Cách xử lý vi phạm môi trường ở Mỹ

0
Lãnh đạo trẻ từ 11 quốc gia Đông Nam Á, trong đó có ba bạn đến từ Việt Nam, đang trao đổi với sinh viên và giới nghiên cứu trong hội thảo về môi sinh tại Đại Học Berkeley hôm 19/9/2019 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Thời gian vừa qua ở Việt Nam việc gây ô nhiễm môi trường và thiệt hại cho người dân đã không được xử lý một cách minh bạch nên dân chúng có nhiều bất mãn với cách hành xử của chính quyền.

Năm 2016 nhà máy gang thép Formosa ở Hà Tĩnh thải chất độc làm ô nhiễm mấy trăm cây số bờ biển và gây thiệt hại đến đời sống của hàng vạn ngư dân. Chỉ ít lâu sau đó công ti Formosa đã thỏa thuận với nhà nước Việt Nam để bồi thường 500 triệu đôla và phủi tay.

Cho đến nay việc bồi thường cho dân vẫn chưa được giải quyết thoả đáng. Vùng biển bị ô nhiễm mấy năm qua vẫn chưa trở lại bình thường với hệ sinh thái trước khi sự cố xảy ra và vẫn còn tiếp tục bị làm độc bởi Formosa, theo như cáo buộc của nhiều người dân trong khu vực. Trong khi đó không có những thông tin khoa học chính xác và độc lập để xác minh mức độ ô nhiễm trong nước còn ở ngưỡng nguy hại hay đã trở lại bình thường.

Thật là điều khôi hài là chỉ không lâu sau khi thấy cá chết hàng loạt trôi vào bờ biển ở nhiều nơi quanh Hà Tĩnh, truyền thông trong nước đưa lên hình ảnh quan chức rủ nhau ra tắm biển, đi ăn hải sản trong khu vực như để chứng minh nước biển vẫn trong lành và hải sản không bị nhiễm độc. Việc này chính ra phải để cho các cơ quan có chức năng khoa học trong việc kiểm soát môi sinh làm khảo sát và công bố kết quả chứ quan chức bơi lội trên biển hay ăn hải sản không nói lên được điều gì, khi mà người dân đa phần không còn tin những gì nhà nước nói.

Vì chính quyền không quan tâm giải quyết thiệt hại một cách minh bạch và công bằng cho người dân nên mới đây một tổ chức mang tên “Công lý cho Nạn nhân Formosa” được ra đời tại hải ngoại để giúp hàng nghìn người dân ven biển miền Trung đứng ra kiện công ti Formosa tại những toà án bên ngoài Việt Nam. Hôm tháng Sáu vừa qua tổ chức đã chính thức nộp đơn kiện Formosa và những công ti liên hệ tại toà án ở Đài Loan, ở Hoa Kỳ và kiện ra Liên Hiệp Quốc.

Mới tuần qua có vụ cháy công ty bóng đèn Rạng Đông ở Hà Nội, nằm trong khu vực đông cư dân đã gây hoang mang cho dân bị ảnh hưởng vì giới chức chính quyền dường như vô cảm trước những yêu cầu muốn biết rõ thông tin về sự nguy hại của thủy ngân trong sự cố này.

Vì vụ cháy công ti chế bóng đèn và phích nước, trong đó có dùng nguyên liệu thủy ngân nên dư luận lo sợ độc tố đã lan ra trong không khí hay ngấm vào đất sẽ có thể gây nguy hại lâu dài cho những ai tiếp cận.

Đọc báo trong nước thấy có người nói ở cách nơi cháy 500 mét và cảm thấy an toàn, trong khi có người ở xa cả cây số lại nói có những dấu hiệu không tốt cho sức khoẻ. Trong khi chính quyền không có những đồng thuận về ảnh hưởng của sự cố, không có những xác minh dựa trên căn bản khoa học để có thể đưa ra những biện pháp bảo đảm an toàn sức khoẻ cho người dân. Vì thế dân không còn biết tin vào đâu.

Bài viết này đưa ra một số vụ việc làm độc môi trường ở Mỹ và cách giải quyết, như những tham khảo cho ai quan tâm, cho nạn nhân có hiểu biết hơn về quyền lợi của họ. Dù trình độ khoa học và điều kiện pháp lý ở Việt Nam có những khác biệt với Hoa Kỳ, nhưng nhà nước ở đâu cũng phải có trách nhiệm bảo vệ người dân.

Hội thảo của lãnh đạo trẻ về môi trường ở các nước Đông Nam Á tổ chức tại Đại Học Berkeley hôm 19/9/2019 (Ảnh: Bùi Văn Phú)

Hai vụ gây ô nhiễm lớn nhất ở Mỹ là khi dầu thô bị tràn ra biển ở tiểu bang Alaska năm 1989 và ở vùng vịnh Mexico, tiểu bang Louisiana năm 2010.

Khi có những sự cố như thế, trách nhiệm của chính quyền trước hết phải tìm hiểu ngay xem có gây hại cho sức khoẻ con người, dựa vào những mẫu khảo sát khoa học tại chỗ để từ đó đưa ra quyết định di tản hay giới hạn đi lại trong khu vực. Sau đó chính quyền điều tra tìm xem nguyên nhân sự cố và đưa công ti ra tòa về tội bất cẩn hay cố ý gây thiệt hại để định mức phạt tài chánh cho công ti hay phạt hình sự đối với những ai gây ra tai nạn. Sau cùng là lo tẩy rửa cho sạch những chất độc hại trước khi cho phép cư dân trở lại sinh hoạt bình thường.

Vì sự cố do công ti tư nhân gây ra nên chuyện bồi thường thiệt hại cho những ai bị ảnh hưởng không phải là việc làm của nhà nước. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, người dân trong khu vực nếu bị ảnh hưởng xấu cho sức khoẻ thì đi bác sĩ hay cần thì vào bệnh viện điều trị. Sau đó có các văn phòng luật sư đứng ra để lập hồ sơ đưa công ti trách nhiệm ra tòa đòi bồi thường. Chính quyền không can thiệp vào chuyện kiện tụng giữa nạn nhân và công ti.

Trong vụ tai nạn tàu Exxon Valdez mắc cạn, đổ 41 nghìn mét khối dầu ra vùng biển Prince William Sound, tiểu bang Alaska, làm ô nhiễm hơn 2 nghìn kilômét bờ biển, công ti đã bỏ ra 1 tỉ đôla bồi thường cho nạn nhân qua các vụ kiện tập thể (class action lawsuit). Ngoài ra công ti cũng đã bỏ ra 2 tỉ đôla để làm sạch môi trường biển của Alaska.

Còn chuyện công ti có vi phạm luật về kiểm tra an toàn hàng hải khi sự cố xảy ra hay không thì được xử trong một phiên toà khác, giữa phía công tố là cơ quan thi hành luật của tiểu bang hay liên bang kiện công ti. Nếu công ti cố ý phạm luật để xảy ra sự cố thì sẽ bị xử phạt tài chánh rất nặng vì đó là cách bảo vệ môi sinh và an toàn cho công chúng.

Năm 2010 giếng khoan dầu Deepwater Horizon trong vùng Vịnh Mexico bị rò trong gần ba tháng và đã thải ra vùng biển gần tiểu bang Louisiana 780 nghìn mét khối dầu thô, làm thiệt mạng 11 người. Công ti mẹ là BP chịu trách nhiệm bồi thường cho khoảng 100 nghìn dân và chủ cơ sở thương mại hơn 4 tỉ đôla. Chí phí làm sạch môi trường biển tốn 65 tỉ đôla. Ngoài ra chính phủ Hoa Kỳ còn đưa công ti BP ra toà vì tội bất cẩn nghiêm trọng để gây ra thảm hoạ môi trường và đã xử phạt BP 18.7 tỉ đôla.

Ở vùng vịnh San Francisco, cách đây 30 năm có vụ cháy nhà kho của tập đoàn siêu thị Safeway do tài xế bất cẩn khi trục xe hàng lên, đụng vào dây điện nên phát hoả. Đám cháy bắt đầu từ 10 giờ tối, đến 3 giờ sáng lực lượng cứu hoả mới dập tắt được. Khói tro bay mịt mù phủ cả một khu vực rộng lớn.

Thiệt hại cho công ti trong vụ cháy là 60 triệu đôla hàng hoá. Sau đó có những vụ kiện tập thể của cư dân khu vực cháy đòi Safeway bồi thường. Kết quả 11,800 hồ sơ đã đứng đơn kiện được bồi thường trung bình 5 nghìn đôla một người.

Với kết quả được công bố, khi luật sư đại diện thân chủ và đại diện công ti mời nạn nhân đến nhận tiền bồi thường, công ti còn bồi thường tượng trưng từ 200 đến 500 đôla cho những ai không nộp hồ sơ kiện mà chứng minh được, qua bằng lái xe, là đã sống gần khu vực cháy vài cây số.

Công ti dầu khí Chevron có nhà máy lọc dầu ở thành phố Richmond, vùng Vịnh San Francisco. Một vài lần đã có sự cố xảy ra gây cháy và khói độc bay phủ cả khu vực.

Mỗi lần như thế là lại có những vụ kiện tập thể của nhiều nghìn cá nhân. Những ai bị ảnh hưởng nặng đến sức khoẻ được bồi thường nhiều, có người đến vài chục nghìn đôla. Bị ảnh hưởng nhẹ như ho, ngứa da, đỏ mắt sơ sơ thì vài trăm đến hơn một nghìn. Chính quyền không can thiệp vào những vụ kiện dân sự này mà chỉ điều tra xem công ty có theo đúng những tiêu chí an toàn đã được cấp phép. Nếu không theo đúng sẽ bị xử phạt tài chánh rất nặng.

Tuy Việt Nam có những khác biệt về hệ thống luật với Hoa Kỳ và nhiều quốc gia, nhưng nạn nhân người Việt cũng cần được bảo vệ khi các công ti quốc tế gây ra sự cố.

Nếu người Việt đã có thể kiện các công ti Mỹ liên quan đến thiệt hại do Độc chất Da Cam thì họ cũng có quyền kiện Formosa trong vụ thải độc ra biển Hà Tĩnh.

Người dân Việt sống trong vùng bị ảnh hưởng bởi sự cố Formosa ba năm trước cần được sự bảo vệ của luật pháp và họ phải được quyền đòi công lý cho mình. Chính phủ Việt Nam nếu không bảo vệ được quyền lợi của người dân thì cũng không nên ngăn cản việc họ đi tìm công lý.

Bùi Văn Phú

Tác giả hiện dạy đại học cộng đồng và là một nhà báo tự do từ vùng Vịnh San Francisco, California.

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên