COVID-19 thay đổi cách chăm sóc sức khỏe trên thế giới

2
China - Pandemic Covid-19 Coronavirus cells

Chỉ riêng năm 2020, đã có ít nhất 3 triệu ca tử vong do COVID-19, mặc dù con số thực có lẽ cao gấp 2-3 lần. Trong năm 2021, đại dịch tiếp tục hoành hành, có khả năng kéo dài sang năm 2022 và xa hơn. 

Trong 10 tuần liên tiếp, kể từ tuần đầu tiên của tháng Hai năm 2021, các ca nhiễm mới tăng hàng ngày trên toàn cầu, một phần do các biến thể của vi-rut và một phần do nhiều quốc gia ngưng các biện pháp y tế công cộng quá sớm. Vẫn có khoảng 600.000 trường hợp mới mỗi ngày. Các quốc gia như Brazil, Canada, Ấn Độ, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ — cũng như một số tiểu bang của Hoa Kỳ như Michigan và Minnesota — gần đây đã trải qua đợt tăng COVID-19 khiến một số hệ thống y tế bị quá tải; đặc biệt, Ấn Độ đã trở thành một câu chuyện kinh hoàng về mức độ tàn phá của đại dịch. 

Trong khi một số quốc gia giàu có như Israel và Anh đã ngưng những đợt tăng đột biến, một phần nhờ việc triển khai vắc-xin nhanh chóng, các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình có rất ít vắc-xin  đến độ chưa đến 1% dân số được tiêm chủng.

Bác sĩ Gavin Yame, giáo sư trường đại học Duke của Hoa Kỳ và Bác sĩ Madhukar Pai, giáo sư trường đại học McGill của Canada đã từng cộng tác với các tổ chức như WHO và với các nhà nghiên cứu ở Ấn Độ, Kenya và Nam Phi. Hai ông nhận thấy COVID-19 đang cách mạng hóa việc chăm sóc sức khỏe trên toàn thế giới theo cách có thể mang lại lợi ích lâu dài. 

Sau đây là tóm lược những giải thích của hai ông trên tạp chí TIME 

Đã có một sự thay đổi lớn trong cách chúng ta nghiên cứu, phát triển và sản xuất các công nghệ y tế mới

Sự phát triển nhanh chóng của vắc-xin COVID-19 an toàn, hiệu quả cao — từ “phòng thí nghiệm đến thuốc tiêm” trong vòng chưa đầy một năm — là một thành tựu khoa học đáng kinh ngạc. Nó cũng báo trước một cuộc cách mạng vắc-xin.

Các vắc-xin được cấp phép nhanh nhất đều sử dụng các phương pháp mới — mRNA (Pfizer và Moderna) và bơm vào cơ thể chúng ta một loại vi-rut vô hại để dạy cơ thể chúng ta cách chống lại  COVID-19 (AstraZeneca và Johnson & Johnson). Các nhà nghiên cứu và các công ty dược phẩm hiện đang áp dụng những cách này để thử tìm vắc-xin cho nhiều bệnh khác như HIV, lao và sốt rét. 

COVID-19 đã mở ra nhiều phương pháp khoa học mới khác. Nó thúc đẩy sự hợp tác quốc tế. Nó đã giúp huy động các quỹ tài trợ nghiên cứu chưa từng có để phát triển các chẩn đoán, phương pháp điều trị và vắc xin mới. Nhiều quốc gia xúm vào theo dõi nhanh quá trình đánh giá sản phẩm mới. Và lần đầu tiên, COVID-19 đã thúc đẩy các nhà khoa học chia sẻ ngay lập tức kết quả nghiên cứu của họ qua Internet, một chuyện mà trước đây phải trả phí mới làm được.

Tuy nhiên, đại dịch cũng cho thấy vẫn còn những trở ngại trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển R&D. Ví dụ, sản phẩm mới chủ yếu vẫn chỉ diễn ra ở các quốc gia giàu có, và phải chờ thời gian mới được chuyển sang các quốc gia có thu nhập thấp. Việc sản xuất như vậy cần phải được toàn cầu hóa để các nước có thu nhập thấp và trung bình có thể tự sản xuất công cụ y tế cho riêng họ. Quy trình phê duyệt theo quy định trên toàn thế giới cần nhanh hơn và đơn giản hơn. Và, quan trọng nhất, chúng ta cần thiết lập một cơ chế để ngăn các quốc gia giàu có tích trữ vắc-xin, giữ bí mật cách chẩn đoán và thuốc men trong các đại dịch tương lai.

Người dân hưởng lợi từ các phương thức chăm sóc sức khỏe mới

COVID-19 đã buộc cả thế giới áp dụng cách khám bệnh qua mạng. Tại Hoa Kỳ trong 3 tháng đầu năm 2020, số lần  khám bệnh qua mạng tăng 50% so với cùng thời gian năm 2019. Các lợi ích gồm có “mở rộng khả năng chăm sóc, giảm phơi nhiễm bệnh tật cho nhân viên y tế và bệnh nhân, bảo quản nguồn thiết bị bảo hộ cá nhân khan hiếm, và giảm nhu cầu về cơ sở vật chất.”

Tất cả bác sĩ mà chúng tôi đã nói chuyện đều nói rằng họ muốn cách khám như vậy vẫn được tiếp tục sau đại dịch, họ có thể tiếp cận bệnh nhân ở các vùng nông thôn và nhiều bệnh nhân của họ cho rằng việc khám chữa bệnh từ xa thuận tiện hơn. 

Cách khám bệnh từ xa rõ ràng là không phù hợp với mọi tình trạng, nhưng khi cần thiết, cách này có thể giúp mọi người dễ được trợ giúp y tế hơn mà không phải lo lắng về việc đưa đón, chăm sóc con cái hoặc mất nhiều giờ lao động.

Ở các nước có thu nhập thấp và trung bình, khám bệnh qua mạng đã được sử dụng trong thời kỳ đại dịch là một cách nhận dịch vụ với chi phí thấp cho người dân ở các vùng nghèo hoặc vùng sâu vùng xa. Ở Ấn Độ hiện nay, chăm sóc tại nhà là lựa chọn thực tế duy nhất cho hàng triệu người, vì các bệnh viện đang quá tải. Chúng tôi cũng đã thấy các nhân viên y tế cộng đồng sử dụng máy tính bảng để chăm sóc sức khỏe cho các vùng nghèo, chẳng hạn như vùng Amazon xa xôi của Peru.

Ở nhiều nơi trên thế giới, các dịch vụ trước đây dùng để phòng chống và điều trị HIV và lao cần được chuyển hướng để chẩn đoán và điều trị COVID-19. Ví dụ, năm ngoái có ít nhất 40% bệnh viện và trạm xá thuộc chương trình phòng chống lao của quốc gia đã chuyển sang phục vụ COVID-19. Một số các phương tiện chữa trị các bệnh không lây nhiễm như tiểu đường và bệnh tim cũng được chuyển hướng sang COVID-19. Sau khi nhận thấy người dân có thể tự xét nghiệm ở nhà, rồi đây một số bệnh khác cũng có thể tự xét nghiệm tại gia như HIV, tiểu đường, và khám tập thể cho nhiều người cùng lúc cho nhiều thứ bệnh khác nhau, với các nhóm chuyên viên y tế khác nhau có kỹ năng khác nhau.

Các quốc gia giàu có cuối cùng nhận ra rằng họ có nhiều điều để học hỏi từ các quốc gia ít giàu hơn

Khoảng 6 tuần trước khi đại dịch COVID-19 bắt đầu, 3 tổ chức — Nuclear Threat Initiative, Johns Hopkins và Economist Intelligence Unit — đã công bố Chỉ số An ninh Y tế Toàn cầu, xếp hạng các quốc gia về mức độ sẵn sàng xử lý đại dịch. 

Trong số 195 quốc gia, Hoa Kỳ được xếp hạng đầu và thứ hai là Vương quốc Anh. Hai quốc gia giàu có này cuối cùng nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ tử vong cao nhất trên thế giới khi gặp COVID-19. Khu vực địa lý hay tự mãn và kiêu ngạo này cuối cùng phải nhận ra rằng họ có nhiều điều để học hỏi từ các quốc gia kém giàu có hơn, từ việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng y tế công cộng, thu hút cộng đồng tham gia giải quyết các cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng cho đến sử dụng thông tin về sức khỏe cộng đồng phải rõ ràng và nhất quán.

Chúng ta chống lại thông tin sai lệch về khoa học tốt hơn 

Các lý thuyết âm mưu, các cách chữa trị vô ích và các ý tưởng phản khoa học đã tràn ngập trong COVID-19, từ việc cài đặt một con chip bên trong vắc xin COVID-19 cho đến việc tiêm chất khử trùng vào cơ thể có thể chữa khỏi COVID-19. Trong khi đó, phương tiện truyền thông xã hội đã mang lại cho những người chống vắc-xin và những người phủ nhận khoa học một diễn đàn rộng rãi để phổ biến những quan điểm nguy hiểm.

Cũng may là các nhà khoa học đã phản ứng khẩn cấp và sáng tạo để chống lại cái mà WHO gọi là bệnh dịch về thông tin (infodemic). Các pháo đài mới cho nỗ lực quan trọng này — như Trung tâm Thông tin Công chúng của Đại học Washington, Trung tâm Kiểm tra Dữ kiện của Đài Loan và Trung tâm Truyền thông Khoa học của Anh — đã xuất hiện bên cạnh các lớp học và sách giáo khoa đại học mới để giải quyết cụ thể các thông tin sai lệch. 

Bất chấp những nỗ lực như vậy, các thông tin sai lệch vẫn khiến người ta chần chừ về vắc xin, do đó, cần phải nỗ lực gấp đôi để chống lại các thông tin loại này.

COVID-19 giúp duyệt lại cách giảng dạy về sức khỏe toàn cầu

Cùng với COVID-19, năm 2020 đã chứng kiến ​​những lời kêu gọi về công bằng chủng tộc, kêu gọi thế giới  thừa nhận nguồn gốc của chủ nghĩa thực dân và chủ nghĩa da trắng thượng đẳng, kêu gọi thế giới phải giải thực hoặc “phi thực dân hóa”. 

Gần đây, chúng tôi đã hợp tác với 18 học giả đang giảng dạy về sức khỏe toàn cầu viết một bài tham luận, trong đó chúng tôi sử dụng đại dịch COVID-19 để định hình lại cách giảng dạy của chúng tôi trong tương lai. Chúng tôi lập luận rằng COVID-19 khiến chúng tôi nên tập trung nhiều hơn vào công bằng và nhân quyền, đồng thời lồng vào các môn học của chúng tôi các tư tưởng chống phân biệt chủng tộc và chống áp bức.

COVID-19 là đại dịch gây chết chóc nhất trong 100 năm qua. Cứ 3 người Mỹ thì có 1 người đã mất một người thân vì vi-rut corona, và Ấn Độ đang là tâm chấn kế tiếp. Các vết sẹo sẽ lâu dài. Nhưng đại dịch cũng đã thúc đẩy những đổi mới trong khoa học và cách chăm sóc sức khỏe, thúc đẩy các quốc gia giàu có học hỏi từ những quốc gia nghèo hơn, buộc chúng ta phải đẩy lùi làn sóng thông tin sai lệch, đẩy sức khỏe lên cao hơn trong các chính sách quản lý quốc gia và toàn cầu, đồng thời khiến chúng tôi trở thành những giảng viên tốt hơn. Hết thách thức sẽ đến cơ hội.

 

2 BÌNH LUẬN

  1. Tin mới nhất. Gần 200 nhân viên của bệnh viện Houston Methodist chấp nhận tạm ngưng việc để phản đối quy định của bệnh viện bắt buộc họ phải chủng ngừa cúm Tàu. Không phải chỉ riêng tại bệnh viện này ở Texas, còn rất nhiều nhân viên bệnh viện khác trên toàn nước Mỹ cũng không chịu chủng ngừa cúm Tàu, trong khi họ phải làm việc ở “tuyến đầu” chống dịch. Tại sao dzậy cà???

  2. Trích: “COVID-19 đã buộc cả thế giới áp dụng cách khám bệnh qua mạng.” Tại sao điều này đã KHÔNG xảy ra với những con virus khác cũng nguy hiểm và lây lan không kém trước đây, như SAR???

    Tất cả chỉ là một màn kịch chỉ vì …..ông Trump làm TT, đang bị bọn đảng Lừa tìm đủ mọi cách để đàn hặc ông Trump nhưng đều thất bại. Cúm Tàu xuất hiện đúng lúc được dùng làm lý do để tất cả các kẻ thù của ông Trump hợp nhau lại đánh gục ông ta. Vác xin lần này được chế tạo thành công nhanh kỷ lục là nhờ 2 yếu tố chánh, đó là ông Trump đã thúc đẩy hàng ngày, và sự góp mặt đúng lúc của mRNA vác xin, một phát minh của bà Kariko Katalin người Hung Gia Lợi.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên