Vụ án Ba Sàm: Cuộc chạm trán của những người bạn cũ [1]

1
Bà Lê Thị Minh Hà gặp gỡ ông Martin Patzelt, nghị sĩ, thành viên Ủy ban Nhân quyền Quốc hội Đức năm 2014 để vận động sự ủng hộ cho Anh Ba Sàm. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

LTS: Cuộc đấu tranh vì một nền dân chủ đích thực cho Việt Nam chỉ có hiệu quả với các hoạt động đi đúng hướng. Tuy nhiên, như thế nào là “các hoạt động đi đúng hướng” lại là một câu hỏi lớn…

Được sự đồng ý của tác giả, chúng tôi sẽ lần lượt đăng lại loạt bài “Vụ án Ba Sàm” – như một phần của lời giải đáp cho câu hỏi lớn trên. Mọi chuyện không đơn giản là rạch ròi giữa đôi bờ chiến tuyến địch – ta; trong bối cảnh đặc thù Việt Nam, trong “ta” thì có “đối phương”, và trong “đối phương” cũng có “ta”…

——————————–

Cuộc đấu tranh này, nếu thân nhân của những người tù mà hết lòng vì nó thì thật sự nhà tù là một trường học cực kỳ lớn đối với chính họ. Sau ba năm qua, tôi thấy mình đã lớn lên rất nhiều, cứng cỏi hơn rất nhiều, nhìn rõ mọi chuyện và hiểu con người, hiểu cuộc đời hơn. Tôi đã bước qua khỏi nỗi sợ hãi và bây giờ tôi không sợ nữa”. Bà Lê Thị Minh Hà, vợ blogger Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm), chia sẻ những kinh nghiệm và cảm xúc của bà, nhân một năm phiên xử sơ thẩm ông Vinh và người trợ lý, cô Thúy.

Đây là một trong rất ít lần bà Minh Hà dành thời gian nhiều đến thế cho một tờ báo. Không phải vì bà sống khép kín hay có điều gì khiến bà không thích báo chí, mà chỉ là do bà Hà vốn khá thận trọng.

Bà cũng thận trọng cả trong chuyện tìm người để tâm sự và nhờ cậy giúp đỡ, đến mức nhiều người có thể nghĩ rằng bà khó gần. Ít ai tiếp xúc gần với bà đủ để được bà chia sẻ những kinh nghiệm và kiến thức của một phụ nữ có thân nhân đi tù vì “tội chính trị”, và càng không đủ để hiểu được những khó khăn của người ở trong hoàn cảnh ấy.

Sinh năm 1958, thời trẻ, bà Lê Thị Minh Hà là một cô gái Hà Nội học cùng trường Đại học An ninh với ông Nguyễn Hữu Vinh và Bộ trưởng Công an hiện nay là ông Tô Lâm.

Họ là bạn cùng khóa, và điều đó tạo nên một trong những nét kịch tính nhất của vụ án Ba Sàm: Đây là một vụ án “bạn bắt bạn” – Tô Lâm là một trong những người chịu trách nhiệm cao nhất trong việc bắt Nguyễn Hữu Vinh, và một trong các luật sư bào chữa cho ông Vinh là Trần Đình Triển thì cũng từng học cùng cả Tô Lâm lẫn vợ chồng Vinh-Hà.

Ông Vinh là con của cụ Nguyễn Hữu Khiếu – nguyên ủy viên Trung ương Đảng, cựu đại sứ Việt Nam tại Liên Xô. Bà Hà cũng là con nhà gia thế: Bà là cháu của cựu Bộ trưởng Công an Lê Minh Hương. Gia đình dòng dõi, được đào tạo bài bản trong Đại học An ninh thời kỳ tốt nhất của nó, thời trẻ bà chẳng khác nào một tiểu thư Hà Nội.
Thế mà ở tuổi trung niên, cô tiểu thư Hà Nội ấy đã trở thành một trong các nhân vật nổi bật nhất trong một vụ án chính trị nổi tiếng.

Sinh viên Nguyễn Hữu Vinh của trường Đại học An ninh, đầu thập niên 70. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Bà đã bay từ Đức về Việt Nam để tham gia vào cuộc chiến đấu với những gì bà cho là bất công, sai trái của hệ thống hành pháp và tư pháp; đã tìm hiểu từng mẩu thông tin nhỏ nhất về công việc của chồng mình; đã học nấu từng món ăn dành riêng cho người đi tù; đã nhẫn nhịn, khéo léo cả với những quản giáo cấp thấp nhất; và đã đối mặt với một bộ máy rất biết cách kiểm soát thông tin.

Ngày anh bị bắt

Ngày ông Nguyễn Hữu Vinh bị bắt (thứ hai, 5/5/2014) tình cờ lại đúng là ngày đi làm đầu tiên con trai ông – Nguyễn Hữu Phúc, mà cả nhà vẫn gọi là Bi.
Những năm ấy bà Hà đang sống ở Đức. Chủ nhật 4/5, bà đã gọi về dặn con dâu (chị dâu của Bi) “mua sẵn cái bánh ngọt với bó hoa để em nó đi làm về thì mấy bố con chúc mừng em”.

Nhưng cả ngày thứ hai, bà liên lạc mà không thấy ai nhấc máy. Tới 5h chiều, quá sốt ruột, bà gọi về lần nữa mới nghe Bi nói: “Ở nhà đang xảy ra chuyện, mà con không thể nói với mẹ được”.

“Lúc đó tôi hiểu ngay là ông Vinh đã bị bắt” – bà Hà nhớ lại. “Làm gì có chuyện gì mà thằng bé lại không nói với mẹ được”.

Nhà chỉ có hai anh em Tý và Bi. “Bọn trẻ còn ngây thơ đến mức độ hỏi công an xem bố mình bị đưa đi đâu, công an bảo: ‘Cần gặp hay làm cái gì thì đến số 7 Nguyễn Đình Chiểu’, thế là chúng nó cứ đinh ninh bố ở đấy. Chúng bàn nhau mang quần áo cho bố, rồi mai sẽ gặp xem bố thế nào”.

Ngay sau khi biết tin chồng, bà Hà đặt vé máy bay về nước. Ở xa đã quá lâu, bà thật sự chẳng biết chồng mình đang làm cụ thể những việc gì, giao dịch với những ai. Bà chỉ tin chắc một điều rằng ông là một nhà báo, có tài viết và rất yêu nước.

Bà thử theo dõi xem báo nào đưa tin về vụ bắt ông: Tờ đầu tiên là trang mạng nguyentandung.org, và sau đó đến báo Công an Nhân dân. Chỉ một mẩu tin ngắn là blogger Ba Sàm bị bắt, và khắp các nơi đều đăng lại từ bản tin của công an. Khoảng 5 ngày sau đó, trang Ba Sàm hoạt động trở lại.

Những lần “nắn gân” đầu tiên

Trên máy bay, bà Hà nghĩ miên man. Bà nghĩ tới việc sẽ có rất nhiều luật sư và nhà báo tìm đến, và việc của bà là phải chọn ra luật sư với những tiêu chuẩn có thể “tương thích với ông Vinh”. Điều bà không ngờ là khi bà về tới Việt Nam, đã không có nhà báo nào tìm gặp bà, và luật sư thì chỉ có vài người, trong đó có ông Trần Vũ Hải.
Bà đến số 7 Nguyễn Đình Chiểu để hỏi thông tin về ông Vinh, và cuối cùng được “hướng dẫn” việc gửi đồ tiếp tế cho ông Vinh ở trại B14.

Nhà báo Nguyễn Hữu Vinh trong phiên toà sơ thẩm ngày 23/3/2016. Bà Lê Thị Minh Hà ngồi đằng sau, bên trái ảnh. Ảnh: TTXVN.

Tại địa chỉ số 7 Nguyễn Đình Chiểu này, bà gặp một nhân viên của Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an, tên D. Người này sau đó đã nhiều lần gọi điện, nhắn tin cho bà, “khuyên” rằng nếu cả bà và ông Nguyễn Hữu Vinh cùng “hiểu ra vấn đề” thì chỉ hết thời gian tạm giữ, công an sẽ đình chỉ điều tra. Chỉ cần “nhận sai một tí thôi”.

Bà Hà cười: “D. lạ nhỉ? Chắc anh chưa học xong an ninh, chưa tốt nghiệp trường mình (Học viện An ninh) đúng không? Theo anh, sai một tí là sai gì? Chỉ có một là phạm luật mà hai là không, chứ làm gì có chuyện sai một tí”.

D. cười xuê xoa: “Ừ thì cứ nhận là do mình đã dễ dãi quá… Nhận thì nhẹ tội”.

Bà Hà nghiêm giọng: “Ông Vinh làm gì, nhận hay không nhận, là quyền của ông ấy. Tôi chẳng liên quan. Đấy là việc ông ấy tự quyết định. Còn tôi chỉ yêu cầu duy nhất một điều: Ai làm gì ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của ông ấy thì có là em tao, tao cũng không tha”.

D. đổi giọng: “Chị với ông Vinh ly thân rồi, đúng không?”.

Bà Hà: “Anh đưa cho tôi xem văn bản nào quy định là ly thân thì không được tham gia vụ này xem nào. Cứ cho là có cái văn bản như thế, nghĩa là nó sai. Nếu nó sai mà có đầy đủ thủ tục pháp lý trước đấy thì tôi vẫn ký nhận nó, nhưng sau đấy tôi sẽ kiện. Vớ vẩn”.
D. im lặng.

Sau đó, bà Hà “được phép” viết thư cho chồng. Bà viết ngắn gọn, đại ý: “Em đã về. Nếu có thể làm gì cho anh thì em sẽ làm. Tất cả mọi chuyện trong gia đình, chuyện con cái, em sẽ lo hết”.

Bà nói, không biết lá thư ấy có được chuyển tới tay ông Vinh không.

(Còn tiếp)

Nguồn: Luật Khoa tạp chí

Lưu

1 BÌNH LUẬN

  1. Muốn làm chính trị hay cách mạng, phải có người vọ như thế nầy thì chết cũng thấy vui và không còn lo lắng gì nữa. Rất mạnh mẽ và sắc bén, dù có ghét vc, cũng phải thấy bà đầy tình người, đầy nghĩa thủy chung. Chân cứng đá mềm chị nhá, chúc chị bình an và nhiều may mắn.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên