Tin tặc Triều Tiên đã cố gắng đột nhập vào hệ thống máy tính của công ty dược phẩm Pfizer để truy cập thông tin về vắc-xin ngừa vi rút corona, theo một nhà lập pháp Hàn Quốc và các hãng tin quốc tế.
Hôm thứ Ba, Đại biểu Quốc hội Ha Tae-keung cho biết sau một phiên điều trần kín, cơ quan tình báo quốc gia của miền Nam “đã thông báo cho chúng tôi biết rằng Triều Tiên đã cố gắng có được công nghệ liên quan đến vắc-xin Covid và cách điều trị vi rút bằng cách sử dụng chiến binh mạng để xâm nhập công ty Pfizer.” Sau đó hãng tin AFP đã loan tin này.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ và công ty Pfizer chưa thấy lên tiếng. Các phương tiện truyền thông nhà nước của Triều Tiên cũng chưa có phản ứng.
Cố gắng nói trên của Triều Tiên, mặc dù táo bạo và bất chinh, không làm nhiều người ngạc nhiên. Các chuyên gia bảo mật của Liên Hợp Quốc gần đây đã phát hiện ra rằng tin tặc Triều Tiên đã đánh cắp tổng cộng khoảng 316 triệu USD của nhiều nơi khác nhau để nâng cấp vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo.
Triều Tiên cũng liên quan đến các cuộc tấn công mạng quan trọng, dù họ phủ nhận. Ví dụ cuộc tấn công năm 2013 ảnh hưởng đến máy chủ của các tổ chức tài chính Hàn Quốc; vụ đột nhập công ty giải trí Sony năm 2014 để trả đũa bộ phim “The Interview” có nội dung về một âm mưu ám sát nhà lãnh đạo Triều Tiên; và cuộc tấn công bằng phần mềm độc hại WannaCry năm 2017.
Cơ quan Tình báo Quốc gia miền Nam cho biết số lần tấn công mạng của Triều Tiên tăng 32 phần trăm trong vòng một năm qua.
Lãnh tụ Kim Jong Un cho đến giờ này vẫn khẳng đất nước ông không có ca nhiễm Covid-19 nào. Năm ngoái, Triều Tiên đã ra lệnh khóa biên giới với Trung Quốc và tăng cường các biện pháp kiểm dịch nhằm ngăn chặn sự bùng phát Covid-19. Ngoài chuyện đóng cửa biên giới, Bắc Triều Tiên còn cắt giảm thương mại xuống mức nhỏ giọt, tác động đến nền kinh tế vốn đã yếu kém của mình. Do đó, hoạt động tin tặc ngày càng trở thành một cứu cánh quan trọng để mang tiền về cho chế độ, đặc biệt là kể từ khi đại dịch xảy ra.
Không rõ vụ tin tặc vào Pfizer xảy ra khi nào và có thành công hay không. Vắc xin ngừa vi rút corona do Pfizer của Mỹ và công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức hợp tác phát triển là một trong số ít vắc xin đã được Tổ chức Y tế Thế giới chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp.
Mặc dù tuyên bố không có vi rút, Triều Tiên đã yêu cầu muốn có vắc xin và dự kiến sẽ nhận được gần 2 triệu liều vắc xin của Đại học AstraZeneca-Oxford. Số dược phẩm này nằm trong khuôn khổ của chương trình COVAX do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn, nhằm cung cấp vắc xin miễn phí cho thành phần dễ bị tổn thương nhất trên thế giới.
Theo Foxnews