Đoàn Du Ca Bắc California

0

 

Người Du Ca sống giữa lòng dân tộc mở mắt nhìn cảnh sống chung quanh, lắng tai nghe lời than hay tiếng reo mừng của đồng bào đau khổ và hy vọng, đề rồi cất tiếng hát bằng ngôn ngữ thi ca. Họ chính là phát ngôn nhân của thời đại…” Trương Xuân Mẫn, 1972)

Lúc 2 giờ trưa Chủ nhật 18 tháng 3, 2018, nhiều người đã bắt đầu bước vào rạp Le Petit Trianon (72 North 5th Street, San José). Năm nay là năm thứ 8 Đoàn Du Ca Bắc California tổ chức buổi văn nghệ “Cho Đồng Bào Tôi” tại đây. Anh Trương Xuân Mẫn, một người khả ái, hiền từ và khiêm tốn mà nhiều người thường thấy anh qua vai trò phó nhòm trong nhiều buổi ca nhạc và sinh hoạt cộng đồng tại San José, chính anh là trưởng đoàn Du Ca Bắc Cali. Có lẽ không nói ra nhiều người cũng cảm nhận được tấm lòng son sắt của anh đối với quê hương, nung nấu trong nhiều năm nay và cuối cùng đã kết nụ qua phong trào Du ca Việt Nam từ năm 2010. Như anh cho biết những ai sinh sống ở miền Nam lâu năm vào khoảng thập niên 60-70 cũng có thể biết đến phong trào Du Ca. Riêng người viết này khi còn là học sinh Chu văn An cũng đã dự những buổi lửa trại, những đêm không ngủ do đàn anh sinh viên, học sinh chủ xướng. Người viết còn nhớ những chuyến đi phải xin sự vụ lệnh của chính quyền để đi tiếp trợ đồng bào ở các vùng xa. Du Ca qua âm vang của tiếng đàn thùng và những tiếng vỗ tay, hợp ca hò reo trong đêm chính lả những trợ lực thúc đẩy tuổi trẻ dấn thân vào chuyện thiện nguyện xã hội.

Do Phong trào Du Ca Bắc California là một tổ chức thiện nguyện theo đúng ý nghĩa của nó, khán giả đến xem không phải mua vé mà tự nguyện đóng góp tùy theo lòng hảo tâm của mỗi người. Nhiều nữ thành viên với bộ áo dài mến yêu đã chào đón khách với nước uống và bánh ‘pâté chaud’ ở ngoài sảnh đường trước khi chương trình bắt đầu.

Đoàn chỉ mới nhận rạp lúc 1g30 mà đến 2g30 thì rạp đã đầy ắp. Khán giả được anh Mẫn và thành viên Ban Tổ chức cổ động hát theo những bài du ca như “Hát Để Nhớ Đời” của Trần Đình Quân. Để khởi sự có một nữ khán giả tình nguyện viên thướt tha qua bộ áo dài hoa của cô đã làm phấn chấn tinh thần người dự. Sau đó vì thiếu giọng Nam, chính người viết cũng được các người ngồi gần thúc đẩy lên sân khấu đồng ca,

“Hát để nhớ đời, không phải hát để quên đời!” (2) Là một điệp khúc được mọi người ưa chuộng và hưởng ứng tích cực!

Phần chào quốc ca Việt Nam rồi đến quốc ca Mỹ cũng là một điều đặc biệt. Ca sĩ Đồng Thảo, một thành viên nữ xuất sắc và là một trong những hướng dẫn viên chương trình (MC) nhiệt thành, khi khán giản bắt đầu an tọa cũng là lúc cô cũng đi thu hình, lấy cảm nhận và ý kíên của một số khán giả. Chính Đồng Thảo cũng là người xướng ca bài Quốc ca Hoa kỳ “Star Spangled Banner.” Ở phần hai của chương trình, khán giả cũng được nghe cô đơn ca “Con Đường Việt-Nam” (có lẽ để mừng anh Việt Khang đã được trả tự do, tuy anh Trần Huỳnh Duy Thức vẫn còn thụ án 16 năm tù) đây là một bài khó hát nhưng tôi rất thích. Anh Mẫn khi giới thiệu chương trình đã nhắc đến chuyện ngày trước khi nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang đã tìm đến gặp cô Đồng Thảo khi anh lên San José để được hát chung với cô!

Trên sân khấu dàn chào với khoảng 12 nữ thành viên Du Ca với những tà áo thiên thanh khả ái và 6 nam thành viên áo trắng quần tây đậm màu. Họ gợi lên nỗi hứng khởi hùng hồn và một niềm tin tưởng vô biên vào một tương lai Việt Nam trong bối cảnh thế giới và Hoa kỳ. Phút mặc niệm có vẽ hơi rườm rà với những lời phụ họa của một nam thành viên Du ca, anh ta cũng chính là người lịch sự nhất nam tử! Lúc nào cũng bước ra phía trước sân khấu, xếp một tay trước ngực cúi rạp người chào rất thành khẩn sau mỗi lần trình diễn, đơn ca hay đồng ca!

Đặc biệt và đáng chú ý là màn song ca tuyệt vời của hai vợ chồng anh chị Công Dũng và Anh Thư “Bên Kia Sông” (Thơ Nguyễn Ngọc Thạch, nhạc Nguyển Đức Quang). Tất nhiên không cần phải giới thiệu nhiều nhưng những người ưa chuộng và sành điệu, yêu thích ca nhạc, hoặc giả đã dự nhiều buổi trình diễn ca nhạc sân khấu lớn hay thính phòng nổi tiếng trong vùng từ Câu Lạc Bộ Âm nhạc cho đến những buổi văn nghệ thân mật ở tư gia thì hẵn không ai lại xa lại với cây đàn Tây ban Cầm điệu nghệ của anh Công Dũng, một nghệ sĩ tài ba, nhiệt thành, nhiều thiện cảm.

Chương trình Du Ca sôi động gây nhiều hứng khởi với khán thính giả qua những màn đồng ca như Liên khúc “Đuốc Hồng Tuổi Trẻ” – Về Với Mẹ Cha,” – “Tiếng Quốc Kêu” đồng ca nam; hay những màn Liên khúc đồng ca như “Khi Tôi Về” (Thơ Hà Quang Minh, Nhạc Phạm Duy) và bài “Ta Sẽ Hát Vang” mà tôi rất yêu thích do chính anh Đoàn Trưởng Trương Xuân Mẫn sáng tác. “Hát, hát hân hoan, hát ngậm ngùi/Hát tìm lại tên sông tên núi/Hát vang vang, hát mừng mừng/Ta hòa cùng tiếng hát núi sông…”

xen với những bài đơn ca như “Chút Quà cho Quê Hương,” một bài do nhạc sĩ Việt-Dzũng sáng tác, vang tiếng một thời, đã khiến nhiều người Việt tị nạn thời đó rơi lệ vì nó nói lên được nhiều nỗi uẩn ức của nhiều người ra đi đối với những người còn ở lại. Bài này được thành viên Mai Hương trình bày. Anh Bách Phi, một kiến trúc sư cũng như là một họa sĩ, có một giọng hát mạnh mẽ và hùng hồn đã đơn ca một bài nhiều người ưa chuộng “Tôi Muốn Mời Em Về” (Việt Dzũng). Một bài Đơn ca khác mà tôi yêu thích là “Bài Thương Ca Tiếng Việt” (Thơ Hà Quang Minh, Nhạc Đức Trí) do cô Bích Hy trình bày với một giọng hát truỳền cảm. Đặc biệt là màn Liên Khúc Dân ca: “Chanh Chua” rất mát mắt với những bộ áo tứ thân rợp màu sắc, do Mai Hương, Kiều Liên, Quỳnh Hoa trình diễn – “Lý Ngựa Tây” ((do anh La Thăng vận bộ đồ cỡi ngựa, ống quần túm trong bít-tất mang giầy nài ngựa của Tây, rất có duyên – “Hò Hụi” một bài dân ca Huế rất dễ thương và gợi cảm, mang nhiều ẩn ý với những câu tượng thanh “ Là Hụ là Khoan nì” rất ư là hấp dẫn do các cô Kim Sơn, Ngọc Lan, Thái Hằng, Ngọc Hoà, và Thy Cúc (ái thê của anh Trương Xuân Mẫn) trình diễn. Họ mặc những bộ đồng phục đầy sáng tạo cộng với các giọng hát dễ thương, cống hiến khán thính giả những giây phút thoải mái.

Đặc biệt là màn múa Quạt rất bắt mắt “Thương Quá Việt Nam” thật nhịp nhàng và ăn khớp do các cô thành viên duyên dáng và gợi cảm vũ.

Cuối cùng chương trình đã dài, vượt qua thời gian đã định nên để kết thúc chương trình, anh Mẫn đã kêu gọi khán giả hát chung qua bài bài đồng ca “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ.” Tiếng hát mọi người nhịp điệu vang vang, phấn khởi với những tiếng vỗ tay rầm rộ.

Phải nói rằng Đoàn Du Ca Bắc California là một nỗ lực phi thường của anh Trương Xuân Mẫn và nhiều thiện nguyện viên mà chính họ cũng là thành viên nhiều nhiệt huyết của Đoàn, có mặt trong mỗi chương trình. Họ phải tự tự lực tự cường, bỏ công sức và tài chánh riêng, may áo và đồng phục cho chính mình cũng như rốt ráo với công việc, gầy dựng một tổ chức được nhiều người ủng hộ và ái mộ, bắt đầu có tiếng vang trong cộng đồng. Thế mà lúc nào, ngoài cuộc sống riêng và gia đình, cũng ráo riết với công việc chung, tìm cách gây quỹ cho Đoàn, nhất là mỗi khi tổ chức chương trình văn nghệ.

Nhưng trong một cuộc đổi đời lớn lao từ Việt Nam sang Mỹ, họ đã phải tạo dựng lại một phong trào trái với xuất xứ của truyền thống Du Ca ở Việt Nam, Đoàn Du Ca Bắc Cali hiện nay đang rất cần những người trẻ tham gia. Như những người tham gia buổi văn nghệ hôm Chủ nhật nhận thấy hai năm nay Đoàn Du Ca Bắc Cali ngoài chuyện thiếu sót trầm trọng các bầu nhiệt huyết trẻ, biết hướng về quê hương, tình trạng nữ thịnh và nam suy có lẽ cũng đã rõ!

Nguyễn-Khoa Thái Anh

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên