Nước Mỹ năm 2018 Khủng hoảng chính trị và bầu cử giữa nhiệm kỳ

1

 

Khủng hoảng từ thập niên 70

Khoảng 4, 5 thập niên trở lại đây, tranh chấp giữa hai chính đảng Dân Chủ (Con Lừa) và Cộng Hòa (Con Voi) tại Mỹ ngày càng gay go hơn, hiện tượng ta thường thấy là đảng nọ phá đảng kia để tranh giành sự ủng hộ của cử tri trong gần nửa thế kỷ qua. Từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam bùng nổ lớn từ những năm 1963, 64 cho tới thập niên 70, hai đảng va chạm, đánh phá nhau tạo tiền lệ cho những thế hệ sau đó. Từ 1973 đảng đối lập Dân Chủ nắm đa số Quốc hội bắt đầu khui ra vụ Watergate kết án Tổng thống Nixon nghe lén, cản trở công lý để chuẩn bị đàn hặc tại Quốc hội (Đản hặc, theo Hán Việt từ điển của Đào Duy Anh trang 246 nghĩa là “Chỉ trích tôi lỗi của quan lại (censurer)”).

TT Nixon biết là sẽ thua nên từ chức ngày 8-8-1974, sau đó tình hình lưỡng đảng êm thắm một thời gian. Thập niên 90, thời TT Clinton, Cộng Hòa nắm ưu thế tại Quốc hội cũng đưa TT Clinton ra đàn hặc tháng 12-1998 để trả thù cho Nixon nhưng thất bại vì khi lên Thượng Viện không hội đủ số phiếu 67 (2/3).

Từ đó tình hình hai đảng dần dần trở lên căng thẳng hơn, trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2000 giữa Al Gore (Phó TT) và Bush con (Thống đốc Texas) tỷ lệ thắng cử rất sít sao nên hai bên đã thưa kiện tranh cãi nhau cả tháng trời. Hồi ấy cá nhân tôi bỏ phiếu cho Al Gore (Dân Chủ), theo thăm dỏ, Gore hy vọng thắng hơn Bush 5% nhưng tối ngày bầu cử 7-11, khi đếm phiếu gần xong Gore được 266 phiếu Cử tri đoàn, Bush được 246 thua Gore 22 phiếu, luật đòi hỏi phải được ít nhất 270 phiếu để đắc cử. Florida có 25 phiếu cử tri đoàn là nơi quyết định thắng bại, cuối cùng Bush được 25 phiếu này thành 271 và trở thành Tổng thống thứ 43 của Hoa Kỳ. Al Gore hơn Bush 543,895 phiếu phổ thông toàn quốc nhưng thua phiếu Cử tri đoàn, bầu cử Tổng thống Mỹ chỉ tính theo phiếu CTĐ. Đây là lần thứ 4 trong lịch sử tranh cử Mỹ từ 1824, 1876, 1888 ứng cử viên đắc cử lại thua phiếu phổ thông.

Tại Florida ông Bush con thắng ông Gore với tỷ lệ rất khít khao khoảng 1,000 phiếu nên người ta cho đếm lại, Al Gore tỏ vẻ bất mãn ra mặt, thời gian đếm lại kéo dài cả tháng khiến ông Bush con thưa lên Tối cao pháp viện và họ xử ông thắng, được làm Tổng thống. Hơn một tháng sau mới có kết quả, cuối cùng Bush hơn Gore 537 phiếu phổ thông tại Florida, họ nói chênh lệc rất mỏng manh như lưỡi dao cạo (razor blade)

Khi làm lễ tuyên thệ nhậm chức, có hai chục ngàn người biểu tình chống đối, họ nói “ông không phải là Tổng thống của tôi”

Phía thất cử rồi cùng từ từ chấp nhận sự thật, mặc dù tôi bỏ phiếu cho Dân chủ (Al Gore) nhưng thấy họ hành xử không hay lắm. Bầu cử, đánh bài cũng phải có kẻ thắng người thua, Al Gore tỏ vẻ bất mãn, khiếu nại mãi khiến nhiều người cho là nhỏ nhặt. Đáng lý không nên làm hay ủng hộ cuộc biểu tình chống tân Tổng thống trong ngày nhậm chức.

Thời TT Bush con tình hình khủng hoảng chính trị, tranh chấp đảng phái lắng dịu hơn thời Clinton nhiều. Suốt hai nhiệm kỳ TT Bush con tỷ lệ thất nghiệp rất thấp, thấp hơn thời Clinton. Bộ Lao động đã công bố tỷ lệ thất nghiệp từng tháng một từ năm 1948 tới nay nên chuyện này không cần tranh cãi, cứ lên Yahoo, Google tìm search US unemployment rate là có đầy đủ.

Kinh tế, công việc làm dưới thời TT Bush con tốt đẹp, cuộc tấn công của khủng bố của Al Qaeda ngày 11-9-2001 đã đưa tới cuộc chiến tranh Afghanistan trong năm. Mấy năm sau 2003, TT Bush con đánh khủng bố quá đà sang tận Iraq và sa lầy tại đây khiến người dân Mỹ vô cùng chán nản. Mặc dù đã lật đổ được chính phủ độc tài Iraq và bắt giam TT Saddam Hussein nhưng bọn khủng bố từ bên ngoài vào đánh bom tự sát, giết hại dân lành khiến TT Bush cũng như đảng Cộng hòa bị mất uy tín, mất lòng dân. Cuộc chiến Iraq lại đi vào vết xe đổ của chiến tranh Việt Nam.

Người ta quá chán Cộng hòa vì cuộc chiến xa lầy, lại nữa đến cuối nhiệm kỳ của ông kinh tế rơi vào tình trạng trì trệ, khủng hoảng recession khiên dân Mỹ càng sợ và oán ghét Cộng hòa. Tuy nhiên dưới thời TT Bush, tình hình kèn cựa đảng phái tương đối không đến nỗi nào.

Trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 2008 giữa Obama và McCain, Dân chủ thắng lớn, Cộng hòa tan như xác pháo trước sự phẫn nộ, chán ghét của người Mỹ. Cộng hòa thua đau nhưng Dân chủ tuy thắng hiệp đầu lớn, hai năm sau, 2010 Cộng hòa lại nắm đa số Hạ Viện và sáu năm sau, 2014, họ nắm luôn cả Thượng viện. Thế là cuộc chiến đảng phái lại dấy lên, Cộng hòa nắm Quốc hội làm tần làm sở ông Tổng thống Dân chủ để trả thù cho thất bại vừa qua.

Trong cuộc tranh cử Tổng thống và Quốc hội tháng 11-2016, Dân chủ tin tưởng bà Clinton sẽ tháng lớn theo thăm dò nhưng có dè đâu, khi đếm phiếu công bố kết quả tối 8-11, Donald Trump đại diện Cộng hòa đắc cử Tổng thống. Không những thế Cộng hòa kiểm soát luôn cả Quốc hội và nắm đa số ghế Thống đốc.

Dân chủ thua đau đánh phá Cộng hòa như vũ bão đưa tới khủng hoảng chính trị chưa từng thấy trong lịch sử bầu cử Mỹ từ xưa đến nay.

Ngay sau ngày bầu cử 8-11, hàng nghìn hàng vạn người biểu tình chống Tổng thống Trump mới đắc cử y như thiên binh vạn mã từ trên trên trời đổ xuống tại nhiều thành phố lớn như New York, Chicago… họ đốt nhà, đập phá xe cộ ngoài phố. Có bản tin TV nói phần nhiều họ là dân tộc thiểu số.

Tin truyền thông, TV cho hay các cuộc biểu tình thường đều do một tổ chức đứng ra làm. Có người nói một nhà tài phiệt, đã đóng góp cho quỹ tranh cử của Clinton nhưng số tiền còn dư nên họ dùng vào việc thuê người biểu tình chống TT Donald Trump đắc cử. Thật là ngược đời, vô lý khi một ứng cử viên được người dân bầu, chọn làm Tổng thống lại bị những cuộc biểu tình dữ dội như cơn bão tố đòi phải loại bỏ ông ta.

Trang Jewish press nói bọn biểu tình chuyên nghiệp được thuê mướn đập phá xe cộ đốt nhà khiến người dân phẫn nộ. New York Magazine, gần cuối tháng 11-2016 đăng bài cho biết một số luật gia, chuyên viên điện toán cho rằng có dấu hiệu cuộc bầu cử bằng máy tính điện toán tại ba tiểu bang Wisconsin, Michigan và Pennsylvania đã bị hacker khiến kết quả sai lạc. Bà Jill Stein, ứng cử viên TT đảng Xanh (Green Party) lên tiếng đòi đếm lại số phiếu tại ba tiều bang này vì tỷ lệ khít khao. Nhưng sau khi cho đếm lại ngày 12-12 việc kiểm phiếu Wisconsin xong đúng thời hạn, kết quả không thay đổi. Ứng cử viên Trump vừa đủ 270 phiếu (260+10) để đắc cử bất kể việc đếm lại tại Michigan, Pennsylvania ra sao. Hai tiểu bang này từ chối không cho Stein đếm lại, người ta cho đó là chuyện nhảm nhí.

Lá bài recount đếm phiếu lại coi như vứt đi

Theo luật định 41 ngày sau cuộc bầu cử (tức ngày 19-12-2016) các Đại cử tri của mỗi tiểu bang họp lại tại tòa Quốc hội địa phương để bỏ phiếu xác định người đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2017-2020. Tổng cộng có 538 Đại cử tri (tức Đại diện cử tri). Từ trước tới nay không ai để ý tới cuộc bỏ phiếu này vì nó chỉ là hình thức, nhưng đặc biệt năm nay được chú ý vì có sự vận động mạnh của Dân chủ và phe ủng hộ Clinton để các đại cử tri Cộng Hòa bầu cho Clinton thay vì cho Trump.

Ván bài chót này không mảy may hy vọng vì các Đại cử tri bị buộc phải bầu như đã bầu ngày 8-11 theo luật định. Ngày 19-12, các Đại cử tri cùng bỏ phiếu tại tòa nhà Quốc hội của 50 tiểu bang để xác nhận Tổng thống thắng cử. Các Đại cử tri Cộng hòa nhận được rất nhiều email, điện thoại hăm dọa bắn giết nếu bầu cho Trump, một Đại cử tri tại Kansas nhận được 500 email đe dọa mỗi giờ. Các cuộc biểu tình chống Trump nổ ra trước nơi bầu phiếu khi trời rét như cắt ruột. Mặc dù có nhiều hăm dọa, biểu tình chống đối dữ dội nhưng kết quả chung cuộc Donald Trump chính thức được xác nhận làm Tổng thống Mỹ thứ 45 của Hoa Kỳ với số phiếu 304, ông bị mất hai phiếu

Khi các cuộc biểu tình nổ ra để bắt ép Đại cử tri đoàn không được bỏ phiếu cho ông Trump người ta đã nghĩ bọn này chỉ là đám khùng điên, mất trí. Bọn chống Trump đã u mê mù quáng đến độ không còn lý trí phân biệt phải trái là gì, họ chống cả Hiến pháp và luật bầu cử đã có từ bao đời nay.

Đảng phái đánh phá nhau năm 2016, kéo sang 2017 và 2018 đã khiến cho nền chính trị Mỹ lâm vào tình trạng khủng hoảng trầm trọng chưa từng thấy trong các cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ từ trước tới nay. Người dân chán nản mất tin tưởng, phía Dân chủ cho rằng mọi vận động chống đối của họ sẽ tạo thuận lợi cho cuộc cử Quốc hội giữa kỳ vào ngày 6-11-2018.

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ

Giữa nhiệm kỳ 4 năm của Tổng thống Hoa Kỳ vào tháng 11 sẽ có cuộc bầu cử toàn phần 435 ghế Hạ viện, một phần ba Thượng viện (tức 33 hay 34 ghế) vả 36 ghế Thống đốc các tiểu bang. Năm nay bầu cử giữa kỳ (midterm) sẽ được tổ chức vào ngày 6-11-2018.

Trong suôt thời kỳ chiến tranh VN từ Tổng thống Kennedy 1961 tới Tổng thống Ford 1974, 75 đảng Dân chủ luôn nắm đa số tại lưỡng viện Quốc hội dù bên nào giữ Hành pháp. Thập niên 60, 70 cuộc chiến VN là vấn đề chính cho các cuộc tranh cử. Thời TT Bush cha (1989-1993), TT Clinton (1992-2000) đề tài tranh cử là kinh tế, tới thời TT Bush con (2000-2008, CH) kinh tế không ăn khách, vấn đề chống khủng bố quan trọng nhất sau cuộc khủng bố 9-11-2001. Thời TT Obama (2008-2016, DC) vấn đề kinh tế quan trọng nhất cho tới đời Tổng thống kế vị

Năm 2000, ông Bush con đắc cử Tồng thống với tỷ lệ sát nút, tại Hạ Viện, đảng Cộng hòa mất 2 ghế nhưng vẫn nắm đa số 221, Dân chủ thêm 1 ghế thành 212. Tại Thượng viện Cộng hòa mất 4 ghế còn 50, Dân chủ thêm 4 ghế thành 50, hai bên bằng nhau.

Cuộc bầu cử giữa kỳ 2002 trong nhiệm kỳ một của TT Bush con (CH) khiến Cộng Hòa thắng thêm 8 ghế Hạ Viện thành đa số với 229 ghế, Dân chủ mất 7 ghế thành thiểu số với 205 ghế. Tại Thượng viện Cộng hòa thắng thêm 2 ghế thành đa số với 51 ghế, Dân chủ mất 1 ghế còn 48 thành thiểu số. Cộng hòa sở dĩ nắm cả Thượng viện, Hạ viện vì người dân muốn chính quyền Bush vững mạnh hơn để chống khủng bố.

Năm 2004 TT Bush (Cộng hòa) tái đắc với số phiếu 286 hơn John Kerry (Dân chủ) 35 phiếu, CH vẫn nắm Hạ viện 232 (thêm 3 ghế), Dân chủ mất 3 ghế còn 202, Thượng viện Cộng hòa thêm 4 ghế (51+4) thành 55, Dân chủ mất 4 ghế (48-4) còn 44. Người dân bầu cho Cộng hòa tiếp tục giữ Hành Pháp và thêm ghế Quốc hội để chống khủng bố, anh nhà giầu sợ chết. Dân chủ đưa chủ đề kinh tế ra tranh cử nhưng thất bại, kinh tế không ăn khách.

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tháng 11- 2006, Cộng hòa mất 30 ghế (232-30) chỉ còn 202, Dân chủ thêm 31 ghế (202+31) thành đa số 233. Cộng hòa nắm giữ đa số Hạ viện liên tục từ 1994 đến nay 2006 là lúc nhường cho Dân chủ. Tại Thượng viện Dân chủ thêm 5 ghế (44+5) thành 49, Cộng hòa mất 6 ghế (55-6) còn 49, hai bên huề nhau. Qua cuộc bầu giữa kỳ này ta thấy người dân bắt đầu chán ngán cuộc chiến Iraq của TT Bush, Cộng hòa thắng lớn những năm 2002, 2004 vừa giữ tòa Bạch ốc lại kiểm soát cả điện Capitole nay đang lâm vào tình trạng suy thoái.

Tỷ lệ thất nghiệp dưới thời TT Bush con nói chung rất thấp, thấp hơn dưới thời TT Clinton một chút, nay Bộ lao động đã công bố tỷ lệ thất nghiệp từng tháng một từ 1948 tới nay, có thể tìm trên Yahoo. Cả hai ông Tổng thống này gặp hên nhờ khi high tech lên cao và sự bùng nổ của internet

Tỷ lệ thất nghiệp trung bình nhiệm kỳ thứ nhất (2000-2003) của TT Bush con là 5.1. Nhiệm kỳ thứ hai (2004-2008) tỷ lệ trung bình là 5 chấm. Những tháng đầu năm 2008 tỷ lệ thất nghiệp tương đối khả quan: 5 chấm nhưng cuối năm lên dần tháng 9 lên 6 chấm, cuối năm bị khủng hoảng lên 7 chấm

Tháng 11-2008 kinh tế thoái trào, recession vì thị trường địa ốc đúng vào lúc hai bên tranh cử Tổng thống. Người dân quá chán Cộng hòa vì cuộc chiến Iraq bị sa lầy nay lại thêm khủng hoảng tài chính dữ dội, thị trường chứng khoán tụt dốc thê thảm ngày nào Dow Jones cũng mất 700, 800 điểm, sau mấy tuần khủng hoảng đã tiêu tan trên 8 ngàn tỷ, nhiều ngân hàng phá sản, hãng xưởng lay-off công nhân viên.. Biện pháp Bail out lấy công quĩ 700 tỉ của chính phủ để cứu nguy thị trường chứng khoán y như muối bỏ biển, người ta quá chán, quá sợ Cộng hòa

Ứng cử viên Obama phía Dân chủ thắng cử vẻ vang ngày 4-11-2008 với 365 phiếu cử tri đoàn, John McCain (Cộng hòa) được 173, về phiếu phổ thông Obama hơn McCain 9 triệu rưỡi. Obama thắng khá lớn nhờ Cộng hòa mất hết lòng tin của người dân và vì ông có tài tranh cử, hứa hẹn sẽ làm cuộc thay đổi lớn (đổi mới), sẽ vực dậy nền kinh tế thê thảm do Cộng hòa để lại. Cử tri nhất là lớp trẻ ùn ùn kéo nhau đi bầu cho Obama, ai nấy phấn khởi hy vọng tràn trề y như anh chết đuối vớ được cọc, Obama hiện ra như vị cứu tinh dân tộc.

Ngoài ra Dân chủ thắng luôn cả Lập pháp: Hạ viện Dân chủ thêm 21 (236+21) thành 257, Cộng hòa mất 21 ghế (199-21) còn 178. Thượng viện Dân chủ thêm 8 ghế (49+8) thành 57, Cộng hòa mất 8 ghế (49-8) chỉ còn 41. Cuộc bầu giữa nhiệm kỳ năm 2002 trước đây Cộng Hoà hân hoan ăn mừng chiến thắng vĩ đại, kiểm soát cả Hành pháp và toà nhà Quốc Hội nay sụp đổ tan tành thê thảm. Sau 8 năm cầm quyền, 4 năm kiểm soát cả toà Bạch ốc và điện Capitol, nay Cộng Hoà tan như xác pháo trước sự phẫn nộ vô cùng bất mãn của người dân vì chiến tranh Iraq và kinh tế recession

Nay 2008 Dân chủ hân hoan ăn mừng đại thắng, kiểm soát cả tòa Bạch Ốc lẫn điện Capitole y như Cộng Hòa 6 năm về trước nhưng “ngày vui qua mau”, nhà Phật nói chẳng có gì là thường còn.

Hai năm sau, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 2-11-2010 mang lại cho đảng đối lập Cộng hòa thắng lớn và đảng cầm quyền thảm bại lớn nhất: Cộng hòa thắng 63 ghế (179+63) thành khối đa số 242 phiếu, Dân chủ mất 63 ghế (256-63) chỉ còn 193 ghế. Cộng hòa lại kiểm soát Hạ viện mà họ mất vào tay đối lập từ trong cuộc bầu giữa kỳ 2006, lấy được 63 ghế và xóa bỏ thắng lợi mà Dân chủ đã lấy được từ những năm 2006, 2008 .

Cuộc bầu giữa nhiệm kỳ năm 2010 là sự mất mát lớn nhất của một đảng từ 1948, đây cũng là sự biến đổi lớn nhất của Hạ viện từ 1948. Dân chủ mất nhiều ghế như vậy vì người dân bất mãn với TT Obama, chống đối Obamacare (affordable Care Act), thâm thủng ngân sách và kinh tế suy thoái (….anger with President Obama, opposition to the affordable Care Act, large budget deficits and the weak economy)

Bầu Thượng viện Dân chủ mất 6 ghế (57-6) còn 51, Cộng hòa thắng 6 ghế (41+6) thành 47 ghế, Dân chủ tuy vẫn nắm đa số nhưng chỉ còn hơn Cộng hòa vài ghế.

Người dân ùn ùn bầu cho Obama năm 2008 vì tưởng là ông có phép lạ cứu nguy nền kinh tế khủng hoảng, khi Obama vào tòa Bạch ốc tỷ lệ thất nghiệp tháng 2-2009 khoảng 8 chấm, một năm sau lên gần 10 chấm, một năm sau nữa (cuối 2010) vẫn còn khoảng 9.6, 9.7. Thất nghiệp khắp nơi, người dân biểu tình đầy cả ra, họ đòi hỏi việc làm.

Năm 2012 Obama tái đắc cử với 234 phiếu cử tri đoàn, ứng cử viên Cộng hòa Mitt Romney được 206 phiếu. Bầu Hạ viện năm nay Cộng hòa mất 8 ghế (242-8) còn 234, Dân chủ thêm 8 ghế (193+8) thành 201, bầu Thượng viện Cộng hòa mất 2 ghế (47-2) còn 45, Dân chủ thêm 2 ghế (51+2) thành 53. Obama được bầu nhiệm kỳ 2 vì người ta muốn ông tiếp tục chương trình Obamacare chưa hoàn tất, thường thì các vị Tổng thống vẫn được người bầu tiếp nhiệm kỳ hai, rất hiếm trường hợp có Tổng thống làm một nhiệm kỳ.

Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ hai 2014 Dân chủ thua rất nặng: Hạ viện: Cộng hòa thằng 13 ghế (234+13) thành 247, Dân chủ mất 13 ghế (201-13) còn 188. Dân chủ mất nhiều ghế tại Hạ viện trong hai cuộc bầu giữa nhiệm kỳ lên tới 77 ghế (63 ghế trong 2010 và nay 2014 mất 13 ghế), nó đánh dấu sự thiệt hại cao nhất trong hai cuộc bầu giữa kỳ của một đảng tính từ thời TT Truman (This marked the highest number of House seats lost under a two-term president of the same party since Harry S. Truman)

Thượng viện Cộng hòa thắng 9 ghế (45+9) thành 54, Dân chủ mất 9 ghế (53-9) thành 44. Cộng hòa thắng 9 ghế (Thượng viện) là một thắng cử lớn nhất tại Thượng viện của bất cứ đảng nào từ 1994 (With a total net gain of 9 seats, the Republicans made the largest Senate gain by any party since 1994)

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2010 Dân chủ mất 63 ghế, sang bầu cử giữa nhiệm kỳ 2014 Dân chủ tổn thất quá nặng: mất cả Lưỡng viện quốc hội với số ghế mất rất cao. Nó là điềm báo trước cho sự thảm bại tiếp theo sau của họ.

Hai năm sau, tại cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016 Donald Trump, Cộng hòa thắng Hillary Clinton với số phiếu cử tri đoàn 304/227, thua phiếu phổ thông hơn 2 triệu.

Cộng hòa vẫn giữ được Hạ Viện (241) và Thượng viện (52), tuy có mất 6 phiếu Hạ viện và 2 phiếu Thượng viện, ngoài ra họ cũng chiếm đa số Thống đốc tiểu bang tỷ lệ 34/16.

Kết luận

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của TT Trump sẽ được tổ chức ngày 6-11-2018, nay cũng hơi khó tiên đoán kết quả thắng bại giữa Cộng hòa và Dân chủ. Khoảng một, hai thập niên trước khi mà thăm dò (Poll) còn trung thực, ta có thể dựa vào đó để dự đoán thắng thua, từ năm 2016 đến nay, các thăm dò đa số giả dối, ma mãnh không xài được

Người ta nói chưa có ông Tổng thống nào bị chống đối dữ dội như ông Trump, đảng đối lập, người dân, trong nước ngoài nước.. …đều chống ông. Nhiều dư luận nhận xét ông Trump chống di dân lậu quá đà, nếu trục xuất họ vì phạm luật, trộm cướp, buôn bạch phiến thì hợp lý. Nhiều bản tin cho hay cảnh sát chỉ chờ cho di dân bất hợp pháp vi phạm luật lệ dù là nhỏ để tiến hành trục xuất. Dư luận chung cho là vô nhân đạo, người ta nghèo khổ vào xứ sở sung túc để kiếm chút cháo mà ông nhẫn tâm tống cổ họ ra. TT Trump chủ trương và tiến hành ra luật cấm và hạn chế bảo lãnh di dân, đoàn tụ trong khi chính bản thân ông, các bà hiền thê ông cũng đã là di dân từ Âu châu tới.

Ông và gia đình vào Mỹ chẳng qua cũng vì đất lành chim đậu, nhưng ông lại cấm những người cùng hoàn cảnh đi tìm đất hứa như mình.

Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2018 có thể TT Trump sẽ bị mất phiếu của người di dân, tỵ nạn, những người ủng hộ Obamacare, người nghèo lãnh trợ cấp… nhưng bù lại ông sẽ được phiếu ủng hộ vì đã mang lại nhiều việc làm, nay tỷ lệ thất nghiệp xuống thấp kỷ lục: ba chấm chín (3.9), đồng thời cũng vì mang lại hòa bình cho bán đảo Triều tiên.

Cuộc bầu cử giữa kỳ 2010 thời Obama mang lại thất bại cho đảng Dân chủ trước hết vì kinh tế trì trệ, thất nghiệp nhiều với tỷ lệ 9.9 tháng 11-2010. Nay tỷ lệ thất nghiệp thời TT Trump xuống mức thấp nhất đúng vào dịp bầu cử giữa kỳ nên kết quả sẽ khác với thời Obama, kinh tế vẫn là vấn đề quan trọng.

Dân chủ đang hy vọng chiếm đa số Hạ viện kỳ này để đủ số phiều đàn hặc Donald Trump với lý do ông không đủ tư cách làm Tổng thống. Họ cũng thừa biết truất phế một Tổng thống do dân bầu khó như con lạc đà chui qua cái lỗ kim nhưng cứ đánh phá cho đối thủ mất mặt. Hiến pháp Mỹ đã có những luật lệ nghiêm ngặt để bảo vệ chức vụ Tổng thống, nó đòi hỏi phải hội đủ 2/3 số phiếu Thượng viện tức 67 phiếu để đàn hặc.

Không phải rằng bầu cử giữa nhiệm kỳ Lưỡng viện thường được cử tri trao cho đảng đối lập để cân bằng quyền lực vì cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2002 trong nhiệm kỳ một của TT Bush con (CH) khiến Cộng Hòa thắng thêm 8 ghế Hạ Viện thành đa số với 229 ghế, tại Thượng viện Cộng hòa thắng thêm 2 ghế thành đa số với 51 ghế, người dân muốn cho chính quyền Bush mạnh hơn để chống khủng bố.

Cuộc tranh cử giữa nhiệm kỳ 2010, 2014 Dân chủ bị thảm bại hai lần, năm 2016 bị tan như xác pháo, Dân chủ cần nghiên cứu lại đường lối chính sách của mình, nó còn hợp thời hay không? Nay sang thế kỷ thứ 21 còn áp dụng chiến lược đánh phá cũ rích từ đầu thập niên 1970, tìm cơ hội để lật đổ Tổng thống như thời Nixon những năm 1973, 74. Gần nửa thế kỷ rồi, cũng vẫn biểu tình, tuyên truyền bôi nhọ. Nay biểu tình, đánh phá coi như vứt đi, không còn ăn khách, mặc dù thập niên 70 nó là vũ khí lợi hại. Dân chủ cần nghiên cứu thay đổi chiến lược hiệu quả hơn như hứa hẹn với cử tri những chương trình, đường lối kinh tế, đối ngoại mới hơn là bôi nhọ đánh phá, tung tin giả.

Trên truyền thông xã hội, người ta cho là đảng Con Lừa ngày càng xa lìa quần chúng, chỉ biết phá hoại không hề xây dựng. Những ngày tháng gần đây, Con Lừa gấp rút đánh phá bằng điều tra, đe dọa thẩm vấn để gây khó khăn cho ông Tổng thống, đường lối của họ làm mất lòng dân nhiều. Những cuộc điều tra lạc đề nhạt nhẽo nên sớm chấm dứt vì nó tốn tiền thuế của dân vô ích. Người ta cho là Con Lừa đã lợi dụng tự do dân chủ của nước Mỹ quá trớn.

Một ván bài bạc hay ván cờ phải có kẻ thắng người thua, ai thua thì phải chịu chẳng lẽ cứ cãi lý khiếu nại, thưa kiện, cãi chày cãi cối mãi. Nếu ai thua cũng thưa kiện thì sẽ loạn vì không ai chịu chấp nhận thua cuộc. Bầu cử cũng không nằm ngoài qui luật này, nếu ai cũng đòi đếm phiếu, đòi bầu lại… thì tranh cử sẽ khủng hoảng triền miên

Nay Cộng hòa có nhiều thành tích thuận lợi về kinh tế cũng như đối ngoại, cuộc họp Thượng định giữa Hoa Kỳ và Triều tiên sắp diễn ra khiến Con Lừa lo ngại, họ gia tăng đánh phá để làm giảm uy tính đối thủ. Mặc dù các nhà lãnh đạo Dân chủ ra vẻ phấn khởi vì mới tìm ra chứng cớ có thể buộc tội TT Trump vào những vụ án hình sự, chính trị nhưng thực ra trong lòng họ bồn chồn lo sợ. Thực trạng bi đát của họ cũng giống như quân Đức hồi Đệ nhị thế chiên, bị thảm bại trên khắp các mặt trận nhưng bộ máy tuyên truyền của Goebbels vẫn huênh hoang ca ngợi thắng lợi to lớn của quân ta trên cả mặt trận miền Đông lẫn mặt trận miền Tây

Các nhà lãnh đạo Con Lừa đang lo sợ sẽ đi vào vết xe đổ của thảm bại cuối năm 2016, họ bị ám ảnh bởi quá khứ đen tối nhưng bây giờ đã quá muộn, đúng lý ra phải đổi chiến lược từ năm ngoái khi không đạt thắng lợi cuối cùng. Chiến lược đúng dù chiến thuật sai nhưng cuối cùng sẽ thắng, ngược lại chiến lược đã sai, dù đánh thắng vài trận nhỏ cuối cùng vẫn thua cuộc chiến.

Chiến lược của Con Lừa đã quá lỗi thời mà đúng ra phải nghiên cứu lại để thay đổi từ mấy năm trước cho phù hợp với thời đại mới và thực trạng ngày nay.

Trọng Đạt

1 BÌNH LUẬN

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên