Một tháng sau cái chết đầy khuất tất của ông Lê Đình Kình, nhiều nhà hoạt động xã hội, bạn hữu hay những người mến mộ gia đình ông đã đến tận nơi thăm hỏi, sẻ chia, chụp những hình ảnh chi chít đạn bắn và công bố lên mạng. Có thể vì vậy, nhà cầm quyền muốn xóa dấu vết của ‘trận đánh đẹp’ này.
Vợ ông Lê Đình Kình kể chuyện công an đến nhà đòi lấy đi các cánh cửa
Hôm 12/02, mạng xã hội ồn ào tin công an xã Đồng Tâm đến nhà cụ Dư Thị Thành (vợ cụ Lê Đình Kình) yêu cầu đem các cửa kính đi xét nghiệm.
Nhà hoạt động Trịnh Bá Phương viết trên Facebook cá nhân rằng công an đã tập trung ở nhà quả phụ Dư Thị Thành đòi lấy đi hết các cửa kính còn in dấu những vết đạn và đặt dấu hỏi liệu động thái này xảy ra có phải là do chịu tác động từ một bài viết của Giáo sư Hoàng Xuân Phú, một trí thức ở Việt Nam, công bố mới đây trên mạng xã hội hay không.
Xác nhận tin trên khi trả lời phỏng vấn của BBC News Tiếng Việt chiều hôm 13/02, bà Dư Thị Thành kể:
“Chiều hôm qua, công an đến bảo tôi cho lấy các cánh cửa nhôm sắt, để lấy mẫu so kim loại. Tôi bảo không, giờ không được lấy cái gì mang đi cả. Mẫu của cửa nhôm kính ban đầu vết bắn nhiều quá tôi vứt bỏ đi rồi. Còn cửa xếp thì tôi không cho lấy vì phá sập hết rồi, còn gì nữa đâu mà đòi cắt mang đi. Giờ nhà chẳng còn ai, mình tôi với đứa cháu mới 12 tuổi. Người ta bảo thế thì phải lập biên bản”.
“Rồi tôi đi thắp hương cho ông, tôi bảo để tôi gọi ông về ông ký vì tôi không biết chữ. Nhà tôi quá nghèo, không được học nên tôi không biết chữ. Người ta bảo không biết chữ thì nhờ con, tôi bảo không, việc này của tôi, con gái tôi đi lấy chồng rồi, lo nhà chồng chứ không lo nhà tôi nữa. Rồi người ta thôi”.
“Đến sáng hôm nay (13/02), công an mang giấy triệu tập đến, bảo tôi là khoảng 8 giờ sáng mai lên thành phố. Tôi bảo không, tôi chả đi đâu nữa cả, giờ nhà tôi còn gì mà tôi đi. Người ta bảo không đi thì ký vào, tôi lại bảo không biết ký. Nếu mình cầm thì họ bảo mình cầm, nên tôi cũng không cầm biên bản đó. Rồi người ta đi về”.
Nhân tiện bà Dư Thị Thành cho BBC News Tiếng Việt biết là từ hơn một tháng nay không nhận được tin tức gì về những thành viên còn lại của gia đình đã bị bắt đi trong cuộc tập kích Đồng Tâm ngày 9/1.
“Không biết bây giờ các cháu sống hay đã chết. Tôi bây giờ mệt mỏi lắm, hơi cay trong nhà từ cả tháng nay vẫn nồng lắm, khó chịu lắm. Hôm đó người ta ném hơi cay, bắn quả nổ, bắn đạn thật vào mù mịt không thở được. Bây giờ chỉ còn mình tôi và một đứa cháu, bố nó mất rồi, mẹ nó đi bước nữa thì nó ở với ông bà. Giờ ông chết rồi còn mình tôi thôi”.
Cụ Dư Thị Thành tâm sự rằng, điều mong muốn nhất bây giờ là tìm kiếm thông tin của những người thân còn lại:
“Con tôi Lê Đình Chức, từ lúc đầu cứ bảo chết rồi, lúc lại bảo rằm cho về, lúc thì bảo qua 50 của ông thì cho về. Giờ biệt tăm, chỉ nghe đồn nó chết rồi. Còn Lê Đình Công nhà tôi, hôm bị bắt lên đồn tôi tưởng nó chết trên đồn, nhưng giờ thì nghe bảo chưa chết, nhưng mặt mũi không còn nhận được. Và còn 27 người dân làng Đồng Tâm nữa.”
Từ khi xảy ra vụ bố ráp Đồng Tâm vào rạng sáng 9/1 tới nay, bà Thành cho biết cả làng đều lo sợ: “Người ta cứ đe nay triệu tập mấy trăm người, mai triệu tập mấy trăm người, bắt đi hết. Cả làng 90% là bị gọi, 10% tham nhũng rồi thì thôi. Người ta thấy ông chết người ta sợ, ngày nào cũng bị gọi người ta sợ”.
Đêm 08/01 rạng sáng 09/01/2020, cuộc bố ráp và tập kích của chính quyền và Công an thành phố Hà Nội tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức đã khiến bốn người thiệt mạng. Trong đó, có ba sỹ quan cảnh sát Hà Nội và một công dân cao tuổi là ông Lê Đình Kình.
Ông Lê Đình Kình là cựu đảng viên với 58 tuổi đảng, 84 tuổi đời và là cựu lãnh đạo nhiều năm trong chính hệ thống chính trị của chính quyền và đảng Cộng sản ở địa phương.
Tin BBC