Bầu cử ở Đức, đốt củi ở Việt Nam và cơn lốc Trịnh Xuân Thanh

0
Đương kim Thủ tướng Angela Merkel đã được nhiều công dân Đức gốc Việt bỏ phiếu ủng hộ.

Sáng ngày Chủ Nhật, 24.09.2017, sau buổi điểm tâm, tôi cùng cô bạn đi tham gia bầu Quốc Hội nước Đức.

Đối với tôi, có quốc tịch từ năm 1991, nên chẳng phải là lần đầu. Riêng cô bạn tôi, vẫn còn là công dân Việt, nên chỉ đi theo để… quan sát.

Trên đường đi, nàng bảo: “Lạ thật, không khí bầu cử ở đây im ắng, khác với ở Việt Nam. Ra đường chỉ thấy từng cặp dắt tay nhau, ăn mặc chỉnh tề, chuyện trò vui vẻ đi vào phòng phiếu. Ở Việt Nam ta, vào những dịp như thế thì rất ồn ào. Khẩu hiệu, cờ quạt treo khắp nơi. Đỏ chóe làm chói cả mắt. Chưa kể loa phường thi nhau phát công xuất tẹc ga ngay từ sáng sớm. Nhức hết cả đầu.”

Tôi mỉm cười thông cảm: “Ở những nước văn minh, nền dân chủ đã phát triển cao, mọi người dân đều ý thức được tầm quan trọng của lá phiếu, nên không cần ai… hò hét. Ở những nước kém phát triển hầu hết đều khác xa. Không giăng cờ, không khua mõ… chắc ít ai chịu đi bầu. Nước Việt Nam ta cũng không ngoài trường hợp đó. Ngoài việc kém phát triển về dân chủ, nước ta còn bị nạn độc quyền lãnh đạo, theo nguyên tắc ‘đảng cử – dân bầu’, nên lá phiếu thực ra chẳng có giá trị gì.”

Trong kỳ bầu cử này, tại nước Đức có đến 48 đảng phái tham gia. Nhưng thực tế chỉ có 6 đảng: CDU/CSU, SPD, Grüne, Linke, FDP và AfD là có khả năng chia nhau 631 số ghế ngồi trong Quốc hội. Đảng nào, hay liên minh nào, chiếm được từ 316 ghế trở lên, sẽ được phép thành lập chính quyền, bầu Thủ tướng, thành lập nội các, thảo ra chương trình hành động cho nhiệm kỳ 4 năm tới.

Đúng 18 giờ ngày bầu cử, mọi việc đã rõ ràng. Đương kim Thủ tướng Angela Merkel, 63 tuổi, sẽ tiếp tục trong vai trò lãnh đạo. Nhưng rất tiếc, đảng của bà không nắm quyền lực một mình, mà phải chia bớt một phần cho đảng xanh Grüne và đảng vàng FDP, bởi CDU/CSU chỉ được 32,9% tổng số phiếu.

Dù chiếm được 20,6%, nhưng đảng SPD đã tuyên bố rời liên minh cầm quyền, nhận lãnh vai trò dẫn đầu đối lập trong quốc hội, để ngăn việc đảng cực hữu AfD, với 13% số phiếu, là lực lượng mạnh thứ 3, sẽ thao túng nghị trường.

Đối với tôi, kết quả là tạm chấp nhận được. Tôi đã bầu cho đảng Xanh, dù tôi thuộc khuynh hướng CDU và SPD. Việc làm của tôi nhằm mục đích giúp không khí dân chủ trong Quốc hội. Với sự suy nghĩ rằng, dù sao thì CDU/CSU và SPD cũng sẽ thành những lực lượng chính trị mạnh nhất và nhì, họ sẽ không cần thêm phiếu nữa, chúng ta dành cho đảng phái khác, hầu giảm bớt sức mạnh của 2 đảng mà tôi không hài lòng, là đảng cánh tả Linke, và cánh hữu AfD.

Theo thông tin trong những ngày qua, đây là một “chiến lược” không phải của riêng tôi, mà của nhiều cử tri khác trên nước Đức. Vì vậy, việc các chính đảng lớn là CDU/CSU và SPD, bị mất phiếu trầm trọng trong kỳ này, có thêm một lý do vô cùng dễ hiểu. Ít nhất là tôi đã không bầu cho họ, như những lần qua.

Trên đường về, khi nghe tôi kể về suy nghĩ của mình, cô bạn đã thốt lên: “Ước gì ở quê hương Việt Nam của mình, cử tri cũng được cơ hội dân chủ để chọn lựa như thế, có nhiều đảng phái ra tranh cử như ở Đức hiện tại. Lúc ấy nếu người dân vẫn chọn đảng Cộng sản làm lãnh đạo đất nước, và bên cạnh có nhiều đảng đối lập làm nhiệm vụ kiểm tra, thì quyền lực sẽ không còn bị lạm dụng, đỡ khổ cho dân mình biết bao. Và những người ‘cộng sản chân chính’ có lòng với vận mệnh đất nước, cũng đỡ nhức đầu, với tình hình ngoài tầm kiểm soát như hiện nay.”

Tôi gật đầu: “Đúng là như vậy, nhưng vô cùng gian khó. Đảng Cộng sản có tổ chức rất  tinh vi, chặt chẽ và chằng chịt từ lâu trong xã hội Việt Nam. Điều đó vô cùng có lợi trong thời kỳ chiến tranh, vì nhờ thế mà đảng đã có thể nắm toàn bộ quyền hành để quyết định và triển khai sức mạnh. Thế nhưng ngày nay, trong thời kỳ xây dựng, cần phát triển mọi mặt khác trong xã hội, đưa đất nước tiến lên, hội nhập vào dòng chảy tiến bộ của toàn thế giới, chúng ta cần một thể chế dân chủ, minh bạch, tự do, trong tinh thần thượng tôn pháp luật.”

Dù trong nước, hiện nay có bao người, kể cả những người cộng sản, trăn trở về một hướng đi đúng đắn cho dân tộc, và đặc biệt là thành phần trí thức, dù trong những năm tháng qua họ bị làm thui chột, mất dũng khí, đôi khi phải chịu tiếng ươn hèn. Những người cộng sản muốn thay đổi cũng không dễ, vì chính cái tổ chức chặt chẽ tinh vi, lại trở thành “gậy ông đập lưng ông”. Điển hình là chính sách độc đảng, chính sách hộ khẩu, đảng cử / dân bầu, sổ hưu và lý lịch, vân vân.

Đã từ lâu những chính sách này đã giúp đảng ổn định, tồn tại và phát triển. Rất có lợi trong thời kỳ chiến tranh. Thế nhưng hiện nay, chính sách này đã và đang thành trở ngại, bó tay đảng về những tham vọng như quyết tâm đổi mới, chuyển mình tiến bộ, đoàn kết dân tộc, bài trừ tham nhũng, chống nạn bè phái, xây dựng dân chủ, hoà giải và hoà hợp dân tộc.

Thật ra, nạn bè phái và nạn tham nhũng tuy hai mà một. Bởi chính vì cùng có mưu đồ tham nhũng nên các nhóm lợi ích kết lại thành bè phái. Và vì quyền lực không được kiểm soát nên nhóm bè phái càng thêm sức mạnh, sự tham nhũng càng bành trướng to hơn. Đến lúc cần, họ lại thanh toán, triệt hại nhau, đất nước càng điêu linh và nghèo khó.

Điển hình hiện nay là việc ví von “nung lò, đốt củi” của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Dù ông rất quyết tâm bài trừ tham nhũng, thế nhưng đại đa số người dân đều không tin vào sự thành công. Họ càng không tin rằng, nạn tham nhũng và nạn bè phái, cuối cùng sẽ hoàn toàn biến mất trong nhà nước CHXHCN Việt Nam. Bởi khi đốt xong được đám củi này thì đám củi khác lại… hiện ra, đôi khi còn cứng và khó cháy hơn những đám củi khác. Bởi tham nhũng và bè phái càng ngày càng khôn, tinh ma hơn.

Nguyên do của vấn nạn này chính là sự thao túng quyền lực. Mà bản chất con người là tham lam quyền lực để dễ bề thực hiện được lòng tham, chiếm đoạt của cải vật chất, biến của công thành của riêng mình. Không ai tự nhiên từ bỏ quyền lực và từ bỏ lòng tham, trừ khi bị bắt buộc.

Và vũ khí hữu hiệu giúp thực hiện sự bắt buộc đó, chúng ta không phải mất công tìm kiếm hay mò mẫm đâu xa, vì thiên hạ trong thế giới đã tìm ra cả mấy trăm năm nay rồi. Đó là xây dựng một thể chế dân chủ, có khả năng kiểm soát quyền lực, theo hình vòng tròn của tam quyền phân lập: Lập pháp (Quốc hội), Tư pháp (Tòa án) và Hành pháp (Chính quyền).

Ba cơ quan này phải tuyệt đối độc lập với nhau, không quyền nào được đứng trên quyền nào, cùng nhau giúp điều hành sự hoạt động và trật tự xã hội, mang ấm no, hòa bình, hạnh phúc và công bằng đến cho tất cả mọi người.

Trở lại tình hình đất nước ta, ngoài những thiếu sót về một thể chế dân chủ, như đã nói ở trên, dư luận hiện nay cũng nghi ngờ quyết tâm đánh bại tham nhũng của ông Nguyễn Phú Trọng. Họ cho rằng, thực ra đó chỉ là màn đấu đá nội bộ, nhằm tranh giành quyền lực và làm các đối thủ, phe của nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yếu đi, để chuẩn bị nhân sự của phía ông, cho kỳ Đại Hội đảng lần thứ 13. Bởi nếu không nắm được quyền lực, đảng sẽ mất khả năng kiểm soát và quyết định, trong bối cảnh một nền kinh tế khó khăn và xám xịt như hiện nay, cùng với sức ép về đòi hỏi quyền con người của quần chúng, đòi hỏi dân chủ của những phong trào đấu tranh dân sự, cũng như đòi hỏi phải cứng rắn hơn với chính quyền Trung Quốc, của tuyệt đa số người dân trong và ngoài nước.

Chính vì những ngờ vực đó, mà lòng tin của dân chúng ở trong nước, vào một đất nước trong sạch với sự phát triển bền vững, không có nền tảng vững chắc.

Còn đối với người Việt ở ngoài nước, hay còn gọi là “khúc ruột ngàn dặm”, lòng tin ấy đã ít ỏi từ lúc không mấy ai hài lòng, về thái độ quá mềm yếu của nhà nước, đối với sự hung tàn, xem thường khí phách dân tộc Việt Nam của bành trướng Bắc Kinh. Đến tình trạng đạo đức xã hội và học đường xuống dốc thảm hại. Tiếp theo là vấn nạn tham nhũng tràn lan, ăn sâu vào gốc rễ khắp mọi cơ sở và tổ chức xã hội ở Việt Nam.

Lòng tin ít ỏi đó lại càng ít đi hơn, sau… cơn lốc Trịnh Xuân Thanh (TXT).

Đặc biệt Việt kiều tại Đức, lúc đầu rất hoang mang bởi 2 nguồn dư luận.

Hoặc là ông TXT “đầu thú”, theo như thông tin nhà nước, một tuần sau khi TXT mất tích tại Berlin, rồi xuất hiện bơ phờ trên truyền hình Việt Nam.

Hay “bị bắt cóc”, theo như nguồn tin từ những trang báo đáng tin cậy trong và ngoài nước, đặc biệt là sự nhạy bén, chuyên nghiệp của tờ Thoibao.de ở Berlin, mà Tổng biên tập là ông Lê Trung Khoa.

Sự hoang mang này lập tức được giải tỏa, sau khi có sự xác nhận của chính quyền Đức. Dựa vào kết quả điều tra, Đức cáo buộc điệp viên Việt Nam, cùng liên quan với Đại Sứ Quán tại Berlin, đã tổ chức bắt cóc người, trên lãnh địa nước Đức. Vi phạm trắng trợn, chưa có tiền lệ, chủ quyền nước Đức và luật pháp quốc tế.

Việt Kiều tại Đức rất tin tưởng vào nguyên tắc làm việc của người Đức. Tin tưởng vào sự chính xác, khoa học, kiên trì với bài bản nghiêm túc của họ. Chẳng khác chi khi nhìn họ chơi đá bóng. Họ chơi nhẫn nại, siêng năng, kỷ luật, không chán nản. Thế trận trông rất chậm chạp từ từ, nhưng sức ép vào khung thành đối phương vô cùng nặng ký và dũng mãnh.

Người Đức không khôn lõi, dối trá hay xảo quyệt. Người Đức tôn trọng pháp luật và những qui ước đã thỏa thuận cùng nhau. Người Đức không tìm cách nói trắng thành đen. Tóm lại, những gì chính quyền Đức tuyên bố, Việt Kiều đều hết sức tin tưởng. Và khi họ nói là “bắt cóc”, thì sẽ không có nghĩa là “ra đầu thú”.

Chính vì vậy mà phía Việt Nam phải ngậm đắng nuốt cay, khi phía Đức trục xuất 2 nhà ngoại giao, vì họ phát hiện có những dấu hiệu dính dáng trực tiếp đến bắt cóc.

Họ tạm dừng quan hệ đối tác chiến lược đã ký kết tại Hà Nội, từ năm 2011, giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và bà Angela Merkel.

Họ yêu cầu nhà nước Việt Nam có lời xin lỗi nước Đức, hứa không tái phạm những phi vụ bắt cóc như vậy nữa trên nước Đức. Họ bảo lưu những biện pháp trừng phạt khác trong thời gian tới, nếu phía Việt Nam vẫn khư khư với ý kiến bảo thủ rằng, ông TXT đã về nước đầu thú và bị bắt tại Việt Nam.

Họ cũng yêu cầu có giám sát viên quốc tế, tham gia vào việc xét xử TXT.

Họ cho rằng, còn có thêm vài nhân viên tại Đại Sứ Quán dính líu dến vụ này. Nhưng mục đích của họ không phải là đuổi hết người về rồi đóng cửa cơ quan ngoại giao. Họ chỉ muốn phía Việt Nam thực hiện những điều cần thiết, để khôi phục lại niềm tin đã mất, và nối lại bang giao tốt đẹp như lúc ban đầu.

Thế là, Việt kiều tại Đức đang từ giai đoạn hoang mang, chuyển qua giai đoạn bị bàng hoàng. Nhất là 2 ngày sau bầu cử, thái độ Đức càng quyết liệt hơn.Tuyên bố của Đức được sự hưởng ứng của vài thành viên khác thuộc Liên minh Âu Châu, như Pháp, Ý, Thụy Điển, Hà Lan…

Ngày lễ Quốc khánh năm nay, Đại Sứ Quán Việt Nam không tổ chức hoành tráng như những lần trước, mà chỉ làm cho có lệ. Với một nhóm chừng 40 người, ngồi trong một căn phòng nhỏ hẹp. Nhân viên ngoại giao và người thân của họ, đã chiếm một phần không ít. Một vài gương mặt doanh nhân quen thuộc, chỉ đại diện cho một thiểu số nhỏ kiều bào. Dư luận cho rằng, đây là một buổi tổ chức nhằm đối phó với truyền thông báo chí, đối phó với tình thế lưỡng nan: Tổ chức to thì phía Đức không đi, không tổ chức thì mất thể diện.

Nghe đến đó, cô bạn tôi tiếp lời: “Hiện nay ngoài việc bàng hoàng như anh nhận định, Kiều bào ta tại Đức còn cảm thấy bất an và nguy hiểm, bởi sự lộng hành của các điệp viên Việt Nam trên nước Đức.”

Tôi cũng thêm vào: “Chẳng những thế mà họ còn cảm thấy bị xúc phạm. Vì sau mấy mươi năm sống và làm việc trên nước Đức, phần lớn đã hội nhập hay nhập quốc tịch, con cái đã có cuộc sống vững vàng, đa số Việt kiều xem đây là quê hương đã che chở và cưu mang mình, nên rất biết ơn. Bất cứ nước nào, chứ không riêng gì Việt Nam, nếu xâm phạm vào lãnh thổ Đức, hay vi phạm pháp luật nước Đức… cũng khiến cho mọi người phẫn nộ và đau lòng. Chỉ những người vô ơn mới có thái độ ngược lại.”

Cô bạn ngước mắt nhìn tôi: “Anh nói đúng, người Việt tại Đức nên có thái độ đúng đắn kịp thời. Chúng ta mong nhà nước Việt Nam nhanh chóng đáp ứng những yêu cầu rõ ràng và chính đáng của chính quyền Đức, nhằm khôi phục lại niềm tin. Nhằm bảo vệ những thành quả ngoại giao đã đạt được, mà trong đó, công lao đóng góp của bà con Việt kiều, cũng như của các hội đoàn người Việt tại Đức, là vô cùng to lớn, đáng quí và hiệu quả.”

Tôi biểu lộ sự đồng tình: “Đó là mong ước và góp ý chân tình, rất hợp lý đối với nhà nước Việt Nam. Riêng đối với Đại Sứ Quán, dựa theo thông tin từ phía Đức, ai cũng nhận ra rằng, chính ngài Đại Sứ, là một trong những người chịu trách nhiệm lớn, trong… cơn lốc Trịnh Xuân Thanh. Cơn lốc này đã phá tan, trong thời gian ngắn, những nỗ lực của bà con. Tuy vậy, có lẽ bà con không cần một lời xin lỗi, nhưng nếu có một buổi đối thoại rộng rãi, trong tinh thần cởi mở, chân tình… sẽ giúp đôi bên thông cảm, đưa bà con xích lại gần như xưa.

Vì với tình hình hiện nay, niềm tin đã mất. Bà con nhìn ngôi nhà Đại Sứ Quán ở Berlin, như một nơi dung túng những điệp viên thô thiển, những thế lực đen tối, và những cố vấn thiếu trình độ nghiệp vụ, có thể gây cho họ sự bất an và lo sợ.”

Sa Huỳnh (Berlin)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên