Chiến lược đá phiến và an ninh Biển Đông

0
Ảnh mang tính minh họa. Nguồn Internet

 

Nhờ vào dầu đá phiến nên Hoa Kỳ vào thập niên trước đây phải nhập cảng 57% dầu thô nay chỉ còn 20% [1]. Đến năm 2022 Mỹ có thể trở thành nước xuất cảng khí hóa lỏng hàng đầu trên thế giới [2]. Hai sự kiện này có khả năng làm thay đổi khung cảnh địa chính trị toàn cầu, cho đến nay một chiến lược mới về dầu hỏa tuy chưa định hình nhưng đang được các chuyên gia chú tâm nghiên cứu [3].

Cụ thể là chính sách ngoại giao và quốc phòng của Mỹ từ sau thập niên 1970 đặt trọng tâm vào an ninh của hai con đường hàng hải huyết mạch vận chuyển dầu thô theo ngã Địa Trung Hải – Đại Tây Dương và Địa Trung Hải – Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (trong đó có biển Đông).

Nay Hoa Kỳ tiến gần đến tự túc về nhiên liệu thì giá trị chiến lược của hai thủy lộ này cũng theo đó giảm dần. Nói cách khác Mỹ có thể sẽ yêu cầu những quốc gia nằm dọc theo hai đường biển này (trong đó có Việt Nam) phải chia sẻ trách nhiệm và chi phí duy trì an ninh thay vì cáng đáng phần lớn như trước đây [4].

Tưởng nên so sánh kế hoạch Nhất Đới Nhất Lộ của Bắc Kinh hiện giờ với hai đường biển nói trên: cả hai tuy rất khác biệt nhưng nhằm chung mục đích bảo đảm an ninh nhiên liệu và thương mại cho hai nền kinh tế lớn nhất và nhì trên thế giới. Trong khi Trung Quốc ngày càng mua thêm dầu thô nhập cảng từ bên ngoài thì Hoa Kỳ lại nhanh chóng thoát ra khỏi sự lệ thuộc đó.

Ngược lại Nhật và Nam Hàn có được hậu cần tiếp tế thứ nhì từ Mỹ qua ngã Thái Bình Dương trong trường hợp Ấn Độ Dương và Biển Đông bị phong tỏa. Âu Châu và các nước cận Nga có thêm nguồn cung cấp khí hóa lỏng qua Đại Tây Dương nếu bị Nga bắt chẹt như từng làm năm 2013.

Một ưu điểm quan trọng khi dầu đá phiến chỉ cần vài chục triệu USD và một hai năm để khai thác quặng mỏ mới thì dầu trên biển hay dưới tuyết thường tốn trên 500 triệu USD và hàng chục năm trời mới bắt đầu sản xuất (đây là chưa tính đến các rủi ro chiến tranh hay thiên tai).

Cho nên dầu đá phiến được ví như nhiều vòi nước nhỏ, khi cần thì nhanh chóng vặn lên còn không thì bớt lại theo nhu cầu của thị trường quốc tế. Nhờ vậy Hoa Kỳ và thế giới đã không trải qua cuộc khủng hoảng nhiên liệu khi có biến động chính trị ở những quốc gia sản xuất dầu hỏa quan trọng như Venezuala và Lybia.

Đây là bàn cờ lớn với ảnh hưởng toàn bộ thế giới trong thập niên tới đây.

—————————–

[1][2] All hail the shale. The Economist, 03/17/2018

[3] Windfall: How the New Energy Abundance Upends Global Politics and Strengthens American’s Power. Meghan O’Sullivan, 2017

[4] Shale 2.0 – Is there a geopolitical dark side? National Interest 02/28/2018

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên