Cái Chết Của Người Tù Già

0
HÌnh minh họa. Nguồn: Disney's The Hunchback of Notre Dame

Kính tặng hương hồn
bạn tù Nguyễn Thái Bút

1

Người Tù Già nằm bất động. Lão nằm và nhìn lên bầu trời xám xịt qua song cửa. Nhìn đăm đăm và nghĩ miên man. Những ý nghĩ đứt quãng, trôi nổi, bồng bềnh, lẫn lộn. Trùm lên những ý nghĩ vẩn vơ ấy là một màu buồn u tối. Đầu đông ở thung lũng là thế. Thời tiết thay đổi từng giờ. Mặt trời không cất mình lên nổi nơi sương mù giăng mắc giữa ban ngày. Những vạt rừng ngàn năm nhấp nhô đậm nhạt trong thứ nửa mù nửa mưa bao quanh cuộc sống của lão như một vành khăn xô rách rưới. Không phải vô lý mà người ta thích đặt trại tù trong những thung lũng, lão nghĩ. Họ khôn lắm. Không phải chỉ để ngăn tù trốn đâu. Mà để ngăn cả ý nghĩ vượt ngục của tù nữa, nếu như nó dám nảy ra, khiếp thật.

Người Tù Già buồn. Lão biết lão chẳng còn sống bao lâu. Dấu hiệu đầu tiên của cái chết mà lão biết được là đôi chân không còn nghe theo lão. Lão mất hết cảm giác về chúng. Chúng rời bỏ lão một cách chậm chạp, không sao ngăn nổi. Bắt đầu là hai bàn chân, hôm qua, rồi tới đầu gối, sáng nay, và bây giờ – tới hông. Cả cái mùi khăn khẳn dính chặt vào khứu giác nữa, không biết nó xuất phát từ đâu, có phải đấy là mùi của chính lão?

Lão biết lần ngã bệnh này của lão sẽ không như những lần trước, trong suốt đời tù đằng đẵng. Mười một năm rồi chứ ít à? Trong mười một năm ấy lão đã vượt qua cái chết không phải một lần. Nhưng lần này thì không, lão biết. Không qua được. Không ăn thua. Thân thể lão đã cạn khả năng sống sót để chờ thêm một năm, hoặc hai năm, như lão từng chờ nhiều lần, để được xét tha sau một lệnh. Lệnh, là gọi tắt một kỳ hạn của sự tập trung cải tạo. Một lệnh là ba năm. Hết ba năm này là ba năm khác. Cứ thế mà diễn.

Mà chắc gì lão được tha cơ chứ?

Cái chết toàn năng, cái khốn nạn bất khả kháng, như hốc miệng đen ngòm của một con trăn khổng lồ đang nuốt dần cơ thể lão, từng phút một. Rất chậm, nhưng không dừng một giây. Lão sợ. Lão không muốn chết một tí nào. Lão muốn sống. Chao ôi, lão muốn sống lắm lắm. Chưa khi nào lão muốn sống bằng lúc này.

Đấy, ngay bây giờ đây này, lão đang muốn kêu, muốn gào lên, muốn thét lên, bằng hết giọng, để thiên hạ nghe thấy mà chạy đến, để thiên hạ xúm lại kéo lão ra khỏi cái hốc khủng khiếp đen ngòm kia. Nhưng lão không kêu được. Từ cuống họng lão chỉ phát ra những tiếng ú ớ mà, lạ thay, lão lại nghe rất rõ. Đôi tai nghễnh ngãng nhiều năm bỗng trở lên thính lạ thường. Tưởng chừng cái sống còn lại trong người lão chỉ tập trung nơi thính giác. Nó, và chỉ có nó, nối liền lão với thế giới bên ngoài.

Nói lão muốn gọi thiên hạ là nói thế thôi, chứ lão biết cả cái thế giới bên ngoài kia chẳng thèm nhòm nhõ gì đến lão đâu. Đối với cái thiên hạ ấy, lão chẳng là cái gì. Những bạn tù cũng không đến thăm lão. Tất nhiên, họ bận, họ mệt lử sau một ngày lao động, lết được về tới phòng là họ nằm vật ra, hỏi còn sức nào để nghĩ tới lão. Trừ một người tù già, còn già hơn lão nữa, ở ngay đây, trong trạm xá, thỉnh thoảng mới lệt xệt đến bên giường ngó lão một cái, và chỉ thế thôi, im lặng, không buồn thốt một lời. Lũ bệnh nhân cùng trạm xá với lão kia, ở ngay bên cạnh lão, thì chẳng nói làm gì – còn khuya cái lũ ấy mới nói với lão một lời. Chúng chẳng bệnh tật gì, chúng được nằm trạm xá vì chúng có tiền cho thằng Y Tá, cho ông Y Sĩ. Giờ đây chúng túm tụm trên cái giường gần giường lão, đang sát phạt nhau trong canh bạc mới mở. Lão nghe rõ mồn một thằng nào cười hô hố, thằng nào đang ngửa cổ reo tướng lên, thằng nào vừa vỗ đùi trong khoái trá, thằng nào vừa văng một câu chửi đổng trong cơn bực bội.

Y Tá cũng ngồi trong đám bạc. Hắn vật quân bài xuống chiếu cái đét và ngửa cổ lên văng một tràng chửi tục. Không cần nhìn, lão cũng biết nước bọt hắn văng tung toé. Hắn không thể nói mà không văng nước bọt.

Y Tá vốn là một bác sĩ khoa phụ sản bệnh viện tỉnh, trước nữa là Y Tá huyện, được trên cho bổ túc lên y sĩ, rồi bổ túc tiếp lên bác sĩ. Hắn là tù có án – năm năm vì tội cưỡng dâm bệnh nhân. Lão đã đón hắn từ lúc hắn vừa bước xuống ô tô ca của trại tỉnh chở tù lên trại trung ương. Người cùng một tỉnh, gặp nhau ở trong tù thì mừng, là lẽ thường. Chẳng gì cũng đồng hương đồng khói với nhau, trước kia lão đâu có quen biết hắn. Như mọi nông dân, có bao giờ lão đi bệnh viện, Người nông dân nghe đến bệnh viện là hãi rồi, như chết đến nơi rồi, không chết đến nơi thì chẳng ai tới bệnh viện làm gì. Nhưng cái chính là lão sợ tốn. Ốm đau đã có lá lẩu trong vườn, nặng hơn thì tìm đến ông lang ngoài chợ, ra khỏi nhà một bước là một bước tiền.

Hắn được phân vào toán đan lát của lão. Lão mừng húm. Lão rủ hắn ăn chung. Chia sẻ với hắn từng viên thuốc lào. Ở ngoài, nghe nói hắn béo lắm. Lên trại, hắn xuống cân vù vù. Gày tong teo. Đi xiêu vẹo. Hắn quên sạch mọi thứ trên đời, trừ những cái có thể bỏ vào mồm. Đi làm ngoài trại mắt hắn láo liên lục bới từng khóm cây bụi cỏ kiếm con cào cào, con châu chấu. Hôm nào vớ được con thằn lằn, hôm đó hắn như sống lại. Người ta quen thấy hắn vật vờ ngoài sân, hết rẽ vào nhà này lại nhà kia để kiếm miếng ăn. Một trong những cách kiếm ăn lương thiện nhất, ít bị khinh bỉ nhất, là tẩm quất thuê cho lũ “đầu gấu”, lũ “sĩ quan[1]”.

Cuộc đời đầy những bất ngờ. Tay “Y Tá trại”[2], tù chung thân vì tội dùng thạch tín đầu độc vợ, trước kia là bác sĩ một bệnh viện trung ương, nhờ có nhiều quan hệ với các quan chức lớn mà luôn được giảm án, giữ chức Y Tá đã nhiều năm, đùng một cái được tha trước hạn. Cái chân Y Tá trại béo bở có một số ứng viên sáng giá – đó là mấy tù nhân bác sĩ, người đi tù vì tham ô, kẻ vì buôn lậu. Trời xui đất khiến thế nào, hắn được Ban giám thị chọn. Tính về thành phần xuất thân hắn ăn đứt bọn kia, hắn không phải chỉ là nông dân nói chung, hắn là cố nông tính về thành phần, quân chủ lực của cách mạng. Một bước, hắn lên quan.

Làm y tá trong tù bảnh lắm. Muốn nghỉ lao động một ngày, hoặc vài ngày, trong đời tù triền miên chỉ có lao động và lao động, những người tù khốn khổ, không trừ một ai, đều phải cầu cạnh người có chức vụ y tá. Tuỳ theo lượng cống vật họ dâng mà y tá gia ân cho họ nhiều hay ít – từ một hai ngày nghỉ lao động cho đến nằm trạm xá để theo dõi và điều trị. Nhà bếp, liên minh thần thánh của trạm xá, bao giờ cũng dành cho Y Tá phần béo bở, ngày thường cũng như ngày ăn “tươi”, trong mốì quan hệ hai bên cùng có lợi. Hắn mau chóng lên cân trở lại. Trơn lông đỏ da. Rồi béo hú. Hắn thích kể chuyện những người đàn bà đã qua tay hắn, như những chiến công, và thề sẽ trả thù con mụ bệnh nhân bị cưỡng hiếp đã làm đơn tố cáo hắn.

Người Tù Già không trông cậy ở Y Tá một sự chiếu cố nào. Lão biết có trông cậy cũng vô ích. Ở trong tù mà nói chuyện ân tình là lạc điệu lắm, là ngu độn lắm. Lão chỉ ân hận một chút – ấy là lão đã không đủ khôn ngoan để nghĩ tới chuyện đút lót Y tá ngay từ hôm đầu nằm trạm xá, như những người tù khác.

– Ở đời chẳng có gì tự nhiên có, chẳng có gì tự nhiên mất. – Y Tá triết lý – Không hiểu điều đó thì, ô hô, có mà ăn cám.

Người Tù Già không nghĩ tới đút lót là có cái lý của lão. Lão có cái gì để mà đút? Trên răng dưới cát-tút, lão là thế. Lão không thuộc loại người giận đời hoặc đám kẻ sĩ dở hơi đã vào tù rồi vẫn còn cương, không chịu cúi đầu trước bọn cán bộ, đừng nói gì tới Y Tá hay trật tự. Nếu có thì lão cũng đã đút rồi. Nhưng Y Tá lại nghĩ khác – ừ thì lão không có tiền thật, lão nghèo rớt mồng tơi, đúng, nhưng lão có thể xin, cũng có thể vay chứ. Vẫn còn những bạn tù tốt sẵn lòng giúp lão lúc hiểm nghèo cơ mà. Vay trước trả sau là chuyện thường tình trong tù. Cho nên Y Tá mới giận. Lão già cứ ì thần cụ ra, cứ như thể Y Tá là đồng hương của lão thì hắn phải có trách nhiệm săn sóc lão. Đừng hòng. Còn khuya nhé!

Y Tá đoán sai – lão hành xử như thế, không kể chuyện lão không có tiền, cái chính là vì lão coi thường bệnh. Lão xem nó như một sự bất tiện hơn là một bệnh. Lão tin ở đặc tính sống dai của người tù. Đó là một sinh vật kỳ lạ – sống không mảy may tiện nghi, thiếu thốn đủ đường, mắc đủ mọi bệnh, thế mà vẫn sống nhăn, như để phô bày một hiện tượng kỳ lạ của nhân loại. Lão không hề nghĩ đến cái chết khi lão khai ốm. Thậm chí lão còn cho là Y Tá nhầm khi cho lão đi nằm trạm xá. Kiết lỵ là cái quái gì cơ chứ? Lão đã thấy tù chết hàng loạt trong một trận dịch kiết lỵ. Kinh lắm. Chôn không kịp. Nhưng cái bệnh kiết lị bình thường, kiết lỵ hàng ngày, có làm thằng chó nào chết đâu? Lần này lão có đau bụng thật, đau quặn, khó chịu lắm, nhưng cũng chỉ như những lần khác, không hơn. Đến bữa lão vẫn bụp đến nơi đến chốn, ngoài suất cơm trại còn ngốn cả mấy chét to rau má mà vẫn thấy mới lưng lửng dạ.

Lão chỉ bắt đầu lo, bắt đầu ân hận đã không đút lót Y Tá khi thấy cái bệnh tưởng chừng vớ vẩn ấy ngày một nặng thêm. Lão thấy có, lần đầu tiên, những cơn đau quặn dữ dội ở bụng dưới. Mót liên tục. Không nhịn được. Mỗi lần đi cầu sức lực của lão như trôi ra theo đám phân lầy nhầy máu.

Y Tá cũng coi thường bệnh của lão. Khi thấy bệnh nặng thêm thì hắn cho lão ăn cháo với muối. Muối là lành nhất, không gì lành bằng. Với phương pháp điều trị này, bệnh nhân nào rồi cũng khỏi. Trừ những bệnh nhân đã đến cõi. Khi thấy lão đi nhiều quá, mệt quá, thì y cho thêm mấy viên Berberin. Trong nhà tù Berberin (thuốc chế tạo bằng cỏ sữa) là thần dược dành cho đường tiêu hoá.

Nhưng Berberin không ăn thua. Uống vào như không uống.

Người Tù Già thầm trách Y Tá trại nhẫn tâm. Hắn cho lão nằm trạm xá để làm gì, nếu như hắn không muốn chữa cho lão khỏi? Lão không biết rằng Y Tá chẳng tốt mà cũng chẳng xấu với lão.

Y Tá chỉ làm việc phải làm mà thôi. Đó là lệnh của Ban Giám thị: “Phải giảm tỷ lệ tử vong xuống!”

Số là từ đầu năm tù bỗng lăn ra chết như ruồi trong một trận dịch kiết lỵ. Đến nỗi ông Bộ trưởng phải ra một chỉ thị đặc biệt để chặn đứng trận dịch. Không phải ông Bộ trưởng bỗng nhiên quan tâm tới số phận tù. Sự quan tâm bắt đầu việc từ đứa cháu họ xa làm Công an đến thăm bà mẹ vợ của ông Tổng bí thư đảng, kể cho bà nghe chuyện cảnh tù chết la liệt làm anh ta phát sợ, anh ta muốn bà nói giúp một tiếng cho anh ta được chuyển ngành. Là Phật tử thuần thành, bà lựa lời khuyên ông con rể chớ để sự thể như thế mà luỵ đến đời con đời cháu. Ông Tổng bí thư, tác giả nhiều cuốn sách về chủ nghĩa duy vật, cười giễu cái sự tin nhảm của bà lão. Ông không tin Trời, không tin Chúa, không tin Phật. Ông chỉ tin ở sức mạnh của cái Đảng dưới quyền ông. Có nó, ông muốn làm gì cũng được. Nó bách chiến bách thắng.

Ông Bộ trưởng Công an và ông Cục trưởng Cục quản lý trại giam được ông Tổng bí thư gọi lên.

– Đường lối của Đảng ta, các đồng chí cần phải quán triệt, là trị bệnh cứu người. – Tổng bí thư ân cần căn dặn – Trấn áp bọn phản cách mạng thì phải thẳng tay, không nương nhẹ. Nhưng khi chúng nó đã là người tù thì phải coi chúng nó như như người bệnh, phải chăm nom cho chúng nó khỏi bệnh, để cho chúng nó trở thành công dân lương thiện. Các đồng chí làm ăn thế nào để đến nỗi tù chết nhiều đến thế? Tôi chỉ thị các đồng chí phát động ngay một đợt thi đua trong các trại giam để giảm lập tức tỷ lệ tử vong xuống. Tôi nhắc lại, ta phải nhân đạo, ngay cả với kẻ thù …

Hai ông cấp dưới trở về, nói với cấp dưới nữa, rồi cấp dưới nữa lại nói với cấp dưới nữa. Khi nhắc lại lời ông, họ ngước mắt lên trời:
– Thánh thật! Ngồi một chỗ mà cái gì Cụ cũng biết, biết hết.

2

Người Tù Già lắng nghe. Từ xa vẳng lại tiếng gõ chí chạt, đều đều. Cái gì thế nhỉ? A, đúng rồi – đó tiếng dao thớt. Hớn hở và hối hả. Rộn rã. Tưng bừng. Tiếng dao thớt này nghe vui lắm, phấn khởi lắm. Chắc chắn phải là tiếng băm thịt, chặt xương. Không phải tiếng băm rau, không phải. Nhà bếp cái gì cũng băm, cho nó nhanh. Có lần lão đã lầm – hôm đó nhà bếp băm bí đỏ. Nhưng tiếng băm bí đỏ có khác với băm thịt. Để ý thì thấy. Nó cũng phầm phập, nhưng không khô, không gọn. Và uể oải. Chậm chạp.

Chao ôi! Lão muốn vỗ trán mà reo lên vì phát hiện của lão, nhưng tay lão yếu quá, nó chỉ còn có thể vỗ được trong ý nghĩ. Có vậy mà lão không nghĩ ra, có khốn nạn không kia chứ. Cái đầu chết tiệt. Hôm nay Mồng Hai Tháng Chín mà! Là ngày Quốc khánh mà! Phải có “tươi” chứ.

Lão buồn xỉu. Lão hiểu rằng lão đã mất hết ý thức về thời gian. Lão không còn phân biệt được hôm qua với hôm kia. Lão chỉ còn biết được hôm nay, bây giờ. Lão không biết rằng ở trong nhà tù ai cũng lẫn như thế, chỉ nhiều hơn ít hơn mà thôi. Ngày lại ngày trong đời tù giống hệt nhau. Thế là lẫn. Lão nhớ ra ngày Quốc khánh nhờ nhớ được cái lần trại “ăn tươi” trước đó – ngày Quốc tế Lao động Mồng Một Tháng Năm. Giữa hai ngày lễ đó chẳng có lễ nào khác.

Lão mơ màng hình dung ra những miếng thịt kho tàu màu cánh gián đẹp như được đánh véc ni, nồi hầm xương bò nhuếnh nhoáng hằng hà sa số sao nhỏ sao to trên mặt nước béo ngậy.

Thảo nào, từ buổi sáng lão đã mơ màng nghe tiếng quạ kêu. Cái giống đến là tài, chúng ngửi được mùi xác chết cách xa cả chục cây số. Thế mà lúc ấy lão đã nghĩ dại – lão nghĩ lũ quạ đánh hơi thấy mùi lão. Lão loáng thoáng nghe có người bảo giống quạ biết ở đâu đó có súc vật chết, hoặc người chết. Chim lợn còn thính hơn. Nó còn đánh hơi được cả người sắp chết. Là bởi người sắp chết cũng bốc mùi. Cái mùi ấy mũi người không thấy được.

Lão nhếch mép. Không ai có thể bảo đó là lão cười, bởi cái nhếch mép của lão không thành. Lão đang sung sướng trong lòng. Cái miếng mỡ căng phồng khi cắn vào mới ngon làm sao! Là mỡ ở ngoài kia kia, ở cái cuộc sống bên kia bốn bức tường nhà tù kia, chứ ở đây có bao giờ được một miếng như thế. Nhưng nó vẫn cứ là mỡ. Nước mỡ ứa ra sẽ làm cho miệng lão hết khô, lưỡi lão hết sưng tấy. Nó giống như nước mưa nhỏ xuống đất cằn.

Thịt cũng thế. Nó làm cho người ốm khỏe ra, làm cho người già trẻ lại. Chỉ mới nghĩ tới nó lão đã tỉnh hẳn, đã quên bẵng nhưng ý nghĩ đen tối về cái chết.

Lão nhớ bữa “ăn tươi” cuối cùng xảy ra hôm nào. Thông thường một tháng tù được ăn tươi một lần. Nhưng đã ba tháng rồi chẳng được một bữa tươi nào sất. Ban giám thị cắt ăn tươi toàn trại vì một vụ trốn tù táo bạo – năm tên tù xổng cùng một lúc vào ban đêm. Ban giám thị cho rằng nhiều người biết sự chuẩn bị của vụ trốn, nhưng không chịu tố cáo.
Lão cố quay đầu nhìn sang giường bên, nơi những con bạc đang mải mê sát phạt. Lão đã thấy chúng mà cả với nhau về giá cả bữa tươi sắp tới sẽ được đặt lên chiếu.

– Thịt!

Đôi mắt mờ đục của lão sáng lên. Chúng thậm chí còn động đậy trong hai hốc sâu của cái sau này gọi là đầu lâu.

Cái chết giật mình. Nó đang say sưa nuốt dần con mồi, nó đã nuốt tới đầu gối, tới hông. Con mồi đã chịu tho, ngoan ngoãn và yên phận. Vậy mà đùng một cái, cái con mồi mềm oặt, đã hết sức sống, bỗng giãy giụa, đẩy nó ra bằng sức mạnh không ngờ. Cái chết ngừng nuốt, nhẹ nhàng tạm nhả Người Tù Già ra.

Y Tá vừa trang bài vừa bực bội vừa nhìn sang giường Người Tù Già.

– Đ.m., “anh giề” chưa chết hử? – hắn hấm hứ – Đã bảo, đừng có rên! Sốt cả ruột!

Cái đầu của Người Tù Già lắc lư khe khẽ. A, lão còn lắc đầu được kìa, Y Tá nghĩ. Lão cải chính đấy. Rằng lão vẫn còn sống, lão chưa chết. Chao ôi, cái giống tù sống dai khiếp được! Một bệnh nhân như thế ở ngoài đời thì đã xong từ lâu. Từ hôm kia. Hoặc kéo được tới hôm qua là cùng. Mạch gần như không còn, hơi thở mong manh. Từ giường bệnh của lão bốc lên mùi tanh tưởi. Hồi còn ở bệnh viện – hắn lúc đó là bác sĩ chứ không phải là Y Tá như cái trại giam khốn kiếp này – hắn không bao giờ đứng lâu trong phòng bệnh nhân. Hắn lướt qua các giường bệnh một lượt, hỏi han qua loa, rồi đi thẳng. Cuộc chạy việt dã qua các giường bệnh kết thúc bằng việc rửa ráy không với mục đích sát trùng mà chỉ cốt xua tan uế khí của phòng bệnh dính vào da thịt. Thế mà ở đây, hắn phải chịu đựng cái cực hình đó. Phòng dành cho Y Tá và phòng bệnh nhân thông với nhau, mùi hôi thối và tanh tưởi của phòng bệnh nhân nồng nặc. Tối đến, người ta khóa tuốt tuột cả hắn lẫn con bệnh của hắn trong trạm xá.

Hắn biết ơn Người Tù Già đã giúp hắn khi hắn mới tới trại. Lúc đó hắn khốn khổ lắm. Lúc đó hắn nghĩ rồi đây hắn sẽ phải trả ơn lão. Thế rồi hắn quên bẵng. Trí nhớ của hắn không giữ lại ý nghĩ xa xỉ đó. Hắn đã học được cách sống theo luật rừng, không phải ở đây, mà từ ngoài kia. Rừng thuộc về kẻ mạnh. Kẻ nào không học được cách sống ấy, kẻ đó tiêu. Hắn cho Người Tù Già được nằm trạm xá không phải như một cử chỉ trả ơn. Hắn thấy mặt lão đã bạc ra vì bệnh. Theo lệ thường người sắp chết phải được đi qua trạm xá để đến nhà xác. Lại là lúc hắn nhận được lệnh trên: hạ ngay lập tức tỷ lệ tử vong xuống!

Người Tù Già lại rên rỉ. Hắn rời mắt khỏi mấy quân bài, nguýt lão:

– Gì?

– N..ư..ơ..ớ..c! – Người Tù Già cố gắng mấp máy cặp môi nứt nẻ.

– Để người ta xong ván bài đã nào. Đang đen bỏ mẹ đây này. Đừng có ám quẻ!

– N..ư..ơ..ớ..c!

– Mẹ kiếp! – hắn gắt – Đ.m., uống gì mà uống lắm thế không biết? Này, “anh giề”, đây bảo cho mà biết: phàm uống càng nhiều thì càng chóng chết đấy!

Nghe đến tiếng “chết” Người Tù Già co rúm lại. Đó là nói phóng đại lên, chứ lão không còn có thể co rúm được. Bộ mặt lão méo xệch, đôi mắt láo liên, thất thần. Cái tiếng “chết” thốt ra từ miệng bác sĩ bao giờ cũng là bản án tử hình đối với bệnh nhân. Y Tá liếc xéo gương mặt méo xệch của lão, cảm thấy trong lòng khoái trá.

– Đ.m., sợ hử? – hắn vừa lắc lư toàn thân vừa xoi bài – Đừng có sợ. Thằng chó nào rồi chẳng chết. “Anh giề” chết, tôi chết, nó chết, các ông chết, chúng nó cũng chết. Chết sạch. Kẻ trước người sau, vậy thôi. Đéo có đứa nào thoát.

Y Tá ngửa mặt lên cái trần xạm đen, dấu vết của những bữa sột sệt, cười hô hố.

3

Khi nhà bếp gánh cơm đến trạm xá, thì đám bài lá giải tán.

Sĩ Quan nhún chân nhảy xuống đất, khệnh khạng bước ra khoảng trống trong phòng khám. Hắn chống nạnh nhìn quanh, hai cánh mũi phập phồng, ngực áo phanh ra phô hình con rắn quấn người đàn bà cởi truồng, và trên cùng là một trái tim bị tên xuyên thủng. Người đàn bà giãy giụa trong vòng xiết của con rắn khi hắn cử động.

Khẩu phần ăn của Y tá ở nhà bếp, quân số của hắn ở đó. Hắn bưng bát từ nhà bếp lên, lướt qua đám bệnh nhân đang đứng vòng trong vòng ngoài quanh mấy xoong thức ăn sắp được chia, khẽ dặn Sĩ Quan:

– Chia xong, vào ăn với tao!

– Có cay chứ?

– Nhoè!

Đấy là hai đứa nói về rượu. Y Tá đã loay hoay pha chế chất cay, vừa pha vừa huýt sáo. Đó là một hỗn hợp gồm cồn, mật mía, những viên polyvitamine màu vàng. Từ lâu, Y Tá sát trùng ngoài da cho bệnh nhân bằng nước sôi để nguội, để dành cồn cho những cuộc nhậu nhẹt. Hội của hắn gồm vài Sĩ Quan cổ cánh, Trật tự và Thông tin.

Từ giường của Người Tù Già phát ra một tiếng rên to. Sĩ Quan quay lại và bắt gặp cái nhìn lạnh lẽo gườm gườm của Người Tù Già. Ấy là hắn có cảm giác như vậy chứ chưa chắc đã là sự thật. Hắn thấy đôi mắt kẻ hấp hối đang hướng về phía đám đông ồn ào chia thịt bỗng quay về phía hắn.

Sĩ quan giật mình trước cái nhìn ấy. Chuyện hắn bao giờ cũng chiếm phần hơn trong những bữa tươi là chuyện đương nhiên, ai cũng biết. Những người tù buộc phải chia cho hắn phần hơn – nhiều hơn, ngon hơn – vì sợ hắn. Hắn đã gặp những cái nhìn không thiện cảm, nhưng chưa bao giờ hắn gặp một cái nhìn lạnh lẽo và hình như chất chứa căm thù như thế.

Hắn tiến về phía Người Tù Già.

– “Anh giề”[3] không bằng lòng hử? – hắn hất hàm hỏi, nhưng không sẵng.

Người Tù Già không trả lời. Từ đôi môi xám xịt của lão phát ra một tiếng hừ, giống một tiếng rên. Lão không nói được nữa rồi.

Sĩ Quan nhẹ nhàng hỏi lại lần nữa, một thái độ không thường có ở hắn:

– Vậy “anh giề” muốn gì nào? Cân nhá? Hay quay mặt đặt tên?

Người Tù Già vẫn không nói, đôi mắt gắn chặt vào mặt Sĩ Quan. Cái nhìn ấy làm hắn bối rối. Hắn sợ. Đó là điều chưa từng xảy ra với hắn. Vào tù, qua nhiều trại, hắn không sợ một ai. Hắn tự tin vì hắn có những quả đấm thành thục. Ngày trước, hắn từng lên vũ đài và giật đôi ba giải quyền Anh. Đi với dân giang hồ hắn học được thêm võ giang hồ. Trong môn võ không môn phái ấy cái đầu tiên cần có là máu liều, máu ấy hắn không thiếu. Nhưng hôm nay hắn thấy sợ, nhưng không biết được cụ thể hắn sợ cái gì. Y Tá bảo lão già chẳng còn mấy nả. Có thể hắn sợ lão già kia khi thành ma sẽ dám trả thù lắm, dám báo oán lắm. Đánh nhau với người thì được, đánh nhau với ma làm sao?!

Sĩ Quan đã định bụng nhận phần thịt của mình xong sẽ vào phòng Y Tá với các sĩ quan khác đang đợi hắn. Nhưng hắn thấy bữa tươi này cần được chia công bằng khi bắt gặp ánh mắt của Người Tù Già. Nếu hắn có mặt, không đứa nào dám hó hé giở trò bịp bợm.

– Quay mặt đặt tên nhá?

Hắn hỏi lại lần nữa, giọng hạ hẳn xuống, dịu dàng. Cái đầu lưa thưa tóc của người hấp hối khẽ cử động. Hắn hiểu là Người Tù Già gật đầu.

Theo hiệu lệnh câm lặng của hắn, một người tù gày như một bộ xương biết đi liếm đầu bút chì rồi ngồi xổm xuống viết tên những người tù trong trạm xá vào mặt sau vỏ bao thuốc lá đặt trên đầu gối. Người đó viết xong thì một người tù khác cầm tờ giấy lên, quay mặt đi xướng tên người được lĩnh phần, trong khi đích thân Sĩ Quan cầm một cái thìa gõ không theo một thứ tự nào vào từng bát đã được chia. Tên ai trúng bát nào thì người có tên nhận bát đó.

Sĩ Quan tự tay bưng bát thịt đến bên giường Người Tù Già, đặt bên cạnh ông

– Này “anh giề” ơi, phần của ông anh đây, – hắn nói bằng giọng ngọt ngào và vụng về – tôi bỏ thêm vào cho ông một miếng phần của tôi nữa đấy, đấy miếng này này. Thế nào, “anh giề” bằng lòng chứ? Phần ông ngon đáo để, không lẫn miếng sụn miếng xương nào đâu, “anh giề” ăn cho khỏe!

Đầu của Người Tù Già đụng đậy, Sĩ Quan hiểu là lão gật, lão hài lòng.
Rồi hạ giọng, hắn ghé sát vào tai lão thì thầm:

– Nói dại, “anh giề” có chết đi thì chớ quên phù hộ thằng này nhé! Chớ quên rằng thằng này đã tử tế với ông anh.

Hắn bưng bát thịt của hắn quay vào phòng trong, ở đó Y Tá đang trịnh trọng rót thứ nước thánh do hắn chế tạo vào mấy cái chén nhỏ trước những cặp mắt hau háu của lũ bạn.

4

Mấy anh tù tự giác đi làm về rẽ qua trạm xá xin thuốc đỏ[4] vừa hút thuốc lá cuốn vừa lắng nghe Y Tá kể về những phút cuối cùng của ông lão:

– Cái bát để bên cạnh, ngay chỗ này này. “Anh giề” nhà mình thấy cái bát là cố gượng quay đầu lại nhìn. Bữa tươi “dầm[5]”, thịt rang mặn thơm đéo chịu được. Nhưng đến lúc ấy thì “anh giề” hết ngồi lên được nữa rồi. Chân lão liệt từ đêm. Chết ấy à, chúng mày phải biết, bao giờ cũng phải từ chân lên đầu, ngược lại là không có. Tớ nghe tiếng “anh giề” ú ớ mãi. Chắc lão muốn gọi đứa nào đỡ lão ngồi lên, nhưng lưỡi lão cứng rồi…

Người Tù Già nằm trên giường, im lặng. Mặt lão xám lại trong vẻ bất cần, trong vẻ trịnh trọng không nguyên cớ. Trên người lão là tấm chăn rách của trại, phủ ngay ngắn, tấm chăn sợi Nam Định không biết đã được dùng cho bao nhiêu kiếp tù.

– Lão ú ớ một hồi, rồi im. Đ.m., tớ lại ngỡ “anh giề” rên. Mấy hôm nay lão rên suốt ấy mà. Nhưng tớ mặc. Cứ thấy rên mà chạy lại, có mà chạy cả ngày lẫn đêm. Ấy vậy, tớ mặc cho lão rên, định bụng ăn xong sẽ cho lão một ống dầu long não. Đã đến nước ấy trời cũng không cứu nổi, dầu long não cứu thế đéo nào được. Nhưng lệ trong nghề thế, chúng mày ạ, gì thì gì cũng phải cho người hấp hối một mũi tiêm làm phúc. Người không biết thì bảo nó là thuốc hồi dương. Long não chỉ làm cho cái xác sắp chết ấm lên một tẹo thôi. Ra cái vẻ còn nước còn tát ấy mà, chứ ăn thua đếch gì đâu…

– Thế là “anh giề” đi luôn?

Y tá khịt mũi ra chiều khinh bỉ:

– Đi là thế đéo nào? Cái giống tù mình sống dai lắm, chết không dễ đâu.

Cựu Tỉnh Trưởng lệt xệt đến bên giường người chết. Như một cái bóng. Lão gày tong teo, già nhất trong những người tù già, mặt nhăn nheo như một quả bưởi héo, nổi tiếng có học nhất trong cộng đồng tù, nhưng ít lời đến nỗi tưởng như câm. Không biết vì lý do gì, nhưng lão cũng được Ban giám thị cho nằm trạm xá từ đời y tá trước. Cái sự được ở trạm xá lâu như thế làm cho lão trở thành có giá, biết đâu tổ con chuồn chuồn, người ta nghĩ, có khi lão có họ hàng hang hốc với ông kễnh nào trong các quan ở Cục hay ở Bộ chưa biết chừng. Dám lắm.

Y Tá hằn học nhìn tỉnh trưởng. Hắn coi Cựu Tỉnh Trưởng là kẻ làm mất đi một suất trạm xá cụ thể đáng lẽ là của hắn, nhưng lại e dè không dám xử tệ với Cựu Tỉnh Trưởng. Trong trại, Cựu Tỉnh Trưởng là bạn thân thiết nhất của Người Tù Già. Người ta thường thấy họ im lặng ngồi bên nhau. Còn họ có nói chuyện với nhau hay không thì không ai biết.

Đứng bên người chết, Cựu Tỉnh Trưởng nghiêng đầu ngắm nghía bạn mình như thể ngắm một bức tranh.

– Này, “anh giề” tần ngần làm gì ở đấy đấy? – Y Tá nói với Cựu Tỉnh Trưởng bằng giọng nhẹ nhàng – “Anh giề” rồi cũng thế thôi. Chẳng lâu nữa đâu.

Cựu Tỉnh Trưởng không nghe thấy câu nói của Y Tá, hoặc làm bộ không nghe thấy, tỉ mẩn sắp xếp lại cái chăn phủ xác chết cho nó ngay ngắn thêm.

– Thế mà tớ vừa tiêm cho “anh giề” một phát long não là “anh giề” hồi lại liền. – Y Tá quay lại với câu chuyện – Cứ như thuốc tiên vậy. Vừa hồi lại “anh giề” đã cuống lên, ú ớ một chập nữa, mà ú ớ rõ to nhá, khiếp quá! Tớ đồ rằng “anh giề” muốn lạy van tớ cứu lão…

– Có khi ông ấy muốn trối trăng điều gì… – Cựu Tỉnh Trưởng nói khẽ, như nói một mình.

– Anh bảo sao? Trối trăng à? “Anh giề” ấy thì có cái đéo gì mà trối với trăng cơ chứ. Đừng nói leo! Ra ngoài kia! – Sĩ Quan quát – Tôi bảo anh ra ngoài kia.

Cựu Tỉnh Trưởng lẳng lặng trôi ra ngoài trạm xá như một cái bóng. Lão ngồi bệt xuống đất bên bức vách, úp mặt vào hai bàn tay. Đôi vai gày của lão rung lên từng chập.

– Mặc lão. – Y Tá can Sĩ Quan, kể tiếp – Ăn xong, tớ mới ra xem “anh giề” của tớ thế nào rồi, thì cha mẹ ơi, lão đã chống tay trái nhỏm dậy, tay phải cầm đôi đũa…

– Thánh thật! – một người tù bình luận – Lão liệt nửa người trên từ hôm qua rồi mà.

– Thế mà “anh giề” lại tỉnh, lại nhấc được tay, mới thánh chứ. Từ trước đến nay, các cậu biết, tớ mà đã phán thằng nào tớ chịu, không chữa được nữa, thì y như rằng thằng ấy ngỏm củ tỏi. Đã tưởng lần này mình sai bét.

– “Anh giề” ghê thật. Chết đi sống lại mấy lần rồi đấy.

– Đéo phải. Tớ không sai. Tớ vẫn đúng. Tớ thấy “anh giề” giơ đôi đũa về phía bát thịt, bàn tay “anh giề” run run, cuối cùng rồi đôi đũa cũng chạm được vào thành bát nghe đánh cóc một cái. Nhưng chỉ đến đấy thôi. Đến lúc “anh giề” run run gắp được một miếng thì hức, “anh giề” nấc lên một tiếng, cả người lão bỗng giật lên….

– Xong phim?

– Xong! – Y tá xác nhận.

– Không kêu thêm một tiếng?

– Không. “Anh giề” ngã vật ra, đầu ngoẹo sang một bên. – Y Tá nói – Đ.m., tớ mà đã phán là trúng phóc. Có điều “anh giề” sống dai khủng khiếp. Người khác thì đã ngỏm từ lâu…

– Gắp miếng thịt lên mà không ăn được, cái số con người ta sao mà khốn nạn! – một người chép miệng, lắc đầu – Đúng là nhất ẩm nhất trác giai do tiền định.

– Có cái gì khốn nạn hơn là số phận con người?!!

Người ngồi bên đế thêm và đưa cái điếu cày lên.

– Thế là đéo cần lệnh tha nữa.

Tiếng rít thuốc vang giòn giã.

5

Người Tù Già được chôn chiều hôm đó. Không người viếng, không tiếng khóc, không vòng hoa. Đám ma tù là thế. Khi buổi điểm danh lần thứ hai trong ngày kết thúc, tù đã vào được lùa vào trong các phòng giam, các cửa đã được khóa lại, thì mọi thủ tục cho sự ra đi vĩnh viễn của Người Tù Già bắt đầu. Các bậc chức việc từ khu nhà Ban giám thị ở ngoài trại lục tục mang hồ sơ đến, lấy dấu tay xác chết, đối chiếu mặt xác chết với ảnh trong hồ sơ, lần lượt ký tên vào biên bản tử vong.

Xong, lệnh mai táng mới được phát.

Tổ mai táng gồm bốn người lẻo khoẻo hì hục đặt Người Tù Già nằm vào chiếc áo quan chật chội do đội mộc đóng bằng sáu tấm ván tiết kiệm, mỏng tang và nứt nẻ, rồi đóng nắp lại. Tiếng đinh đóng lên ván thiên kêu chan chát. Cái tiếng chan chát ấy chui vào trong các phòng giam làm cho những người tù lặng đi đúng một phút mặc niệm, sau phút ấy thì phòng nào phòng nấy lại ồn ào như tổ ong.

Luồn hai sợi chão vào đáy, bốn người nọ gánh Người Tù Già ra nghĩa địa. Theo mệnh lệnh thép của Sĩ Quan, được phát ra với vẻ mặt nghiêm trang, đội mai táng phải đặt cái bát sắt tráng men cóc gặm đựng suất thịt của Người Tù Già vào quan tài, bên cạnh ông lão. Bình thường, không ai để phí của giời như thế, bát thịt – tức là cả cái bát, cả thịt bên trong – sẽ thuộc về một người nào đó, hoặc là bạn thân của kẻ xấu số, hoặc là một tên “vét đĩa” đáng thương. Hàng ngũ sĩ quan và “đầu gấu” không bao giờ đụng đến đồ của người chết – chỉ có cái chết mới làm cho chúng tin rằng không nên đụng vào thứ của cải ấy. Mệnh lệnh của Sĩ Quan làm mọi người ngạc nhiên. Chưa bao giờ Sĩ Quan ra một mệnh lệnh tương tự. Không ai biết rằng hắn tin Người Tù Già chết vào chính Ngọ sẽ thiêng lắm. Nếu linh hồn Người Tù Già biết hắn đối tốt với ông ta, hắn sẽ được đền đáp.

Trong trại không có đội mai táng chuyên nghiệp. Không kể những trận dịch, không phải ngày nào cũng có tù chết. Thành thử gọi là đội cho bảnh, chứ khi nào có người chết thì cán bộ mới gọi người đi chôn, phân cho ai người ấy đi. Mỗi lần đi chôn đội mai táng bao giờ cũng được bồi dưỡng một yến sắn, cho dù công việc không vất vả. Nhưng không phải ai cũng có cơ may được trên cho hưởng cái công việc ngon lành ấy. Ban giám thị chỉ cử những người được Ban đặc biệt tín nhiệm mà thôi. Tín nhiệm ở đây có nghĩa là người làm việc ấy không lợi dụng cơ hội để trốn trại. Theo quy định, khi đưa tù đi chôn phải có lính gác đi kèm, nhưng với người có tín nhiệm rồi thì đôi khi lính áp giải phó mặc họ làm, làm xong thì tự về. Người lính áp giải hôm nay cũng vậy. Đi khỏi trại một quãng anh ta phẩy tay cho bốn người khiêng áo quan đi, còn tự mình rẽ vào xóm dân ở gần đấy để tán gái, hoặc để mua bán đổi chác.

Khi đám ma ra khỏi cổng trại thì ánh mặt trời đọng trong thung lũng bắt đầu nhạt. Mùa đông, trong lòng chảo lọt thỏm giữa vòng vây của những ngọn núi cao núi thấp ban đêm lạnh thấu xương, nhưng ban ngày thì oi bức. Thứ khí hậu khắc nghiệt này làm cho người ta bao giờ cũng ở trong tâm trạng bực dọc. Những người tù nghe thấy những người coi tù văng tục, không phải một lần:

– Mẹ kiếp, ở cái nơi này thì mình với thằng tù phỏng khác chó gì nhau!
Tu Sĩ đi đòn trước thở hồng hộc. Lúc đi qua cổng trại, hắn lao ào ào, kéo cả bốn người phải lao theo. Hắn đặc biệt dị ứng với cái cổng trại. Cứ mỗi khi đi qua vòm cổng là hắn đi thật nhanh, dường như nó đè nặng lên hắn, rằng nó mới là biểu tượng của sự giam giữ đích thực, mới là nhà tù, chứ không phải phòng giam nơi hắn ở, không phải khu trại có tường xây bao bọc và dây thép gai bịt bùng mắc trên.

– Này Cha, từ từ chứ nào. Đéo gì mà như ma đuổi thế?

Tên Giết Người càu nhàu. Hắn bao giờ cũng giữ được dáng nhàn tản. Nhàn tản làm, Nhàn tản ăn. Tưởng chừng khi hắn giết người đàn bà ở cái ga hẻo lánh để cướp có một cái tay nải không biết trong có gì, hắn cũng ung dung như thế – rút búa ra, nhằm cẩn thận, rồi bổ một nhát duy nhất. Mọi người hình dung ra cảnh giết người đúng như vậy khi ngồi nghe hắn từ tốn kể lại trường hợp phạm tội, vừa kể vừa nhấm nháp từng ngụm trà nóng bỏng.

Tu Sĩ bao giờ cũng nghe lời Tên Giết Người, không dám cãi lại. Và tránh xa hắn lúc nào có thể tránh xa. Tu Sĩ sợ hắn, có vẻ là như thế. Hoặc ít nhất thì cũng rất nể hắn, như Nhà Báo kết luận. Tu Sĩ bị bắt trong một lần giảng đạo “chui”, trong một bản miền núi. Tội giảng đạo “chui” bị “quả tớm[6]” đại loại cũng như tội buôn lậu bị bắt với đầy đủ tang chứng, không thể tha. Khác nhau ở chỗ, tên buôn lậu được đưa ra toà xử, có án, còn người giảng đạo chui thì bị “boọp”, tức là tập trung cải tạo.

Nhà Báo, cùng đòn khiêng với Tu Sĩ, thở dài. Trong lòng, hắn không ưa Tu Sĩ, không ưa cái gọi là đức “khiêm nhường chịu luỵ” của Tu Sĩ. Hắn là kẻ vô thần vì trong đầu bị ních chặt chủ nghĩa duy vật, cả duy vật biện chứng lẫn duy vật lịch sử, một cách vô thức, kết quả của một nền giáo dục độc quyền, hắn coi khinh cái cách lý giải mọi sự đời kiểu “Một sợi tóc rơi xuống cũng không ngoài ý Chúa” của tín đồ Thiên Chúa giáo. Đối với Nhà Báo, cái xã hội bất công, bất bình đẳng, bất nhân, vô văn hoá, vô nhân tính, vô luân thường, vô đạo đức… sở dĩ cứ nhơn nhơn tồn tại là nhờ ở thứ luận lý lởm khởm ấy, trong đó người ta thay vào chỗ của Chúa bằng thứ khác, gọi là Đảng và Nhà nước. Không thể hiểu được vì sao con người rất mực hiền lành như Tu Sĩ lại có thể rơi vào sự khốn khó này? Ờ thì chính quyền vô thần không ưa bất cứ tôn giáo nào, nhưng ngoài mặt nó tỏ ra không ngăn cấm tự do tín ngưỡng, nó đâu có tiêu diệt đạo nào đâu. Nó chỉ tìm đủ mọi cách kìm hãm không cho bất cứ tôn giáo tranh giành địa vị kẻ cai trị tinh thần với nó mà thôi. Hắn khác, hắn có tội thật, vì hắn đã dám phát biểu những ý nghĩ phạm thượng của hắn với những người mà hắn cho rằng hắn có thể phát biểu, những người luôn khuyến khích hắn hãy sử dụng quyền dân chủ để xây dựng đất nước. Lại chính những người đó ký tên vào những báo cáo đề nghị đưa hắn đi cải tạo.

Tu Sĩ ít nói, hắn giấu giếm cười một mình, giấu giếm làm dấu thánh, giấu giếm đọc kinh vào ban đêm, khi mọi người ngủ say. Những người tù Thiên Chúa giáo kính trọng hắn . Một lời của Tu Sĩ nói ra được họ coi như một lời của bề trên buộc họ phải nghe theo. Qua lời kể của họ, Nhà Báo biết rằng chỉ còn thiếu một chức thánh nữa là Tu Sĩ đã thành linh mục. Có lẽ vì thế mà những người ngoại giáo trêu chọc gọi Tu Sĩ bằng Cha. Tu Sĩ cam chịu mọi sự trêu chọc và trên gương mặt bất động của hắn tỏa ra một ánh hạnh phúc, hoặc chí ít cũng là niềm vui, từ sự cam chịu đó.

– Này Cha, Cha có nghiệm thấy người chết nặng hơn người sống không? – Nhà Báo bâng quơ hỏi Tu Sĩ, hỏi chỉ để mà hỏi – Nói ví thử như lão này, gày như cá mắm, thế mà bây giờ thì nặng chình chịch.

– Cái đó không có lý. – Tu Sĩ trả lời – Trọng lượng con người ta lúc sống thế nào thì lúc chết thế vậy.

– Vậy thì trong trường hợp này phải có hai thứ trọng lượng, thưa Cha: trọng lượng tuyệt đối và trọng lượng cảm tính. Cái thứ hai chỉ mang ý nghĩa tương đối, và chỉ cho một khách thể ở bên ngoài kẻ sở hữu thân xác. Nói cách khác, nó phụ thuộc người đánh giá. Chính cái chết đã sinh ra cảm giác người chết nặng hơn lúc sống

Nhà Báo nói và ngẩng đầu nhìn bầu trời hoàng hôn sơn cước, thứ hoàng hôn cô tịch màu lam ngả sang màu tím. Sương mù trong thung lũng không bao giờ đọng lại dưới lòng chảo lúc hoàng hôn. Chỉ lúc ấy không khí mới có màu hổ phách trong vắt. Mải nhìn trời, hắn vấp phải hòn đá trồi lên trên mặt đường làm cho cái quan tài nhao đi cùng với cái vấp của hắn, và từ trong áo quan vẳng ra một tiếng nấc, hoặc một tiếng ợ.

– Cha mẹ ơi, ông ấy còn sống!

Tên Cắp Vặt, trẻ tuổi nhất trong đội mai táng quăng vội cây đòn, nhảy phắt sang một bên. Mặt hắn trắng bệch. Cái quan tài giộng xuống đường đánh cái kịch, đổ nghiêng. Nghe rõ tiếng xác chết va lục cục mấy lần vào thành áo quan.

6

Bốn người tù bắt đầu đào huyệt. Trên nghĩa địa tù không có lấy một ngọn gió. Tu Sĩ bắt mệt nhanh hơn ba người còn lại. Mồ hôi chảy thành dòng trên mặt hắn, mặc dầu khi nắng tắt thì cái lạnh cũng bắt đầu ào ạt dâng lên.

Nhà Báo trầm tư xúc từng xẻng một.

– Cha không cần vội. – Nhà Báo ngoảnh nhìn Tu Sĩ chăm chú đào – Nghĩa địa không phải bến ô tô. Đã đến đây không ai bị lỡ chuyến hết.

Tu Sĩ đưa cánh tay quệt mồ hôi trên trán. Trong tầm mắt của hắn là một vùng nhấp nhô mả lớn mả bé, mả cũ mả mới. Khi Tu Sĩ được đưa tới đây, ba năm trước, nghĩa địa tù chỉ là một mảnh vườn đầy cỏ gà, cỏ xước và những bụi chó đẻ.

– Làm nhanh rồi còn về. – Tu Sĩ nói.

– Tôi không vội, thưa Cha. Tôi không có nhà để mà về. Ở đây, giữa thiên nhiên – tôi thanh thản. Tôi muốn kéo dài thời gian thanh thản này.

– Thôi đi mày, – Tên Giết Người gắt – đừng tán dóc. Tao với mày lại sắp được một bữa sắn nhoè đấy, thanh thản thì là cái đéo gì.

Nhà Báo nhổ bọt vào lòng bàn tay để cầm cán xẻng cho đỡ rát, lẳng lặng xục lưỡi xẻng vào đất bán sơn địa lổn nhổn sỏi vụn và đá son.

– Mày không thấy Lão Cựu Tỉnh Trưởng à? Mặt lão bệch ra rồi. Chẳng còn được mấy nả đâu. Lão sẽ đi trước. Sau mới đến lượt thằng Ngựa Điên.

Tên Giết Người thích gọi Nhà Báo bằng “mày” để nhấn mạnh tính chất bình đẳng giữa hắn và Nhà Báo, thứ bình đẳng nhờ nhà tù mới có. Ở ngoài đời hắn chưa từng gặp một nhà báo nào, đừng nói tới chuyện được ngồi ăn cùng, được vỗ vai, được văng tục, được mày tao chi tớ thoải mái với một thằng trí thức như thế.

Nhà Báo trong thâm tâm không thừa nhận sự bình đẳng ấy, hắn cảm thấy sượng, hắn còn buồn nữa, gọi là tủi thân thì đúng hơn, nhưng không phản đối. Trong tù cần phải biết chấp nhận mọi điều bất bình thường, phải biết coi tất tật mọi sự là lẽ đương nhiên

– Gày là thày cơm. – Nhà Báo lắc đầu – Ông ta còn trụ được còn lâu.

– Cuộc nào, tao bảo nội trong tuần này là hắn xong phim. Hai suất cơm, chịu không?

– Đừng cuộc. – Tu Sĩ khuyên Nhà Báo – Ông ấy nói đúng đấy.
– Tại sao?

– Tôi đã nhìn thấy bóng Thần Chết trên mặt ông Tỉnh Trưởng.

– Thế còn anh Ngựa Điên? Cha bảo sao? – Nhà Báo hỏi lại.

– Anh ấy thì còn lâu.

Tên Giết Người cười lớn. Hắn không biết kết luận thành lời những ý nghĩ, nhất là những cảm xúc của hắn. Ngựa Điên là một tù nhân mà Tên Giết Người ghét cay ghét đắng. Bởi vì sự có mặt của Ngựa Điên làm lu mờ rất nhiều danh tiếng của hắn. Cái tên Ngựa Điên sở dĩ có là do những cái răng cửa dài hơn bình thường và cặp mắt long sòng sọc của người tù mang án chung thân, tội giết người. Những người tù kính trọng Ngựa Điên vì hắn giết người chỉ để trả thù cho người cha bị bức tử trong cải cách ruộng đất. Tên quan toà xử cha hắn ta về sau giàu sụ, nhưng Ngựa Điên hạ sát kẻ thù xong đã chỉ cắt cái thủ cấp của hắn rồi ra về, tịnh không động đến một chút gì gọi là của cải. Đặt thủ cấp kẻ thù lên ban thờ cha xong, hắn xách con mã tấu lên đồn Công an đầu thú.

Dọc đường, Tên Cắp Vặt im lặng, không tham gia những câu chuyện của người lớn. Bé người, nhưng hắn có thâm niên tù cao nhất so với các bạn trong đội mai táng. Hắn vào tù từ lúc còn bị cưỡng bức học trường Phổ thông Công nông nghiệp, thực ra là một hình thức giam giữ thiếu niên hư hỏng. Hắn bị đưa lên trại sau khi ngủ với một cô giáo làm cho cô ta có mang.

Cái huyệt được đào xong.

Nhà Báo ngồi lên cán xẻng, bên cạnh quan tài Người Tù Già, nhàn nhã đánh diêm châm điếu thuốc. Mấy người kia cũng hút, kể cả Tu Sĩ. Bốn làn khói khét lẹt bay lên trên nền núi xa đã sẫm hơn trên nền trời về tối. Hoàng hôn ở đây bắt đầu sớm nhưng đi rất chậm. Trời mỗi lúc mỗi lạnh.

Tên Cắp Vặt bấm Tên Giết Người lảng ra xa. Ở đó chúng thì thào với nhau, thỉnh thoảng lại liếc về phía Tu Sĩ và Nhà Báo.

Nhà Báo, bằng con mắt nghề nghiệp, đoán chúng đang âm mưu chuyện gì đó. Hắn theo dõi hai đứa theo thói quen, vì tò mò, chứ mọi âm mưu, mọi thủ đoạn của những người bạn tù đủ mọi loại, đối với hắn chẳng nghĩa lý gì. Hắn đứng trên, đứng xa mọi sự, dửng dưng với mọi sự. Với bộ lạc tù, hắn được coi là hoàn toàn vô hại. Một người dửng dưng với sự đời không bao giờ làm ăng-ten[7].

Tên Giết Người quay lại bên huyệt, lạnh lùng nói:

– Thưa Cha, xin Cha hãy vui lòng đi ra đàng kia… Một lát thôi. Và quay mặt đi cho con nhờ.

Tu Sĩ không nói không rằng đi ra xa mấy bước, ở đó hắn đứng yên như tượng, nhìn lên trời.

– Còn mày nữa, Nhà Báo, mày cũng ra đàng kia. Và quay mặt đi.

– Các anh định làm gì vậy? – Tu Sĩ quay lại hỏi.

– Cái đó không liên quan đến Cha. Đi xa nữa ra.

Tu Sĩ lẳng lặng bước xa thêm. Hắn ngắm nghía những đám mây bay chậm trên đỉnh núi cao nhất, lấp lánh màu sắc xà cừ. Những màu sắc thay đổi rất nhanh. Tu Sĩ bất giác nhớ đến những hoàng hôn biển ở quê mình và thở dài. Cuộc đời bên ngoài tù ngục vẫn cứ là đẹp, dù hắn đã sẵn sàng chịu đựng mọi khốn khó Chúa trao cho để thử thách đức tin của hắn.

Nhà Báo cười gượng gạo:

– Tao xem được chứ? Vì tò mò thôi.

– Tùy! Nếu mày muốn – Tên Giết Người buông sõng và cầm lấy cái xẻng.

Đôi vai Tu Sĩ giật lên khi nghe tiếng két kéo dài của tấm ván thiên được cậy lên.

– Mày tin là ở trong áo bông? – Tên Giết Người hỏi.

– Người ta bảo thế – Tên Cắp Vặt đáp khẽ.

Tên Giết Người ra lệnh:

– Được. Bây giờ dựng hắn ta dậy.

Tên Cắp Vặt lùi lại, mặt tái mét.

– Không!

– Đồ hèn! – Tên Giết Người cười và nhổ bọt – Quá hèn.

Tên Cắp Vặt xua tay:

– Chớ! Chớ nhổ bọt.

– Thì sao?

– Người ta kiêng.

Tên Giết Người ném cho Tên Cắp Vặt một cái lườm bỏng rẫy rồi xoạc cẳng đứng trên đầu áo quan nhìn xuống. Hắn thấy sắc mặt Người Tù Già không xám ngoét như lúc nhập quan, mà bỗng có chút hồng. Cái đó có thể do ánh sáng của mặt trời đã lặn phản chiếu từ đám mây trên trời cao mà ra. Tên Giết Người nhớ đến chuyện một người tù đã đem chôn mà sống lại, vùng ra được khỏi huyệt lần về trại. Hắn cúi hẳn xuống, tát vào má Người Tù Già mấy cái xem lão có phản ứng gì không, nhưng lão nằm yên.

– Đừng, ông. – Tên Cắp Vặt nói, giọng van vỉ – Đừng.

Đáp lại, Tên Giết Người cười khẩy. Hắn nắm lấy hai vai xác chết, giật mạnh. Xác chết bật dậy, đứng dựa vào ngực Tên Giết Người. Hắn, một tay đỡ xác chết cho nó khỏi đổ, tay kia lục lọi quần áo người chết.

Nhà Báo nhìn thấy cằm của Người Tù Già tựa trên vai Tên Giết Người, trên gương mặt bất động đôi mắt hé mở, lờ đờ.

– Chẳng có chó gì hết. – Tên Giết Người càu nhàu – Mày nói thế nào ấy…

– Hay là ông ấy khâu trong áo bông? – Tên Cắp Vặt lí nhí.

– Đưa tao con dao.

Tên Cắp Vặt đưa cho Tên Giết Người con dao to bằng đốt ngón tay làm bằng sắt đai thùng. Roạt, roạt. Tên Giết Người rạch mấy đường làm cho bông gòn trong áo bay loạn lên trong gió.

– Đéo thấy con c. gì hết – hắn càu nhàu.

– Có khi ông ấy giấu trong quần lót, ông ạ – Tên Cắp Vặt lùi ra xa, mặt xám không kém gì mặt xác chết – Ông tìm kỹ xem.

– Lại đây, thằng vô tích sự – Tên Giết Người ra lệnh.

Nghe hắn gọi, Tên Cắp Vặt không những không đến gần mà còn lùi thêm vài bước nữa.

– Lại ngay đây! – Tên Giết Người gắt – Sao mày nhát thế?

Nhưng vô hiệu, Tên Cắp Vặt trợn tròn mắt, cái nhìn dán chặt vào bộ mặt bất động của xác chết.

Nhà Báo nhếch mép, nhưng không cười. Cảnh tượng ấy chẳng thích hợp với nụ cười nào.

– Thôi mày. – Nhà Báo phẩy tay – Chôn lão nhanh lên rồi còn về.

Ngoái cổ lại, hắn nhìn thấy Tên Giết Người và Người Tù Già vẫn đứng tựa vào nhau. Hệt như Tên Giết Người đang vuốt ve Người Tù Già và đang thủ thỉ chuyện gì đó với ông lão.

– Họ vẫn chưa xong hả? – không quay mặt lại, Tu Sĩ hỏi.

– Chưa.

Cảnh tượng Tên Giết Người lục soát xác chết làm cho Nhà Báo thấy trong lòng mình sôi lên một nỗi giận dữ khó hiểu.

Và chẳng biết làm gì với nó, hắn trút nó lên đầu Tu Sĩ.

– Này Cha, – hắn nói – Cha tin là có Chúa?

– Tôi hằng tin ở Người – Tu Sĩ đáp, mặt hết sức nghiêm trang.

– Vậy thì Chúa ở đâu?

– Chúa ở khắp mọi nơi. – Tu Sĩ khẳng định – Chúa thông biết mọi sự.

– Cả ở đây nữa chứ thưa Cha, – Nhà Báo nói, giọng mai mỉa – Trong cái chốn chúng ta đang ở này này? Đấy, cả ở chỗ kia kìa.

– Trong cả chốn này.

– Thật sao?

– Và cả trong ta.

– Và Chúa công bằng? – Nhà Báo gặng.

Tu Sĩ vẫn nghiêm trang:

– Không ai công bằng hơn Chúa.

Nhà Báo bỗng phá lên cười. Tiếng cười ngạo nghễ của hắn bay xa, đập vào vách núi rồi lại vẳng lại “ha..ha..ha..ha.. ha …a..a…”!

Khi tiếng cười yếu dần rơi xuống ở đâu đó trong những lùm cây đã biến thành những khối đen, Nhà Báo nghe tiếng một vật nặng đập vào gỗ. Hắn đoán Tên Giết Người xong việc vừa ném Người Tù Già trở lại vào áo quan.
– Cho mày! – Nhà Báo nghe thấy Tên Giết Người nói.

– Không. Cháu cảm ơn ông.

– Sao? Mày chê ít à?

– Không! Cháu không lấy đâu.

– Mày sợ hả?

Tên Cắp Vặt run cầp cập nói lắp:

– Cháu thấy… cháu thấy…

– Thấy cái gì?

-… Ông ấy lườm cháu. Tại cháu đầu têu…

Tên Giết Người ngửa mặt lên trời mà cười.

– Mày không lấy, tao lấy. Tao cóc sợ con khỉ khô nào hết.

Rồi chợt nghĩ ra điều gì, hắn cúi xuống nhặt cái bát sắt tráng men mà thịt ở trong đã đổ tung toé ra áo quan khi nó bị rơi xuống trên đường.

– Hoài của, cái bát còn tốt. – Tên Giết Người ngắm nghía cái bát rồi nói – Cho mày đấy.

– Không! – Tên Cắp Vặt rền rĩ – Không. Cháu không dám lấy đâu. Tiền cháu còn khônglấy nữa là cái bát. Cháu không lấy gì hết.

– Thế thì tao cho mày một cái bạt tai. – Tên Giết Người quát – Có lấy không? Này đây!

Vang lên một tiếng bốp, rồi tiếng Tên Cắp Vặt nấc lên, không rõ vì đau hay vì sợ.

Nhà Báo kéo Tu Sĩ đứng dậy. Tên Giết Người đóng nắp áo quan lại bằng một tay. Hắn cũng chẳng buồn đóng đinh. Tấm ván thiên xô sang một bên, để lộ nửa mặt người chết, khi bốn người lặng lẽ thòng dây chão vào dưới áo quan để thả nó xuống cái huyệt đen ngòm. Chẳng nói chẳng rằng, họ xúc đất đổ xuống huyệt cho đến khi nó được lấp đầy. Tu Sĩ là người cuối cùng còn làm việc sau khi ba người kia đã ngồi nghỉ.

Khi nấm mồ đã được Tu Sĩ đắp xong lùm lùm cho ra vẻ một nấm mồ, Tên Cắp Vặt sực nhớ ra điều gì, hắn đứng dậy rồi chạy hộc tốc về phía con suối ở đầu kia của nghĩa địa, từ đó hắn vác lên một tảng đá, lặc lè đi về phía ba người. Tảng đá nặng làm cho hắn thở dốc. Hắn liếc nhìn Nhà Báo và Tu Sĩ rồi đặt nhẹ nhàng tảng đá xuống đầu nấm mồ rồi lấy tay xoa cho đất chung quanh cho đẹp.

“Món hối lộ của một lương tâm khiếp đảm”, Nhà Báo nghĩ thầm và đưa tay lên mắt. Hắn có cảm giác bị choáng.

Bốn người tù ra về.

Ngày hết.

Khi họ xuống con suối gần đấy để rửa chân tay, Nhà Báo cà khịa với Tu Sĩ:

– Nếu có Chúa và Chúa là công bằng thì ít nhất Chúa cũng phải để cho ông lão tội nghiệp nọ ăn xong bữa tươi hôm nay đã… Chúa toàn năng trong trường hợp này còn nhẫn tâm hơn cả người thế tục.

– Lạy Chúa tôi lòng lành!

– Ít nhất thì Chúa cũng phải làm một điều gì đó cho con người bất hạnh ấy chứ, phải không? Nếu không, Chúa sao còn là Chúa?

Tu Sĩ rùng mình trước lời nói báng bổ của Nhà Báo, lẳng lặng ngước mắt lên trời, thành kính làm làm dấu thánh.

– Caeli enarrant gloriam Dei[8]!

Bầu trời đêm chết lặng trước mắt hắn. Những tầng trời sáng danh Chúa.
Tu Sĩ lẩm bẩm và thở dài não nuột.

Vũ Thư Hiên
___________________________________________

[1] Sĩ quan (tiếng lóng), chỉ những tù nhân loại anh chị trong đám lưu manh.

[2] Trong các trại giam người ta dùng các bác sĩ phạm pháp làm công việc y tế, nhưng không cho họ mang danh hiệu bác sĩ nữa, chỉ gọi bằng “Y Tá”.

[3] Già

[4] Mercurochrome, trị bách bệnh ngoài da trong trại giam.

[5] Dầm = nhiều (tiếng lóng).

[6] Quả tang (tiếng lóng).

[7] Chỉ điểm (tiếng lóng).

[8] Những tầng trời hát ca sáng danh Chúa.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên