Hè năm ngoái chúng tôi có chuyến du lịch Ba Lan lần đầu tiên. Chuyến bay của LOT Polish Airlines từ Amsterdam hạ cánh xuống phi trường Chopin ở thủ đô Warsaw vào một buổi sáng đầu tháng Sáu nắng đẹp.
Ngày còn ở Việt Nam tôi chỉ nghe thày u tôi, là người bắc di cư, nói Ba Lan là thành viên trong Ủy hội Quốc tế Kiểm soát Thi hành Hiệp định Genève 1954 giám sát cuộc di-cư-tập-kết của người Việt giữa hai miền nam bắc. Đến năm 1973, với Hiệp định Ba Lê chấm dứt chiến tranh tái lập hoà bình cho Việt Nam, trong Uỷ ban Quốc tế Kiểm soát Đình chiến có Ba Lan, Hungari là hai quốc gia cộng sản cùng với Canada và Indonesia thuộc phía tự do.
Khi xe tăng và bộ đội cộng sản tiến vào Sài Gòn thì tôi rời quê hương, với hiểu biết về Ba Lan chỉ có thế. Vào đại học Mỹ, trong các lớp hoá và quang tuyến mới biết ngôi trường Pháp Marie Curie nổi tiếng ở Sài Gòn ngày trước là mang tên của một nữ khoa học gia gốc Ba Lan, lấy chồng Pháp là Pierre Curie, là phụ nữ đầu tiên đạt giải Nobel hai lần, về vật lý và về hoá học. Có lẽ vì thế mà trường này không bị đổi tên như các trường Petrus Ký, Gia Long hay Nguyễn Bá Tòng là trường cũ của tôi. Ông bà Curie nghiên cứu về hoá chất, tìm ra Polonium là nguyên tố số 84 có độ phóng xạ cực mạnh, mang tên quê hương nguồn cội của bà Marie là Polonia tức Ba Lan. Ngoài ra nguyên tố số 96 với tên Curium cũng là để vinh danh những đóng góp của ông bà cho khoa học.
Thời còn là sinh viên tại Đại học U.C. Berkeley, hình ảnh đất nước và con người Ba Lan đã để lại nhiều dấu ấn trong tôi. Một chiều tối trong ký túc xá cùng mấy sinh viên ngồi xem tin tức trên tivi, khi phóng viên đưa tin từ Rome xướng lên một tên nghe rất lạ, tôi chưa hiểu gì thì một bạn đã la lớn: “He is not Italian”. Hồng y Karol Józef Wojtyla vừa được bầu chọn làm Giáo hoàng là người Ba Lan. Lòng tôi tràn ngập xúc động vì tin rằng Ngài đến từ một nước cộng sản thì mới có thể hiểu được những chính sách khắc khe đối với tôn giáo của chế độ cộng sản như tại quê hương của Ngài, tại Việt Nam trong ba năm qua từ khi thống nhất đất nước. Năm 1980 giải Nobel Văn chương được trao cho thi sĩ Czeslaw Milosz, giáo sư gốc Ba Lan và là người đầu tiên mang về cho trường một giải Nobel không nằm trong lãnh vực khoa học mà Đại học U.C. Berkeley đã nhiều lần nhận giải trong hai thập niên qua. Tháng 11 năm đó, khi ca sĩ Joan Baez và tổ chức Ân xá Quốc tế tổ chức biểu tình cho thuyền nhân và hội thảo về nhân quyền, Giáo sư Milosz đã tham dự ủng hộ.
*
Từ phi trường Chopin về khách sạn tôi thấy thủ đô Warsaw rất xanh, hai bên đường không chỉ là hàng cây mà nhiều chỗ như cả rừng cây xanh. Trung tâm Warsaw với nhiều nhà mới rất cao bằng kính. Bên cạnh những toà nhà cũ, mới có một bin-đinh lớn hình tháp cao, trông cũ, hỏi tài xế nên biết đó là trung tâm văn hoá Nga xây từ thập niên 1950 còn các nhà kính mới xây hơn mười năm nay. Xe chạy ngang một toà nhà cao chừng mười tầng, trên cao phía trước có hình lớn Giáo hoàng John-Paul II bên cạnh hàng chữ Solidarnosc với ngọn cờ Ba Lan trắng đỏ là biểu tượng của Công đoàn Đoàn Kết. Tường bên hông có niên biểu 1980-2020 kỷ niệm 40 năm công đoàn ra đời gợi lại cho tôi nhiều hình ảnh đã được xem trên tivi ở Mỹ trước đây, với chuyến trở về thăm quê hương của Giáo hoàng, với công đoàn độc lập do người thợ điện Lech Walesa lãnh đạo làm rúng động chính trị Ba Lan khiến Tướng Wojciech Jaruzelski phải ban hành lệnh thiết quân luật. Thế giới quan ngại Liên Xô có thể đem xe tăng và Hồng quân vào can thiệp như đã xảy ra ở Hungari 1956 và Tiệp Khắc 1968. Khi đó ngoài Sproul Plaza tại đại học của tôi có biểu tình ủng hộ Công đoàn Đoàn Kết và những địa danh Warsaw, Gdansk, Kraków đã trở nên quen thuộc với tôi.
Chúng tôi ở khách sạn Holiday Inn ngay trung tâm Warsaw, gần trạm xe điện cho tiện việc đi lại. Buổi trưa có chị Mạc Việt Hồng và anh Nguyễn Thanh Sơn của báo Đàn Chim Việt ghé đón, đưa chúng tôi đi thăm phố cổ.
Sau Cách mạng Nhung các báo Đàn Chim Việt và Cánh Én là những diễn đàn độc lập của người Việt tại Đông Âu. Khởi thuỷ, Đàn Chim Việt in khổ tạp chí trên giấy láng nhiều mầu, bài vở phong phú và tờ báo đã đến với tôi từ thập niên 1990 lúc còn các anh LD Đức, CN Quỳnh trong ban biên tập và bên Mỹ có anh NN Oánh làm đại diện. Khi Đông Âu chuyển đổi sang nền dân chủ, một số tổ chức đấu tranh của người Việt ở Mỹ đã có những nối kết với các bạn bên đó để cùng nhau thúc đẩy cho tiến trình dân chủ hoá tại Việt Nam. Bạn cùng thời hoạt động sinh viên với tôi, sau chuyến đi Đông Âu về kể rằng có nhiều người Việt tuy sinh trưởng tại miền Bắc nhưng cũng muốn Việt Nam hết độc tài cộng sản, chuyển đổi như Ba Lan, Hung, Tiệp; tuy nhiên cũng có bạn e dè vì Đảng đã là xương là thịt mà bỏ Đảng thì như róc da xẻ thịt chính mình.
Đàn Chim Việt do chị BL Hương sáng lập. Anh Quỳnh từng là “chuyên viên in và phát truyền đơn” tại các khu chợ người Việt, tuyển mộ anh Sơn lo kỹ thuật cho tờ báo. Họ sinh ra và lớn lên từ miền bắc, nhiều người là con cháu của những người có chức quyền trong chế độ cộng sản nhưng lòng lúc nào cũng đau đáu mong muốn Việt Nam được tự do dân chủ. Anh Đức, anh Quỳnh qua Hoa Kỳ sinh sống sau khi nhóm chủ trương ban đầu của Đàn Chim Việt chia làm hai phe, không thể làm việc chung với nhau được nữa. Năm 2009 chị Mạc Việt Hồng, qua Ba Lan từ đầu thập niên 1990, nhận trách nhiệm tổng biên tập, anh Sơn tiếp tục phụ trách kỹ thuật để theo đuổi lý tưởng vì một Việt Nam tự do, dân chủ. Ban biên tập Đàn Chim Việt Online [danchimviet.info] gần như hoàn toàn để độc giả tự do góp ý và không kiểm duyệt cho dù một nickname đưa lên cả chục bình luận, có lạc đề, có dài thì vẫn được hiển thị để cho bạn đọc theo dõi và tự nhận xét. Tờ báo được nhiều người đóng góp bài vở và là tờ báo có tiếng chống Hà Nội nhất ở Đông Âu, bị tường lửa ở Việt Nam và thỉnh thoảng bị tấn công DOS. Thân phụ của chị Hồng là giáo sư đại học nghỉ hưu Mạc Văn Trang, còn ở trong nước, thường lên tiếng phản biện các chính sách của Hà Nội trên các diễn đàn xã hội. Chị cũng tham gia nhóm Họp mặt Dân chủ qui tụ nhiều nhà hoạt động, đã nhiều lần gặp nhau để thảo luận, chia sẻ những quan tâm về quê nhà. Chị Hồng tham gia tổ chức nhiều cuộc biểu tình, từ chống Trung Quốc năm 2014 với vài nghìn người tham gia tuần hành trong khu phố cổ của thủ đô Warsaw, cho đến mới đây là xuống đường trước sứ quán Việt Nam để phản đối cách làm việc thiếu trách nhiệm, mơ hồ về các khoản lệ phí để vòi tiền người dân khi họ cần các giấy tờ hay chứng minh thư.
Về cộng đồng người Việt tại Ba Lan, giáo sư Grazyna Szymanska-Matusiewicz từ Viện Xã hội học của Đại học Warsaw, có tác phẩm “Vietnamese in Poland – From Socialist Fraternity to the Global Capitalism Era” [Người Việt ở Ba Lan – Từ tình anh em xã hội chủ nghĩa đến thời đại chủ nghĩa tư bản toàn cầu] do Nxb. Peter Lang phát hành năm 2019, theo đó trước khi chế độ cộng sản sụp đổ vào năm 1989 chỉ có vài nghìn người Việt ở Ba Lan, hầu hết là du sinh và hiện nay là gần 100 nghìn, đa số với trình độ tiếng Ba Lan còn thấp, vì khó học, nên việc hội nhập còn nhiều khó khăn. Tác giả ghi nhận nhiều sự kiện và nhân vật là du học sinh Việt từng sống ở Ba Lan từ cuối thập niên 1950 và từ những năm Ba Lan chuyển đổi thể chế chính trị cho đến gần đây. Như anh Sáng, du học năm 1976 và từng bước một đã đem cả đại gia đình qua đây sinh sống và hiện nay là một doanh nhân thành công làm chủ nhiều nhà hàng. Chuyện về anh Hưng cũng đáng chú ý vì anh qua du học năm 1980 với học bổng nhà nước, tốt nghiệp đại học anh kết hôn với người yêu Ba Lan và cải đạo theo Thiên Chúa giáo nên chính phủ Việt Nam đòi anh trả lại tiền học bổng nhà nước đã cấp. Trong hai người kể trên, anh Sáng tuy nhiệt tình sinh hoạt cộng đồng nhưng không liên hệ với Hội người Việt ở Ba Lan, một tổ chức trực thuộc sứ quán Việt Nam, còn anh Hưng là hội viên của hội. Tài liệu cũng nhắc đến hai phụ nữ Việt có quan điểm chống Hà Nội được biết đến nhất trong cộng đồng là Mạc Việt Hồng và Tôn Vân Anh. Chị Vân Anh còn chống Hà Nội quyết liệt hơn, là tiếng nói của người Việt trong giới truyền thông Ba Lan và từng tham gia sinh hoạt chính trị dòng chính, ra ứng cử tại địa phương nhưng không thành công.
*
Chị Hồng và anh Sơn đưa chúng tôi đi dạo phố cổ, giới thiệu những nét đẹp của thủ đô Warsaw. Dinh Tổng thống là một khu nhà mầu trắng, bên hàng rào có những bảng vận động tranh cử mà theo chị Hồng cho biết ngày mai quanh khu vực này sẽ có xuống đường của phe đối lập, kỳ này mạnh và hy vọng chiếm đa số trong quốc hội. Những thành quách trong phố cổ hầu hết được phục chế lại vì đã bị bom đạn tàn phá trong Thế chiến thứ Hai. Lâu đài Hoàng gia được tái thiết theo đúng kiến trúc nguyên thuỷ có từ thế kỷ 15 và công trình mới được hoàn tất vào cuối thập niên 1980. Trước lâu đài đang có trình diễn nhạc với đám trẻ nhảy múa theo điệu nhạc vui nhộn. Tôi nghe có ca từ tiếng Anh của một bài hát quen. Nét văn hoá Mỹ nổi bật ở nước ngoài trước giờ vẫn là McDonald, âm nhạc mà trong vài giờ ở Ba Lan tôi đã thấy, đã nghe, nay cộng thêm là những quán cà-phê Starbucks. Chúng tôi ăn trưa ở ngay quảng trường phố cổ. Tôi chọn món súp lòng bò có cả lá xách ăn với bánh mì, nhà tôi chọn món bánh mì tròn đổ súp bên trong, như món clam chowder ở tiệm Boudin bên San Francisco. Cả hai món ăn Ba Lan rất ngon, có hương vị đậm đà hợp khẩu vị và nhất là bánh mì rất giòn và ruột không quá đặc. Trước nay chúng tôi chỉ biết kielbasa là xúc xích Ba Lan ở quán Top Dog nổi tiếng ở Berkeley.
Buổi chiều tham dự thánh lễ trong nhà thờ ở phố cổ. Với 90% trong số 40 triệu dân theo đạo công giáo nên đi loanh quanh ở đây thường gặp nhà thờ. Sau lễ đi nghe nhạc theo như đề nghị từ các trang mạng hướng dẫn du lịch là đến Ba Lan nên xem biểu diễn nhạc Chopin. Phòng trình diễn nhỏ với tranh ảnh trên tường và những đèn chiếu phản ánh nghệ thuật bên chiếc đàn dương cầm. Nữ nhạc sĩ Justyna Galant ra chào khách dự, chừng 50 người, rồi ngồi vào ghế bắt đầu lướt tay trên những phím đàn. Tôi nhớ đến nhạc sĩ dương cầm Đặng Thái Sơn đoạt giải Chopin năm nào đã mang lại danh tiếng cho người Việt ở nước ngoài, khi đó tôi mới qua Mỹ được vài năm và cũng bắt đầu biết nghe nhạc cổ điển Tây phương một chút qua vài tấu khúc, các bản giao hưởng của Mozart, Chopin, Beethoven hay Vivaldi. Hôm nay ở thủ đô Ba Lan, quê hương của Chopin nhưng nghe nhạc cổ điển của một nhạc sĩ danh tiếng mà tôi không cảm nhận được gì, không nhận ra tấu khúc quen thuộc nào. Chương trình dài một giờ đồng hồ, chúng tôi bỏ ra về lúc giải lao.
Ghé qua Uprising Museum – Bảo tàng Khởi nghĩa – để có hiểu biết hơn về lịch sử chiến đấu của dân quân Ba Lan thời Thế chiến thứ Hai trong 63 ngày đêm năm 1944, để thấy lại hình ảnh của Warsaw đã bị bom đạn tàn phá tan hoang như thế nào, trước khi được giải phòng và tái thiết, phục hồi lại như hôm nay. Du khách có thể vào bên trong lô cốt phòng thủ, đi qua các phòng trưng bày võ khí, quân trang quân dụng, nhìn lại hình ảnh binh lính Ba Lan chiến đấu thời đó. Nối tiếp trong bảo tàng còn là di vật về cuộc sống dưới thời cộng sản, một giai đoạn lịch sử đã lùi vào quá khứ hơn 30 năm.
Ngày hôm sau chị Hồng đưa đi xem cung điện hoàng gia và khu thương mại người Việt ở chỗ chợ hoa. Đây là khu buôn bán lớn thứ nhì ở Warsaw, còn trung tâm thương mại lớn nhất của người Việt, nơi chị có văn phòng, hôm nay đóng cửa vì là ngày Chủ Nhật. Các cửa tiệm làm đẹp móng tay, hớt tóc san sát cạnh nhau. Như thế có giành khách của nhau hay không. Mấy em trông còn trẻ, độ tuổi hai mươi, ba mươi chào hỏi chị với giọng Nghệ An và khi giới thiệu chúng tôi từ Mỹ qua chơi, có em nói lớn: “Anh đưa em qua Mỹ đi, bên này khổ quá.” Nơi đây như một khu chợ trời. Người Việt hùn nhau làm chủ nhiều cửa hàng hay sạp hàng. Cũng có chủ người Hàn, người Ba Lan. Người Việt chủ yếu mở nhà hàng, tiệm móng tay, hớt tóc trong vòng hơn mười năm qua. Nhiều người có học vị nhưng làm cho nhà nước lương không cao, ra ngoài tự do kinh doanh nhiều khi có nhiều tiền hơn. Lương giữ trẻ cũng 1200-1500 đôla một tháng, được bao ăn ở nữa. Ra làm móng tay có thể kiếm được 3 nghìn đôla một tháng. Ở đây bây giờ có người Việt thành công trên thương trường, làm chủ khách sạn, nhà hàng. Trong khu phố cổ có nhà hàng loại sang tên NEM và khách sạn nhiều tầng bên trên là của người Việt. Tại Warsaw cũng còn có một khách sạn khác và nhà hàng Rồng Vàng có tiếng của người Việt.
Chị Hồng kể ngày xưa người Việt vượt biển trải qua bao đau thương thì ngày nay người Việt vượt đường rừng đến được Ba Lan cũng không kém hiểm nguy và đau khổ. Phụ nữ còn trẻ cũng bị hãm hiếp. Đi đường rừng, người vượt biên không có giấy tờ tuỳ thân vì nhóm tổ chức đã giữ. Khi bị bắt chẳng ai muốn nhận mình là người đến từ đâu. Sứ quán Việt Nam không nhận họ. Khi an ninh biên phòng đưa cờ đỏ sao vàng ra hỏi có phải là quốc kỳ hay không, họ cũng không nhận. Nhà nước Việt Nam không nhận, còn người rừng tự chối bỏ tổ quốc vì không muốn bị trả về. Nhiều người vào được Ba Lan bất hợp pháp, sống một thời gian rồi cũng có giấy tờ hợp lệ vì chính phủ đã có ba đợt ân xá cho người nhập trái phép được điều chỉnh tình trạng cư trú để làm ăn sinh sống.
Theo giáo sư Grazyna S-M viết trong sách của bà, muốn từ Việt Nam qua du lịch Ba Lan cũng không dễ vì phải có thị thực visa, mà xin thị thực tại sứ quán Ba Lan ở Hà Nội rất nhiêu khê và thường bị từ chối. Số liệu đưa ra cho thấy người Việt thường xin visa đến các nước Đông Âu trước, rồi từ đó vào Ba Lan dễ dàng hơn. Tài liệu trên đưa con số từ cơ quan kiểm soát biên giới cho thấy từ năm 1994 đến năm 2014 đã có hơn 100 nghìn du khách Việt đến Ba Lan, đa số đi qua cửa biên giới với Cộng hoà Czech hay Đức và hầu hết rời Ba Lan chứ không ở quá hạn cho phép. Di cư bất hợp pháp vào Ba Lan qua “đường Séc” tương đối ngắn và an toàn hơn. Các tổ chức đưa người qua Nga hay một nước Đông Âu, có khi theo đường dây có ngay ở Hà Nội, với giá từ trên 4 nghìn đến 10 nghìn đô la cho mỗi đầu người. Năm 2010 có phim tài liệu Hanoi-Warszawa của đạo diễn Katarzyna Klimkiewicz nói lên thảm cảnh vượt rừng vào Ba Lan và được dư luận quan tâm. Tuy nhiên có những người Việt phản đối vì cho rằng nội dung phim làm xấu hình ảnh của cộng đồng vì ám chỉ cộng đồng người Việt tổ chức vượt biên trái luật vào Ba Lan.
Chúng tôi vào một quán ăn Việt ăn trưa. Gọi nem rán, gỏi cuốn, nộm xoài và hai chai bia ăn nhậu chung. Chị Hồng chọn mì vằn thắn, tôi chọn mì vịt tiềm còn nhà tôi chọn bún chả Hà Nội. Tất cả 186 zt, thêm tiền típ nữa là 200 zt, chừng 42 đôla. Không đắt vì giá sinh hoạt ở Ba Lan còn thấp, so với Pháp hay Mỹ mà ăn trưa như thế giá cũng gấp đôi. Các món ăn tạm được, thất vọng với bún chả vì thịt ướp hương vị không thơm và nước mắm cũng lạt, không quen khẩu vị vì chúng tôi đã thưởng thức món này ở nhiều nơi, từ Hà Nội, California qua Paris. Người Việt ở đây đa số gốc Nghệ An nên ăn uống hay chế biến món ăn Việt chắc quen khẩu vị như thế.
*
Từ Warsaw chúng tôi đi máy bay đến Kraków, đáp xuống phi trường mang tên cố Giáo hoàng John-Paul II, từng làm tổng giám mục ở đây. Là cố đô của Ba Lan, ở đó có bảo tàng Thánh Giáo hoàng JP II, có trung tâm Lòng Thương xót Chúa và tu viện Thánh nữ Fautisna là địa điểm hành hương. Đây cũng là thành phố văn học, nơi sống cuối đời của thi sĩ Czeslaw Milosz và gần Kraków có trại tập trung Auschwitz, là những nơi chúng tôi muốn thăm trong chuyến đi.
Thời chiến tranh Kraków không bị bom đạn tàn phá nên những di tích cổ vẫn còn nguyên bản xây dựng từ nhiều thế kỷ trước. Khác với Tây Âu, kiến trúc cổ của Đông Âu thường có mầu gạch nâu đỏ. Quảng trường trước Vương cung Thánh đường St. Mary lúc nào cũng đông du khách, học sinh đi dã ngoại và chiều tối có nghệ sĩ trình diễn nhạc đường phố mang đến không khí lãng mạn, thơ mộng. Kraków như Huế của Việt Nam với nét đẹp cổ kính nên một hôm nhà tôi đã khoác lên người tà áo dài đi dạo phố và chụp hình kỷ niệm, ghi lại một nét Việt trên đất nước Ba Lan. Một tối, dưới tượng đài giữa quảng trường có nhóm người Ukraine phất cờ, hát cho quê hương đang bị chiến tranh do Nga xâm lăng. Hơn một năm qua cả chục triệu người từ Ukraine đã chạy qua đây lánh nạn hay trên đường di tản qua các nước châu Âu và hiện còn hơn một triệu người tạm trú tại Ba Lan. Tôi thật sự khâm phục chính sách nhân đạo của chính phủ và lòng nhân ái của người dân Ba Lan đã đón tiếp, giúp đỡ người tị nạn từ nước láng giềng trong suốt thời gian qua.
Đến Kraków chúng tôi lại đi nghe nhạc cổ điển. Lần này xem trước tờ chương trình thấy không chỉ có độc tấu dương cầm, tây ban cầm mà còn có tứ tấu đàn giây với các tấu khúc của Chopin, Grande Polonsaise Brillante Op.22; Vivaldi, The Four Seasons; Bach, Brandenburg Concerto No.3 BWV 1408; Strauss, An der Schonen Blauen Donau và Mozart, Massenet, Pachelbel. Buổi hoà nhạc một tiếng đồng hồ diễn ra trong giáo đường St. Peter và St. Paul thật là tuyệt vời mà cả hai chúng tôi đều thích. Ra khỏi nhà thờ, trên đường đi về hướng lâu đài Wawel lại nghe réo rắt nhạc cổ điển từ mấy nghệ sĩ đường phố. Gần lâu đài có chung cư nơi sống của cuối đời của thi sĩ Czeslaw Milosz, khôi nguyên Nobel Văn chương 1980, nhưng tìm không ra.
Bên cạnh phố cổ là trung tâm thương mại Galeria Bronowice rộng lớn, hiện đại với nhiều cửa hàng hiệu, tiệm ăn, siêu thị có bán rau xanh gói sẵn mà chúng tôi thường mua vì đã quen ăn nhiều rau củ quả mỗi ngày. Thử mấy thứ bánh nướng như pa-tê-sô với nhân thịt gà là món ăn truyền thống Ba Lan, cũng ngon. Bữa trưa thích ăn shawarma là món ăn Trung Đông với bò hay gà nướng thơm và giá rẻ, một cái bánh to chỉ 7 đôla, hai người ăn mới hết. Kraków có vài nhà hàng Việt mà tôi đã thấy bảng hiệu. Hoàng Hải 3 trông bình dân. Thực đơn và trang trí bên trong có vẻ như nhà hàng tàu. Một buổi trưa vào ngồi chờ có đến 30 phút mà không ai ra tiếp, chỉ thấy một cô gái Ba Lan đứng tính tiền và giao thức ăn cho khách đặt trước mang đi. Chúng tôi bỏ đi, tìm quán ăn nhanh. Nhà hàng Bonjour Phở không xa quảng trường chính là bao. Trang trí với thân tre, trúc và nón lá. Đông khách vào buổi tối. Nem rán, phở gà, bún bò lá lốt rất ngon. Bia Saigon hình như có thị trường tiêu thụ ở châu Âu vì hôm ở Barcelona tôi đã nhâm nhi chai mầu đỏ, hôm nay chọn chai mầu xanh, vị thơm hơn. Bên trong nhà hàng có một phòng với dăm bàn cho khách có lối bày trí nội thất theo khung cảnh thời bao cấp ở Hà Nội.
Auschwitz là trại tập trung người Do Thái trong Thế chiến thứ Hai, cách Kraków chừng một giờ xe buýt. Đây là trại thứ hai tôi đi thăm, trước đây là Dachau gần Munich bên Đức. Trong mạng lưới trại tập trung của Đức Quốc Xã dựng lên thì Auschwitz rộng lớn nhất. Hơn một triệu người, hầu hết là Do Thái đã được đưa vào đây và cả triệu đã chết trong các lò thiêu, các phòng hơi độc. Đi từng phòng, qua từng giai đoạn mà đoàn tù nhân trải qua tôi không khỏi rùng mình trước sự tận cùng ác độc, dã man mà con người có thể nghĩ ra để hành hạ, giết nhau như Hitler đã chủ trương. Có những lúc chúng tôi vô cùng xúc động trước hình ảnh, di vật còn lại như nhúm tóc, chiếc vali, đôi giầy của những nạn nhân.
Đến Ba Lan chúng tôi cũng đi viếng trung tâm Lòng Thương xót Chúa, tu viện Thánh nữ Fautisna và Bảo tàng Thánh Giáo hoàng John-Paul II. Từ phố cổ Kraków lấy xe điện đi chừng 40 phút là đến nơi. Vào thánh đường cầu nguyện rồi qua thăm tu viện nơi vị thánh từng sống cách đây trăm năm và nay vẫn có những nữ tu đi theo con đường phục vụ tha nhân. Sứ điệp nhắn gửi đến tín hữu là niềm “Tín thác vào Chúa”, theo gương của Thánh Fautisna. Trong khuôn viên tu viện cũng có bảng khắc chữ Việt sứ điệp trên.
Bên kia đồi là một thánh đường khác và Bảo tàng Giáo hoàng, bây giờ là Thánh John-Paul II. Khi biết tin Ngài lên kế nghiệp Thánh Phêrô dẫn dắt Giáo hội từ cuối năm 1978, tôi đã rất xúc động và rồi bàng hoàng khi nghe tin Ngài bị ám sát mà thoát chết năm 1981. Chiếc áo trắng Ngài mặc hôm đó còn lỗ đạn và những vết máu được lưu giữ ở đây. Trong bảo tàng tôi chú ý đến một bức vẽ trên gạch men cảnh lúc Giáo hoàng vào nhà tù thăm kẻ đã nổ súng ám sát Ngài, trên đó có ghi hàng chữ tiếng Việt “Hãy yêu kẻ thù của con” cùng mấy ngôn ngữ khác nữa. Tôi tự hỏi vì sao tiếng Việt được chọn, có phải vì người sáng tạo tác phẩm cũng biết là nhiều người Việt còn những oán thù?
Năm 1985 tôi được thấy Giáo hoàng JP II ba lần và coi đó như là ơn thiêng. Lần đầu tiên là ở thủ đô Lomé, Togo khi Ngài có chuyến tông du châu Phi vào mùa hè. Cuối tháng Chín tôi đến Rome, lại gặp Ngài ở Quảng trường Thánh Phêrô và ngày hôm sau trong Đền Thánh, tất cả hoàn toàn tình cờ vì không có bất cứ sắp xếp nào trước. Khi đó Ngài rất quan tâm đến người vượt biển và đã đến thăm thuyền nhân ở các trại tị nạn Thái Lan và Philippines.
Lịch sử Ba Lan xa xưa đã có những khoa học gia như Copernicus, Marie Curie hay nhạc sĩ Federic Chopin. Thời cận đại có thi sĩ Czeslaw Milosz, lãnh tụ công đoàn Lech Walesa, Giáo hoàng JP II. Tôi ngưỡng mộ nhất Giáo hoàng JP II và Lech Walesa vì tin rằng họ đã là những nhân tố đưa đến sự sụp đổ của cộng sản Đông Âu và Liên bang Sô Viết. Hai nhân vật đáng kính của đất nước Ba Lan cũng còn lưu lại trong tôi kỉ niệm khó quên. Đến Vatican lần đầu vào cuối năm 1985 tôi mua bưu thiếp hình Giáo hoàng JP II gửi về cho gia đình ở Việt Nam, nhưng bên nhà không bao giờ nhận được. Khi hay tin Lech Walesa, một người thợ điện đã can đảm đứng lên đòi tự do cho công nhân được trao giải Nobel Hoà bình 1983, lúc đó từ Togo tôi có viết thư chúc mừng, gửi qua địa chỉ của Công đoàn Đoàn Kết ở Gdansk và ít lâu sau nhận được một thiệp cám ơn. Đó là lá thư duy nhất từ Ba Lan mà tôi có và còn giữ đến bây giờ.