Chiến tranh Putin-Ukraine

0
Ngôi nhà ở Kiev.

1) Diễn tiến chiến tranh tại Ukraine

Chỉ vài giờ sau các cuộc hội đàm thượng đỉnh với các nguyên thủ Quốc Gia Âu Châu thì vào tối hôm 21.2.2022 Tổng Thống Nga Vladimir Putin bất ngờ có một bài diễn văn dài một tiếng đồng hồ từ Điện Kremlin. Trong bài phát biểu Putin tỏ vẻ giận dữ về những tiến trình lịch sử của Liên Bang Xô Viết và cho là Ukraine hoàn toàn do nước Nga tạo ra. Putin trách Lenin đã hào phóng thả lỏng chủ nghĩa dân tộc trong nền tảng nhà nước Xô Viết đưa đến hậu quả tan rã Liên Bang Xô Viết vào năm 1991. Putin kết tôi Ukraine nay theo chủ nghĩa phát xít dân tộc cực đoan và tự ý tách rời khỏi mẫu quốc Nga. Putin than phiền tiếng Nga và văn hóa Nga bị mai một tại Ukraine. Putin tóm lại tội của Ukraine là đòi hưởng đặc quyền mà không chịu bất kỳ nghĩa vụ nào đối với nước Nga chẳng hạn như từ chối giúp Nga năm 1991 để trả một món nợ quốc tế 100 tỷ USD của Liên Xô và vu cáo tội diệt chủng cho chính quyền Ukraine, đồng thời chê bai hệ thống nhà nước của Ukraine về mọi phương diện, đặc biệt cho đó là một nhà nước hư cấu. Ngoài ra Putin cũng kết án Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương NATO nặng nề vì một số cựu chư hầu Xô Viết cũ nằm sát mạn sườn Nga đã gia nhập NATO và nghi ngờ Ukraine cũng lăm le bước vào.

Ít tiếng đồng hồ sau đó Putin lại làm cho thế giới thêm một bất ngờ với tuyên bố công nhận sự độc lập của hai vùng ly khai Donezk va Lugansk để tạo danh chính ngôn thuận cho 150 ngàn quân Nga, vốn đã đóng quân cả tháng trời tại biên giới Nga-Ukraine, ngang nhiên tiến vào lãnh thổ Ukraine. Điều này minh chứng sự lật mặt xảo quyệt của một tay cựu sĩ quan tình báo KGB đặt dân chúng Ukraine và toàn thế giới vào tình trạng báo động.

Thế giới tự do đã tỏ ra phẫn nộ vì Putin đã rắp tâm xâm lăng Ukraine, công khai vi phạm quyền dân tộc tự quyết và quyền bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ của một quốc gia khác. Putin không thể níu kéo thời gian để trở lại thời kỳ vàng son Liên Bang Xô Viết, không thể bắt người dân quốc gia láng giềng phải sử dụng ngôn ngữ và văn hóa của nước mình, không thể xem các quốc gia lân cận là chư hầu để chen vào phá bĩnh các quyết định chính trị kinh tế của dân chúng họ.

Tuy Ukraine có một giai đoạn từ 1922 đến 1991 nằm trong đế chế Liên Bang Xô Viết , nhưng dân tộc và đất nước này đã trở thành một quốc gia độc lập từ trên 30 năm nay và có một lịch sử hình thành từ cả ngàn năm. Putin không thể ngang nhiên dựng chuyện để gây chiến.

Các nước phương Tây không phải chịu trách nhiệm cho sự tan rã của Liên Bang Xô Viết và sự giải thể của Liên Minh Warschau ( 1.7.1991), một liên bang quân sự mà Nga cầm đầu để đối trọng với khối Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương NATO của Âu Mỹ. Mặc cảm suy yếu đã đưa Putin vào nỗi hoảng loạn giận dữ mặc dù nước Đức dưới thời Thủ Tướng Merkel đã tỏ thái độ hòa hoãn tối đa với Putin, kể cả việc bỏ ngoài tai các chỉ trích để mua khí đốt với lượng lớn của Nga, tạo nguồn tài chánh đáng kể cho Putin đến tận ngày nay.

Sáng ngày thứ năm 24.2.2022 Putin bồi thêm một bài diễn văn tuyên chiến chính thức với Ukraine.

Trong bài diễn văn thứ hai này người ta chú ý đến hai cụm danh từ vu cáo Ukraine, thứ nhất là tội diệt chủng (Genozid) và chủ nghĩa phát xít dân tộc cực đoan cần phải phá bỏ (Entnazifizierung). Đó là những danh từ mà phe ủng hộ Putin thường nhai lại để miệt thị dân tộc Ukraine.

Tội diệt chủng mà Putin gán ghép cho quân đội Ukraine dựa vào cuộc chiến do phe ly khai vùng Donbass thuộc miền đông Ukraine với sự yểm trợ vũ khí quân sự của Nga gây ra từ tháng 5/2014, cuộc chiến này kéo dài đến hôm nay đưa con số tử vong hai bên lên đến 14 ngàn người. Báo chí phương tây phân tích là nếu thực sự quân đội Ukraine thực hiện cuộc chiến tranh diệt chủng tại hai vùng Donezk và Lugansk thì tại sao sau 8 năm các chiến quân ly khai thân Nga vẫn còn kiểm soát được hai vùng này.

Ngoài ra danh từ Phát xít mà Nga đã dùng để gán ghép vu cáo chính quyền đương nhiệm Ukraine có nguồn gốc từ đệ nhị thế chiến. Phát xít nguyên thủy là tên gọi của hai chế độ độc tài tại Ý dưới sự lãnh đạo của Benito Mussolini và tại Đức của Adolf Hitler. Quả thực trong thế chiến thứ hai này Liên Xô đã có một cuộc chiến tranh kinh hoàng với phe phát xít với số tử vong lên đến 25 triệu người . Do đó trong tâm khảm người Nga luôn ghi nhớ hình ảnh khủng khiếp về cuộc chiến này và Putin đã lạm dụng ngôn từ phát xít trong diễn văn tuyên bố chiến tranh với Ukraine để kích động dân chúng Nga. Chúng ta biết rõ tại các nước ở Âu Châu và ngay cả tại Nga luôn có sự hiện hữu của nhóm cực hữu mà Nga thường gọi là nhóm phát xít. Tại Ukraine đảng phái chủ trương cực hữu không đat được ngưỡng 5% nên không được lọt vào quốc hội Ukraine. Ngược lại Tổng Thống Ukraine Wolodymyr Selenskyj vốn có nguồn gốc Do Thái và đã đắc cử vào năm 2019 với tỷ số 73%. Những điều kể trên chứng tỏ các luận cứ của Putin đưa ra là sai trái hoàn toàn.

Do lường trước phản ứng của thế giới tự do nên trong bài diễn văn thứ hai Putin đã nghiến răng buông những lời đe dọa là nếu ai can thiệp vào hành động tấn công của Nga thì sẽ phải bị trừng phạt bởi những biện pháp gây ra hậu quả chưa từng có. Tuy Putin không nói thẳng ra nhưng người ta hiểu lời đe dọa hàm ý sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân khi bị thế giới phản công.

Trong bài diễn văn thứ hai Putin, đã đặt cho đoàn quân xâm lăng của mình những tên gọi mỹ miều là một đoàn quân có công vụ đặc biệt (Sonderoperation) và là một đoàn quân có sứ mạng hòa bình (Friedenkommission ); thuật ngữ chiến tranh bị Putin hoàn toàn phủ nhận và mới đây Quốc Hội Nga đã ra luật bỏ tù 15 năm cho những ai sử dụng danh từ này khi nói về cuộc chiến ở Ukraine.

Bài diễn văn được xem như là một phát lệnh tấn công từ Kremlin , vì ngay sau đó đoàn quân Nga đã từ vùng tự trị đông Ukraine , từ biên giới Nga Ukraine và biên giới Bellarus Ukraine tấn công như vũ bão vào các phần đất của Ukraine với mục đích giải thể toàn bộ hệ thống quân sự Ukraine (Entmilitarisierung) . Ngay trong những giờ đầu các căn cứ quân sự không quân của Ukraine bị tàn phá và chiến tranh bùng nổ khắp nơi trên lãnh thổ Ukraine. Tổng Thống Ukraine Wolodymyr Selenskij phát lệnh chiến tranh phòng thủ toàn quốc, kêu gọi tổng động viên đồng thời kêu gọi sự hỗ trợ của các nước yêu tự do và hòa bình. Ngay khi đó tại Moskau diễn ra cuộc biểu tình chống chiến tranh Ukraine đưa đến việc người Nga bị bắt hôm đó lên đến 1.700 người.

Cuộc chiến trải trên diện rộng trên lãnh thổ Ukraine với những đội quân bộ binh, không quân, thủy quân, lực lượng nhảy dù, xe tăng thiết giáp, vũ khí hạng nặng…của Nga và sự hô hào áp đảo của Putin là sau 48 tiếng thủ đô Kiev sẽ hoàn toàn bị thâu tóm.

Sự phô trương lực lượng của quân Nga không làm cho người dân Ukraine chồn bước. Chỉ là một nước nhỏ với 600 ngàn kilomét vuông và 44 triệu dân số nhưng người Ukraine kiên cường đứng bên cạnh Tổng Thống Wolodymyr Selenskyj quyết liệt chống lại sự xâm lăng của quân Nga. Họ không những bảo vệ quê hương họ , mà họ còn là những người bảo vệ các giá trị thiêng liêng của nhân loại.

Cuộc chiến không cân sức ở Ukraine đã làm thức tỉnh giấc mơ hòa bình của loài người, một giấc mơ tưởng đã thành tựu khi cuộc chiến tranh lạnh đã chấm dứt sau khi Liên Minh Warschau tan rã chính thức vào ngày 1.7.1991.

Cuộc chiến khiến thế giới hướng toàn diện về Ukraine và đứng lại gần nhau hơn. Thế giới phản ứng quyết liệt với Nga, phong tỏa tài chính kinh tế , phong tỏa bầu trời, cô lập chính trị văn hóa thể thao thông tin điện tử…và phá bỏ cả những quy ước quốc gia như Đức và Phần Lan để cung cấp vũ khí tự vệ cho kẻ yếu thế, những đoàn quân tình nguyện quốc tế cũng đến góp sức với quân dân Ukraine.

Tất cả khả năng để giúp Ukraine đã được tận dụng, nhưng NATO vẫn đứng ngoài. Khối Liên Minh Phòng Thủ Bắc Đại Tây Dương NATO vẫn thúc thủ trong trạng thái phòng vệ và đó là điều chứng minh cho kẻ thủ ác Putin và phe phái thấy sự giàn dựng đổ lỗi cho NATO là vô căn cứ.

2)Bàn về vai trò NATO

Putin quả quyết trong bài diễn văn gây hấn hôm thứ hai 21.02.2022 là vào đầu thập niên năm 1990 đã có lời hứa là “ NATO sẽ không di chuyển một ly về phía đông” . Đây chỉ là một nửa sự thật vì năm 1990 ngoại trưởng Hoa Kỳ James Baker, Tổng Thống Đức Helmut Kohl và Ngoại Trưởng Đức Hans-Dietrich Genscher chỉ bàn với Michail Gorbachow về chuyện mở rộng NATO trên phần đất của Đông Đức cũ mà thôi. Sau đó một bản thỏa ước hai cộng bốn ( der Zwei-plus-Vier-Vertrag ) đã được ký kết vào tháng 9 năm 1990 giữa phe Tây/Đông Đức và phe Đồng Minh Pháp, Liên Xô, Anh, USA ; trong đó ghi Tây Phương sẽ không đóng quân NATO và không đặt hỏa tiễn nguyên tử trên vùng đất Đông Đức cũ. Với thỏa ước này nước Đức đã chấm dứt quyền và nhiệm vụ của 4 phe Đồng Minh trên toàn nước Đức để mở đầu cho việc thống nhất nước Đức.

Cũng nên nhắc lại là tiến trình đổ vỡ của khối Liên Xô chỉ bắt đầu sau khi dân chúng Litauen qua một cuộc trưng cầu dân ý đã chọn thể chế độc lập tách ra khỏi Liên Bang Xô Viết vào tháng 2/1991. Không lâu sau đó Liên Minh Warschau (gồm 8 nước gầy dựng nên là Liên Xô, Rumänien , Ba Lan , Bulgarien , Tiệp Khắc , Ungarn và Đông Đức) tự giải tán. Sự mở rộng NATO về phía đông Âu Châu hoàn toàn là do quyết định của các nước xin gia nhập vì dân chúng các nước này cảm thấy bất an trước sự đàn áp dã man của quân đội Nga đối với những lực lượng đòi tự trị tại Moldau, Georgien và Tschetschenien vào những năm đầu thập niên 1990. Riêng khối NATO đã rất dè dặt với quyết định này và chỉ mở lòng khi Tổng Thống Nga Boris Jenzin đồng ý ký một thỏa ước NATO-Russland-Grundakte ngày 27.5.1997 , trong đó xác định cả hai bên tôn trọng chủ quyền độc lập của tất cả các quốc gia và Nga không có quyền phủ quyết sự gia nhập NATO của các nước khác , ngược lại NATO sẽ không đặt vũ khí nguyên tử tại các nước Đông Âu mới gia nhập NATO và Moskau sẽ nhận được yểm trợ kinh tế rộng rãi cũng như sẽ được gia nhập khối của những nước kỹ nghệ hàng đầu G7. Ngày 12.3.1999 Ba Lan , Cộng Hòa Séc và Hung ( Ungarn ) gia nhập chính thức NATO, tiếp theo là Bulgarien Estland, Lettland, Litauen , Rumänien, Slovakei và Slovenien gia nhập ngày 29.3.2004 , theo sau là Albanien Kroatien 1.4.2009, Montenegro 5.6.2017 và Nordmazedonien 27.3.2020. Tổng cộng NATO có 30 nước tham gia.

Ngày 2.4.2004 , tức là ba ngày sau khi ba nước Litauen , Lettland và Estland thuộc khối Liên Xô cũ gia nhập NATO , chính Putin đã ca ngợi “diễn biến tích cực” của các tương quan giữa Nga và NATO, người ta còn ghi lại được hình ảnh Putin đứng mỉm cười bên cạnh Thủ Tướng Đức Gerhard Schröder trong cuộc họp báo chung vào ngày đó.

3)Những hành động thách thức của Putin

Bây giờ Putin phủ nhận những gì đã diễn biến từ năm 2004, phủ nhận cả hiệp ước đình chiến Minsk để dùng bạo lực chiến tranh tiến đánh Ukraine, đòi sát nhập vùng Donbas, bán đảo Krim vào nước Nga và đòi triệt tiêu chính quyền dân cử và toàn quân đội của Ukraine.

Trước phản ứng mạnh mẽ của thế giới , ngày 27.2.2022 Putin tuyên bố một lần nữa là đã đặt các lực lương hạt nhân chiến lược hạt nhân chiến lược Nga vào tình trạng báo động. Lời đe dọa này tuy đã được Putin nghiến răng đe dọa gián tiếp trong diễn văn khiêu chiến ngày 24.2.2022 , ba ngày sau đó vì cuộc chiến không dễ dàng và thuận lợi như mong muốn , Putin lại tung thêm tiếp lời đe dọa chiến tranh nguyên tử một cách rõ rệt hơn.

Viện Nghiên Cứu Hòa Bình Quốc Tế Stockholm SIPRI đã thống kê rằng Nga sở hữu 6.255 đầu đạn hạt nhân so với 5.550 đầu đạn của Hoa Kỳ. Trung Cộng chỉ có 350 đầu đạn và Pháp với 290 đầu đạn. Thế giới đã chỉ trích kịch liệt sự hung hãn của con gấu sa lầy Putin và tin rằng Putin không thể một thân chống lai cả nhân loại. Hôm thứ tư ngày 2.3.2022 hãng Thông Tấn RIA lại trích dẫn lời cảnh cáo của ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov là „chiến tranh thế giới thứ 3 sẽ liên quan đến vũ khí hạt nhân và dẫn đến hủy diệt “

Ngày 1.3.2022 người đứng đầu Hội Đồng Quốc Phòng và An Ninh Quốc Gia Ukraine là ông Oleksiy Danilov cho biết một nhóm chiến binh Tschetschenien được cử đến để ám sát Tổng Thống Volodymyr Selenskyj đã bị phát hiện và truy diệt tại Hostomel; điều này cũng được Kadyrov , lãnh tụ Tschetschenien thừa nhận . Tschetschenien , vốn là chư hầu trong khối Liên Xô cũ, là một nước nhỏ với diện tích 16 ngàn kilomét vuông và có 1,4 triệu dân số, thủ đô là Grozny, lãnh đạo là Ramzan Kadyrov, một kẻ trung thành với Putin và được Kremlin tín nhiệm để duy trì trật tự ở Tschetschenien.

Sau 8 ngày tàn phá Ukraine mà vẫn chưa đạt được mục đích và Putin đã mất một thiếu tướng chỉ huy đơn vị đặc biệt tên là Andrey Sukhovetskiy cùng 9 ngàn quân ( thống kê của Ukraine ), ngày 3.3.2022 Putin lại xuất hiện đọc một diễn văn mà nội dung chính là hướng về nước Nga với những bảo đảm tài chánh cho những quân nhân hy sinh trên chiến trường Ukraine và bên cạnh vẫn là những lời đòi hỏi Ukraine phải khuất phục giải tán quân đội.

Để chứng minh cho lời đe dọa của mình , ngày 4.3.2022 Putin đã không ngần ngại cho pháo kích vào nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia, một nhà máy điện hạt nhân ở Ukraine lớn nhất tại Châu Âu có đến 6 lò phản ứng VVER trên tổng số 15 lò phản ứng toàn Ukraine. Nhưng rất may là chiếc hỏa tiễn chỉ rơi vào tòa nhà bên cạnh.

4) Putin và nước Nga

Wladimir Putin sanh năm 1952 tại Nga. Ông ta tốt nghiệp đại học Luật tại Đại Học Tổng Hợp Leningrad , trở thành sĩ quan tình báo cơ quan An Ninh quốc gia KGB từ năm 1975 và có một thời phục vụ tình báo tại Dresden từ tháng 8/1985 đến khi Đông Đức sụp đổ tháng 11/1989 . Năm 1990 Putin trở về Liên Xô và được Boris Jelsin chọn làm thủ tướng vào tháng 8 năm 1999 và trở thành Tổng Thống thứ hai của Liên Bang Nga thời hậu Xô Viết với hai nhiệm kỳ 2000-2004 và 2004- 2008. Do luật hạn chế không cho một Tổng Thống chấp chánh quá 2 nhiệm kỳ nên Putin lui về làm Thủ Tướng Nga từ 2008 đến 2012. Từ năm 2012 đến nay Putin trở lại ngôi vị Tổng Thống gồm nhiệm kỳ 3 ( 2012-2018) và nhiệm kỳ 4(2018-2024). Ngoài ra Putin cũng đang chuẩn bị sửa luật để có thể ngồi ghế Tổng Thống Nga trọn đời.

Putin từng là đảng viên đảng Cộng Sản Liên Xô (1975-1991), sau đó gia nhập đảng Nước Nga Thống Nhất từ 2008 đến 2012 , cuối cùng Putin tuyên bố là mình không thuộc đảng phái nào từ 2012 đến nay.

Tuy hiện tại Putin không phải là người cộng sản nhưng Putin chính là một quái thai đươc hình thành từ trong lòng chủ nghĩa cộng sản đầy dối trá bạo lực và được nuôi dưỡng trong môi trường tình báo KGB đầy thủ đoạn ác độc . Sau đây là một vài thảm án có bàn tay vấy máu của Putin trong vô số tội ác mà Putin đã tạo nên từ khi chấp chánh năm 1999 .Trước hết là vụ Alexander Litwinenko , cựu nhân viên tình báo Nga KGB, từ 2003 bỏ hàng ngũ sang cộng tác với tình báo Anh và trở thành người chỉ trích Putin. Ông ta đã bị đầu độc bằng chất phóng xạ Polonium và chết năm 2006. Kế tiếp là vụ ám sát lãnh tụ đối lập nổi tiếng Boris Nemtsov vào tháng hai 2015 , trước khi bị hạ sát ông Nemtsov đã cho thu băng lời tố cáo Putin là một tên dối trá bệnh hoạn. Sau đó là vụ cựu sĩ quan Nga Sergei Skripal và con gái Julija bị đầu độc bằng vũ khí hơi độc chứa độc tố thần kinh vì tội làm gián điệp cho Anh vào năm 2018 nhưng đươc kịp thời cứu sống cả hai. Vụ thứ tư là Selim Changoschwili, người Tschetschenien và từng chỉ huy quân đội chống lại Nga nên bị truy nã về tội khủng bố , bị một nhân viên tình báo Nga bắn chết giữa Berlin năm 2019, Vụ mới nhất xảy ra năm 2020 với nhà chính trị đối lập Nga Alexei Nawalny bị đầu độc bởi một độc tố thần kinh (Nervengift der Nowitschok Gruppe)và được đưa tới Berlin điều trị thành công. Sau khi xuất viện ông trở lại Moskau và bị Putin kết tội khủng bố với bản án tù sáu tháng.

Putin ngang nhiên tự tung tự tác như một lãnh chúa bất chấp luật lệ và sự quan tâm của các quốc gia trên thế giới. Những ngày gần đây đã có những tiếng nói từ Mỹ và Âu Châu trách một số quốc gia có chính sách quá thông thoáng với Putin sau khi đế chế Liên Xô sụp đổ, để ngày nay Putin vùng mình trỗi dậy đòi sắp đặt lại trật tự mới ở Âu Châu và đe dọa cả nền hòa bình thế giới.

Phải nhấn mạnh là nước Nga có diện tích lớn đến 17 triệu kilomét vuông với dân số trên 144 triệu người , nhưng GDP của Nga chỉ bằng GDP của nước Tây Ban Nha và không có nền kỹ nghệ sản xuất nào đáng kể ngoài sản xuất vũ khí chiến tranh kể cả vũ khí hạt nhân và công nghiệp vũ trụ. Nguồn tài chánh chính yếu của Nga chỉ lệ thuộc vào những sản phẩm trời cho trong lòng đất gồm dầu mỏ, khí đốt và quặng mỏ.

Tóm lại

Cuộc chiến xâm lăng của Putin vào Ukraine vẫn đang tiếp diễn khốc liệt với những vũ khí sát thương có độ hủy diệt đáng sợ như bom áp nhiệt của Nga dội vào các khu dân cư , người dân Ukraine vẫn can trường không thần phục bạo chúa Putin. Đã có hai buổi đàm phán giữa phe Putin và Ukraine, nhưng hai bên vẫn chưa tìm được một tiếng nói chung . Trong khi phe Putin vẫn khăng khăng triệt hạ quân đội và chính phủ Ukraine thì phe Ukraine yêu cầu quân đội Nga phải ngừng bắn phá và phải công nhận chính quyền hiện tại do dân chúng Ukraine bầu lên. Ngày 5.3.2022 Bộ Quốc Phòng Nga tuyên bố sẽ mở các hành lang nhân đạo trong vòng 50 tiếng đồng hồ tại hai thành phố của Ukraine là Mariupol và Volnovakha với sự thỏa thuận của chính quyền Ukraine, tuy nhiên điều này không được thực hiện như mong đợi.

Phương tây đã hành động đến mức có thể từ các biện pháp chế tài Nga, viện trợ vũ khí nhân lực cho quân đội Ukraine, viện trợ nhân đạo cho dân chúng Ukraine…Không ai lường được cuộc chiến sẽ kéo dài bao lâu, diễn tiến sẽ còn trầm trọng đến mức nào.

Tuy nhiên, trước sự hung hăng như côn đồ thảo khấu của kẻ nắm giữ vũ khí hạt nhân thì sự kiềm chế leo thang chiến tranh và sự cân nhắc phương kế phản công khôn ngoan và thiết thực nhất vào lúc này cũng rất quan trọng. Con ngựa bất kham không thể một mình chống lại cả thế giới , nhưng không ai muốn con người phải lao vào đổ máu chết chóc chỉ vì một kẻ điên cuồng.

Mặc dầu NATO không phong tỏa không phận Ukraine theo yêu cầu của Tổng Thống Ukraine Selenskyj để tránh chiến tranh lan rộng, nhưng các nước phương tây sẽ không dễ dàng bị Putin khuất phục. Dân chúng Nga cũng không đồng tình với Putin về cuộc chiến xâm lăng này, số người tại Nga bị bắt vì biểu tình chống chiến tranh lên đến cả chục ngàn người kể cả trẻ em khiến Putin run sợ và cấm toàn bộ các hệ thống truyền thông tây phương trình chiếu tại Nga để bịt mắt dân chúng.

Chúng ta hãy tiếp sức cho Ukraine trong khả năng của mình và hãy cầu nguyện cho dân tộc và đất nước Ukraine kiên cường.

Berlin , 5.3.2022

Hoàng Thị Mỹ Lâm

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên