Liên quan đến vụ tấn công mạng được cho là có sự chỉ đạo từ Chính phủ tại Hà Nội, nhằm phá các trang thông tin báo tiếng Viêt tại nước ngoài, báo chí Đức đã có bài tường thuật.
Dưới tiêu đề „Tấn công vào phóng viên có tiếng nói phê phán“, báo TAZ ra ngày 22/5/2018 có bài viết về vấn đề này, nội dung cơ bản như sau:
Tin tặc ngăn cản công việc của các nhà báo Việt Nam ở Berlin. Một số người nghi ngờ những tin tặc là ở Hà Nội. Cảnh sát đang tiến hành điều tra.
Những tin tặc chưa lộ mặt đang muốn buộc những trang mạng của các nhà báo độc lập Việt Nam ở Berlin phải câm lặng. Nhà báo Lê Trung Khoa ở Lichtenberg nói với báo TAZ: „Từ ngày 9/5, trang mạng của tôi thường xuyên bị tấn công một cách chuyên nghiệp“.
Việc tấn công của tin tặc tái diễn sau khi chuyển sang máy chủ mới.
Từ Berlin, ông Lê cùng với một ít cộng sự tự do thực hiện tờ báo trực tuyến Thoibao.de bằng tiếng Việt và tiếng Đức. Với 1,5 triệu lượt truy cập mỗi tháng, tờ báo này đã trở thành một bộ phận quan trọng trong dư luận đối lập với các phương tiện truyền thông bị nhà nước kiểm duyệt ở Việt Nam. Những chính khách Việt Nam bị thất sủng như nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng thậm chí sử dụng Thoibao.de để đưa ra những thông báo về gia đình. Từ lâu các phương tiện truyền thông nhà nước đã không lưu tâm tới vị cựu chính khách này.
Ông Lê nói: „Đây không phải là lần tấn công đầu tiên vào trang của tôi, nhưng là lần tấn công lâu dài nhất và chuyên nghiệp nhất. Máy chủ đã bị tập trung truy cập tới 5,7 triệu lượt một giờ“. Vì vậy, trong tháng 5, Thoibao.de đã hai lần phải chuyển sang máy chủ mới. Nhưng các cuộc tấn công lại tái diễn, sau khi trang báo lên mạng được vài giờ. Vì vậy, ngày chủ nhật vừa qua (20/5/2018), doanh nghiệp nhỏ này đã quyết định không dùng các kỹ thuật viên của mình chiến đấu với các tin tặc, mà chuyển việc phòng chống tin tặc vào hãng viễn thông lớn của Đức. Kể từ khi đó mỗi ngày có thể xem trang báo này vài giờ.
Từ ngày 9/5, Blogger Việt Nam sống tại Berlin Bùi Thanh Hiếu cũng bị tin tặc tấn công. Anh ta là một trong những Blogger tiếng Việt quan trọng nhất và sống lưu vong từ 4 năm nay ở nước Đức, sau khi anh ta bị giam nhiều lần ở Việt Nam vì những bài viết của mình.
Cảnh sát Hình sự bang Berlin điều tra
Cảnh sát Hình sự bang Berlin đang điều tra các cuộc tấn công này. Vì lý do chiến thuật, phát ngôn viên của cảnh sát Winfried Wenzel không muốn nói về việc các cuộc tấn công này có thể xuất phát từ đâu.
Nhà báo Lê Trung Khoa thì sẵn sàng phát biểu hơn. “Đây là cuộc tấn công vào báo chí độc lập ở nước Đức. Không ai khác ngoài Chính phủ ở Hà Nội có lý do muốn làm chúng tôi phải câm miệng“. Bên cạnh BBC của nướcAnh, thì anh ta và đồng nghiệp Hiếu là những nhà báo tiếng Việt duy nhất đưa tin về từng ngày vụ xét xử ở Tòa án Berlin, nơi mà từ cuối tháng 4, một người được cho là cùng tham gia bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, một cựu chính khách Việt Nam bị bắt cóc mùa hè năm ngoái ở Tiergarten, đang bị xét xử.
Thông qua lời khai của nhiều nhân chứng, hiện nay bằng chứng đang được đưa ra để chứng minh đây thực sự là một vụ bắt cóc. Điều này phản bác lại sự mô tả chính thức của Việt Nam, theo đó, Trịnh Xuân Thanh đã tự nguyện trở về Việt Nam đầu thú với các nhà điều tra ở đó.
Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức vào cuộc
Như tin tức nêu trên của tờ nhật báo TAZ, trong thời gian qua cảnh sát hình sự bang Berlin đã nỗ lực tiến hành điều tra các cuộc tấn công này. Mới đây ngày 25.5.2018, bộ phận kỹ thuật của hãng viễn thông Đức 1&1 chính thức thông báo: „Cảnh sát hình sự Liên bang Đức bắt đầu vào cuộc điều tra các cuộc tấn công mạng nhằm vào thoibao.de “. Chuyên gia bảo mật thông báo thêm: „ Có lẽ đây là cuộc tấn công từ các máy chủ có địa chỉ IP xuất phát từ công ty FPT của Việt Nam“.
Trong nhiều ngày liên tiếp, trung tâm lưu trữ dữ liệu của hãng Đức 1&1 đã bị tin tặc tấn công với mục đích phá hoại trang truyền thông tiếng Việt Thoibao.de, nơi đã đăng tải các thông tin chi tiết về phiên tòa xét xử nghi phạm mật vụ Việt Nam Nguyễn Hải Long với cáo buộc của Viện công tố Liên bang Đức đưa ra „hoạt động gián điệp và cướp đoạt tự do của người khác.“
Theo lời khai của Vũ Đình Duy và bà Trần Dương Nga, vợ của Trịnh Xuân Thanh, vụ án đã xuất hiện mối liên quan tới những nhân vật cấp cao đương chức tại Việt Nam, bao gồm Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cùng nhiều tướng lĩnh trong ngành an ninh, tình báo của Bộ này, họ đã trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh tại Đức vào ngày 23.7.2017 ở Berlin.
Tờ Thoibao.de liên tục đăng tải các diễn biến và tường thuật lời khai của nhân chứng ở tất cả 6 phiên tòa đã diễn ra, trong khi hàng nghìn tờ báo, kênh truyền hình tại Việt Nam hoàn toàn im lặng trước các diễn biến này.
Theo nhận định, mục đích các cuộc tấn công quy mô lớn „cấp nhà nước“ nhằm vào Thoibao.de được chuyên gia hãng viễn thông cho rằng, đã xuất phát từ các địa chỉ IP của các máy chủ đặt tại công ty FPT ở Việt Nam, do ông Trương Gia Bình làm Chủ tịch HĐQT, gây ra hậu quả lớn, làm gián đoạn thông tin đến hàng nghìn máy chủ của các doanh nghiệp khác tại Đức cũng đặt tại hãng viễn thông này.
Trước sự nghiêm trọng của các đợt tấn công, có nhiều khả năng xuất phát từ Việt Nam, Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức vào cuộc mở rộng điều tra, truy soát khởi nguồn các cuộc tấn công nhằm vào hàng loạt doanh nghiệp Đức, trong đó có Thoibao.de.
Tương tự như hồi năm ngoái, khi vụ bắt cóc Trịnh Xuân Thanh mới vừa xảy ra, thì cảnh sát hình sự bang Berlin tiến hành điều tra. Nhưng cho đến khi tìm thấy những dấu hiệu cho thấy đây là một vụ việc nghiêm trọng, thì cuộc điều tra được nâng lên tầm liên bang, tức là cảnh sát hình sự liên bang vào cuộc, đảm nhận công việc điều tra.
Mặc dù cảnh sát hình sự bang Berlin không tiết lộ các nhà điều tra của bang Berlin đã phát hiện những gì, nhưng chắc chắn phải có vấn đề gì đó nghiêm trọng nên an ninh mạng của Sở Cảnh sát Hình sự Liên bang Đức mới vào cuộc.
Hiện nay cảnh sát hình sự liên bang Đức vẫn đang tiếp tục điều tra, nếu có bằng chứng đây là những đợt tấn công do Chính phủ Việt Nam ra lệnh, thì hy vọng hàn gắn quan hệ hai nước sẽ trở nên mong manh hơn .
Lê Anh – Thoibao1.com