Dịch viêm phổi Vũ Hán đang hoành hành, chẳng có thuốc chữa, chưa có vac-xin ngừa. Kẻ duy nhất đang hiên ngang, quyết tử, chống lại virus giết người này một cách có khoa học là hệ miễn dịch của con người chúng ta.
Hệ miễn dịch có thể nói là một đội quân được tổ chức chặt chẽ và hùng hậu nhất trong tất cả các loại quân đội. Chúng có bộ phận tình báo tìm hiểu virus, có chuyên gia phân tích kẻ thù và đưa ra cách đánh. Rồi các trường đào tạo bạch cầu cách diệt từng loại giặc. Các chiến sỹ kháng thể không biết sợ, chỉ biết nghĩa vụ là phải bao vây, tiêu diệt đám virus lạ kia.
Từ lính công binh xây dựng các hàng rào kháng thể, đến lính bộ binh bạch cầu chiến đấu với virus, dù chết như ngả rạ, nhưng chúng vẫn lao vào bao vây đám virus hung hãn. Chúng không phân biệt bạch cầu đỏ, bạch cầu vàng, bạch cầu hải ngoại hay bạch cầu trong nước.
Bạch cầu lãnh đạo hay bạch cầu dân đen đều hy sinh như nhau.
Dù biết mình là hệ thống được tổ chức thông minh nhất, hiệu quả nhất của tạo hóa, nhưng hệ miễn dịch không hề kiêu ngạo. Chúng biết khả năng thua trận là không nhỏ, nhất là khi gặp các virus mới. Dù thông minh hơn tất cả các loại siêu máy tính, không phải lúc nào chúng cũng phân tích kịp thời các yếu điểm của Virus để tấn công vào đó, trước khi bị sụp đổ.
Hệ miễn dịch không biết ngạo nghễ vì không có ban tuyên huấn, không có TV.
Thiên hạ thi nhau đưa ra các phỏng đoán về nguồn gốc con Corona, nào là phòng thí nghiệm Mỹ, nào là phòng thí nghiệm Vũ Hán, nào là dơi, là tê. Tiều phu xuất thân từ người ở rừng chỉ biết rằng, chính con người „văn minh“ là nguồn gốc của các loại bệnh dịch. Nhiều bộ lạc thổ dân châu Mỹ, châu Úc đã chẳng đã bị xóa sổ bới bệnh dịch của người da trắng đem sang?
Siêu vi trùng (virus) và vi trùng (bacteria) đã luôn tấn công con người từ ngàn đời. Chúng chỉ thắng các trận ban đầu. Khi hệ miễn dịch của người bóc mẽ được kẻ địch là chúng bị tiêu diệt.
Đến đầu thế kỷ 20, con người tìm ra kháng sinh (Antibiotica). Bọn vi trùng có hai kẻ thù: Kháng sinh và miễn dịch. Hai đánh một chẳng chột cũng què, con người đã cơ bản khống chế được vi trùng. (Câu chuyện vi trùng nhờn kháng sinh thì tiều phu xin nhường cho các bác sỹ).
Nhưng virus không chịu cùng đẳng cấp với vi trùng. Võ nghệ cao cường, nó không sợ kháng sinh[1]. Nó chỉ phải đánh tay bo với bọn kháng thể. Cơ hội thắng thua phụ thuộc vào sức chịu đựng của địa phương xảy ra trận đánh, tức là bệnh nhân. Bệnh nhân khỏe, chịu đựng được cuộc chiến càng lâu thì hệ miễn dịch càng bóc mẽ virus và đánh thắng nó trước khi bệnh nhân chết. Bênh nhân đó trở nên miễn dịch.
Những người khỏe mạnh xung quanh bênh nhân đó, nếu biết cách giữ gìn, cách ly thì chỉ tiếp xúc với lượng vi khuẩn rất nhỏ phát tán trong môi trường. Lượng vi khuẩn đó khônng đủ quật ngã con người, nhưng giúp cho hệ miễn dịch trong người họ biết về đối thủ sắp tới, và dần họ cũng miễn dịch. Cùng với các bệnh nhân khỏi bệnh, họ tạo ra miễn dịch cộng đồng.
Càng nhiều người như vậy trong một cộng đồng (khoảng 60-70% dân số) thì những chị 17, chị 34 hay anh 21 có vào đấy cũng chẳng gây được tác hại.Họ bị bao quanh bởi những người miễn dịch.
Đó là nguyên tắc mà loài người tạo ra vac-xin, tức là một loại „quân xanh“. Virus quân xanh mang các đặc tính của virus quân đỏ, nhưng yếu hơn nhiều, để tiêm chủng cho mọi người. Bọn quân xanh này không chủ tâm diệt người mà chỉ cố ý lộ bài để bọn kháng thể tập trận đánh nhau với bọn virus „quân đỏ“. Kết quả là bọn virus quân đỏ bị tiêu diệt (VN mà đấu thầu theo kiểu xanh- đỏ này thì siêu nhỉ).
Sau khi ôm đầu máu chạy, bọn Virus đỏ tập hợp lại lực lượng và rút kinh nghiệm. Chúng cũng tạo thành „Nhóm lơi ích“ rồi tự diễn biến thành ra một loại virus mới, võ nghệ cao cường hơn.
SARS-CoV-2 cũng biến hóa như vậy, là một loại virus cực kỳ nguy hiểm, nấp dưới một cái tên rất nữ tính: Cô Rona. Nhiều chàng trai khỏe mạnh ôm cô gái 19 tuổi trong người 2-3 tuần mà không biết là mình đã bị dính. Khi đã phát bệnh thì tỷ lệ chết khá cao, nếu không được điều trị kịp thời. Chính vì khả năng tàng hình đó và mà cô Rona bành trướng rất nhanh, gây sợ hãi cho toàn nhân loại.
Điều trị thì hiện chỉ là dùng các loại thuốc ngăn ngừa triệu chứng hoặc tăng cường sức đề kháng, cuối cùng cũng chỉ để hỗ trợ hệ miễn dịch. Người nặng thì phải nằm máy thở, kéo dài sự sống, hy vọng các chiến sỹ kháng thể quây được các cô Rona. Tỷ lệ chết nhiều hay ít cũng phụ thuộc vào số giường cấp cứu hồi sức ICU có máy thở[2]
Như đã nói, chỉ có vác xin mới giúp chống virus trên diện rộng, mau chóng tạo ra miễn dịch cộng đồng. Nếu không có vac xin thì miễn dịch cộng đồng chỉ đạt được sau khi có rất nhiều người chết (đa số là người già và yếu). Còn các loại thuốc „thần dược“ được giật titre mấy tháng nay thì có thể tác dụng cho vài trường hợp. Nhưng chúng được thổi phồng trên mạng như loa phường đã làm với Xuyên Tâm Liên trong những năm 70-80.
Toàn cầu hóa đã đưa các cô Rona đến mọi ngõ ngách của thế giới. Dù mới có 172/195 nước thông báo có dịch, nhưng có lẽ 23 nước kia hoặc là bịt tin theo kiểu chú Kim, hoặc không có phương tiện thử.
Việc chống dịch Covid-19 chắc chắn là ưu tiên của tất cả các chính phủ, bất kể dân chủ hay không. Kẻ độc tài u muội nhất cũng biết là cô Rona không phân biệt ý thức chính trị, giàu, ngèo. (Nếu cô ta quật nhiều quan chức có vai vế, nhiều ái nữ chẳng qua vì đám này đi nhiều, bắt tay nhiều, nhậu nhiều và sờ mó nhiều mà thôi)
Cũng vì vậy mà tất các các nước đều chống cô Rona quyết liệt, chỉ khác nhau về cách thức. Ví dụ người Trung Quốc vốn ghét trai gái nên cứ ai bị nghi gian díu với cô Rona thì bị bắt như lợn, khiêng lên xe. Có phường còn vác đèn xì đến hàn cửa để cách ly người dân, không cho ra phố.
Ở các nước dân chủ thì tất nhiên không thể chơi kiểu đó được. Điều 1 hiến pháp Đức để nhân phẩm lên hàng đầu. (Sức khỏe để tận chương 2 hay chương 3 gì đó).
Do vậy việc tranh cãi cách chặn dịch của nước nào hay hơn là trò phù phiếm. Nhưng kiểu bền nhất là phải đi đến miễn dịch cộng đồng. Trong khi chưa có vac xin để đạt điều đó thì phải cắt các mối liên hệ người-người đến mức tối thiểu để số người bệnh luôn nằm dưới khả năng chữa trị của nền y tế.
Trung Quốc dùng các biện pháp quân phiệt quây và dập được ổ dịch ở Hồ Bắc, nhưng còn lâu mới miễn dịch cộng đồng cho 1 tỷ dân. Giờ họ phải khởi động lại nền kinh tế, thả lỏng cho đi lại để tránh sụp đổ. Nếu có cô Rona măt xanh mỏ đỏ ở đâu đó lọt vào thì rất có thể lại quay lại thảm kịch của tháng 12.2019.
Cái khó của cả TQ và thế giới là: Vừa phải cắt con đường lây lan, vừa phải đảm bảo kinh tế hoạt động. Vì nếu kinh tế không hoạt động thì y tế cũng tê liệt, bệnh viện tan rã. Chúng ta sẽ chết vì đói, chết vì không có giấy toilet 🙂 , vì không có điện để vào FB khoe quần áo, trước khi chết vì cô gái 19 kia.
Tiều phu biết là từ Merkel, Trump, Tập, đến cả chú Đam đều khó nên hồi giờ ngậm tăm, đâu dám nói gì.
Trong khi Corona và kháng thể đánh nhau, hành động của chúng ta là: Ai không làm gì ra sản phẩm và lưu thông hàng hóa thì ở đâu ngồi đấy. Nhớ súc miệng, rửa tay, chờ vac xin và….…tránh ngạo nghễ!
Ai yêu mẹ thì chớ mang bệnh hoặc phiền hà rắc rối về cho quê mẹ.
Lợi dụng cuối tuần các bác sỹ không để ý, tiều phu múa rìu qua mắt thợ.
(còn tiếp)
[1]Virus không sợ kháng sinh, nhưng sự phát triển của chúng có thể bị kìm hãm bởi một số thuốc kháng virus (Virostatica)
[2]Số người chết ở Ý cao vì không đủ giường bệnh hồi sức. Các bác sỹ phải quyết định, cho ai được nằm máy thở, ai không được.
Cho tôi hỏi quý vị và tác giả : con Cồ rô nà này nên gọi là “trùng”
hay “khuẩn” . Dịch thuật của bọn Vi xi nhiều khi cũng hầm bà lằng
thấy mẹ . Cái con mà tàn phá mấy cái còm-bíu-tờ cũng gọi là vi-dzút,
nay cái em Cồ-dzố-nà này cũng kêu là vi-dzút ,làm như chúng hết
chữ nghĩa để xài hay sao ?
Hồi nhỏ học trường làng ,bà cô giáo tôi có giải thích : cái con vi nào
có nguồn gốc từ động vật ,gọi là vi trùng .Con vi nào có gốc thực vật,
gọi là vi khuẩn . Đó là cách gọi cho vi trùng ,khuẩn ,hổng biết đúng
hay sai nữa . Còn bây giờ thêm loại “siêu” vi trùng ,không biết gọi sao
cho trúng ?? Chữ của Vi xi thì đủ thứ “siêu” : siêu …mẫu ,siêu …sao,
siêu …tốc ,siêu …giàu ,tóm lại cái gì cũng “siêu” hết .
Nên dịch em Cồ theo cách nào cho đúng và dễ hiểu ? Siêu vi ,siêu
trùng hay siêu khuẩn .
Tôi xin chuyển câu hỏi của đối tượng cần lưu ý Trần Tưởng đến cụ tổ của nhà họ Vi là Vì…xi. Mong hồi đáp.
@Trần Tưởng: Vi khuẩn và virus khác nhau thế nào? Tôi tìm đọc một số bài giải thích từ web, xin phép đưọc chia sẻ. Chúc các bạn bình an khỏe mạnh.
Vi trùng và vi khuẩn đều là bacteria, cùng nghĩa.
Virus còn được gọi là siêu vi trùng hay siêu vi khuẩn. Tôi cho rằng, tư “siêu’ diễn tả kích thước của virus rất nhỏ hơn so với vi trùng, từ 10-100 lần.
Bây giờ tôi thấy người ta không hay gọi virus là siêu vi khuẩn nữa, chỉ gọi là virus, nghe ngắn gọn, dễ hiểu, phân biệt vi khuẩn khác biệt hẳn với virus.
Vi khuẩn rất nhỏ, cần kính hiển vi mớt thấy. Vi khuẩn là tế bào đơn, hiện diện khắp nơi trong đủa các môi trường, đất, nước, sống cộng sinh với sinh vật khác, sinh sản độc lập, không cần host (ký chủ).
Virus không đủ điều kiện của tế bào như vi khuẩn, chỉ có vỏ protein (chất đạm), và yếu tố di truyền DNA hoặc RNA, trong khi virus có cả DNA và RNA. Virus không có ribosome như vi khuẩn. Vi khuẩn có thể sinh sản độc lập. Trong khi virus phải sống kỳ sinh bằng cách xâm nhập vào tế bào của ký chủ, thay đổi tế bào này và sinh sản. Tách rời ký chủ, virus sẽ không sống và sinh sản được.
Hiện nay kháng sinh có thể diệt hết được vi khuẩn bệnh.
Để diệt virus, cần diệt tế bào. Thuốc trị virus như HIV, ngăn chặn, giảm thiểu số lượng sinh sản của virus này. Người nhiễm HIV cần uống thuốc liên tục và thử nghiệm thường xuyên để biết thuốc vẫn còn hiệu nghiệm với số lượng virus dưới tiêu chuẩn gây triệu chứng bệnh.
Có thể đọc thêm ở đây
XUÂN THỌ…Ngàn like cho anh…một bài viết vừa là thông tin…nhưng cũng là bài giảng cho câu hỏi về….Côvi…19…anh cũng có thể viết được kịch bản cho sân khấu được đấy
Viết hay. Cảm ơn Xuân Thọ.
Trích:”Lợi dụng cuối tuần các bác sỹ không để ý, tiều phu múa rìu qua mắt thợ.“
Quá đã!
Ha..ha ha! Các bác sỹ đang tìm cách chận Cô Rona, nhưng bác Tiều phu chỉ có một cây rìu mà…đốn cả khu rừng “quan chức “ độc tài.