Giai thoại nhỏ và một bài học lớn

7
Đại học Stanford University. Ảnh Diary Store

Văn phòng giám đốc đại học Harvard, một ngày cuối thế kỷ 19. Một cặp vợ chồng rụt rè xin gặp ông giám đốc.

Cô thư ký nhìn vẻ quê mùa của hai người khách, chiếc quần sờn gấu của ông và bộ quần áo bình dân của bà, trả lời: ông giám đốc rất bận, chỉ tiếp khách có hẹn. Đúng ra, ông chỉ quen tiếp những trí thức danh tiếng, những người gia thế, có vai vế trong xã hội.

Hai người khách nhất định xin được ở lại chờ, vì có chuyện muốn nói. Xế chiều, ông giám đốc Harvard mới hết khách, xách cặp ra về. Cặp vợ chồng xin được thưa chuyện vài phút.

Ông bà cho hay người con trai duy nhất của họ, sinh viên năm đầu của trường, vừa chết vì bịnh thương hàn, và muốn dựng một cái gì để tưởng nhớ đứa con.

Ông giám đốc thông cảm cái đau buồn của khách, nhưng trả lời: ông bà thử tưởng tượng, nếu mỗi gia đình có tang xây một mộ bia, bồn cỏ nhà trường sẽ thành một nghiã trang.

Ông khách nói: chúng tôi không muốn xây mộ bia. Chúng tôi muốn nhân danh con, xây tặng một giảng đường, hay một nhà nội trú.

Ông giám đốc nhìn bộ quần áo bình dân, vẻ quê mùa của khách, mỉm cười: ông có biết xây một giảng đường tốn hàng trăm ngàn Mỹ kim?

Bà khách nhìn chồng, nhỏ nhẹ: Nếu chỉ có vậy, tại sao mình không dựng luôn một trường đại học?

Hai ông bà ra về. Ít lâu sau, trường đại học Stanford ra đời và trở thành một 3 đại học uy tín nhất thế giới. Ông giám đốc Harvard không biết mình vừa tiếp hai vợ chồng tỉ phú Stanford, vua xe lửa, sau này trở này trở thành Thống đốc California

TRẢ LẠI CHO XÃ HỘI

Giai thoại trên đây về Leland và Jane Stanford được kể đi kể lại, nói lên nhân sinh quan đặc biệt của người Tây Phương, nhất là ở những xứ ảnh hưởng văn hóa Tin Lành (1), với phương châm được dạy dỗ và thấm nhuần từ nhỏ: trả lại cho xã hội những gì đã nhận được của xã hội.

Hai ông bà Jane Stanford. Nguồn Stanford University. Ảnh Diary Store


Khía cạnh văn hóa đó giải thích tại sao ở Hoa Kỳ và Bắc Âu có những nhà tỷ phú như Bill Gates, Warren Buffett, Zuckerberg dành những ngân khoản khổng lồ làm việc từ thiện, tài trợ những dự án có công ích, trong khi ở những xã hội khác, những người giầu có, nhất là mới giầu, chỉ biết khoe của, phung phí một cách lố bịch, nham nhở.

Những ông bà hoàng dầu lửa, keo kiệt, tàn nhẫn với gia nhân, nhất là di dân lao động, không biết dùng tiền bạc làm gì hơn là phòng tắm, cầu tiêu bằng vàng, xây cất những trường đua ngựa vĩ đại với bồn cỏ xanh giữa sa mạc, ở một xứ Hồi giáo cấm cờ bạc, cấm đánh độ.

Những tỷ phú Tàu xây lại lâu đài Versailles hàng trăm phòng cho hai vợ chồng với một cậu cả.

Những ông trời con, những cô bồ nhí của quan lớn ở Việt Nam làm thang máy bằng vàng, xây dinh thự xanh đỏ, Tây không ra Tây, Tàu không ra Tàu, lấy tiền gấp tàu giấy cho con thả chơi.

Những nhà độc tài Phi châu dựng lại nhà thờ Vatican giữa một biển nghèo đói, dùng máy bay riêng chở thợ may, thợ đóng giầy nổi tiếng từ Paris, từ Rome ( Roma ) tới may bộ quần áo giá cắt cổ thứ 200, hay áo lông ( fourrure ) cho các mệnh phụ sống ở những xứ nóng như lửa.

Hai tư duy khác nhau, đưa tới hai xã hội khác nhau : một bên thịnh vượng, tiến bộ, một bên nghèo đói, lạc hậu.

TỪ KINH DOANH TỚI VIỆC NGHĨA

Những nhà triệu phú Mỹ, khi kinh doanh, không ngần ngại dùng bất cứ thủ đoạn nào để thành công, kể cả đánh gục đối thủ cạnh tranh, để chiếm độc quyền. Đó cũng là một khía cạnh của văn hóa Tin lành: không có mặc cảm với tiền bạc, với thương mạị.

Đó là một yếu tố văn hoá, nhưng nó giải thích phần nào cho sự thành công kinh tế của những nước như Hoa Kỳ, Bắc Âu. Văn hoá Tin Lành đã tạo ra những xứ tư bản Tây Phương.
Người Tin lành không che giấu chuyện đã làm ra tiền, coi đó là dấu hiệu của thành công. Gặp người Mỹ, vài giờ sau biết họ lãnh bao nhiêu dollars mỗi năm, có bao nhiêu cái nhà, cái xe

Văn hoá Thiên chúa giáo có mặc cảm với tiền bạc. Không bao giờ người Pháp nói về lương bổng của mình, ít khi phô trương, gần như muốn che giấu nếu thành công trong đời.

Người Mỹ áp dụng những phương pháp hữu hiệu để kinh doanh, để làm giầu, nhưng khi đã thành công rồi, nghĩ tới việc trả lại cho xã hội những gì đã nhận của xã hội.

Khi Bill Gates trình bày với vợ, con về dự án dùng trên 40 tỷ dollars cho Foudation Bill & Melinda Gates, và quyết định chỉ để lại cho mỗi người con 10 triệu (ít quá, khó thành công; nhiều quá, chỉ làm hư con cái ), cả bà vợ và các con đều vui vẻ chấp nhận. Bởi vì họ được dạy dỗ, thấm nhuần văn hoá đó từ nhỏ.

Khi Bill Gates nói về dự án của mình, Warren Buffet đã hưởng ứng ngay, đóng góp phần lớn gia sản kếch sù cho Foudation Gates. Trên 50 tỷ phú, đa số là người Mỹ, đứng đầu là Zuckerberg, đã noi gương Bill Gates

Các trường đại học Mỹ hay Anh đều giầu có, với những ngân sách khổng lồ, ngang với ngân sách một quốc gia nhỏ, mà nhà nước không tốn một xu, bởi vì những cựu sinh viên khi đã thành công ngoài đời đều quay lại, tự nguyện đóng góp. Đối với họ, đó là một chuyện tự nhiên, khỏi cần ai kêu gọi. Không làm, mới là chuyện bất bình thường.

Đơn giản như vậy, nhưng đem áp dụng ở những nước khác, rất khó. Phải bắt đầu bằng sự thay đổi văn hóa, thay đổi tư duy. Và văn hoá, không phải chuyện một sớm một chiều. Đó là chuyện của hàng thế hệ.

Tinh thần ‘’trả lại cho xã hội‘’ giải thích tại sao vai trò của xã hội dân sự cực kỳ quan trọng trong các xã hội Tây Phương. Nó nhân bản hóa các xã hội tư bản.

Ở Hoa Kỳ chẳng hạn, tiêu biểu cho chế độ tư bản, nó xoa dịu những bất công của một xã hội cạnh tranh, mạnh được yếu thua. Đó là hai khuôn mặt mâu thuẫn của tư bản Tây Phương. Mâu thuẫn hay bổ túc lẫn nhau.

Những foundations tư nhân, nhan nhản khắp nơi, với những số tiền nhận được ở khắp nơi gởi giúp, trợ cấp học bổng, chữa bệnh, nghiên cứu khoa học, phát triển nghệ thuật văn hoá, giúp đỡ người nghèo, người sa cơ lỡ vận.

TRUYỀN THỐNG BÁC ÁI

Tại Pháp, nơi người Tin Lành chỉ chiếm trên dưới 3 %, cái tinh thần ‘’ trả lại cho xã hội ‘’ không mạnh như ở Hoa Kỳ hay các nước có văn hoá Tin Lành ở Bắc Âu. Những trường đại học lớn, uy tín nhất của Pháp, những năm gần đây kêu gọi các cựu sinh viên đã thành đạt đóng góp cho trường, nhưng kết quả rất khiêm nhượng.

Không phải một sớm một chiều người ta có thể tạo một truyền thống.

Mặc dầu vậy, tinh thần bác ái ăn sâu tại các nước Thiên Chúa giáo như Pháp, Ý, Tây Ban Nha ( Espagne, Spain ) đã thúc đẩy các xã hội dân sự hoạt động tích cực.

Tại Pháp chẳng hạn, tổ chức Resto du Cœur mỗi năm tặng thực phẩm, bữa ăn cho hàng triệu người. Emmaüs, một tổ chức thiện nguyện do linh mục Pierre lập ra không những giúp đỡ người nghèo, còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người. Một trong những hoạt động của Emmaüs : nhận bàn ghế, TV, tủ lạnh, computers , quần áo cũ của thiên hạ gởi tặng, sửa lại, bán rẻ lấy tiền làm việc nghĩa. Nhân viên của Emmaüs đều là những người gọi là SDF ( Sans Domicile Fixe , Không nhà không cửa, homeless ), theo nguyên tắc dạy người ta câu cá hơn là cho tiền mua cá. Những người điều hành là những người có dư khả năng làm lương lớn trong các hãng tư, nhưng muốn làm việc công ích để đóng góp cho xã hội.

TỪ GIA ĐÌNH TỚI XÃ HỘI

Người Tây Phương, có tinh thần cá nhân chủ nghĩa, nhưng không ích kỷ như chúng ta nghĩ.
Rất nhiều người tích cực và nghĩ đến người khác, coi việc giúp đỡ người khác, cải thiện xã hội là một bổn phận.

Người Việt hy sinh, nghĩ tới người khác nhiều hơn chính mình, nhưng ‘’ người khác ‘’ chỉ luẩn quẩn trong nhà, cha mẹ, vợ chồng, con cái, không ra khỏi ngưỡng cửa gia đình . Gia đình VN chặt chẽ, nhưng xã hội VN lỏng lẻo. Gia đình Tây Phương lỏng lẻo, nhưng xã hội của người ta chặt chẽ. Chữ liên đới, bác ái, huynh đệ không phải là những danh từ trống rỗng trên cửa miệng

Người Việt dành trọng tâm đời mình cho gia đình. Tai họa xẩy ra cho người thân làm tiêu tan luôn đời mình. Mất một người thân, cuộc đời kể như chấm dứt. Ngồi rầu rĩ thương thân, oán phận.

Thái độ của người Tây Phương tích cực hơn. Họ nghĩ tới xã hội. Họ không bi quan yếm thế. Tại họa cá nhân không đánh gục họ, trái lại, trở thành một động lực khiến họ lao đầu vào việc cải tiến xã hội.

OUR CHILDREN”

Hai ông bà Stanford, khi cậu con cưng chết, quyết định: từ nay, tất cả những đứa con California sẽ là con mình. ‘’The children of California shall be our children‘

Ở Pháp, những bà mẹ có con thơ ấu chết vì tai nạn xe hơi, thay vì ngồi than trời oán đất, hay oán thù người gây tai nạn, đã thành lập một hội rất thế lực, Ligue Contre La Violence Routière (Hội chống lại bạo lực lưu thông) hoạt động tích cực đòi quốc hội, chính phủ ban hành những luật lệ hạn chế vận tốc, kiểm soát, trừng phạt những người lái xe sau khi uống rượu, hút cần sa ma túy, mở những lớp về an ninh lưu thông, hỗ trợ các gia đình nạn nhân.

Các nạn nhân khủng bố lập những hội tương trợ các nạn nhân như mình. Một phụ nữ Pháp, thoát chết trong cuộc khủng bố Hồi giáo ở Paris, nói: chưa bao giờ tôi hạnh phúc hơn, vì có một gia đình trên 200 người.

Có người trong gia đình chết vì ung thư, họ lập những hội giúp bệnh nhân ung thư.
Những người cựu SDF, khi có công ăn việc làm, mở hội giúp những người vô gia cư.
Người có con chết vì ma túy, gia đình tan nát vì rượu chè, bỏ tiền bạc, giúp những người nghiện ngập . Họ làm việc đó tận tụy, âm thầm, coi như chuyện đương nhiên, ngạc nhiên khi có người ngạc nhiên trước các nghĩa cử đáng khâm phuc đó.
Những thí dụ đó nhan nhản, ở mỗi góc phố, đếm không xuể.

Thí dụ điển hình nhất là tổ chức Télémathon . Một số gia đình có con bị các thứ bịnh hiếm, không có thuốc điều trị vì không có hãng bào chế thuốc nào bỏ ra những ngân khoản khổng lồ để tìm kiếm, sản xuất thuốc cho một số rất ít bệnh nhân, đã thành lập Télémathon, mỗi năm vận động quyên góp được hàng trăm triệu euros.

Với số tiền đang kể đó, họ lập tuyển dụng các y sĩ, các chuyên viên y khoa nổi danh, mở những laboratoires tối tân để nghiên cứu phương pháp chữa trị, tìm tòi thuốc men. Tiền đóng góp từ khắp nơi gởi về, thường thường là của những người lợi tức thấp, nhưng sẵn sàng giúp người thiếu may mắn hơn mình. Và những người hoạt động tích cực nhất là những người có con cái đã chết vì bạo bệnh, hoạt động để tránh cho người khác thảm kịch của chính mình.

Không quay đầu về quá khứ, tiến về phiá trước, nghĩ đến việc cải thiện xã hội, đó là những yếu tố khiến xã hội Tây phương thành công. Cả về kinh tế lẫn chính trị. Bởi vì dân chủ không phải chỉ xây dựng trên giấy tờ, qua hiến pháp, bầu cử, luật lệ. Nó phải được thực thi, bảo vệ, nuôi dưỡng bởi xã hội dân sự.

CHA CHUNG KHÔNG AI KHÓC

Người VN hy sinh cho gia đình, đó là một đức tính đáng cảm phục. Đó là một điều may, khiến xã hội VN không hoàn toàn băng hoại. Hay xã hội đã băng hoại, nhưng vẫn còn những ốc đảo là hàng triệu gia đình, đang âm thầm cố thủ.

Ngưòi Việt hết lòng với gia đình, nhưng hoàn toàn thờ ơ với xã hội.

Phương châm của người Việt: vườn ai nấy rào. Người ta đốn cây, tôi mặc kệ, vì là cây ngoài đường. Người ta xẻ núi, phá rừng, xây chung cư, khách sạn, tôi ngoảnh mặt đi để tránh vạ lây. Hậu quả là VN được trời cho một giang sơn gấm vóc, ngày nay bị tàn phá một cách thô bạo. Nha Trang, Đà Lạt, Sapa…, những thắng cảnh tuyệt vời đang trở thành những đống xi măng, cốt sắt thô kệch, trưóc sự thờ ơ của mọi người. Cha chung không ai khóc.

Tại các nước Tây phương, các di tích lịch sử được bảo trì một phần lớn nhờ các foundations, các tư nhân. Ở VN, ngược lại, người ta biến của công thành của riêng, không nương tay tàn phá di sản của đất nước để làm giầu, để trục lợi.

Khi nào tình thương, sự liên đới, lòng bác ái, tinh thần trách nhiệm của người Việt ra khỏi ngưỡng cửa gia đình, lúc đó VN sẽ có một xã hội lành mạnh, lạc quan, tích cực. Đủ lành mạnh, lạc quan, tích cực, để xây dựng một chế độ dân chủ đích thực. Để xây dựng lại đất nước đang trở thành một bãi rác, nghĩa đen cũng như nghĩa bóng.

Từ Thức (Paris, tháng 1/2018)

——————–

(1) Bài này không có dụng ý ca ngợi đạo Tin Lành. Tôn giáo nào cũng có ưu và khuyết điểm, sẽ đề cập trong một bài tới

7 BÌNH LUẬN

  1. Ối trời ơi, hoan hô bà chị Ban Mai.
    Lý luận chính xác , văn tự rõ ràng. Thiệt là nhã ngọc phun châu.   
    Đàn anh Austin thấy đấy nhé, nhà cháu không hề có ác cảm với bất cứ ai. Cái gì đáng hoan hô thì hoan hô liền một khi.
    Yêu ai cứ bảo rằng yêu
    Ghét ai cứ bảo rằng ghét
    Dù ai ngon ngọt nuông chiều 
    Cũng không nói yêu thành ghét
    Dù ai cầm dao dọa giết
    Cũng không nói ghét thành yêu.   (trích thơ của Phùng Quán )

  2. Thực ra, ở VN ta ngày nay, đại gia thì nhiều lắm nhưng chẳng mấy người thực sự có tài làm nên sự nghiệp bằng tài năng của mình mà, phần nhiều đều phần nào đó dính dáng đến thân, thế, vai vế,.., nên khi họ trở nên giàu có họ thích khoe của và làm những điều dị hợm và nhất là trong một xã hội đạo Đức duy đồi thì khó tìm người giàu mà có đạo Đức. Cổ nhân có câu”ở bài thì tròn, ở ống thì dài”. Khi ta có một chính quyền tốt, luật pháp công minh, thì xã hội tất thay đổi. Đừng ngồi than vãn, hãy làm một cái gì đó để xã hội thay đổi tốt đẹp hơn.

  3. MỘT TRIẾT LÝ SỐNG

    Con người sống ở giữa đời
    Điều quan trọng nhất vẫn là tư duy
    Trong đầu suy nghĩ những gì
    Nếu luôn hợp lý nhiều khi mới ngầu

    Còn đều buông thả khác đâu
    Chỉ ngang cây cỏ trước làn gió lay
    Toàn đều cảm tính thường ngày
    Có nào trí tuệ có gì tư duy

    Mức cao tuyệt đỉnh triết gia
    Nhưng thường phổ cập vẫn là nhiều hơn
    Như nhà khoa học vẹn toàn
    Ưa điều khám phá ở đời khác sao

    Mới thành sống đẹp trên đời
    Phải cần quan điểm của người tự do
    Tự mình nhận thức thăm dò
    Để thành quan điểm sống đều mới hay

    Nó như nghĩa vụ trong đời
    Cho mình với cả mọi người chung quanh
    Thấy rằng mọi việc chỉ thành
    Điều gì quý nhất ở trong tâm hồn

    Bởi đời luôn mãi đa đoan
    Điều gì hoài giữ mà toàn mất đi
    Phủi tay nhắm mắt còn gì
    Công danh vật chất có đem theo nào

    Hóa thành trí tuệ mới cao
    Hoặc toàn tình cảm hướng vào tha nhân
    Đều luôn hai thứ vốn cần
    Mãi luôn quý giá ở trong luân thường

    Sống toàn hoạt động luôn luôn
    Chỉ khi ngừng hẳn mới thành chết thôi
    Cho nên quan điểm ở đời
    Sống điều hữu lý mới người tự nhiên

    Tùy theo tài bộ nhãn tiền
    Mà nhằm thể hiện mọi miền nhân gian
    Có cần chi phải vội vàng
    Mà tùy hoàn cảnh vẫn toàn thế thôi

    Nhưng cần tin ở mệnh Trời
    Song hoài tự chủ là do bởi mình
    Đừng mà theo kiểu linh tinh
    Mây trôi bèo giạt quả tình ra chi

    Người đời ích kỷ thường khi
    Bo bo chỉ biết lợi mình hơn ai
    Nhưng lòng khoáng đạt mới tài
    Tâm hồn độ lượng mới toàn vị tha

    SUỐI NGÀN
    (06/02/18)

  4. Bởi vậy cộng sản mới khai thác được sự thờ ơ với xã hội này của những quốc gia có truyền thống gia đình của những người Á châu như Ba Tàu, Việt Nam, Bắc Hàn, và chẵng làm nên trò trống gì trong những nước có khuynh hướng xã hội, cho dù cộng sản tuyên truyền là cho xã hội.

  5. Phần đầu của câu chuyện về vợ chồng Stanford ăn mặc quê mùa và bị viện trưởng Harvard hắt hủi, là chuyện mới được lưu hành trên internet cỡ chục năm trở lại đây thôi (theo kiểu chuyện Chicken Soup for the soul). Lelan Stanford con nhà gia thế, là một luật sư, chính trị gia, và vào thời điểm Stanford (có thể đã) gặp xếp của Harvard, Stanford đã là một trong vài chục đại gia nổi tiếng nước Mỹ. Lúc ấy ở Mỹ, giới ưu tú cỡ Stanford không có bao nhiêu người. Những tấm hình của Leland Stanford, vào thời điểm được coi là ổng gặp xếp của Harvard, kể cả những tấm chụp lúc tình cờ chứ không phải diện cho láng để chụp chân dung, cho thấy ổng rất bệ vệ, to lớn, sang trọng, đúng điệu đại tư bản.

    Chuyện Stanford gặp viện trưởng của Harvard có thể đã xảy ra, nhưng với lý do khác. Tài liệu chính thức của đại học Stanford cho biết lúc ấy Lelan Stanford muốn xây một đại học ở miền bắc California, cho nên ổng đã đi gặp một loạt viện trưởng nổi tiếng ở miền đông để tham khảo ý kiến chứ không phải để cho tiền. Hồi ấy California chưa ra đâu vào đâu, mới có UC Berkeley còn rất non nớt rập theo khuôn mẫu của University of Michigan. Và miền nam có USC mới ra lò 5 năm trước Stanford, cả đại học USC lúc ấy có cỡ trăm sinh viên thôi. Còn Caltech và UCLA chưa có.

    Trừ phần “nhập đề” đầy kịch tính này, phần còn lại của bài viết rất lôi cuốn và thâm thúy. Tôi viết ý kiến này vì khoái tác giả Từ Thức chứ chẳng muốn “sửa lưng” ai.

    • Nội dung bài viết có rất nhiều điều đáng để cho người Việt suy ngẫm.

      Nhưng, như Chạy Ngang đã dẫn chứng (nguyên nhân sự gặp mặt giữa ôb Stanford và sếp Harvard có thể, và rất có thể, gần với sự thật hơn là mẩu chuyện mở đầu) Nên, tạm coi đó là một ẩn dụ về tính cách “sòng phẳng”. Nhận thì nên trả, là mẩu mực đời sống. Xa hơn, đó là đạo lý.

      Có điều, nếu ngược dòng lịch sử Mỹ thì lúc lập quốc người Mỹ đã dã man như thế nào với người bản xứ (cho dù tác giả có nhắc thoáng qua) nhưng vì chủ đích bài viết là muốn đánh thức giá trị nhân bản trong xã hội VN, liên hệ với thực trạng “túí tham không đáy” của bọn đại gia Đỏ.

      Nhìn lại, VN chưa thể có Bill Gates, Warran Buffet hay Zuckerburg được. Đơn giản là mọi người đang phải tranh đấu tìm miếng ăn trước đã. Cứ hình dung như thời kỳ hoang dã, sống bầy đàn rồi mới tiến đến tư hữu. Rồi từ tư hữu đến tư bản. Vì thế khi những Bill Gates… không biết làm gì cho hết tiền mới tiến đến chủ nghĩa vị nhân sinh. Đương nhiên đây là việc rất cao quý, phải ca ngợi!

      Trở lại với bọn tư bản Đỏ, họ vừa thoát ra từ bưng biền nên chủ trương cướp để làm giàu, có khác không với thời kỳ Mỹ lập quốc? Cho nên điều cần đánh thức lương tâm người Việt, đúng hơn là Việt cộng, là đừng có mở miệng ra là dạy về đạo đức nhưng lại chủ trương ăn cướp. Cái đễu cáng nằm ở đó!

      Còn tình cảm gia đình Việt gắn bó nhưng thờ ơ với xã hội như đang/vẫn? Vì cha mẹ chấp nhận đói để con được no, được ăn học. Vì thế khi thành công, suy nghĩ đầu tiên là phải trả ơn. Nên vơ vét càng nhiều càng tốt! Kể cả trả ơn khi họ đã chết! Hãy nhìn cách xây mồ mả của một làng ở gần Huế, hay ở Du Sinh, Đà Lạt. Chính cha mẹ cũng nghĩ như vậy (đương nhiên không phải tất cả) Trong khi đó, với xã hội phương Tây, thì dù cha mẹ có nghèo cũng được xã hội chăm sóc!

      Hơn thế nữa, giáo dục phương Tây xây dựng tinh thần độc lập cho tuổi trẻ ngay từ đầu nên sự ràng buộc bổn phận không như VN. Vì thế khi thành đạt họ có khuynh hướng vị tha hơn cũng là lẽ thường.

      Còn nói đến quan điểm Thiên Chúa , Tin Lành? Từ khi Adam và Eva phạm tội Kinh Thánh cho biết là “các người phải đổ mồ hôi ra mới có mà ăn”! Đó là mỗi người phải tư lo liệu lấy thân.

      Vậy thì, nội dung viết chúng ta cần suy ngẫm. Còn với Việt cộng thì, xin lỗi, nói chuyện đạo đức với họ chỉ như đem đàn gãy tai… !

      Đã quá dài cho một còm. Xin ngưng.

      (chữ tô đậm nhưng ko sửa được, sorry)

BÌNH LUẬN

Please enter your comment!
Tên