Bước vào năm mới, mọi người Việt Nam đều mong muốn cầu chúc đất nước đổi mới và phát triển hài hòa với tốc độ cao để thành tựu mọi mặt toàn dân cùng chung hưởng.
Thế nhưng nguyện vọng chính đáng, cháy bỏng này của cộng đồng không thể thành hiện thực vì vấp phải cái thành trì kiên cố của bảo thủ mà tiêu biểu là « 8 điều kiên trì » mà tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bộ Chính trị dưới quyền ông một mực bảo vệ đến cùng.
Xin nhắc lại, đó là 8 điều về đường lối, chính sách của đảng Cộng sản: Kiên trì học thuyết Mác-Lênin, kiên trì chế độ độc đảng, kiên trì nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, kiên trì mô hình tam quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp gắn chặt không phân lập do đảng thống nhất lãnh đạo, kiên trì phương châm « đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước thay mặt quản lý », kiên trì đường lối coi « sở hữu quốc doanh là chủ đạo », kiên trì chính sách đối ngoại ngả hẳn về một bên (nhất biên đảo) với chính sách 3 không (không có căn cứ quân sự, không có quân đội nước ngoài đóng trên lãnh thổ ta, không liên minh với nước này để chống nước khác).
Đã có rất nhiều nghị quyết về đổi mới, có cả nghị quyết về « đổi mới mô hình cai trị », « đổi mới ngành tư pháp », nhưng 8 điều kiên trì trên đây đã nghiễm nhiên xóa bỏ, phủ định, cản trở, nên tuy đổi mới nhưng không có gì thật mới, còn giáo điều, thủ cựu, cực đoan hơn trước. Sự kiên trì bệnh hoạn ngoan cố dẫn đến cái Nghị quyết 102 về kỷ luật đảng viên có 1 không 2, là hễ đảng viên nào có ý kiến chủ trương đa đảng, 3 quyền phân lập, khuyến khích các tổ chức xã hội dân sự là bị khai trừ, đuổi ngay ra khỏi đảng.
Đây là thái độ mang tính chất phát xít phản dân chủ, cũng là thái độ hốt hoảng run sợ trước sự thức tỉnh của quần chúng và không ít đảng viên trí thức và đoàn viên thanh niên có mong muốn chân thành xây dựng nền dân chủ văn minh của thời đại, sự thức tỉnh mà ông tổng bí thư chụp mũ là cái nguy cơ « nhạt đảng, nhạt đoàn, lung lay niềm tin ở đảng và chế độ, bị ảnh hưởng của bọn phản động ».
Nếu ông tổng Trọng huênh hoang rằng ý đảng hợp với lòng dân, vậy ông có dám làm một cuộc « trưng cầu dân ý » hay làm một cuộc thảo luận dân chủ trong đảng từ chi bộ cơ sở trở lên, có biểu quyết và ghi biên bản hẳn hoi xem còn có bao nhiêu đảng viên tin ở học thuyết Mác-Lê, ở chế độ độc đảng, ở tam quyền gắn bó, ở chính sách đối ngoại « nhất biên đảo » theo Trung Cộng… ? Ngay trong Bộ Chính trị hãy làm một cuộc phát biểu công khai từng người xem, sự nhất trí ra sao, ở mức nào. Có phải toàn đảng đều lú cả hay không?
Có thể nói « 8 điều kiên định » trên đây là nét đặc thù chính trị của riêng ông tổng Trọng, mà tất cả các tổng bí thư trước ông không ai dám « kiên định », đây là cái lô cốt bảo thủ – giáo điều phản dân tộc – phản nhân dân – phản thời đại nguy hiểm nhất hiện nay mà mọi lực lượng dân tộc – dân chủ trong và ngoài nước phải đương đầu, có nhiệm vụ phá bỏ để cứu nguy dân tộc.
Ông tổng Trọng đã ngang nhiên bỏ ngoài tai bao nhiêu là góp ý, kiến nghị, đề đạt, thuyết phục, những lời tâm huyết của nhân sĩ, trí thức, đảng viên, như các ông Nguyễn Trung, thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, trung tướng Đặng Quốc Bảo, nhà lão thành Nguyễn Khắc Mai, trung tướng Nguyễn Quốc Thước, nhà văn Nguyên Ngọc, nữ nghệ sỹ Kim Chi, đại tá về hưu Nguyễn Đăng Quang… cũng như của hàng mấy trăm chiến sĩ dân chủ trong hơn 40 tổ chức xã hội dân sự non trẻ mà kiên định vững vàng kết keo sơn chống chế độ độc đảng độc đoán đã lỗi thời, một chế độ gần như hết hơi vì lạc lõng trong thế giới mới hiện đại văn minh.
Cho nên năm 2018 – Mậu Tuất phải là năm toàn dân phất cao lá cờ Dân chủ và Nhân quyền, các tổ chức dân chủ hiệp thương cho ra mắt một tổ chức kết hợp nhau đấu tranh cho một đồng thuận, một lộ trình đi đến một mục tiêu thống nhất là một mô hình dân chủ đa nguyên mà tình thế đòi hỏi.
Lộ trình này khi hình thành chắc chắn sẽ được thế giới dân chủ hết lòng ủng hộ và yểm trợ, vì thế giới rất cần đến một Việt Nam dân chủ vững mạnh để đương đầu với mưu đồ bá chủ của Trung Cộng. Thái độ giả làm bạn với mọi nước nhưng « nhất biên đảo » không che mắt được thế giới dân chủ, chỉ làm cho nước Việt nam xã hội chủ nghĩa bị cô lập giữa thế giới đang phân cực.
Theo phương hướng và mục tiêu trên đây chúng ta phải làm gì?
Để cho dân tộc được đổi đời, chế độ được đổi mới theo mô hình cai trị tiên tiến, có rất nhiều việc phải làm cho mọi người tự nguyện dấn thân vì đại nghĩa.
Từ việc thông tin truyền thông để xã hội nắm bắt tình hình, tuyên truyền giáo dục nâng cao dân trí, tăng cường dân khí, hướng dẫn nhân dân hành động. Từ việc thức tỉnh đồng bào trong ngoài nước dám cũng đứng lên đồng lọat theo hành động chung cứu nước đến việc tiếp cận các chính quyền dân chủ ở Hoa Kỳ, Liên Âu – nhất là CHLB Đức, ở Canada, Úc châu… vận động bền bỉ và có hiệu quả các tổ chức quốc tế bênh vực nhân quyền và ở Liên Hợp Quốc. Từ việc họp hành của các tổ chức xã hội dân sự để trao đổi tình hình, ra tuyên ngôn, tuyên bố, kêu gọi, kiến nghị theo lộ trình và mô hình nói trên đến việc bàn bạc để có những cuộc xuống đường đồng loạt quy mô, là cả một khối lượng công việc không nhỏ của hàng triệu con người yêu nước thương dân cần làm.
Hành động! hành động! hành động! phài là châm ngôn chung.
Đầu năm chúng ta phấn chấn được tin vui, cô Cấn Thị Thêu, chiến sĩ can trường bênh dân oan được tự do trở về trong những cánh tay anh chị em thân thiết, cô Đoan Trang năng động trong hàng động và viết sách « Chính trị bình dân » được quốc tế vinh danh làm nức lòng chúng ta. Nhạc sỹ Việt Khang mang bài hát « Anh là ai » và « Việt Nam tôi đâu » ra thế giới tự do được đón tiếp thân tình., đầm ấm. Bản tin quốc tế « NOW » – « Ngay bây giờ, » đựoc phát hành rộng đòi trả tự do ngay cho 166 tù nhân chính trị, phần lớn là các chiến sỹ dân chủ và dân oan mất đất; bản tin ghi rõ 166 danh xưng với tiểu sử tỉ mỉ, được cập nhật từng ngày.
Theo kinh nghiệm lịch sử thì hành động cuối cùng có hiệu quả hơn cả là tổ chức biểu tình, tuần hành không bạo động nhưng bền bỉ quyết liệt, can trường theo những khẩu hiệu thích hợp. Đó là sức mạnh vô địch của lòng dân của hàng triệu quần chúng giác ngộ có thể làm nên lịch sử.
Đó là hàng triệu dân Ấn Độ theo gót chân của Mahatma Gandhi, là hàng triệu dân Nam Phi theo lá cờ của Nelson Mandela, là hàng chục vạn dân Tunisia, Ê-gýp, Libya gần đây. Đó cũng là hàng vạn dân Balan dưới ngọn cờ Công đoàn Đoàn kết, hàng chục vạn dân Tiệp khắc theo lời kêu gọi của Hiến chương 77, của hàng vạn dân Potsdam/Đông Đức và vùng lân cận xuống đường làm sụp đổ bức tường oan nghiệt Berlin cuối năm 1989.
Theo các học giả, trí thức Tiệp trong Hiến chương 77, các « cuộc nổi dậy không bạo lực mang sức mạnh vô biên của những kẻ không quyền lực », có khả năng hạ bệ những quyền lực hung hãn nhất. Đây là chân lý thời đại mỗi người Việt Nam dấn thân hãy nghiền ngẫm và cùng đồng tâm thực hiện và chứng minh.
Ở Việt nam ta, đã có những cuộc xuống đường quy mô hàng nghìn đến hàng vạn của những người dân không quyền lực có trái tim đầy hứng khởi, chống bành trướng, chống tai họa bôxit, tai họa Formosa, chống ô nhiễm môi trường, chống tham nhũng, chống BOT, kỷ niệm các liệt sĩ Hoàng Sa, Trường Sa, biên giới phía Nam và biên giới phía Bắc… có khí thế bền bỉ bất khuất, bảo vệ nhau chống bọn côn đồ cùng công an hung hãn.
Có những cuộc xuống đường hòa bình đòi tự do tôn giáo của bà con Xã Đoài Nghệ an đạt đỉnh cao 4 đến 5 ngàn người, có trật tự trong cầu nguyện và niềm tin, buộc hàng tiểu đoàn công an định phá đám đàn áp phải nao núng đứng nhìn rồi cuốn gói chuồn thẳng. Cả một kho kinh nghiệm sống về liên kết đấu tranh, về tổ chức hàng ngũ, giữ trật tự vệ sinh công cộng, công tác tuyên truyền cổ động, hướng dẫn nhân dân, vận động lực lượng đàn áp, đưa ra các khẩu hiệu thích hợp, công tác hậu cần, vận động liên tôn nhiều tôn giáo kết hợp, liên tôn với các tổ chức xã hội dân sự khác cùng chung sức đấu tranh. Xuống đường bền bỉ kéo dài vài ngày của các lực lượng dân sự cùng chung hàng ngũ với mọi tín đồ các tôn giáo là cả một thử thách, một khoa học và nghệ thuật đấu tranh dẫn đến thắng lợi từng bước và thắng lợi hoàn toàn.
Trong năm 2018, Mậu Tuất này, khả năng trong nước có những cuộc xuống đường đòi dân chủ, nhân quyền, đòi quyền sống tự do không bị cướp đất, cướp của, không có tham nhũng cửa quyền, đòi tự do cho 170 chiến sỹ dân chủ bị cầm tù… lên đến hàng vài ngàn đến 10 ngàn, 20 ngàn dân là hoàn toàn trong tầm tay, khi lòng đã đồng, tâm đã quyết. Lòng dân là ý Trời.
Đứng riêng 1 người, ta chỉ là con số không, không tác dụng. Đứng chung trong hàng ngũ hàng ngàn, chục ngàn, chúng ta là hàng chục, hàng trăm ngàn con sóng Tsunami có thể cuốn phăng những lô cốt cộng sản « 8 kiên trì » xây trên cát lỏng của quá khứ cổ lỗ thời mácxit đã suy tàn vĩnh viễn.
Bùi Tín (Blog VOA)