1. CẦN BAO NHIÊU THỜI GIAN ĐỂ TIÊM VACCINE CHO 75 TRIỆU DÂN?
Bộ Y tế cho biết đã có tổng cộng 150 triệu liều vaccine trong năm 2021 để tiêm cho 75 triệu dân, nhằm đạt mục đích miẽn dịch cộng đồng. Theo dữ liệu nguồn cung cấp cụ thể, thì hiện nay mới thấy được 125 triệu liều. Bao gồm: 5 triệu Moderna, 20 triệu Sputnik V, 30 triệu Atrazeneca, 31 triệu Pfizer, 38,9 triệu từ nguồn Covax.
Thực tế cho đến thời điểm hiện tại Việt Nam có được 2 493 600 liều vaccine của Covax cung cấp. Trong đó 811 200 liều nhận ngày 01/4/2021 và 1 682 400 liều nhận ngày 16/5/2021. Sắp tới có về thêm cũng chỉ đợi chờ vào Covax. Nguồn vaccine của AtraZeneca, Pfizer, Moderna, Sputnik V mà Bô Y tế đàm phán trực tiếp phải chờ đến quý IV năm 2021, nếu được giao đúng lịch.
Ngay sau khi Chính phủ cho phép các doanh nghiệp tìm nguồn vaccine, thì Bà Rịa Vũng Tàu là địa phương đầu tiên trên cả nước thông báo nhập được 2,2 triệu liều vaccine Covid – 19 do doanh nghiệp cung cấp. Trong đó; gồm 200 000 liều Pfizer với giá khoảng 917 000 đồng/liều, nhận hàng sau 7 ngày; và 2 triệu liều AtraZeneca với giá 335 808 đồng/liều, nhận hàng 4 tuần. Hy vọng các doanh nghiệp ở các tỉnh thành khác cũng sẽ tham gia, sớm đưa được nhiều nguồn vaccine về Việt Nam.
Theo dữ liệu của tổ chức ‘Thế giới chúng ta trong con số’ (our world in data) thì đến ngày 04/6/2021, số người Việt Nam tiêm đủ 2 liều vaccine mới có 42 115 người.
Theo tin của Unicef Việt Nam, thì sau khi lô hàng vaccine đầu tiên về Việt nam cho đến ngày 16/5/2021 đã có 876 340 người được tiêm vaccine tính theo lượt tiêm. Như vậy bình quân một ngày có không quá 20 000 người được tiêm vaccine.
Tiêm vaccine phòng chống covid liên quan đến phản sốc tự vệ và các biến chứng, nên phải có điều kiện phòng ngừa trước, không phải ai cũng tiêm được và nơi nào cũng tiêm được. Chẳng hạn như ở Đức, chỉ có các bác sĩ mới được tiêm.
Tốc độ tiêm hiện nay là 20 000 người/ ngày thì cần 7 500 ngày, nghĩa là 20 năm để tiêm hết cho 75 triệu dân, và cần 26,6 năm để tiêm hết cho 100 triệu dân.
Theo đánh giá của một số chuyên gia trong ngành, khả năng tiêm vaccine của Việt Nam hiện nay, nếu không có biện pháp huy động, chỉ đạt 100 000 người/ ngày. Như vậy với tốc độ 100 000 người/ ngày thì cần 1500 ngày là 4,1 năm để tiêm hết cho 75 triệu dân, cần 2000 ngày là gần 5 năm rưỡi để tiêm hết cho 100 triệu dân. Đó là điều không thể chấp nhận.
2. ĐIỂM TIÊM VACCINE PHẢI NHIỀU HƠN ĐIỂM BỎ PHIẾU BẦU CỬ
Một ngày hoạt động có thu nhập quốc dân khoảng 1 tỷ USD. Miễn dịch cộng đồng sớm ngày nào là đỡ tổn thất ngày ấy.
Chỉ nội trong 1 ngày 23/5/2021 mà đã có 69 triệu cử tri đi bỏ phiếu bầu Quốc Hội khoá 15. Nếu học tập tinh thần bầu cử, cả hệ thống chính trị vào cuộc, dùng nguồn tài chính và con người như bầu cử – thì việc rút ngắn thời gian tiêm vaccine là điều không khó.
Xin đề xuất một số gợi ý để tham khảo.
1/ Thiết lập các điểm tiêm vaccine Covid – 19 khắp các phường xã. Mỗi phường xã có nhiều địa điểm tiêm vaccine Covid -19. Để tham khảo, chẳng hạn, số lượng điểm tiêm vaccine Covid -19 trong mỗi phường xã ngang bằng hay nhiều hơn số địa điểm bò phiếu trong dịp bầu cử QH ngày 23/5/2021.
2/ Các trung tâm công nghiệp, các công ty, các cơ quan, các đơn vị lực lượng vũ trang… có hàng ngàn người cần có các địa điểm tiêm vaccine covid – 19 riêng.
3/ Tập huấn và đào tạo cho cho nhân viên y tế về tiêm vaccine Covid – 19. Đảm bảo các nhân viên ý tế đủ chuyên môn để tiêm vaccine Covid -19. Đảm bảo đủ lực lượng nhân viên y tế cho tất cả các địa điểm tiêm vaccine Covid – 19 trên toàn quốc.
4/ Đảm bảo đủ điều kiện an toàn phòng chống sốc phản vệ hay các biến cố sau tiêm tại các địa điểm tiêm vaccine Covid -19 . Nếu không thể đủ cho mọi địa điểm, thì có thể thiết lập một trung tâm an toàn phục vụ chung cho vài địa điểm lân cận.
5/ Mục tiêu là vaccine Covid – 19 có đến đâu, tiêm hết đến đấy.
Chúng ta đã thành công trong truy vết khoanh vùng. Chúng ta đã chậm bước trong nhập vaccine để miễn dịch cộng đồng. Chúng ta không thể chậm trễ trong tiêm chủng khi có vaccine. Không gấp rút triển khai ngay từ bây giờ thì đến quý VI/2021 sẽ trở tay không kịp.
Tục ngữ Việt có câu “ nước đến trôn mới nhảy”. Tục ngữ Nga có câu “sống sẽ thấy”.
Nguyen Ngoc Chu (Facebook)