn là nguồn sáng tạo.
Tôi phấn chấn phụ họa thêm:
– Ước gì tôi cũng được là nghệ sĩ điêu khắc như ông ta!
Bức tượng sống động thế này, hẳn ông ta phải tràn trề cảm hứng; một nhát khắc như một động tác tình yêu, vội vàng nhưng lại chính xác. Tạo hóa cũng trớ trêu, những phiền não đàn ông đều đến từ đàn bà, biết là tai ương rình rập, vẫn cứ muốn chui vào cái bóng tối dày đặc huyền bí, ma mị ấy, tôi nghĩ ông nghệ nhân này đang ở trong cái bóng tối đó!
Ông cười, vỗ vai tôi:
– Ông ví von hay thật, chắc hồi trẻ cũng ghê lắm!
Công viên lúc này trời đã bắt đầu âm u và gió lạnh. Ông rủ tôi đến quán café. Nhấp một ngụm café, ông kể :
– Khi ở Mỹ, tôi hăm hở với ý định về thăm lại chiến trường xưa: Pleiku, Ban Mê Thuột. Về đến Việt Nam rồi, lại không muốn đi nữa. Nhưng Xuân Viên khuyến khích :
– Đi đi anh, lo gì chứ, hơn 40 năm rồi, cũng nên về coi lại thế nào?
Chẳng qua sợ cảnh cũ, sẽ làm mình xúc động. Nhớ đến đồng đội xưa, ngã xuống đau đớn, chưa kịp trối trăn điều gì, mắt đã nhắm lại, thả hồn theo mưa rừng, gió núi. Những chiếc trực thăng vội vàng tải thương … mang thông điệp của sự sống, cũng bị cháy đỏ lưng trời. Không dễ gì quên được cảnh đồi núi xa xăm, núi rừng mờ mịt, mùi sát khí cuồn cuộn trong gió rừng lạnh buốt, tử thần rình rập khắp nơi, bởi vậy mới có câu thơ định mệnh :
“Túy ngọa xa trường quân mạc tiếu
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”.
Ông cứ miên man kể về đời sống quân ngũ, về những chuyến hành quân, những lá thơ tình hậu phương đến muộn, chưa kịp đọc, đã nhắm mắt lìa đời. Tôi như đang nghe một câu chuyện cổ tích bi hùng. Dù là ngoài cuộc, nhưng qua lời ông, tôi cũng hình dung được phần nào số phận người lính trong cuộc chiến tranh tàn khốc đó.
Đã đến giờ phải về, ông hẹn sẽ kể tiếp về người nghệ nhân và những thay đổi chóng mặt ở cả hai thành phố: Pleiku và Ban Mê Thuột, tất cả mọi thứ đã bị xóa mờ. Ông chép miệng:
– Làm gì còn: “Phố núi cao, phố núi đầy sương. Phố núi cây xanh trời thấp thật buồn, anh khách lạ đi lên đi xuống, may mà có em đời còn dễ thương “. Em Pleiku má đỏ, môi hồng cũng đã biến mất ! Thà cứ sống mãi với hình ảnh cũ , tôi lại không thất vọng…!
Hơn hai tuần nay, tôi đi bộ một mình, không thấy ông đâu, cũng mong ngóng ông trở lại để tiếp tục câu chuyện dang dở hôm trước. Từ hôm, nghe ông kể về cuộc chiến định mệnh của đất nước, càng ngẫm nghĩ, tôi như càng rơi vào “mê hồn trận”. Chính trị có chính nghĩa không ? VNCH đấu tranh cho chính nghĩa, để bảo vệ cái căn bản của con người là: tự do, dân chủ, tại sao phải thua cái tụi độc tài, cộng sản? Phải chăng chiến tranh đã bị lạm dụng? Tại sao Việt Nam không như Bắc hàn, Nam hàn, mạnh ai nấy sống. Họ cũng chia đôi đất nước, nhưng đâu phải hy sinh xương máu nhiều như vậy? Dĩ nhiên đó chỉ là suy nghĩ đơn giản của một người không nhập cuộc, không am tường nhiều về chính trị để hiểu cái góc tối tăm nào đã biến VN thành một nước Cộng sản?
Có một anh bạn nói với tôi: “Nhờ được hít thở 20 năm cái không khí thoải mái của tự do, dân chủ, tư tưởng không bị bóp nghẹt, mà dân miền Nam mới có được một đội ngũ nhân tài về mọi lãnh vực, nhất là văn học nghệ thuật, âm nhạc, hội họa, thuần phong mỹ tục…
Thử hỏi nếu Trịnh công Sơn sống với miền Bắc, liệu anh ta có viết được những lời hát như vậy không? Nổi bật như Văn Cao, mà Thiên Thai còn bị chết yểu, thì cũng chẳng lạ gì, khi văn nghệ sĩ miền bắc:
“ Tôi bước đi
Không thấy phố
không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa
trên màu cờ đỏ.” (Trần Dần)
Đó chính là cái bất hạnh của dân miền Bắc.
Mới đi được hai vòng, chân đã thấy mỏi. Vừa ngồi xuống, thì ông bước đến trước mặt, rút trong túi đưa tôi tấm thiệp, vui vẻ nói :
– Xuân Viên đã đồng ý, ông phải nhớ đến đấy nhé ! Ở đây tôi không quen ai nhiều, chỉ có ông là thân nhất, hai tuần nay tôi bận quá, gặp ông một chút là phải đi rồi!
Vẻ mặt hớn hở, giọng nói ríu rít, nụ cười tươi vui, khiến ông trẻ trung hơn. Chẳng lẽ tình yêu lại mầu nhiệm tới như vậy?
Nhớ lúc mới gặp, ông héo queo như trái chanh khô nước. Đàn bà đúng là tài tình, họ có thể làm chết, làm rách nát một con tim, nhưng cũng chính họ mới có đủ dụng cụ để khâu vá, và làm nó sống trở lại!
Quen đã lâu, nhưng lần đầu tiên thấy những bước chân sáo của ông lướt trên thảm cỏ, như chàng thanh niên mới biết yêu lần đầu. Như vậy khi bắt đầu một cuộc tình mới, chẳng lẽ trái tim vẫn còn nguyên vẹn để cho người đến sau?
Thôi kệ, chuyện tình yêu đôi khi cũng nhức đầu! Con sáo đã lành vết thương cũ, tìm được chiếc tổ mới để nương thân, là tôi đã thấy vui cho ông rồi, chứ mùa đông lạnh lẽo lắm, làm sao mà sống nổi?
Cuộc đời của ông Văn, chưa kết thúc, mà mới chỉ bắt đầu, tôi nghĩ thế , khi vừa rời bữa tiệc, rất vui và thân mật, phần đông là bạn bè của Xuân Viên. Tuy họ còn trẻ, nhưng cũng dễ hòa đồng. Bộ complet màu xám với chiếc nơ đậm, trông ông không già lắm so với cô dâu. Rồi lại thêm một ý nghĩ nữa tự nhiên thoáng qua: “Đã đẹp còn trẻ nữa ” … hẳn ông bạn tôi sẽ mệt dài dài và chẳng còn sức, cũng như thì giờ để tập thể dục và tán gẫu với tôi nữa .
Không có ông, tôi cũng thấy thiếu thiếu, buồn, nhưng tin là ông vẫn còn thói quen đi bộ, một tuần đôi ba ngày thôi ông Văn ạ ! Đừng quên ông bạn già này, tôi sẽ vẫn ngồi ở chiếc ghế đá dưới tàn cây phong để nghe tiếp câu chuyện ” phiếm” của ông, về một chữ ” tình” trong ca dao và ca nhạc Việt Nam. Chỉ một chữ ” tình”, thôi!
Nhưng tôi nghĩ có nói đến cuối đời vẫn chưa hết. Chữ ” tình” lại khác nhau trong cuộc chơi riêng của mỗi người. Biển tình lại mông mênh không bờ bến, thế thì làm sao định nghĩa, kết luận được ?
Có lần, ông hỏi:
– Trong một bài hát của Đăng Khánh có câu: “Em quên cài khuy áo, giá lạnh một đời tôi ” có phải đàn ông tụi mình cũng nhẹ dạ, cả tin không ?
Bây giờ tôi đã có câu trả lời, nhưng vẫn muốn nghe ông giải thích, tại sao “Em quên cài khuy áo ” lại “giá lạnh một đời tôi ” cho dù bây giờ ông không còn lạnh nữa ! Vậy xin phép tác giả được đổi hai chữ, cho phù hợp với ông bạn tôi : ” Em quên cài khuy áo, ấm áp một đời tôi “.
Dốc đời mỗi người, thường gập gềnh, quanh co, cao thấp không giống nhau, có khi đỉnh dốc là nắng vàng rực rỡ, có khi mây mù che phủ, lên đã khó, lúc xuống có thể còn khó hơn, chỉ cần trượt một bước là xuống dốc không phanh!
Mải mê với đủ thứ trong đầu , chợt đã về đến cổng; nhìn cây thông trước nhà bốn mùa xanh lá, mùi thơm từ bếp bay ra, ngẫm nghĩ:
– Con dốc đời mình cũng không cao lắm !!
NGUYỄN TƯỜNG VIỆT
(Tác giả là Giáo sư giảng dạy sinh viên cấp tiến sĩ Vật lý tại đại học Stanford Hoa ky, về hưu và cũng là trưởng nam của nhà văn Nhất Linh, Nguyễn Tường Tam)