Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc Phạm Trường Long (Fan Changlong) đã sang thăm chính thức Việt Nam từ ngày 18 đến này 19 tháng 6 năm 2017. Ông cũng có kế hoạch cùng với Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Ngô Xuân Lịch chủ trì các hoạt động giao lưu biên giới giữa quân đội hai nước được tổ chức ở hai tỉnh Lai Châu và Vân Nam từ ngày 20 đến 22 tháng 6. Tuy nhiên, Tướng Phạm đã cắt ngắn chuyến thăm và bất ngờ rời Việt Nam vào chiều tối ngày 18/6 mà không công bố nguyên nhân. Quyết định bất ngờ của ông có thể là chỉ dấu cho thấy sóng gió dường như đang tích tụ trong quan hệ Việt – Trung.
Kể từ sau khủng hoảng giàn khoan năm 2014, quan hệ Việt – Trung đã có những bước cải thiện đáng kể. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam vào tháng 11/2015, và ba nhà lãnh đạo cao nhất của Việt Nam cũng đã thăm Trung Quốc trong chín tháng qua. Hai nước cũng tăng cường quan hệ kinh tế, với việc Việt Nam tích cực ủng hộ Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng châu Á do Trung Quốc dẫn dắt cũng như Sáng kiến Vành đai và Con đường của nước này.
Tuy nhiên, trong khi phục hồi quan hệ với Trung Quốc thì Việt Nam cũng tăng cường quan hệ với các đối thủ chiến lược của nước này, nhất là Hoa Kỳ và Nhật Bản. Ví dụ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là nhà lãnh đạo khối ASEAN đầu tiên thăm Hoa Kỳ dưới thời Tổng thống Donald Trump vào cuối tháng 5/2017. Không lâu sau đó, ông lại có một chuyến thăm cấp cao tới Nhật Bản, trong đó các thỏa thuận trị giá tới hơn 22 tỉ đô la Mỹ đã được ký kết.
Quan trọng hơn, các sáng kiến hợp tác quốc phòng chi tiết giữa Việt Nam và hai cường quốc cũng đã được nêu bật trong các tuyên bố chung của hai chuyến thăm. Các tuyên bố này cũng nhấn mạnh lập trường chung của Việt Nam với hai cường quốc về vấn đề Biển Đông. Đồng thời, Washington và Tokyo cũng đã cung cấp cho Việt Nam các tàu Cảnh sát Biển và xuồng tuần tra nhằm giúp Việt Nam nâng cao năng lực hàng hải.
Những diễn tiến này chắn chắn đã làm một số người ở Bắc Kinh khó chịu. Ví dụ, vào ngày 18/06/2017, tờ Hoàn Cầu Thời báo đã cho đăng một xã luận chỉ trích các bước đi ngoại giao này của Việt Nam. Bài viết cho rằng “tham vọng của Việt Nam” có thể “khuấy động đối đầu” và làm bất ổn khu vực, và rằng “việc Việt Nam thường xuyên trao đổi với Hoa Kỳ và Nhật Bản về vấn đề Biển Đông không nên được coi là việc làm tử tế”.
Mặc dù hai bên chưa đưa ra lời giải thích cho quyết định của tướng Phạm, nhưng những diễn tiến này có thể đã đóng một vai trò nào đó. Ngoài ra, quyết định của Việt Nam mới đây cho phép tiến hành lại các hoạt động thăm dò dầu khí ở Lô 136/3 thuộc khu vực Tư Chính, nơi tàu Trung Quốc đã cắt cáp của một tàu khảo sát địa chấn của Việt Nam hồi năm 2011, có thể là một nguyên nhân khác trực tiếp hơn làm đổ thêm dầu vào lửa.
Cho dù lý do thực sự cho quyết định của tướng Phạm là gì thì sự cố này cũng không phải là một tín hiệu tích cực cho quan hệ song phương. Vì vậy, một làn sóng căng thẳng mới trong quan hệ song phương là điều có thể xảy ra trong thời gian tới.
Nguồn: Nghiên Cứu Quốc Tế
Tác giả: Lê Hồng Hiệp
Không thấy post nhỉ
Nhớ năm 2014 khi Tàu đưa giàn khoan HD-981 vào Biển Đông và sau đó cho người (DK Trì) qua VN bắt đứa con hoang trở về với mẹ; kết quả là 2 nước trở lại quan hệ bình thường, nhưng VN đã thấm hiểu 4 Tốt vá 16 Chữ Vàng và đã có những bước đi âm thầm với Mỹ và các nước khác. Lúc đó có 1 bức hình PB Minh chụp chung với Trì với cái nhìn sắc lạnh vào mặt.
Và từ những bước đi âm thầm kể từ đó cho tới nay thì chính sách an ninh của Hà Nội nghiêng nhiều về Mỹ và đồng minh của Mỹ, thì lần này, cũng Tàu, lại đưa tướng Phạm qua VN tuyên bố các đảo ở Biển Đông là thuộc Tàu từ xa xưa, và đồng thời điều giàn khoan cũ (HD-981) vào Biển Đông áp lực như lần trước sau sự kiện Phúc từ Mỹ trở về. Sự kiện tướng Phạm bất ngờ rời VN không 1 lời cho thấy có sự rạn nứt giữa 2 nước đã tăng cao, lần này, Hà Nội cho Mỹ vào Cam Ranh thì khó có vấn đề bình thường trở lại.
nv