Chúng ta đã từng đọc cuốn
“Người Trung Quốc xấu xí” dày 116 trang của Bá Dương do Nguyễn Hồi Thủ dịch, nhiều người rất thích thú. Năm 2012, Dan Huynh lại kể chuyện “Người Việt ‘xấu xa’” làm cho một số người cảm thấy xốn xang. Viện Nghiên Cứu Xã Hội Học Hoa Kỳ (American Institute for Social Research) sau khi nghiên cứu, đã nói lên 10 đặc tính căn bản của người Việt. Chúng tôi đã tổng hợp những tài liệu này lại và nghiên cứu thêm rồi viết bài “
Vì bản chất dân tộc Việt?” Đây là những chuyện rất nhiều người biết và thường đem ra bàn luận với nhau, nhưng ít ai phổ biến trên các cơ quan truyền thông vì sợ phản ứng của những người bị chạm nọc. Tuy nhiên, cha ông mình đã nói: “Thuốc đắng đã tật”. Bá Dương cũng đã nghĩ như vậy khi viết cuốn “Người Trung Quốc xấu xí”.
Câu chuyện được Dan Huynh kể trong bài “Người Việt ‘xấu xa’” đại khái như sau: Có hai người đi bắt cua, họ bỏ cua Việt và cua Mỹ vào hai thùng khác nhau. Một người bảo người kia chỉ cần đậy nắp thùng cua Mỹ, không cần đậy nắp thùng của Việt. Được hỏi tại sao, người này giải thích: “Cua Mỹ khác hẳn cua Việt vì nó biết cách nằm chồng lên nhau, cho các con khác bò lên người để ra khỏi miệng thùng, còn cua Việt Nam thì con nào vừa định ngoi lên đã có con bên cạnh níu chân kéo xuống nên không bao giờ lên đến miệng thùng, khỏi cần đậy nắp!”
Một câu hỏi được đặt ra: Cùng những cơ hội gióng nhau, tại sao Đại Hàn, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore ngóc đầu lên được, còn Thái Lan, Philippines, Việt Nam, Mã Lai, Miến Điện… không ngóc đầu lên nổi? Phải chăng vì “bản chất dân tộc”? Hôm nay chúng tôi cũng chỉ nhắc lại một số sự kiện và nhận xét chính với hy vọng người Việt sẽ suy đi nghĩ lại.
NGƯỜI MỸ NHÌN NGƯỜI VIỆT
Viện Nghiên Cứu Xã Hội Học Hoa Kỳ (American Institute for Social Research) sau khi nghiên cứu đã nói lên 10 đặc tính căn bản của người Việt, xin tạm dịch như sau:
1.- Cần cù lao động nhưng dễ thỏa mãn.
2.- Thông minh, sáng tạo khi phải đối phó với những khó khăn ngắn hạn, nhưng thiếu những khả năng suy tư dài hạn và linh hoạt.
3.- Khéo léo nhưng ít quan tâm đến sự hoàn thiện cuối cùng các thành phẩm của mình.
4.- Vừa thực tế vừa có lý tưởng, nhưng lại không phát huy được xu hướng nào thành những nguyên lý.
5.- Yêu thích kiến thức và hiểu biết nhanh, nhưng ít khi học sự việc từ đầu đến cuối, nên kiến thức không có hệ thống hay căn bản. Ngoài ra, người Việt không học vì lợi ích của kiến thức (lúc nhỏ học vì gia đình, lớn lên học vì sĩ diện hay vì những việc làm tốt) [when small, they study because of their families; growing up, they study for the sake of prestige or good jobs]
6. Cởi mở và hiếu khách nhưng sự hiếu khách của họ không kéo dài.
7. Tiết kiệm, nhưng nhiều khi hoang phí vì những mục tiêu vô nghĩa (vì sĩ diện hay muốn phô trương) [to save face or to show off].
8.- Có tinh thần đoàn kết và giúp đỡ lẫn nhau chủ yếu trong những tình huống khó khăn và nghèo đói, còn trong điều kiện tốt hơn, đặc tính này ít khi có.
9.- Yêu hòa bình và có thể chịu đựng mọi thứ, nhưng thường không thẳng thắn vì những lý do lặt vặt, vì thế hy sinh những mục tiêu quan trọng vì lợi ích của những mục tiêu nhỏ.
10.- Và sau cùng, thích tụ tập nhưng thiếu nối kết để tạo sức mạnh (một người có thể hoàn thành một nhiệm vụ xuất sắc; 2 người làm thì kém, 3 người làm thì hỏng việc) [one person can complete a task excellently; 2 people do it poorly, and 3 people make a mess of it].
Những phân tích trên đây cho chúng ta thấy người Mỹ đã hiểu rất rõ người Việt. Tại sao người Việt lại có những đặc tính như thế này?
NGƯỜI XƯA CŨNG ĐÃ NHẬN RA
Học giả Trần Trọng Kim (1883 – 1953) khi viết bộ Việt Nam Sử Lược, ấn hành lần đầu tiên năm 1919, cũng đã phân tích khá rõ ràng những đặc tính của người Việt và những yếu tố tạo nên những đặc tính đó. Đa số người Việt lớn tuổi, khi còn nhỏ đều đã được học bộ sử này. Trong phạm vi một bài báo, chúng tôi chỉ xin trích lại dưới đây một số đoạn mà ông đã nói về đặc tính của người Việt.
Trong bài tựa, ông nói ngay:
“Thời đại Bắc thuộc dai dẳng đến hơn một nghìn năm, mà trong thời đại ấy dân tình thế tục ở nước mình thế nào, thì bấy giờ ta không rõ lắm, nhưng có một điều ta nên biết là từ đó trở đi, người mình nhiễm cái văn minh của Tàu một cách rất sâu xa, dẫu về sau có giải thoát được cái vòng phụ thuộc nước Tàu nữa, người mình vẫn phải chịu cái ảnh hưởng của Tàu. Cái ảnh hưởng ấy lâu ngày đã trở thành ra cái quốc túy của mình, dẫu ngày nay có muốn trừ bỏ đi, cũng chưa dễ một mai mà tẩy gội cho sạch được. Những nhà chính trị toan sự đổi cũ thay mới cũng nên lưu tâm về việc ấy, thì sự biến cải mới có công hiệu vậy.”
Ở Chương VI nói về “Kết Quả của Thời Bắc Thuộc”, ông có nhận định rõ hơn:
“Khi những đạo Nho, đạo Khổng, đạo Phật phát đạt bên Tàu, thì đất Giao châu ta còn thuộc về nước Tàu, cho nên người mình cũng theo những đạo ấy. Về sau nước mình đã tự chủ rồi, những đạo ấy lại càng thịnh thêm, như là đạo Phật thì thịnh về đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê và nhà Lý, mà đạo Nho thì thịnh từ đời nhà Trần trở đi.
“Phàm phong tục và chính trị là do sự học thuật và tông giáo mà ra. Mà người mình đã theo học thuật và Tông giáo của Tàu thì điều gì ta cũng noi theo Tàu hết cả. Nhưng xét ra thì điều gì mình cũng thua kém Tàu, mà tự người mình không thấy có tìm kiếm và bày đặt ra được cái gì cho xuất sắc, gọi là có cái tinh thần riêng của nòi giống mình, là tại làm sao? …
“Địa thế nước mình như thế, tính chất và sự học vấn của người mình như thế, thì cái trình độ tiến hóa của mình tất là phải chậm chạp và việc gì cũng phải thua kém người ta vậy.”
“TRƯỚC LÀ ĐẸP MẶT SAU LÀ ẤM THÂN”
Nước Việt Nam bị Pháp đô hộ gần 100 năm, đã cởi bỏ dần nền học vấn của Trung Hoa, tiếp thu nền học vấn mới của phương Tây, nhưng vẫn còn giữ lại nhiều nét căn bản của nền văn hóa Trung Hoa. Có nhiều hủ tục trong quan, hôn, tang, tế mà cuộc Cách Mạng Văn Hoá của Trung Quốc đã phá sạch, nhưng nhiều người Việt vẫn cố giữ lại như những thứ “quốc hồn quốc túy” của mình!
Bài tục giao sau đây vẫn còn là tiêu chuẩn và mục tiêu thăng tiến của gia đình và con người Việt Nam:
Con ơi! muốn nên thân người
Lắng tay nghe lấy những lời mẹ cha
Gái thì giữ việc trong nhà
Khi vào canh cửi khi ra thêu thùa
Trai thì đọc sách ngâm thơ
Dồi mài kinh sử để chờ kịp khoa
Mai sau nối được nghiệp nhà
Trước là đẹp mặt sau là ấm thân
Bây giờ người con gái không còn chỉ “giữ việc trong nhà”, và người con trai không còn chỉ “đọc sách ngâm thơ” mà đã đi vào khắp mọi lãnh vực của cuộc sống, nhưng mục tiêu cuối cùng vẫn chỉ là “TRƯỚC LÀ ĐẸP MẶT, SAU LÀ ẤM THÂN”.
Trong nước, tiêu chuẩn của cuộc sống là có nhà sang cửa rộng, có xe hơi, có con đi du học ngoại quốc… Tiêu chuẩn ở hải ngoại cũng thế thôi: Đi dâu cũng nghe khoe nhà trên cả triệu bạc, xe loại sang trọng nhất, con đang học bác sĩ, dược sĩ, kỹ sư… Ít nghe ai khoe những công trình đang nghiên cứu hay thực hiện để đưa con người, cộng đồng hay đất nước đi lên. Tất cả chỉ tập trung vào hai tiêu chuẩn là “ĐẸP MẶT” và “ẤM THÂN”.
Với mục tiêu như thế, chúng ta không ngạc nhiên khi nhìn ra phố Bolsa, thủ đô của VNCH nối dài, đa số các cơ sở kinh doanh lớn đều không phải của người Việt. Tuy bên ngoài người Việt gốc Hoa đứng tên, nhưng đàng sau là các bang hội của Tàu. Thương xá Phúc Lộc Thọ vốn được coi là “Quốc Hội VNCH” ở Bolsa, nhưng phía trước là tượng các danh nhân Trung Hoa và tên thương xá được viết vừa bằng chữ Tàu vừa bằng chữ Việt. Houston cũng thế thôi.
Nếu mỗi gia đình và mỗi cá nhân chỉ lấy những mục tiêu như trên làm mục tiêu của cuộc sống và truyền từ đời nọ sang đời kia, còn lâu cộng đồng và đất nước với ngóc đầu lên được.
RỒI SẼ ĐI TỚI ĐÂU?
Cuộc kiểm tra năm 2010 cho thấy ở Mỹ hiện nay người Hoa chiếm 1%, còn người Việt là 0,5%, tức 1.548.449. Người Việt ở Cali là 581.946 nguời.
Tại Little Saigon ở Orange County, được coi thủ đô của VNCH nối dài, thành trì chống cộng của thế giới tự do và tiền đồn chống cộng ở Đông Nam Á, có đến 3 chính phủ và ba ban đại diện cộng đồng. Mặc dầu lực lượng hùng hậu như thế, nhưng khi nhóm VietWeekly chưa đến 10 người nổi lên ủng hộ Hà Nội giữa phố Little Saigon, chọc tức các đoàn thể chống cộng và cộng đồng mà chẳng ai làm gì được. Trong khi đó, các “chiến sĩ chống cộng” vẫn tiếp tục chụp mũ nhau không ngừng nghĩ trên các diễn đàn.
Rất nhiều “nhân tài” của người Việt đang chuẩn bị ra tranh cử các chức vụ dân cử tại địa phương, thành phố, tiểu bang và có thể liên bang, trong các cuộc bầu cử sắp đến. Mục tiêu được mô tả là để bảo vệ và nói lên tiếng nói của cộng đồng. Trái lại, chúng tôi không thấy có một tổ chức chính trị nào của người Tàu hoạt động ở đây và không nghe nói họ sẽ đưa ai ra tranh cử.
Tôi nhớ lại trong cuộc bầu cử Tổng Thống Mỹ năm 2004, lúc đó liên danh George W. Bush đang tranh với liên danh John Kerry. Tôi có nhờ ông Tăng Kiến Hoa dẫn đến gặp một vài bang trưởng Tàu xem họ bầu cho ai. Họ cười và nói: “Quy luật bầu cử là phù thịnh bất phù suy”. Cứ thấy ai chắc thắng là đóng tiền cho người đó, không cần biết đường lối họ như thế nào. Họ đã nhận tiền là khi đắc cử họ sẽ giúp mình. Nếu hai người ngang ngữa, đóng tiền cho cả hai. Tôi hỏi người Tàu không có ai ra tranh cử dân biểu hay nghị sĩ gì sao. Họ cũng cười và nói: Người mình có vào được quốc hội cũng chẳng làm được chuyện mình muốn. Cứ thấy người nào có thế lực là đóng tiền cho người đó.
Thì ra người Tàu bầu cử bằng tiền chứ không phải bầu cử bằng phiếu như người Việt!
Tôi nhớ lại trong cuộc bầu cử năm 2000, vì hai liên danh George W. Bush và Albert A. Gore ngang ngữa, nên người Tàu đóng tiền cho cả hai. Tây An Tự và Thiền Sư Thanh Hải ở Los Angeles đã đóng tiền cho liên danh Gore nhưng lập danh sách giả những người góp tiền, bị đổ bể nên chúng ta mới biết được.
Chúng ta không mong người Việt có những nhà phát minh làm thay đổi nhân loại như John V. Blankenbaker (phát minh ra máy vi tính 1971), Bill Gates, Steve Jobs…, chúng ta chỉ mong người Việt biết quan tâm đến nhũng thiện ích chung nhiều hơn. Nhưng điều này quá khó. Đúng như người Mỹ đã nhận xét:
“Người Việt vì những lý do vớ vẫn, có thể hy sinh những mục tiêu quan trọng vì lợi ích của những mục tiêu nhỏ (như kiếm chút danh chẳng hạn) [sacrifice important goals for the sake of small ones]
Người Việt thích tụ tập nhưng thiếu nối kết để tạo sức mạnh. Một người có thể hoàn thành một nhiệm vụ xuất sắc; 2 người làm thì kém, 3 người làm thì hỏng việc!
Nhiều người vẫn hy vọng thế hệ sắp đến, không bị vướng mắc với quá khứ, học được nhiều cái hay của xứ người, sẽ đưa cộng đồng và đất nước đi vào một hướng đi mới tốt đẹp hơn.
Ngày 21.12.2017
Lữ Giang
“when small, they study because of their families;’ ‘When they are young’ mới đúng văn phạm chứ. Cũng có thể tỉnh lược bằng cách nói ‘When young.” Không biết tôi đúng hay sai?
[…] Giang (ĐCV) – Chúng ta đã từng đọc cuốn “Người Trung Quốc xấu xí” dày 116 trang của […]