Chị H Duen Niê: “Chạy trốn thôi, sống chết thế nào không cần biết nữa

2
Gia đình chị Duen Niê tới Canada

Đó là cách chị H Duen Niê nói về việc trốn chạy sang Thái Lan năm 2019, sau nhiều năm ròng rã bị đàn áp từ đời cha đến đời con.

Chị sinh năm 1991, là người Êđê theo đạo Tin Lành.

Ngày 28/11/2024 vừa qua, chị cùng gia đình đã được đặt chân đến Toronto, Canada và được một nhóm các nhà hảo tâm ở địa phương đón tiếp nồng hậu tại phi trường.

Cha bị đánh, “xương đâm vô thịt”

Tại Việt Nam, chị H Duen Niê sống ở buôn 4, xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk.

“Bố tôi bị bắt năm 2001 và bị giam 7 tháng 23 ngày. Sau đó được thả ra, bị án treo 2 năm”, chị cho biết.

Gia đình chị theo đạo Tin Lành. “Gia đình tôi chỉ có nhóm trong nhà thôi, nhóm tư gia của mình thôi. Lúc đó họ bắt ép gia đình không được nhóm, nhưng gia đình chúng tôi chống đối lại, chúng tôi vẫn nhóm bình thường, nên họ buộc tội bố tôi là người chống đối nhà nước.”

Năm 2001, như rất nhiều người Thượng khác ở Đắk Lắk, cha chị tham gia biểu tình đòi nhân quyền, đòi tự do tôn giáo.

“Trong thời gian đi tù, họ đánh nên xương bị đâm vô thịt… Xương sườn. Làm việc nặng thì thở khó khăn,” chị kể về cha mình. “Trong thời gian đó, họ giam trong ngục tối, không thấy ánh sáng nào hết. Họ giam giữ và đánh đập rất nhiều. Trong miệng cũng lủng luôn… Lủng ngay má. Uống nước ăn cơm, nó rơi ra hết.”

Sau khi ra tù, cha chị liên tục bị theo dõi, liên tục bị “mời” tham gia các lớp “học chính trị”, bị xem là “chống lại chính quyền Việt Nam” chỉ vì theo đạo Tin Lành. “Bố tôi nói là tôi chỉ cần có tự do về tôn giáo và tự do về con người thôi, chứ không có ý định lật đổ chính quyền, ĐCS Việt Nam.”

Năm 2008 ở Đắk Lắk lại y lên đợt biểu tình, cha mẹ chị định tham gia nhưng chưa đi đã bị công an bắt giữ và đánh đập tra hỏi.

“Tôi nhớ là [họ giữ] khoảng 4 ngày.” Chị kể có thấy “bầm tím trên cơ thể” và “chảy máu mũi.”

Mẹ cũng bị đánh đập

Chị H Duen Niê cho biết mẹ mình cũng bị giam giữ và đánh đập năm 2008.

Vừa chùi nước mắt, chị vừa kể “Sau khi tra tấn, họ bắt mẹ tôi ăn cơm, mẹ tôi không ăn thì họ ép. Khi mẹ tôi trở về, sau một thời gian, mẹ tôi bị bệnh và đi lại khó khăn. Sau đó thì mọc cái u ngay cổ. Gia đình tôi chạy chữa rất nhiều, bệnh viện nào cũng nói một câu rằng mẹ tôi bị trúng độc… Chúng tôi cố gắng chữa chạy, tiêm thuốc giảm đau, nhưng căn bệnh đó không có thuốc nào để chữa nên cuối cùng mẹ tôi bị liệt, không thể đi lại được… Nội tạng trong cơ thể thúi dần.”

Chúng tôi không thể kiểm chứng chi tiết trúng độc vì chị H Duen Niê không còn giấy tờ của bệnh viện. Nhưng chị nói trong nước mắt “Cục u bắt đầu như cục mụn, nó to dần, to dần, to bằng nắm tay… Mẹ tôi bắt đầu có khối u đó từ năm 2011. Từ 2008 đến 2011, mẹ tôi đi lại khó khăn. Sau đó thì thấy cục đó nổi lên ngay ở cổ… Mẹ tôi bị liệt từ năm 2016, tới năm 2018, tháng 7, thì mẹ tôi qua đời.”

Gia đình luôn bị theo dõi

“Công an cũng qua nhà, hỏi đi đâu làm gì… Họ luôn theo dõi [24/7]. Tôi đi mua thuốc cũng thấy họ đằng sau. Tôi đi bệnh viện cũng thấy họ ở bệnh viện. Tôi đi chợ cũng thấy họ ở chợ.”

Theo lời chị kể, trong nhiều năm gia đình đã bị công an thường xuyên theo dõi và vặn hỏi đủ điều chỉ vì theo Tin Lành tư gia.

Chị H Duen Niê nói “Trong thời gian đám tang của mẹ tôi, công an cũng qua nhà. Họ nói chúng tôi tập trung đông người, chúng tôi tuyên truyền những điều không đúng, tuyên truyền lật đổ chính quyền.”

“Bố tôi tìm cách trốn sang Thái Lan. Sau khi bố tôi sang Thái Lan, công an qua nhà, công an to tiếng và lục soát nhà tôi. Họ mời tôi lên ủy ban và đánh đập tôi, ép tôi ký vào cam kết bỏ đạo. Tôi không chấp nhận nên họ đánh tôi, tát vào mặt tôi, cầm cuốn sách đập vào đầu tôi.”

Sau này chị mới biết là khi đó cha chị sang chơi buôn Ea Khit, tới khi về thấy nhiều công an và sợ lại bị bắt nên trốn sang Thái Lan tháng 12/2018. Ở nhà, chị bị lục soát và tịch thu Kinh Thánh, bị theo dõi, bị tra hỏi và xem là “chủ mưu đưa bố sang Thái Lan”.

Bị “chặn hết đường sống”

“Mỗi ngày họ đều đứng trước nhà. Tôi làm gì, tôi đi đâu, họ đều canh [24/7]. Tôi thấy cuộc sống rất ngột ngạt,” chị kể. “Khi tôi đi làm, họ chặn xe tôi, họ nói tôi chống đối nhà nước, tôi theo FULRO. Những người xung quanh dần dần rời xa tôi và gia đình tôi… Tôi bị cô lập với xã hội. Khi tôi đi làm giấy tờ ở ủy ban, tôi muốn đi bệnh viện, muốn làm bảo hiểm y tế, họ nói hãy bỏ đạo đi, rồi tôi làm cho… Họ chặn hết con đường sống của tôi.”

Chị nói “Tôi cũng là con người, tôi cần sự tự do của con người, tự do về tôn giáo… Tôi chỉ muốn thờ phượng và sống một cuộc sống bình an, thờ phượng Chúa thôi. Nhưng tôi luôn bị ghép tội là tìm đường vượt biên và chống lại nhà nước… Những người xung quanh luôn tránh né, không muốn giao tiếp.”

Cuộc sống ngày càng ngột ngạt, ngày càng cảm thấy vô nghĩa. Một lần đang đi bán hàng và bị công an giục về có việc, do linh tính mách bảo, chị quyết định bỏ trốn. “Chỉ có con đường chạy trốn thôi, sống chết thế nào không cần biết nữa.”

Chị H Duen Niê trốn sang Thái Lan cùng chồng con ngày 20/5/2019.

Cuộc sống ở Thái Lan

Tại Thái Lan, cũng như bao người tỵ nạn và người xin tỵ nạn khác, họ có cuộc sống rất khó khăn. May thay, gia đình chị H Duen Niê được tổ chức Bangkok Refugee Centre giúp tiền nhà một năm, và được văn phòng CAP (Centre of Asylum Protection) nói giúp để con được đi học ở trường Thái Lan.

Chị H Duen Niê có quy chế tỵ nạn chính thức từ Cao ủy LHQ vào năm 2022.

Vì mọi người tỵ nạn sắp tái định cư đều phải trả tiền phạt để rời Thái Lan (trừ trẻ con), trong tháng 11/2024 vừa qua, BPSOS đã vận động được 600 USD (khoảng 20,000 baht) cho hai vợ chồng. Số tiền này là do một nhóm nhà hảo tâm ở Toronto quyên góp, và họ đã ra phi trường đón tiếp chị H Duen Niê và gia đình.

Tới Canada

Tháng 3/2024, khi phái đoàn công an Việt Nam sang Thái Lan tìm kiếm người tỵ nạn, trong đó có Thiếu tướng Rahlan Lâm (còn viết là Rah Lan Lâm), Giám đốc Công an tỉnh Gia Lai và Trung tá Y Lương Niê, Phó Trưởng phòng Công an đối nội tỉnh Đắk Lắk, chị không có mặt ở đó, nhưng công an cũng gọi chị qua Facebook. “Họ nói về đi, họ giục tôi và gia đình tôi về Việt Nam.”

Chị không về.

Ngày 28/11/2024 vừa qua, chị H Duen Niê cùng chồng và hai con đã đặt chân tới Toronto, Canada. Nhờ BPSOS liên kết và giới thiệu với cộng đồng người Việt tại đó, gia đình chị đang bắt đầu cuộc sống mới.

Cha chị và vài người thân khác vẫn đang tiếp tục ở Thái Lan, chưa có thông tin từ LHQ.

Hải Di Nguyễn

(Bài do Mạch Sống gửi đăng)

2 BÌNH LUẬN

  1. “Có đi mà không có về”,sẽ có một lúc VN hết công dân ! Đất nước gì mà kỳ la vây ?? Ai đả từng nuôi bồ câu (loai chim mà các nhà văn-nhà thơ..của CNXH chon làm biểu tường :”Nếu là cChim -Tôi sẽ là chim Bồ câu trắng…!”.Ừ ,thì là chim bồ câu !,nhưng ai đả nuối chim bồ câu thì biết,loai chim thường hay truyền -cảm-hứng! Lúc gia đình “thinh” ,thì nó sinh đẻ cưc kỳ nhanh ! Chẳng mấy chốc đây cả sân nhà . Lúc “suy” thì chúng lủ lươc bầy đàn ra đi ,không tiếc nuối! Chẳng mầy chốc ,cái chuồn n bố câu trống rổng.Câu chuyên kể ra để chúng ta cùng suy nghĩ.

  2. Ơ, thế không nghe lời Già Làng Nguyên Ngọc đi tiễu phỉ à . Oh, chính chị là phỉ mà Già Làng Nguyên Ngọc có nhịm zụ tiễu

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên