Tặng BS, Họa Sĩ, Bửu Long
Sau 75, có một từ lạ, là chỉ đạo nghệ thuật. Trang cuối của sách in, đều có tên người chỉ đạo, các đoàn hát, kịch, múa v.v. đâu đâu cũng có ông, gọi nôm na là “công an văn nghệ”, quyền uy họ lớn lắm, mục đích, như nhà văn Phan Khôi đã nói: “để biến tất cả loài hoa cúc, thành cúc vạn thọ” Cụ thể là hễ chỗ nào nghệ thuật bị chỉ đạo, thì không còn nghệ thuật. Chắc chắn như thế, chỉ đạo là chỉ đường đi, nhưng cán bộ chỉ đạo vốn mù, hoặc mù chữ, hoặc mù nghệ thuật. Khi họ chỉ đường, thì chỉ có nước đi xuống hố!
Cứ nhìn ngành hội hoạ ở miền bắc trước khi được cởi trói mà xem (bộ trước đó họ bị trói à, bị trói thì làm sao mà vẽ cà?) thấy mà rùng mình ớn lạnh.
Nhưng sau khi được cởi trói, không còn ông chỉ đạo, lập tức nghệ thuật thăng hoa. Cứ nhìn giá tiền những bức tranh của các họa sĩ VN, chưng bày trong các gallery ở Singapore, Hồng Kông, Đài Bắc thì biết giá trị của họa sĩ VN bây giờ.
Tôi có xem tranh của họa sĩ Hồ Hữu Thủ, ở Saigòn, anh rất dễ thương, chỉ cho tôi một bức sơn mài, anh đang làm cho một đại gia, giá 2 tỉ đồng VN (khoảng 1 trăm ngàn đô mỹ) ớn chưa?
Còn tranh và sơn mài của các ông Đỗ Quang Em, hay Nguyễn Lâm thì không rớ tới nổi, họ chẳng cần khách, nói họ chảnh thì không đúng, nói tranh họ mắc cũng sai. Nếu mắc thì không ai mua, người ta tranh nhau mua tranh của họ thì họ chảnh cũng phải, chí lí chưa?
Lúc trước, tôi lầm, nghĩ là chỉ trong chế độ CS mới có ông chỉ đạo. Nhưng ngược dòng lịch sử, thì bất cứ ở thời đại nào, hễ là chế độ toàn trị thì phải có ông chỉ đạo, mục đích là bảo vệ cho giai cấp thống trị. Thiệt không? Thiệt chớ, tôi xin chứng minh:
Ai mà không khâm phục nghệ thuật Hy La, tức nghệ thuật cổ Hy lạp, và nối tiếp là nghệ thuật La mã (roma). Người La mã coi Hy lạp là thầy. Sau khi La Mã toàn thắng Hy Lạp rồi, nghệ sĩ la mã vẫn tiếp tục lấy các tuợng hy lạp để copy, học hỏi, trước khi mở ra đường hướng mới cho mình.
Lúc đầu, nghệ sĩ hy lạp học cách tạc tượng của người Ai cập, vì Ai cập văn minh sớm hơn. Khi nhìn các bức tượng Kouros của Hy lạp, trong bảo tàng viện khảo cổ quốc gia Athène, ta sẽ thấy nó ngô nghê lắm, giống ông phỗng đá, không có hồn. Nhưng với thời gian, nhờ được tự do sáng tác, quan sát trong khu điêu khắc của bảo tàng viện Athène, các bức tượng, theo thứ tự thời gian, tựa như thoát ra từ các tảng đá hoa (marble) rồi đi, rồi nhảy, rồi chạy, rồi múa, và bay bổng!
Tiếp nối, bởi các danh tác về sau của nghệ thuật Roma, với vài bức tiêu biểu, trong hàng ngàn bức phải coi của nhân loại.
- Donatello với bức điêu khắc Marie Madeleine, tạc năm (1453-1455) chưng ở museo nazionale del Bargella ở Florence Ý, trên gỗ mạ vàng. Thiên tài của tác giả là làm thế nào để bắt khúc gỗ bày tỏ nỗi khổ đau của kiếp nhân sinh, tóc của Madeleine dính lệt bệt như không tắm gội, hố mắt lõm sâu, má hóp vì đói khát, môi mỏng hé mở cho thấy mấy cái răng gẫy, cái cổ trơ xương, tóc dài như giẻ rách, che tấm thân tiều tụy. Từ người bà toát ra vẻ khổ đau, làm động lòng khách thưởng ngoạn, thật là một tuyệt, tuyệt tác!
- Michel Angelo: với bức Pietà (1498-1499) mặc dù mới 23 tuổi đời, ông đã chứng tỏ tay nghề của bực thầy. Bức tuợng tả cảnh đức chúa Jesus, nằm trong vòng tay đức mẹ, sau khi được đem từ thập tự giá xuống. Nét mặt đức mẹ rất trẻ, so với vai trò mẹ chúa, vì Michel-Ange muốn diễn tả ra bà là thánh nữ đồng trinh. Còn chúa Jesus, một xác chết không hồn, thả lỏng trong vòng tay đức mẹ, rất đẹp. Vẽ mặt thánh nữ biểu lộ sự đau thương, buồn khổ, thật là một bức điêu khắc hài hòa, và rất tuyệt vời. Áo của đức mẹ rộng, các lằn xếp như thật. Sao mà khéo thế (tiếc thay, vì có tên khùng, dùng búa đập gãy chân của chúa, nên bức tượng ngày nay phải núp trong lồng kính!)
3- Bernini: với bức “Bắt cóc Proserpine”, diển tả cảnh diêm vương Pluto bắt Proserpine để ép làm vợ mình. Từ đá hoa, ta nghe như vọng ra tiếng kêu cứu của Proserpine, vẽ kinh hoàng hiện trên nét mặt của trinh nữ, với nước mắt ngưng đọng trên má đào mới đẹp làm sao! Các ngón tay của Pluto bám chặt vào đá, để lại các dấu hằn thật tuyệt!
Xem xong ba bức tượng, ta tự hỏi, người hay thiên thần được thượng đế sai xuống trần gian để thực hiện các bức điêu khắc tuyệt trần như vậy. Đấy là chứng minh hùng hồn khi nghệ thuật không bị chỉ đạo, sẽ đâm hoa, kết trái, thành các tác phẩm bất tử với thời gian.
Qua kinh nghiệm, khi đi du lịch, trong đoàn có hơn 90% du khách không muốn thăm các viện bảo tàng vì đa số nhìn mà chẳng thấy cái hay cái đẹp của tranh, của tượng. Khi hiểu và được giải thích, sẽ thấy thích thú vô cùng.
Khi thăm viện bảo tàng Le Caire Ai cập, nhìn bên đông, bên tây, hướng nam, hướng bắc, đầy các bức tượng thấy mà ngộp, lẫn lộn đủ thứ khác, không biết đâu mà rờ. Đấy là bọn thực dân Anh Pháp Mỹ Đức… đã ăn cắp nhiều rồi. Ai cập cứ đòi, họ cứ lì ra không chịu trả, nếu họ trả lại hết thì các bảo tàng viện phương tây còn gì để chưng, và viện bảo tàng Ai cập chỗ đâu mà chứa hết!
Chớ có hoảng, có một điểm chung là các tượng lớn có, nhỏ có, đều đứng, hoặc ngồi, dựa lưng vào một tảng đá granite, như bị nam châm hút, nét mặt nghiêm trang lạnh lùng, chớ không có ông pharaon nào được đi, nói chi tới chạy nhảy múa may, rồi bay bổng như nghệ thuật Hy la. Tại sao vậy? Ai cập là thầy của Hy lạp mà, họ thiếu điêu khắc gia có tài chăng? Lầm to, cứ nhìn bức tượng nắn người đẹp của muôn đời là Nefertiti, vợ của pharaon Akhenaton, người đã làm cuộc cách mạng, biến đổi tôn giáo ai cập thờ đa thần thành độc thần – thờ mặt trời Aton – chưng ở bảo tàng viện Ai cập ở Berlin (là cây đinh của viện bảo tàng, giống như La Joconde Mona Lisa của Louvre) thì sẽ thấy tài năng của các điêu khắc gia ai cập chẳng thua ai, chẳng qua vì các ông chỉ đạo – các pháp sư – nhiều vô số kể, là lực lượng phản nghệ thuật của Ai cập. Họ bắt các thợ đục của Ai cập cứ thế mà mần trong cả ngàn năm, “boring” lắm các ngài ạ! Nhìn một lúc là thấy chán, thấy ngán không muốn coi nữa.
Đến các bản khắc nổi khắc chìm trên đá (haut relief, bas relief) tạc hình các nam nữ nhìn ngang nhưng con mắt nhìn thẳng, chứ không tam giác như hiện thực. Sao lạ vậy? Tại vì các ông chỉ đạo bảo phải làm vậy chứ sao!
Qua các nước Á châu, Trung hoa ngày này, các đại gia Trung hoa nhiều tiền quá, họ tranh nhau mua lại các đồ sứ đem bán đấu giá mà tây phương đã ăn cắp, hoặc mua rẽ của họ trong quá khứ (giống như Nhật bản đã làm thời thập niên 60 sau khi họ đã giàu lên) Trung hoa mua lại bất cứ giá nào không cần đếm tiền, dẫu giá ngàn vàng. Cái bình Hồng Vũ (hiếm vì làm ít, biểu tượng màu hồng của niên hiệu vua nhà Minh Chu Nguyên Chương) không biết bao nhiêu chục triệu, cái chén nhỏ vẽ gà giá 36 triệu đô mỹ! Đây là một ngoại lệ của đồ sứ Trung hoa vì hình ảnh mấy chú gà hết sức linh động có lẽ thoát ra ngoài chỉ đạo.
Nhưng những món đồ triệu triệu đô la kia, đối với tôi thiếu nét thẩm mỹ, trừ đồ sứ đời Tống, với nét men huyền ảo, độc sắc, nhờ hoả biến mà thành, gọi là tống ngọc, hay cái thố hào trản để uống trà, dạng lông thỏ. Còn kỳ dư các món từ Nguyên, Minh, Thanh về sau thiếu những tuyệt tác, mà ông Vương Hông Sển ngợi khen hết lời, thật ra chẳng phải là tuyệt phẩm, so với đồ Nhật hoặc Đại hàn.
Trên mặt đồ sứ vẽ những hình quy ước, do chủ lò hay quản lò chỉ đao, không hề có sáng tạo riêng của nghệ sĩ, thành thử chỉ ở bậc thợ chớ không đạt tới bậc thầy. Xin đừng cho tôi hạ đồ sứ Trung hoa vì phong trào chống Trung quốc đang lên, tôi xét về giá trị thẩm mỹ chớ không trên lập trường chính trị.
Ở lĩnh vực khác, người Trung hoa ăn đứt, như thư pháp của Vương Hi Chi, Hoài Tố (Huai Su) Chúc doãn Minh (Chu Yiinming) chẳng khác gì như rồng bay phụng múa. Hay các bức họa củaTrung hoa, mặc dù không có viễn cận, nhưng chi tiết hết sức tỉ mỉ. Tới thời cận đại như Tề bạch Thạch vẽ con tôm, con cá như đang bơi lội trong nước, chứ không phải nằm trên giấy, linh hoạt vô song.
Chúc doãn Minh
Ngẫm lại xứ ta, đời xưa, có chăng một nhà thư pháp, có chăng một hoạ sĩ vẽ tranh thuỷ mặc? Vì sao cả 845 năm nho học (1075 đời Lý Nhân Tông, bắt đầu có khoa cử, tới khoa thi cuối cùng 1919 thời Khải Định) không còn sót lại một bức thư pháp hay một bức tranh thủy mặc nào, hay đã bị mối ăn mất hết?
Ngắm các đồ sứ Đại hàn hay của Nhật, được họ xem là quốc bảo (national treasures, nghĩa là cấm không mang ra khỏi nước) có nhiều món thật tuyệt hảo vì nghệ sĩ của họ, các bậc thầy, tự do sáng tạo.
Tôi mong rằng, từ rày về ngàn sau, không còn ông chỉ đạo nghệ thuật, để những người còn mắt sáng, thích tìm đẹp, có được cơ hội mà thưởng ngoạn. Nhưng đấy là tôi quá lạc quan, chứ chuyện chỉ đạo là chuyện của muôn đời, không tin cứ nhìn trong mỗi gia đình Việt nam, nhà nhà đều có hiện diện một bà chuyên chỉ đạo. Các ông chỉ đạo thường mù, các bà chỉ đạo thì mắt sáng hơn sao, cứ nhắm mắt đi theo đường bà chỉ thì không thể nào lạc khỏi tầm tay của bà!
Vài sách tham khảo :
-How to look at sculptures – David Finn.
-1000 sculptures (terres éditions)
-Chinese ceramics – He Li.
-National palace guide book
-Qui Baishi (Tề Bạch Thạch)
-Les grands pharaons d’Égypte.
-Les Trésors du musée du Caire
-Eyewitness travel guide : Egypt
-La céramique japonaise, le guide du connaisseur.