Sáng dạy vừa kịp xúc miệng òng ọc, định nhổ ra mảnh sân trước nhà như thói quen cố hữu, bà chợt thấy cái cửa tre kêu rít lên như báo hiệu có người vào nhà, bà vội giơ tay bịt miệng, chạy tọt ra sau nhà nhổ vào vại nước tiểu.
Tiếng con lợn kêu ụt ịt như níu lấy chân bà, vì thế dù vội, bà cũng phải dừng lại, mắng yêu: – “Cha bố mày, vừa sáng ra đã réo rồi, người còn không có gì bỏ bụng đây này…mày đúng là thủ trưởng, bạn lớn* có khác cứ vục mõm vào ăn, chẳng cần nghĩ ngợi, âu lo gì!
Bóng người đã bước vào tận thềm nhà, lơ láo ngó nghiêng, không thấy ai liền cất tiếng gọi:
Bà Bủ ơi bà bủ!
– Tôi đây, bà đáp và vội chạy lên nhà, một ý nghĩ lướt nhanh qua óc:
– Mẹ bố chúng nó, mới bảnh mắt ra chưa kịp làm gì, chúng nó đã đến để phổ biến kế hoạch, co kéo ra đồng …đúng là hợp tác với chả hợp teo, người làm thì ít, kẻ ăn theo thì nhiều, làm gì bụng dạ chả đói meo
Chân trong chân ngoài, Anh cán bộ trẻ mở sổ ghi chép, nói như đang báo cáo với bà:
– Báo cáo đồng chí xã viên, hôm nay hợp tác xã Vạn Niên chúng ta vinh dự được phó chủ tịch huyện xuống tham quan sự nghiệp chăn nuôi trong thời kỳ đổi mới. Vì vậy, tôi được đảng ủy chỉ định đưa công văn tới đồng chí Nhuần là chồng đồng chí.
Bà Bủ ớ ra:
– Chủ tịch hay phó chủ tịch huyện xuống thì liên quan gì đến gia đình tôi. bình thường trống dong cờ mở, xe ô tô co măng ca đít vuông xuống tận sân đình, cả nhà tôi 5 miệng ăn vẫn cắm cúi với mảnh ruộng 5% và con nhợn trong chuồng kia mà, có bao giờ được vác mặt ra xã trong những dịp kỷ liệm, lễ ớn… à lễ nhớn đâu …
Không để ý đến lời kể lể dài dòng văn tự của bà, nhân viên văn thư bảo:
-Đây, xin mời đồng chí ký vào đây!
Bà Bủ lại ngớ ra, cặp môi thâm đen vì dính cốt trầu lâu ngày, cong cớn:
– Ô hay tôi biết gì mà ký cót với điểm chỉ? Có gì cũng phải chờ ông xã nhà tôi từ trạm xá về đã chứ.
– Thì… vị cán bộ trẻ, có nước da trắng nhợt như củ sắn vừa kịp bóc, làn môi tím tái như vỏ khoai lang luộc, gày lêu đêu, bảo…
– Bà… à…đồng chí cứ nhận thay…đồng chí chồng đi, có gì bá cáo với chủ tịch xã sau, tôi là nhân viên văn thư chỉ biết chấp hành lệnh trên.
– Ô hay, bà chành miệng bảo:
– Lệnh trên là lệnh gì? Tôi đâu có biết chữ?
Đóng nắp sà cột cái bụp, nhân viên văn thư quây qủa bước:
– Thôi tôi đi đây, còn nhiều công văn, thư từ, điện báo lắm, phải đi gấp kẻo 10 giờ là trời nắng. Nóng như thiêu, như đốt, không cuốc bộ được…Công văn này, đồng chí cứ nhận cho, có gì đợi lũ trẻ dạy, bảo các cháu đọc cho mà nghe rồi điểm chỉ vào sau cũng được.
Bóng nhân viên văn thư vừa kịp ra khỏi cổng, chồng bà chạy vụt vào nhà, rền rĩ báo tin:
– Mẹ nó ơi…bà đi rồi!
– Bà…bà đi rồi à? Bà hỏi lại như máy…
Chồng bà quây quả vào trong buồng, đập đen đét vào mông mấy đứa:
– Dạy, dạy…dạy ngay! Bà chết rồi…
Bốn đứa con: Vuông, Tròn, Lành, Lặn, ngơ ngác ngồi dạy, không phải vì cú đập mông của bố( vì đã qúa quen rồi) mà vì mấy tiếng thông báo tin dữ: “Bà chết rồi”
Cả nhà bỏ tất cả nhà cửa, công việc, lợn gà lại, ba chân bốn cẳng chạy đi. Thằng Vuông chạy trước, con Tròn gày thòn lật đật theo sau; Thằng Lành bươn bả dắt con Lặn 5 tuổi đuổi theo anh chị, vừa chạy vừa chửi:
– Mẹ mày! Bà chết rồi mà chạy chậm thế? Tí nữa có nắm xôi cúng trên ban thờ, chúng nó giành hết, lấy gì mà ăn, lấy sức đâu mà khóc ?
Trạm y tế xã nằm chơ vơ giữa cánh đồng, bình thường vắng hoe vắng hoét, vì chẳng có ai dại gì mà thò đầu vào cho lãnh đạo y tế chém… một tháng nhõn 9 ky lô gam thóc, mà mỗi lần mò vào xin thuốc là bị trừ vào công điểm. Một nhúm thuốc bỏ chưa đầy vốc tay mà trừ ngoén ba ngày làm việc.Vì thế, nhà nọ bảo nhà kia, cứ đau ốm cảm cúm gì thì ra vườn kiếm nắm lá xông, đắp ngải cứu hơ qua lửa vào chỗ nhức là xong, khỏi cần thuốc…cho chết cụ lũ lang băm đi, một viên thuốc, một ngày cật lực cuốc ruộng, làm cỏ, tội gì bỏ …
Chẳng mấy chốc, con cháu, họ hàng hai bên gia đình nội, ngoại nghe tin bà, mẹ chết xúm đến đông đặc, xác khiêng thẳng về nhà bác cả, anh ruột chồng bà Bủ để làm lễ. Thời buổi khó khăn, đói kém, nhà nhà đứt bữa, người người hụt hơi nên ma chay cũng chỉ làm cho có lệ, coi như cùng nhau thắp nén hương để tưởng nhớ tới người qúa cố, chứ tiền của đâu mà bày vẽ? Mà có muốn bày vẽ hợp tác xã cũng chẳng cho. Thời buổi tiết kiệm, hội họp đình đám cả mấy trăm con người, chỉ được duyệt 20 ký thịt lợn, bôi làm sao đủ?
Nghĩ đến thịt lợn, bà chợt nhớ ra từ sáng chưa kịp cho lợn ăn, con lợn bà chăm bẫm từ ngày đỏ hỏn, đứng không vững, suốt chín tháng trời nay, giờ đã to gần bằng con bê, nặng hơn một tạ…đúng là giống lợn lai kinh tế, ăn rõ khỏe làm bà lo trũng mắt; Người nhịn đói một , hai bữa là chuyện bình thường, còn nó mà nhịn đói thì chết với nó, cứ là tha hồ gào réo…
Lợi dụng lúc anh em nhà chồng chúi đầu vào chuyện tang ma, người lên xã lấy giấy khai tử cho người chết; Người lên cửa hàng bách hóa tổng hợp của huyện mua áo quan; Người tìm chủ nhiệm hợp tác xã xin duyệt tiêu chuẩn xô màn, vải vóc v.v bà chạy tọt về nhà, trống ngực đập rộn ràng hơn trống…đám ma…vì đói, vì lo lắng; Cả một đống tiền, tất cả chỉ trông vào con lợn lai này; Vì nó mà cả nhà nhịn ăn, nhịn mặc, nhịn chi tiêu… chỉ lo vỗ béo phòng khi bà cụ nằm xuống còn có cái mà lo. Dẫu có bị hợp tác xã trừ đầu, khấu đuôi, bớt khoản nọ, bỏ khoản kia cũng còn tí mà mút mát sau khi đã giao nộp đủ tiêu chuẩn chăn nuôi của cả năm…
Bước vào nhà, bà ngơ ngác khi thấy cửa mở toang hoang; Mấy cái ghế gỗ con, cả nhà bà vẫn hay dùng để ăn cơm ở đầu hè nơi mảnh sân vuông vắn, bị dồn vào một góc lỏng chỏng, bà lặng đi, lắp bắp: – “Chết, chết tôi rồi! Giữa lúc tang gia bối rối, người chưa kịp ra đồng mà mả bố nhà mày lại phá chuồng chạy rông khắp làng à?
Đi đi lại lại như hóa rồ từ nhà xuống bếp, hình ảnh con lợn nặng cả tạ xóa nhòa hình ảnh thương tâm của bà mẹ chồng vừa kịp nằm xuống, chết vì kiệt quệ, suy dinh dưỡng, thèm từ đốt mía, quả chuối, nắm xôi, bánh giò nhân hành thèm đi, nên mới tròn một hoa giáp** đã thèm nói tiếng đất, quên tiếng giời …Sở dĩ bà không dám lao ra khỏi nhà lúc này vì sợ dân làng dị nghị, qưở trách: “Mẹ chồng vừa nhắm mắt xuôi tay, đang nằm tơ hơ trên tấm chõng tre đợi quan tài mà đã cuống lên tìm “bạn lớn”, rõ là coi của hơn người…”
Chợt bà vấp phải cái ghế. Quái, bình thường nhà bà vẫn ngồi ăn ở góc sân hẹp này, 5 người 5 cái ghế quây tròn quanh chiếc mâm đồng đã sứt sẹo cũ mèm từ ngày cải cách ruộng đất , bố mẹ bà nhờ đấu tố địa chủ mà được chia mâm cùng một bức hoành phi câu đối sơn son thếp vàng; Đói vàng mắt ra, mẹ bà định xin hợp tác cho đổi yến gạo, nhưng bố bà lại tiếc rẻ giật lại:“Đàn bà biết gì? Loại gỗ vàng tâm này quý lắm…Nhà mình bao nhiêu đời bị địa chủ bóc lột có được nằm giường, nằm phản đâu? Bây giờ đổi đời rồi, lấy luôn bức hoành phi câu đối này làm phản, mát phải biết…
Tất nhiên gỗ quý thì phải tận dụng tối ưu, triệt để, vì thế, cưa xẻ đóng phản xong rồi, còn dăm đầu mẩu gỗ thừa, ông cho đóng luôn 5, 7 cái ghế và truyền từ thời đó đến nay, dù cóc cáy, sứt sẹo nhưng vẫn còn bền, chắc…Vậy mà!…Sao bây giờ nó lại nằm lỏng chỏng ở góc tường cạnh chuồng lợn thế này? Không lẽ con lợn trước khi phóng ra khỏi chuồng để tìm thức ăn còn biết vứt ghế sang một bên để lấy lối đi ư?
Một ý nghĩ vụt hiện trong óc khi bà nhớ lại hình ảnh người văn thư ban sớm… Không lẽ??? Thôi chết, bà tất tưởi chạy ù ra khỏi nhà, lên ủy ban xã để “dò cho rõ ngọn nguồn lạch sông”…
Chủ tịch huyện vui vẻ cất giọng khi bà vừa kịp xưng tên…
– À, Chị là chị Bủ à, tôi là Công, từ huyện về đây. Gớm chị mát tay qúa, nuôi được con lợn nặng cả tạ hai.
– Ơ! Bà chưa kịp hiểu ngô khoai gì, chủ tịch hợp tác xã Vạn Niên của bà đã đáp:
– Tên chị được ghi vào thành tích chăn nuôi giỏi của huyện rồi đấy nhé. Nhất định hôm nào huyện tổ chức triển lãm báo công lên tỉnh chúng tôi phải mượn lợn nhà chị để tham gia lấy giải thưởng đấy, không đùa đâu.
Bà trút ra một hơi nhẹ nhõm…
Trời! thế mà tôi cứ tưởng:
– Tưởng sao? Chủ tịch vồn vã, chúng tôi chỉ mượn tạm vài hôm để đề cao thành tích chăn nuôi của hợp tác xã Vạn Niên chúng ta trong giai đoạn đầu tiên của thời kỳ đổi mới tư duy thôi mà. Nhà đang có việc, chị cứ về lo cho bà cụ chu tất đi. Chiều ngày kia, tôi sẽ nói cán bộ ủy ban khiêng về giao tận nhà cho chị.
-Bà lắp bắp, giọng như người hụt hơi vì gắng sức:
– Nhưng… nhưng còn mẹ chồng tôi…bà cụ…
-Chị yên tâm đi, chúng tôi sẽ duyệt cho chị đúng quy định 20 ký cả thịt lẫn xuơng, không thiếu một lạng…
Thất thểu quay về, bà đi thẳng đến chỗ đám ma ,kẻo không thấy bà trong lúc tang gia này cả nhà lại nháo nhác lên…
Chiều muộn, cả nhà đang túm tụm lo hậu sự, bàn việc chôn cất sao cho hợp ngày, hợp giờ, hợp tuổi, kẻo trùng tang, mất phúc, bỗng tiếng kẻng khuơ rít lên trong không khí, tất cả dừng tay, rụng rời, ngơ ngác:
– Chuyện gì nữa đây? Hòa bình cả chục năm rồi, cái kẻng bằng vỏ bom đã rỉ nghoèn vì mưa nắng, thời gian, có ai đụng đến đâu? Sao bây giờ lại khươ khoắng báo động như thời chiến tranh tao loạn vậy?
Rạp đám ma đang đông ngẹt người chợt trở nên vắng hoe, vắng hoét. Tất cả lớn bé già trẻ, trừ dâu rể con cái bị đóng đinh vào công việc, chuẩn bị đưa mẹ vào trong quan tài, còn lại chạy thục mạng về ủy ban , nơi phát ra tiếng gõ.
Tiếng eng éc như lợn bị chọc tiết đập thẳng vào màng nhĩ, át cả tiếng búa nện vào hòm gỗ, khiến bà giật mình lo lắng. Bỏ mặc bà cụ bó tròn trong đống vải niệm, nằm tơ hơ trong quan tài chưa kịp đậy nắp, bà lồng ra cửa; Đó đây tiếng bước chân chạy huỳnh huỵch, tiếng người vui vẻ diết dóng:
– Kia kìa, nó chạy vào ngõ nhà ông Bổng rồi…Đuổi đi, tối mẹ nó rồi!
– Giời ơi là giời! Cả trăm người mà không bắt nổi một con lợn nhà bà Bủ sao?
– Ôi dào! Hơi sức đâu? Từ sáng tôi mới có củ khoai bỏ bụng thôi, đói bỏ mẹ.
– Trời ơi, bà rụng rời tay chân, còn hơn cả khi nghe tin mẹ chồng mất, thầm nghĩ : “Họ bảo chỉ mượn tạm vài hôm rồi sẽ cho người khiêng về trả cho bà mà, giờ họ định giết nó sao”?
Từ xa nhìn thấy mẹ, thằng Vuông hối hả chạy lại, vừa thở vừa cười, mách:
– Nhợn nhà mình đấy bu ạ, sáng nay bác Cổn chủ nhiệm sai bốn anh du kích xã vào khiêng lên ủy ban để phái đoàn của huyện tận mắt chứng kiến phong trào chăn nuôi của bà con xã viên…Xong xuôi các bác ấy đến bếp ăn của xã để liên hoan mừng thắng lợi, quên cả nhợn bị bỏ đói. Năm giờ chiều, tiễn phái đoàn của huyện về rồi mới phát hiện ra nhợn đã xổng chuồng, liền huy động cả xã vào cuộc, hơ hơ…
– Thế tại sao phải khươ chiêng, gõ trống ầm ĩ như thế?
– Sợ cả làng tập trung vào đám tang, không ai đuổi bắt hộ, trong khi sáng sớm ngày kia đã phải đem đi triển lãm rồi; vì thế mấy anh tự vệ mới vác kẻng ra khươ để tập hợp lực lượng, kịp bắt trước khi trời tối.
– Giời ơi là giời! Bà rên lên khi nghe tiếng chồng gọi hối hả từ trong :
– Bà Bủ, Thằng Lành, con Lặn, Thằng Vuông, con Tròn đâu? Bà chết mà chúng bay bỏ đi đâu hết cả rồi?
Hai mẹ con quầy quả về lại đám tang, vừa đi bà vừa rủa:
– Tưởng nhợn tạ hai, ai ngờ thành nhợn hại ta. Cả làng rộng mênh mông thế này, bắt sao được mà bắt?
Ha ha, thằng Vuông nghe mẹ than thở cười ngất:
– Bu nói lái giỏi thật . Nhợn tạ hai thành Nhợn HẠI TA …Ngày mai chuyện này sẽ lan ra khắp làng thôi.
Cao Phong – Hà Sơn Bình – 1986
T.K.T.T (Tác giả gửi đăng)
————–
*Thời kỳ đói kém, nhà nhà nuôi lợn để cải thiện, con lợn được ví thành thủ trưởng, bạn lớn thân thiết trong nhà, nói lái thành lợn bán …
**: Tức 60 tuổi, vì mỗi giáp là 12 năm
Phét đâu?Để người ta bôi tro trát cứt vào mặt Bác,Đảng thế này à???
Red bull? Sao viết hoa bác, đang? Không dám gọi dog hồ Chó minh?
TKTT là nhà văn của bọn Việt Cộng nhưng lại bị chúng rất thù ghét, chỉ vì bà hay kể những chuyện…CÓ THẬT, không PHÉT, trong XHCNVN, thí dụ như chuyện này.