Cơm chiều 29

8

Dường như tôi không hợp lắm với không khí gia đình, nhất là cảnh gia đình xum họp hay đầm ấm. Ngay lúc thiếu thời, vào những chiều giáp Tết, thay vì quanh quẩn ở nhà – phụ cha lau chùi lư hương; giúp mẹ bầy biện mâm cơm cúng cuối năm – tôi hay lặng lẽ tìm lên một ngọn đồi cao nào đó (lặng nhìn thiên hạ đón xuân sang) với tâm cảm của một … kẻ giang hồ, đang trên bước đường phiêu bạt.

Ôi! Tưởng gì chứ chuyện “phiêu bạt” thì nào có khó chi, khi sinh trưởng trong một đất nước chiến tranh và ly loạn. Muốn là được liền thôi. Trời – đôi khi – cũng chiều lòng người, và chiều tới nơi tới chốn!

Những tháng ngày niên thiếu vụt qua như một cánh chim. Tôi bước vào tuổi đôi mươi, đúng vào Mùa Hè Đỏ Lửa, cùng với lệnh Tổng Động Viên. Thế là tôi “xếp bút nghiên để theo việc đao cung.” Hay nói một cách ít kiểu cọ hơn là tôi đi lính.

Sau lính đến tù, với tội danh (nghe) hơi nặng là “cầm súng chống lại nhân dân.” Ra tù, vừa lếch thếch về đến nhà chiều hôm trước, ngay sáng sớm hôm sau ông công an khu vực đã vội vã ghé “thăm” và “nhắc nhở” đôi điều cần thiết:

  • Vì không có hộ khẩu ở thành phố nên tôi sẽ phải đi kinh tế mới.
  • Trong khi chờ đợi, bắt đầu từ ngày mai, tôi phải sắm “một cuốn sổ đi lại.” Khi đi đâu phải ghi ngày giờ khởi hành với chữ ký xác nhận của tổ trưởng dân phố, và đến đâu gặp ai cũng phải có sự xác minh của viên chức chính quyền ở nơi đó.
  • Mỗi tuần phải mang sổ lên phường để công an kiểm tra.
  • Mỗi tháng phải đọc kiểm điểm trước tổ dân phố để nhân dân nhận xét và phê bình ưu/khuyết điểm.

Nghe xong, mẹ tôi lặng lẽ móc túi đưa cho thằng con mấy tờ giấy bạc cùng lời căn dặn:

  • Thế thì mua luôn cái bút nữa con ạ. Đi đâu, đến đâu cũng phải nhờ người ký thì dắt viết theo luôn cho nó đỡ phiền.
  • Dạ.

Tôi cầm tiền bước ra khỏi nhà, ghé vào cái quán nhỏ bên đường mua một ly rượu trắng và mấy điếu thuốc lẻ. Ực xong ly rượu, tôi châm thuốc hút rồi lủi thủi bước đi, vừa đi vừa lầm bầm mấy câu thơ của Thâm Tâm  (Mẹ thà coi như chiếc lá bay/ Chị thà coi như là hạt bụi/ Em thà coi như hơi rượu say) và đi luôn cho tới bây giờ.

Mấy chục năm qua, không ít lúc, tôi cũng nhớ nhà mà chả rõ nhớ ai. Bố mẹ đã từ trần từ lâu. Anh chị em thì kẻ mất người còn nhưng đều tứ tán cả rồi. Tôi nhớ quê chứ không phải nhớ nhà, chắc vậy.

Tôi nhớ Đà Lạt cùng tiếng mưa đêm rầm rì, thầm thì qua mái ngói. Nhớ những bữa cơm chiều và món con cá nục hấp (chiên vàng rồi mới kho chung với tóp mỡ) cùng những lát ớt đỏ tươi. Nhớ những buổi sáng sớm tuy vẫn còn nằm trong chăn ấm (lắng nghe tiếng chim sẻ ríu rít trên mái ngói) nhưng biết được rằng cơn bão rớt đã qua, hôm nay trời sẽ nắng tươi vàng.

Đôi khi, tôi cũng nhớ Rạch Giá vào những ngày biển động. Trời sụt sùi mưa, mây mù thấp xám, sóng dạt bờ kè tung tóe. Tôi lần dò đến thành phố này với hy vọng tìm được đường chui, dù chả quen biết một ai và cũng không một đồng xu dính túi.

Ban đêm, tôi thường nằm quấn mình trong một tấm vải nhựa ở chân cầu Đúc. Ngày thì hay đi loanh quanh trong chợ Nhà Lồng. Lòng buồn, bụng đói, dạ hoang mang nhưng mắt vẫn không rời những chiếc bàn ăn với ước mong có thể kiếm được chút gì còn sót lại trong tô hay trên dĩa. Niềm mong ước rất mỏng manh vì vào thời gian này (những năm cuối của thập niên 1970 – khi phong trào vượt biên đang lên tới đỉnh) thì gần như mọi người đều đói cả, chứ chả mấy kẻ no.

Rạch Giá có một tiệm ăn nổi tiếng (Tây Hồ) ở số 6 đường Nguyễn Du. Tôi thường   thập thò trước cửa nhưng không mấy khi chạy vội vào bên trong, ngay khi thực khách vừa buông đũa. Tôi ngượng, đã đành; điều khó đành hơn là ánh mắt thèm thuồng của mấy đứa bé bẩn thỉu, gầy gò đứng cạnh bên. Chúng cũng đang chầu chực “khẩn trương” chả khác chi mình.

Cả đám – chắn chắn – đã không đến nỗi này, nếu tôi không phải là một kẻ bại trận trong cuộc chiến vừa qua. Tôi vẫn nghĩ thế nên cái mặc cảm của kẻ có lỗi đã luôn giữ chân tôi lại, với không ít buồn rầu!

Có lẽ nhờ chút sĩ diện (còn sót) này mà tôi đã được những người chạy bàn “đối đãi cách riêng.” Họ cho tôi cái đặc ân quí giá là được sớt vô lon guigoz ít thức ăn thừa, vào giờ đóng cửa.

Nhờ thế mà tôi biết canh chua cá chẻm của quán Tây Hồ ngon lắm, canh chua cá lóc còn ngon hơn nữa, còn cá rô kho tộ (có lần tôi được hưởng gần cả nguyên con) thì ngon hết biết luôn. Nó ngon đến độ khiến tôi suýt hóc xương chỉ vì nhai vội quá!

Nhiều người nói là ở Mỹ muốn ăn thứ gì cũng có – bất kể là món của Tây, Tầu, Cận Đông, Trung Đông, Viễn Đông hoặc Phi Châu lục địa. Tôi đã lê la qua hàng ngàn quán ăn ở đất nước này nhưng không tìm đâu ra được canh chua cá lóc và cá rô kho cả.

Từ California, muốn tìm lại được hai thức ăn này, phải mất đến hơn 20 giờ bay lận! Xin ghi địa chỉ đây cho người đồng điệu, khi cần: Nhà Hàng Ngon (Preah Sihanouk Blvd 274, Tonle Bassac) Phnom Penh – Cambodia.

Tôi mới ghé đây chiều qua, chiều 29 Tết. Không thể đến vào ngày mai vì 30 quán đóng. Tôi đã bỏ cái thói quen thập thò trước tiệm ăn tự lâu rồi. Bây giờ tôi đàng hoàng thong thả bước vào bên trong, cười đùa thân thiện với những nhân viên (đứng chào khách ngay  tận cửa) và không quên đút nhẹ vào túi trên của họ mấy tờ giấy bạc lì xì.

Dù chỉ có mặt xuân thu nhị kỳ, tôi không phải là khách lạ vì khó ai quên được một ông già Á Châu nhưng không nói được tiếng Tầu (tiếng Thái hay tiếng Miên cũng nỏ) luôn vui vẻ đùa cợt, và lúc nào cũng chỉ gọi một thứ thức ăn duy nhất: cá rô kho.

Tôi luôn được tiếp đón hơi quá nồng hậu vì có thói quen over tiping, không bỏ sót một cô hay cậu chạy bàn nào đang có mặt, và cũng không quên người đứng bếp. Chắc các em nghĩ là tôi giầu có và hào phóng, chứ đâu có biết rằng tôi buộc phải trả thêm tiền cho những cơm (ngon tuyệt vời) mà mình vẫn còn thiếu nợ ở quán Tây Hồ, từ mấy mươi năm trước.

Phải mất gần nửa tiếng món ăn ruột của tôi mới được dọn ra. Mấy chú cá rô bé bỏng chỉ bằng ba ngón tay thôi, tiêu đen rắc lấm tấm trông giống như mè, thơm phức. Cơm trắng cũng ngạt ngào hương gạo mới nhưng tôi không cảm thấy đói, dù đã uống “khai vị” hơi nhiều.

Ơ cá chiều nay – không dưng – khiến tôi hơi nghèn nghẹn, dù tuổi già hạt lệ như sương. Lại nhớ nhà chăng? Tôi không nhớ nồi cá nục kho vào những chiều mưa Đà Lạt khi mình còn thơ ấu (và còn được sống trong yên ấm) nhưng nhớ những ngày biển động ở Rạch Giá, và lũ trẻ thơ bất hạnh năm nào.

Đứa bé nhất thì nay cũng đã đến tuổi ngũ tuần rồi. Cũng sắp xong một kiếp người đen đủi. Đúng như ước mơ của thời niên thiếu, nửa thế kỷ rồi, tôi “được giang hồ phiêu bạt” qua rất nhiều nơi (những vùng đất văn minh phú túc, cùng những xứ sở lạc hậu nghèo nàn) nhưng chưa thấy đâu mà kiếp nhân sinh lại nhọc nhằn, cay đắng, cơ cực và tủi nhục như ở cái phần quê hương khốn khổ khốn nạn của mình.

8 BÌNH LUẬN

  1. Tôi đã phải chết lặng với câu này của ông…,

    “Cả đám – chắn chắn – đã không đến nỗi này, nếu tôi không phải là một kẻ bại trận trong cuộc chiến vừa qua. Tôi vẫn nghĩ thế nên cái mặc cảm của kẻ có lỗi đã luôn giữ chân tôi lại, với không ít buồn rầu!“
    ….không biết bao lâu…mới hồi tỉnh, ông Tiến ơi!

    Và tôi trong một lần về cũng bởi nhớ quê, vì anh em tứ tán người mỗi nơi, dù bạn bè mỗi kẻ trôi dạt bốn phương trời và một mình đứng giữa phố vắng chiều 30 Tết với đôi mắt cay xè, rồi nhớ đến bốn câu của Tô Thuỳ Yên:
    “Ta về như giấc mơ thần bí
    Tuổi nhỏ đi tìm những tối vui
    Trăng sáng lưu hồn ta vết phỏng
    Trọn đời, nỗi nhớ sáng không nguôi“

  2. Dù đang bận với công việc nhưng thấy có bài mới của Tửu Quỷ là phải đoc ngay, nóng hổi mới ngon mới giòn rụm. Cảm ơn Tửu Quỷ nhắc lại thời niên thiếu, sau ngày bọn thổ phỉ cưỡng chiếm MN thì ở đâu cũng đau khổ như nhau, bọn nhóc chúng tôi chỉ đến trường để biết tý chữ chứ chẳng muốn mơ gì ngoài 2 bữa cơm độn, tan học thì quăng cặp sách rồi lao ra suối mò cua bắt ốc tiếp thêm chút vitamin cho bữa ăn đạm bạc đến khốn nạn, chiều chiều lũ nhóc chúng tôi lại ngồi bệt xuống ven đường quốc lộ 1 nhìn những đoàn công-voa bên thắng cuộc bịt bùng chở chiến lợi phẩm cướp được về đất Bắc. Lớn lên tý nữa thì mơ vượt biên để nhìn thấy cái gì đó màu hồng (thời ấy, dưới thời Lê Duẩn, ĐM thì chỉ thấy màu đen hoặc xắm ngắt, chén cơm thì chỉ nhìn thấy màu vàng hạt bắp). Ngày rời quê hương chỉ là oắt con và giờ đây đầu 2 thứ tóc và trên quê hương lũ man rợ vẫn còn khỏe mạnh và bọn trường hợp đặc biệt vẫn nhởn nhơ thao túng làm nghèo đất nước. Chúc Tửu Quỷ an mạnh, hy vọng có dịp nhậu một đêm tới sáng.

  3. Ông TNT làm tôi nhớ thơ Hồ Dzếnh.

    Nhớ nhà châm điếu thuốc,
    Khói huyền bay lên mây.

    Cái buồn tha hương là một cái buồn man mác, nhẹ nhàng, đôi khi nung nấu ý chí, nhưng không là nỗi buồn hận sầu. Chúc ông TNT một năm mới sắp đến nhiều sức khỏe và….lại tiếp tục tha hương, vì nếu khi nào mà ông ngừng tha hương, thì chắc là ông đang nằm chờ về cõi, và độc giả sẽ không còn được đọc những bài viết của ông.

  4. Cái nhà hàng Tây Hồ mà ông khen nức nở món canh chua cá lóc với cá rô kho…nó vẩn còn đó. Hiên tại nó ở số 16 Nguyễn Du TP Rach Giá khác với ký ức của ông là số 6?
    không ngờ ông có những ngày thật “ấn ký ” ủa lộn “ấn tượng” ở Rạch Giá như thế!
    Nhân năm mới chúc ông luôn được mạnh khỏe . happy new year ông!

  5. Đừng buồn quá ông Tưởng ơi; Buồn nhiều có hại cho sức khỏe của tuổi già ; Rồi tôi lại không được đọc bài ông viết. Đất nước khốn khổ có lẽ mình cũng có một phần nào trách nhiệm dù bàn tay nhỏ bé không che được bầu trời. Đường tuy dài , nhưng đi hoài thì cũng sẽ tới thôi; Mà có lẽ không còn lâu đâu – mà Rứa Có Chi Mô; cuộc đời rồi ai cũng có lúc đến được đoạn cuối thôi; Ai cũng có phần, nên cứ từ từ đừng tranh nhau mà chi ! Đôi khi tôi ước gì những lúc ông có được niềm vui nhất ông lại viết về cảnh buồn để xem bài viết có gì đặc biệt không; Xem nó có khác với câu ” người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” của cụ Nguyễn Du không.

  6. Giọng văn của Tưởng Năng Tiến đọc nghe một chút gì buồn buồn, chút gì tiếc nuối và một chút gì đó oán hờn.Đây là tâm trạng của một kẻ ” xa nhà” trong cô đơn , lưu lạc.Do vậy TNT viết văn là phải!

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên