Để chuẩn bị cho hàng loạt cuộc gặp với các cơ quan Liên Hiệp Quốc, phái đoàn vận động nhân quyền của Việt Nam gồm có 3 người Anna Nguyễn, Lê Thị Minh Hà (vợ Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh) và Đinh Thảo đã tới Geneva, Thuỵ Sĩ ngày hôm qua 18/9/2017.
Ngày hôm nay tại trụ sở Liên hiệp quốc đã diễn ra buổi điều trần đầu tiên.
Đoàn Việt Nam đã có cuộc tiếp xúc đầu tiên với tổ chức CIVICUS, một tổ chức phi chính phủ và cũng là một liên minh quốc tế nhằm củng cố xã hội dân sự trên toàn thế giới.
CIVICUS cũng là tổ chức được Liên Hiệp Quốc cấp quy chế tham vấn ECOSOC và có tư cách trực tiếp tham gia các chương trình nghị sự của Liên Hiệp Quốc. Đây cũng chính là tổ chức đã trợ giúp VOICE và sắp xếp cho nhà hoạt động Việt Nam phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc.
Đoàn Việt Nam sẽ giám sát việc thực hiện 182 cam kết cải thiện nhân quyền của nhà nước Việt Nam hồi tháng 6/1014 theo cơ chế Kiểm Điểm Định Kỳ Phổ Quát (UPR) về nhân quyền dành cho các quốc gia thành viên của Liên Hợp Quốc.
Năm 2014 đoàn Việt Nam bao gồm các ông Nguyễn Quang A, Phạm Lê Vương Các, Trịnh Hữu Long cùng nữ luật sư tới từ Mỹ Nguyễn Thị Vy Hạnh đã tham gia các phiên điều trần.
Phát biểu năm nay đoàn Việt Nam do Đinh Thảo đọc:
Thưa Ngài Phó Chủ tịch,
Chúng tôi cực kỳ quan ngại về việc đàn áp các nhà bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam. Chính quyền Việt Nam đang hoàn toàn đi ngược lại với các nghĩa vụ theo các công ước quốc tế và những khuyến nghị UPR đã được chấp nhận về việc tôn trọng quyền tự do biểu đạt và không gian xã hội dân sự.
Trong tám tháng đầu năm nay, ít nhất 16 nhà hoạt động đã bị bắt, giam giữ hoặc kết án theo Bộ luật Hình sự hà khắc, trong đó có sáu thành viên của Hội Anh em Dân chủ, những người có thể phải đối mặt với mức án tối đa là bản án tử hình vì những hoạt động nhân quyền ôn hoà của họ. Hai nhà hoạt động nữ, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh và Trần Thị Nga, đã bị kết án 10 năm và chín năm tù vì chỉ trích chính quyền một cách ôn hoà, và đang phải chịu điều kiện giam giữ tồi tệ. Tôi có mặt ở đây cùng với bà Lê Thị Minh Hà, vợ của Anh Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, người đã bị kết án năm năm tù chỉ vì viết blog [khai dân trí] trái ý chính quyền.
Trên thực tế, hiện có hàng trăm tù nhân lương tâm ở Việt Nam, trong khi chính phủ Việt Nam không thừa nhận thực tế này.
Thưa ngài Phó Chủ tịch, chúng tôi kêu gọi chính quyền Việt Nam thực thi một cách có thiện chí các khuyến nghị UPR mà họ đã chấp thuận vào năm 2014 cũng như khuyến nghị của các Thủ tục Đặc biệt và các Cơ quan theo Công ước [của Liên Hiệp Quốc]. Chúng tôi kêu gọi các quốc gia thành viên của Liên Hiệp Quốc thúc giục Việt Nam trả tự do cho tất cả tù nhân lương tâm.
CIVICUS trình bày bài phát biểu này cùng với VOICE.
Xin cảm ơn, ngài Phó Chủ tịch.
Xem video phát biểu tại đây